Kí ức về người Nhật và quân đội Nhật : Tư liệu Hồi kí – Số 0

Mấy lời phi lộ

Mọi phân tích xin để lại sau này, tức là sau khi đã khởi đăng loạt bài dài kì này với chủ đề Kí ức về người Nhật và quân đội Nhật trong thời gian tham chiến tại Đông Dương và Đông Nam Á. Về địa bàn thì trung tâm là Việt Nam, và có mở rộng sang các nước Đông Dương và Đông Nam Á khác.

Kí ức có thể được kể bằng lời hoặc có thể được viết ra dưới dạng hồi kí. Kí ức cũng có thể được gửi gắm vào những tác phẩm nghệ thuật, như văn học, hội họa, âm nhạc, vân vân. Kí ức cũng có thể được lưu trong không gian: trên cánh đồng, dưới dòng sông, hay trong mỗi nhành cây ngọn cỏ. Kí ức cũng có thể mãi mãi được lưu giữ một cách trầm mặc trong não bộ của các nhân chứng và không bao giờ được phát ngôn. Lại cũng có người nói: kí ức được mã hóa vào một trung tâm lưu giữ kí ức của toàn nhân loại, và các nhà ngoại cảm, dưới sự giúp đỡ của Phật Quan Âm, sẽ tiếp cận được với trung tâm ấy để kể lại cho chúng ta những chuyện của quá khứ.

Trước hết, loạt bài dài kì Kí ức về người Nhật và quân đội Nhật trong thời gian tham chiến tại Đông Dương và Đông Nam Á này sẽ sử dụng tư liệu dạng hồi kí.

Về khung thời gian gọi là "quân đội Nhật trong thời gian tham chiến tại Đông Dương và Đông Nam Á", chúng tôi tạm định là từ 1940 đến khoảng 1946. Tất nhiên, sẽ xác nhận lại sau khi tổng kết loạt bài khởi đăng từ hôm nay.

Các hồi kí hay ghi chép dạng hồi kí của các tác giả sau dự định được sử dụng ở loạt bài này: Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh, Trần Như Mân, Nguyễn Hiến Lê, Đặng Thai Mai, Hoàng Văn Hoan, Nguyễn Hữu Hanh, Nguyễn Đăng Mạnh, vân vân. Với mỗi tư liệu sẽ có một phần giới thiệu vắn tắt, và sau đó là phần trích dẫn.

Lưu ý duy nhất: chúng tôi chỉ sử dụng và trích dẫn phần có liên quan đến người Nhật và quân đội Nhật trong các hồi kí hay ghi chép dạng hồi kí nêu trên, và không có bất cứ liên quan gì đến ý đồ mang tính chính trị của các tác giả.