Lại về Enka : Trịnh Công Sơn với Nhật Bản, và sợi dây thun

Mình vẫn đang tạm làm cái công việc buồn tẻ: đi lượm những mảnh lẻ hiểu biết của người Việt mình về Enka của Nhật Bản, kiểu như cách "anh hãy nhặt từng hạt cát trên vạt áo của người nông dân Nga để ghép chúng thành sa mạc cách mạng Nga vĩ đại" mà bác Bi-ê-lin-xki đã dạy (mình không dám chắc về câu trích dẫn này, vì được học ở trường cấp 2, lâu quá rồi ! Nếu mà nhớ nhầm thì sẽ sửa lại sau).

Hôm nay, lượm được một mẩu nhỏ về Enka từ bài "Màng nhĩ hay yên ngựa" của bác nhà văn Đào Hiếu (xem đường link ở cuối entry này). Toàn bài ấy, bác Đào Hiếu viết để gửi anh Trương Thái Du (bài của anh về Trịnh Công Sơn đã nhắc đến trong một entry trước thuộc blog này). Bác Trương nhà em cũng đã có lời thưa lại với bác Đào, và dư luận bạn đọc thì cũng khá nhộn nhịp đấy. Nhà em bỏ qua hết những cái ấy, vì vừa không liên quan lại vừa không dám liên can, mà, chỉ dám chú ý đến cái đoạn sau đây mà bác Đào Hiếu viết về Enka .

Chẳng hiểu sao, đọc cả cái bài của bác Đào Hiếu, rồi xoáy vào cái chỗ về Enka, mình cứ thấy trong đầu hiện ra hình ảnh: con gà trống khạc mãi không ra sợi dây thun, hay, nói khác đi là, sợi dây thun cứ lao lên lao xuống trong cái diều chật hẹp của con gà trống mà không phòi ra ngoài được. Bác nào đã đọc văn chương, nhất là những thiên truyện tự phê phán, của bác Đào, thì sẽ hiểu thôi mà, ấy là cái con gà và sợi dây cao su đấy.

Ngày trước, không biết đọc ở đâu chi tiết này, hình như là văn của Nguyễn Ngọc Bội thì phải (bác này viết rất hăng về phong trào hợp tác xã hóa nông thôn đấy, chắc là nhà bác Bội ở gần cái sân gạch của bác Đào Vũ): một con lợn nái của một hộ cá thể chưa vào hợp tác xã, sinh được những hơn chục con, mới được ít ngày, con còn đỏ hỏn, chẳng may mẹ ăn phải dây thun, tức dây cao su, quặn ruột mà chết, để lại cả bầy con !

Thôi, chẳng nói dông dài nữa, kẻo người ta bảo vớ vẩn quen cái thói. Chứ thật ra, dông dài tí chút, chẳng qua là để xả bớt sờ-trét thôi mà. Sờ-trét được tạo ra bởi những hàng chữ dây thun của bác Đào Hiếu ấy mà.

Từ đấy trở xuống là trích đoạn về Enka và chị Tendo (béo) trong bài của bác Đào Hiếu.

*

Tôi không biết Yoshimi Tendo là ai, là ca sĩ “sến” hay ca sĩ hàn lâm nhưng tôi đã nghe chị hát một ngàn lần trên nền nhạc đệm của một tay piano tài hoa (có lẽ từng đệm nhạc cho Đức Mẹ Vô Nhiễm trên thiên đường). Tôi đã nghe và tưởng như mình đang ở trong thánh đường.

Giọng của Yoshimi Tendo (天童 よしみ) rất huyền ảo, sang cả, có thể sánh ngang với Bạch Yến của Việt Nam. Chỉ có những kẻ lòng trĩu nặng hận thù và đầy ác ý (tại sao lại như vậy?) mới có thể vô lễ với Trịnh Công Sơn và Yoshimi Tendo đến như vậy.

Có thể có người không đồng ý với tôi về giọng ca của Yoshimi Tendo nhưng chị đã được một tay piano tài hoa như thế đệm đàn, chứng tỏ giọng ca của chị không phải tầm thường.

*

Nguồn:

Trên website của bác Đào Hiếu: http://daohieu.com/website/index.php?pg=tv&id=587 (ảnh ở entry này cũng là lấy từ đây)

Bài của bác Đào Hiếu và dư luận: http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.gnynjnf.bet/=3fc=3…