Tưởng nhớ Hải Sâm (1975-2010) : Những nơi này em đã tới

Hải Sâm, mà tôi vẫn gọi một cách thân mến là "Quê" hay "em Quê", đã đột ngột từ trần. Quá bất ngờ, và quá đau xót ! Tôi đã không tin, không hề tin, cho đến khi nghe được Hương (từ Lào Cai) và Nghé (từ Nha Trang, http://vn.360plus.yahoo.com/Trinh-Mai) báo qua điện thoại cho biết vào chiều ngày hôm qua (24/3/2010). Khi đó, tôi đang ở Bắc Giang.

Em ra đi, giữa tuổi thanh xuân.

Em ra đi, để lại hai con thơ, mà con gái của em mới chưa tròn 2 tuổi, vẫn còn chưa gọi sõi "Mẹ ơi" (cháu còn đang đọc ngọng thành "Mèo ơi").

Em ra đi, bỏ lại đây một trang blog (xin gửi lời chia buồn tại đây: http://vn.360plus.yahoo.com/haisam_tb/article?mid=506).

Em ơi, em vĩnh viễn ra đi thật rồi, sẽ không bao giờ trả lời được comment của anh và bè bạn như chỉ vài hôm trước !

Ảnh:  Nữ nhà báo Hải Sâm, ở Sapa (ảnh lấy từ blog của Sâm)

Ảnh: Hai cháu, con của mẹ Hải Sâm, thật đau xót, giờ đã mồ côi mẹ mất rồi !

Hôm nay, Hương (http://vn.360plus.yahoo.com/maihuongblc) báo cho mọi người biết: Hương và Quý (http://vn.360plus.yahoo.com/quydotrong) đã ngồi rất lâu bên mộ em, nói chuyện với em, để em bớt hoang lạnh và cô đơn ở trong lòng đất !

Quý là người bạn blog đã từ Sài Gòn, vượt gần 2000 km đến để bên Hải Sâm, nhưng không kịp (khi Quý đến, Hải Sâm vừa ra đi).

Anh nén đau, lau dòng nước mắt cứ ngấn ngấn rỏ xuống không ngớt mấy ngày qua, để đi tìm em khắp chốn trên cao nguyên và trung du Lào Cai.

Lào Cai của em, mà anh thường gọi đùa với em là "Lao Kay", trước năm 2000, anh đã đi kha khá. Nào Mường Khương, Bắc Hà, Bảo Yên, Bảo Thắng, Văn Bàn, Sa Pa, Bát Xát, tất cả các huyện ấy, anh cũng đã có dịp ghé bàn chân mình qua. Nơi ở 2 tuần như một làng người Nùng Phàn Sình ở Mường Khương, nơi chỉ ở 3 đêm như nhà trưởng bản người Mèo ở Sa Pa.

Bởi vậy, anh xem tư liệu của em còn lại trên lướt trời intenet, mà biết được từng nơi từng nơi em đã đến, đã trò chuyện với bà con dân tộc ít người ra sao, đã ghi hình họ sinh hoạt và làm việc như thế nào. Em là nữ phóng viên ảnh, sống và tác nghiệp bằng ống kính. Nay, anh muốn lưu lại ở đây những tác phẩm mà em để lại cho đời.

Dù tác phẩm của em chưa nhiều, nhưng ở mỗi tấm ảnh, mỗi bài viết, anh đều nhận ra Hải Sâm. Hồn hậu, vui tính (nhắng một chút), và không kém sắc sảo.

Hình ảnh em, lời của em trên blog, tất cả, sẽ mãi mãi còn lại trong trái tim của chúng tôi, những người bạn của em, dù chưa một lần gặp mặt ở ngoài đời !

Từ đây trở xuống là trích giới thiệu tác phẩm của Hải Sâm ! Lời chú thích ảnh cũng là của em nữa !

Ảnh: Bình yên thôn bản vùng biên giới Pha Long

(nguồn: http://www.baolaocai.vn/Index.asp?tabid=10&CategoriesID=222&NewsID=19564)

thieunuDaotuyen.jpg

Ảnh: Thiếu nữ giữa mùa xuân (Tết của người Dao Tuyển)

(nguồn: http://portal.laocai.gov.vn:2009/home/vn/news/pages/viewnews.aspx?nId=19177&cid=42&g=29%3B586%3B594%3B53%3B31%3B597%3B)

Ảnh: Công trình nước hợp vệ sinh tại Làng thanh niên lập nghiệp Trịnh Tường (Bát Xát)

(nguồn: http://www.baolaocai.vn/Index.asp?tabid=10&CategoriesID=159&NewsID=28036)

Ảnh: Cô và trò vùng cao

(nguồn: http://portal.laocai.gov.vn:2009/sgddt/vn/news/pages/viewnews.aspx?nId=177&cid=75&g=24%3B)

 

04/03/2008

Đi chợ vùng cao Si Ma Cai

Từ Thành phố Lào Cai đến "cao nguyên đá" Si Ma Cai chặng đường dài gần 100 cây số. Con đường ngoằn ngoèo men theo những triền núi đá chìm trong biển sương mù đặc quánh. Sau gần 4h đồng hồ trên xe, phố Huyện Si Ma Cai hiện ra thấp thoáng trong sương.

Si Ma Cai là cùm từ đọc chệch của cụm từ "Xênh Mùa Ca", tiếng địa phương có nghĩa là "Chợ ngựa mới". Đã từng đến với Si Ma Cai, chắn chắn không thể không đến chợ một lần cho biết ở Si (cách gọi của đông bào về địa danh Si Ma Cai) có ba phiên chợ mang đậm nét văn hoá đó là chợ Sín Chéng họp vào thứ 4, chợ Cán Cấu họp vào thứ 7, chợ Si Ma Cai họp vào chủ nhật hàng tuần. Ồn ào, náo nhiệt, rực rỡ sắc mầu là đặc trưng của những phiên chợ nơi đây. Người dân đi chợ từ sáng sớm và nhiều khi về đến nhà lúc trời chạng vạng tối. Trước đây, ngựa là phương tiện chủ yếu khi đồng bào xuống chợ nhưng giờ đây cuộc sống đã khá hơn, đường giao thông nông thôn mở đến các thôn bản, nhiều người đã đến chợ bằng xe máy. Chợ bày bán đầy đủ hàng hoá, tạp phẩm, nông sản, vật nuôi và nhiều nhất vẫn là hàng thổ cẩm do bà con làm và một số mặt hàng kim chỉ, vải từ Trung Quốc mang sang. Mỗi chợ đều có một mặt hàng "nổi tiếng" như phiên chợ Sín Chéng với trứng vịt địa phương quả to, thơm ngon mà mỗi khi đến chợ nhiều người từ nơi khác đến đều mua vài chục quả về ăn và làm quà. Phiên chợ Cán Cấu với những chú trâu béo tròn, từ lâu nay cái tên "chợ trâu Cán Cấu" là câu cửa miệng khi người ta nhắc đến phiên chợ này.

Hấp dẫn hơn cả vẫn là phiên chợ Si Ma Cai họp nơi Phố Cũ (trung tâm huyện trước đây). Đã từ lâu, chợ Si Ma Cai là nơi mua bán, trao đổi hàng hoá của bà con các dân tộc trong huyện và của những người buôn bán đến từ Trung Quốc qua lối mở Bến Mảng. Chợ họp từ chủ nhật nhưng từ chiều thứ 7 đồng bào dân tộc từ làng trên bản dưới, từ bên kia bên giới đã lục đục kéo về Phố Cũ. Những chảo thắng cố bắt đầu được chuẩn bị cho phiên chợ ngày mai. Thắng cố là món đặc sản được ưa chuộng nhất chợ. Người vùng cao đi chơi chợ thì đúng hơn, có khi họ chẳng mua gì, cũng chẳng mang thứ gì để đổi hàng hoá, mà chỉ đi khắp chợ ngó nghiêng ngắm nhìn. Mọi người, nhất là đàn ông, cứ đi chợ chắc chắn phải ghé vào hàng thắng cố. Tại đây, họ trò chuyện, hỏi thăm sức khoẻ, công việc, bàn chuyện làm ăn… .Bên hát thắng cố là những chén rượu ngô thơm lừng được rót ra, người vùng cao "gặp bạn là gặp rượu", những chén rượu ngô là kết tinh từ sản phẩm lao động một nắng hai sương của người dân nơi những hốc đá cao trên núi. Chính vì thế, giọt rượu nơi đây đậm đà hơn những nơi khác. Món thắng cố không chỉ là món yêu thích của người Si Ma Cai mà nó còn là điểm dừng chân của người Miền xuôi mỗi khi đến chợ.

Chợ tan khi trời đã về chiều, những chàng trai Mông chếnh choáng trong men say lên ngựa ra về, người vợ đi trước dắt ngựa mặt rạng ngời hạnh phúc. Con người Si Ma Cai là vậy, chân chất, giản dị nhưng cũng rất nồng nàn như chén rựu ngô nơi phiên chợ.

Bài và ảnh Hải Sâm
(Báo Dân tộc thiểu số Miền núi số 2 tháng 1 năm 2008)

(nguồn: http://cema.gov.vn/modules.php?name=News&op=Print&mid=1372)

 

Entry cuối cùng của Quê trên blog có đoạn tự giễu mình, thật là một cô gái vui tỉnh:

"Mình cũng muốn vào hội lắm chứ để cho bằng bạn bằng bè (mà nhất là bằng mặt được với mấy đồng nghiệp trong phòng) nhưng tiêu chuẩn vào hội cũng rất cao. Hoặc là phải có ảnh đẹp tham gia các cuộc thi. Nói thật cái món này mình “lơ ngơ như bò đội nón”. Máy ảnh thì không đến nỗi tồi, cũng thuộc hệ bán chuyên nghiệp nhưng khốn nỗi có nắm được kỹ thuật đường nét, bố cục, ảnh sáng khỉ gió gì đâu. Chỉ chụp gọi là có ảnh minh họa cho bài viết, nhiều khi cái chụp chơi chơi thì đẹp long lanh, cái cần thì hỏng. Thế mới đau, mơ làm sao vào được chi hội nhiếp ảnh mà trở thành hội viên."

Tin của Đài tiếng nói Việt Nam VOV (giống như tin đã đưa trên báo Lào Cai):

Cập nhật lúc : 11:12 PM, 24/03/2010

Một nữ nhà báo thiệt mạng do tai nạn giao thông
 
 
(VOV) – Đó là nữ nhà báo Đỗ Thị Hải Sâm, sinh ngày 2/9/1975, phóng viên Báo ảnh Lào Cai dành cho đồng bào các dân tộc (tỉnh Lào Cai).
 
Vụ tai nạn xảy ra lúc gần 12h ngày 22/3/2010 trên đại lộ Trần Hưng Đạo (khu đô thị mới Lào Cai – Cam Đường, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai).

Theo những người cùng đi với nhà báo Hải Sâm và qua điều tra của Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Lào Cai ngay tại hiện trường xảy ra vụ tai nạn: Trên đường đi xe máy từ tòa soạn báo Lào Cai về nhà nghỉ trưa ở phường Kim Tân, tới đoạn đường qua khu vực ngã ba rẽ vào đường B3 hơn 100 m hướng Cam Đường – Lào Cai, chị Sâm đang đi đã bị một đối tượng nam (không rõ danh tính) đi xe máy cùng chiều phóng nhanh, vượt ẩu (cố tình vượt phía phải) va chạm rất mạnh vào xe của chị Sâm.
Hậu quả làm cho chị Sâm bắn khỏi xe và bị thương nặng phải đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa số 1 tỉnh Lào Cai và đã qua đời lúc 14h 15 phút chiều 24/3 do vết thương rất nặng ở vị trí hiểm sau gáy. Đối tượng đi xe ẩu nêu trên cũng bị gãy xương hàm và gia đình cũng phải đưa xuống Hà Nội điều trị ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra.
Trước đó một ngày, vào lúc 13h ngày 21/3 tại quốc lộ 279 qua địa phận xã Vĩnh Kiên, huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai) cũng xảy ra vụ tai nạn xe máy nghiêm trọng do 2 xe máy đấu đầu vào nhau làm một người bị chết tại chỗ và 2 người bị thương nặng phải đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên./. 
 

Phạm Ngọc Triển

(nguồn: http://vovnews.vn/Home/Mot-nu-nha-bao-thiet-mang-do-tai-nan-giao-thong/20103/138718.vov)