Tôi không có kẻ thù ! — Diễn từ Nobel Hòa bình (vắng mặt) của Lưu Hiểu Ba

Lời dẫn: Thường thì, tại lễ trao giải Nobel, mỗi người nhận giải sẽ có một bài nói chuyện (bằng chính tiếng mẹ đẻ của mình). Bài nói chuyện ấy, lâu này, trong tiếng Việt được chuyển dịch là "diễn từ", hay "diễn từ Nô-ben".

Năm 2010, chủ nhân của giải Nobel Hòa Bình, là bác Lưu Hiểu Ba, do đang bị tù giam ở Trung Quốc, mà không đến được lễ trao giải. Cũng không có ai đến nhận thay cho anh (vợ, luật sư, và những người có khả năng thay anh, đều bị cấm xuất cảnh).

Tuy nhiên, diễn từ của Lưu Hiểu Ba vẫn vang lên tại buổi lễ. Một người đã đọc thay Lưu Hiểu Ba một bài viết qua bản dịch tiếng Anh, bài đó được xem là diễn từ của anh.

Bản gốc tiếng Trung có nhan đề là  我沒有敵人——我的最後陳述 , tức "Tôi không có kẻ thù : Lời thuật cuối cùng của tôi", được Lưu Hiểu Ba viết vào ngày 23/12/2009, và đăng trên báo vào ngày 22/1/2010.

Bản gốc này đã được dịch sang tiếng Anh và tiếng Na-uy. Bản dịch tiếng Anh có tiêu đề "I Have No Enemies: My Final Statement", toàn văn ở đây.

Bản dịch tiếng Việt ở dưới đây là của một ai đó, tôi không rõ, được thực hiện từ bản tiếng Anh, mà không phải từ bản gốc tiếng Trung.

Tạm xếp vào đây, khi nào có thời gian rảnh, tôi sẽ dịch lại từ bản tiếng Trung.

TUYÊN BỐ TỐI HẬU CỦA TÔI

LƯU HIỂU BA – 23/12/2009

 

Tháng sáu năm 1989 là một bước ngoặt quan trọng trong đời tôi. Tôi đã từng là một giáo sư khả kính, một nhà trí thức công cộng, được mời phát biểu ở nhiều nơi, kể cả ở Châu Âu và Hoa Kì. Trước sau như một, tôi luôn luôn tự đòi hỏi mình phải phát biểu trung thực, chịu trách nhiệm về lời nói của mình và giữ đúng phẩm cách – trong cuộc sống cá nhận cũng như trong trước tác. Năm 1989, tôi rời Hoa Kì về nước để tham gia phong trào [sinh viên vì dân chủ, rốt cuộc đã bị đàn áp đẫm máu ngày 4 tháng sáu]. Tôi đã bị bỏ tù vì “ tội tuyên truyền và xúi giục những hoạt động phản cách mạng ”. Thế là tôi mất luôn chức danh giáo sư mà tôi rất gắn bó, mất luôn khả năng công bố và phát biểu công khai ở Trung Quốc. Một giáo sư bị mất chức, một tác giả bị tước quyền phát biểu, một trí thức bị phủ nhận mọi khả năng phát biểu trước công chúng… dù là với tư cách cá nhân hay là để xây dựng một nước Trung Quốc mở cửa ra thế giới và cởi mở với các cuộc cải cách, suốt ba mười năm chỉ vì đã công khai đưa ra những chính kiến khác và đã tham gia một phong trào dân chủ hòa bình, thật là bi ai !

Hai mươi năm sau, những oan hồn của đêm mồng 4 tháng sáu vẫn chưa được yên nghỉ. Còn tôi, vì chọn con đường chính kiến khác sau sự kiện 4-6, nên ở trại giam Tần Thành ra, năm 1991, tôi đã bị tước quyền phát biểu công cộng trên đất nước của chính mình ; tôi chỉ có thể phát biểu trên các media ngoại quốc, với cái giá phải trả là bị theo dõi trong suốt nhiều năm, rồi bị quản chế (từ tháng năm 1995 đến tháng giêng 1996) sau đó là bị đưa vào trại lao cải (từ tháng mười 1996 đến tháng mười 1999). Hôm nay, tuổi ngoài 50, một lần nữa tôi bị ấn xuống hàng ghế bị cáo bởi một chính quyền bị ám ảnh bởi ý niệm “ kẻ thù ”. Song dù sao chăng nữa, với cái chế độ đã cướp đoạt tự do của tôi, tôi muốn nói với họ rằng tôi vẫn giữ vững niềm tin mà tôi đã biểu thị trong tuyên bố tuyệt thực ngày 2 tháng sáu hai mươi năm về trước : tôi không có kẻ thù và cũng không căm thù. Những nhân viên công an đã theo dõi tôi, bắt giữ và tra hỏi tôi, những kiểm sát viên đã khởi tố tôi, những quan tòa đã kết án tôi đều không phải là kẻ thù của tôi. Tôi không chấp nhận bị theo dõi, bị bắt giam, bị khởi tố, bị kết án, song tôi tôn trọng nghề nghiệp và nhân thân của tất cả những viên chức ấy, trong đó có những quan chức của viện kiểm sát, ngày 3 tháng chạp mới đây, đã tỏ ra trung thực và tôn trọng đối với tôi.

Bởi vì căm thù có thể làm biến chất trí khôn và sự sáng suốt ; hệ tư tưởng địch-ta có thể làm nhiễm độc đầu óc của nhân dân, kích động những sự tranh giành vô độ, hủy hoại sự khoan hòa và lý trí của xã hội, ngăn cản không cho dân tộc vươn tới tự do và dân chủ. Vì thế mà tôi mong muốn vượt qua số phận cá nhân mình để chú tâm trước hết vào sự phát triển của đất nước, vào tiến trình của xã hội, ứng phó với sự thù nghịch của chính quyền bằng tấm lòng đại lượng để hóa giải căm thù trong tình thương.

Người ta thường cho rằng chính nhờ đường lối cải cách và cởi mở mà đất nước ta đã phát triển, xã hội ta đã tiến hóa. Theo tôi, sự cởi mở đã bắt đầu ngay khi từ bỏ chủ trương “đấu tranh giai cấp là thống soái” của thời Mao. Ngay từ lúc đó, đã tập trung nỗ lực vào sự phát triển kinh tế và hài hòa xã hội. Sự từ bỏ đấu tranh giai cấp, trong chừng mực nào đó, đã dẫn tới một sự khoan hòa nhất định, sự chung sống hòa bình giữa những lợi ích và giá trị khác nhau. Kinh tế đã hướng về thị trường, văn hóa trở thành đa dạng hơn, việc duy trì trật tự đã từng bước tuân thủ pháp luật. Có được những điều ấy là nhờ quan niệm “kẻ thù” đã phai mờ đi. Ngay cả trong chính trị là lãnh vực chậm tiến bộ nhất, chính quyền đã tỏ ra khoan hòa hơn đối với sự đa dạng trong xã hội, đã giảm bớt sự trấn áp đối với những tiếng nói bất đồng và thay đổi tên gọi sự kiện 1989, từ “phản loạn” trở thành “rối loạn chính trị”.

Sự suy giảm quan niệm về kẻ thù phải đánh đổ khiến cho chính quyền từng bước chấp nhận tính chất phổ quát của các quyền con người. Năm 1998, chính phủ Trung Quốc đã hứa hẹn với thế giới là họ sẽ phê chuẩn hai công ước quốc tế lớn của Liên Hiệp Quốc về các quyền con người [trong đó có Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị], đó cũng là một cách tương trưng để công nhận các giá trị ấy. Năm 2004, Quốc hội đã sửa đổi Hiến pháp bằng cách, lần đầu tiên, ghi câu này vào Hiến pháp : “ Nhà nước tôn trọng và bảo hộ các quyền con người”, tỏ ra rằng các quyền con người đã trở thành một nguyên tắc cơ bản của luật pháp Trung Quốc. Đồng thời, chính quyền đã nhấn mạnh sự cần thiết phải đặt “con người ở trung tâm” đường lối chính trị của mình, phải “tạo ra một xã hội hài hòa”, tất cả những điều này là bước tiến trong quan niệm của Đảng cộng sản về chính quyền.

Bản thân tôi đã cảm nhận những thay đổi ấy từ ngày tôi bị bắt. Tôi vẫn cho rằng tôi vô tội và nói rằng những lời cáo buộc tôi là vi hiến, nhưng trong thời gian một năm qua bị giam cầm, trải qua hai nhà tù và các cuộc thẩm tra của 4 công an, 3 kiểm sát và 2 thẩm phán, phương pháp của họ vẫn tỏ ra kính trọng, không bao giờ họ vượt quá thời hạn hỏi cung và họ không hề ép cung. Thái độ của họ là ôn hòa, chừng mực, thậm chí nhân hậu. Ngày 23 tháng sáu, tôi được chuyển từ nơi quản chế sang Trại giam 1 Bắc Kinh, là nơi năm 1996 tôi đã bị giam giữ, tại đây tôi đã nhận thấy nhà cửa, thiết bị cũng như phương pháp quản lý đã có những cải thiện đáng kể.

Qua kinh nghiệm bản thân, tôi càng tin tưởng rằng những tiến bộ chính trị ở Trung Quốc sẽ không ngừng ở một chỗ. Tôi thực sự lạc quan về sự xuất hiện một nước Trung Quốc tự do trong tương lai, bởi vì không một sức mạnh nào có thể ngăn chận được khát vọng tự do của con người. Trung Quốc cuối cùng sẽ trở thành một Nhà nước pháp quyền, đặt quyền con người lên hàng đầu. Tôi cũng hi vọng rằng những tiến bộ ấy sẽ thể hiện trong việc xử lí hồ sơ của tôi ; tôi mong rằng các hội thẩm viên sẽ tuyên án một cách công chính – một bản án có thể đứng vững trước tòa án của Lịch sử. Nếu tôi phải tìm xem trong hai mươi năm qua, điều gì là trải nghiệm tốt đẹp nhất của tôi, thì đó là tôi đã nhận được mối tình vô tư trong sáng của vợ tôi, Lưu Hạ. Vì vậy mà tôi viết những dòng thư này cho Lưu Hạ :

Hôm nay, em sẽ không được dự phiên tòa xử anh, nhưng anh muốn nói với em, em yêu quý của anh, anh tin chắc rằng tình yêu mà em dành cho anh vẫn không có gì thay đổi. Nhờ đó, em yêu, anh sẽ có đủ bình tĩnh để đối mặt với phiên xử sắp tới, mà không một chút hối tiếc về những chọn lựa của mình, và lạc quan chờ đợi ngày mai. Anh hi vọng rằng một ngày kia, nước ta sẽ trở thành đất nước của tự do ngôn luận, mọi công dân có quyền lên tiếng một cách bình đẳng, mọi giá trị, tư tưởng, tín ngưỡng, chính kiến đều có thể chung sống và thi đua với nhau một cách công bằng. Rằng trên đất nước này, tư tưởng đa số và tư tưởng thiểu số sẽ được bảo hộ như nhau, đặc biệt là những tư tưởng khác với tư tưởng của những người cầm quyền. Rằng mọi quan điểm chính trị đều có thể được trình bày công khai để nhân dân chọn lựa, rằng mọi công dân đều có thể phát biểu mà không phải e sợ, không gặp nguy cơ bị truy bức vì công bố một chính kiến khác. Anh cũng mong rằng anh là người cuối cùng trong cái danh sách dài đặc những nạn nhân vào tù vì trước tác của mình, mong rằng không còn ai sẽ bị kết án vì ý kiến của mình.

Tự do phát biểu là nền tảng của các quyền con người, là cơ sở của mọi tình cảm nhân tính, là mẹ của chân lí. Tiêu diệt tự do phát biểu là chà đạp các quyền con người, là bóp nghẹt mọi tình cảm nhân tính, là bịt miệng chân lí.

Cho dù tôi vô tội mà vẫn bị kết án vì đã làm rạng danh quyền tự do phát biểu được Hiến pháp quy định, vì đã đảm nhiệm tới cùng các nghĩa vụ xã hội của một công dân Trung Quốc, tôi không có điều gì oán thán…

Cảm ơn mọi người !

Các entry cùng chủ đề đã đi trên blog này:

Kì 18Tôi không có kẻ thù – Diễn từ Nobel Hòa Bình (vắng mặt) của Lưu Hiểu Ba

Kì 17 : Ba bài thơ của Lưu Hiểu Ba (bản dịch Đình Từ Bích Thúy trên Da Màu, qua trung gian là bản Anh ngữ)

Kì 16 : Loạt ảnh do The Norwegian Nobel Institute công bố và mấy nghi vấn của tôi

Kì 15: Tôi và internet (bài viết cũ năm 2006)

Kì 14: Giải Hòa Bình mang tên Khổng Tử

Kì 13: Lưu Hiểu Ba, cũng như gia đình anh hay người đại lí cho anh, không thể đến nhận giải, nên việc trao mề-đay và tiền thưởng cho Lưu Hiểu Ba được gia hạn !

Kì 12: Lưu Hiểu Ba, Thiên An Môn và thơ Bắc Đảo (Bei Dao)

Kì 11: Hình ảnh Lưu Hiểu Ba dưới con mắt của báo Công An (Việt Nam)

Kì 10Bản dịch tạm cho thư ngỏ của các cựu thần : Lý Nhuệ biến thành Lý Duệ !

Kì 9: Trí thức Trung Quốc lên tiếng ủng hộ Lưu Hiểu Ba, và kêu gọi nhà đương cục phóng thích

Kì 8: Xem lại một vài tấm ảnh của bác Lưu

Kì 7: Hiệu ứng Lưu Hiểu Ba : Một nhóm cựu thần đòi quốc hội Trung Quốc thực thi quyền tự do ngôn luận

Kì 6Không có tóc vì tóc rụng mất rồi !

Kì 5 :  Liệu bác Lưu Hà có thể thay chồng đi nhận giải Nobel hay không ?

Kì 4Bác Lưu Hiểu Ba nhận giải Nobel Hòa bình 2010 ở trong tù

Kì 3:  Một bài thơ của Lưu Hiểu Ba: Khát vọng cao chạy xa bay

Kì 2:  Người vợ gang thép

Kì 1Lưu Hiểu Ba nhận án 11 năm tù giam