Đã trở lại Hà Nội từ vương quốc mắm!

Tối hôm qua, chúng tôi lên máy bay ở phi trường Tân Sơn Nhất lúc 16 giờ 30 phút. Thế mà về đến nhà, cũng là 9 giờ tối ! Cảm nhận rõ nhất về Hà Nội sau một thời gian ở Nam bộ: thủ đô của chúng ta nhiều bụi quá ! Hà Nội bụi nhất Việt Nam !

Ở Nam Bộ, chúng tôi đã làm điều tra điền dã ngắn hạn tại hai điểm chính sau:

Thị xã Gò Công – vốn là Tỉnh Gò Công cũ. Nay là thị xã, thuộc tỉnh Tiền Giang (tỉnh này có tỉnh lị đặt tại thành phố Mỹ Tho).

– Phường Bình Đa và phường Quyết Thắng, thuộc thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Trích kể mấy điều nho nhỏ về Gò Công:

Gò Công là nơi sản ra nhiều mĩ nhân nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Đó là quê của hai bà hoàng đời Nguyễn: Từ DũNam Phương. Chúng tôi có ghé thăm các di tích có liên quan đến hai bà hoàng này.

Nghe nói bà vợ hai của anh hùng Trương Định là Trần Thị Sanh cũng là một khuynh thành giai nhân — chúng tôi ghé thăm đền Trương Định, trước đền là mộ của người anh hùng, bia đá ở đó khắc dòng chữ với nội dung: Trần Thi Sanh đã lập mộ vào năm 1864. Sau khi Trương Định tự vẫn bằng kiếm, lính Pháp hèn hạ lôi xác ông ra, chặt đầu và bêu ngoài chợ (khu chợ ấy hiện nay đã trở thành một siêu thị nho nhỏ). Bà Sanh bỏ một khoản tiền rất lớn để chuộc xác chồng và lập mộ ở khu vực đền Trương Định ngày nay. Buổi sáng ngày 16 tháng 12 âm vừa rồi, tức ngày 10/01/2009, chúng tôi đến tham dự lễ Tảo mộ người anh hùng do các cụ phụ lão thị xã tổ chức (như hàng năm).

Trương Định là người Quảng Ngãi, sinh năm 1820, mất năm 44 tuổi – 1864.

Lại nghe nói: em Tăng Thanh Hà (diễn viên đóng phim "Bỗng dưng muốn khóc") cũng là người Gò Công. Chưa biết nhà ba mẹ em ở chỗ nào nữa. Hình như em vẫn thường xuyên về Gò Công, vì ba mẹ còn ở dưới đó, với lại, từ Sài Gòn về Gò Công chỉ hơn 50 cây số thôi mà.

Trước khi chúng tôi rời Gò Công, ông Năm Hổ – Trưởng ban Quản lí Đình Trung đọc sang sảng một câu lục bát để chia tay:

Dù ai xuôi ngược sông Cha

Ghé ăn bánh hỏi, mắm tôm chà Gò Công

Ghi chú cuối cùng: ông Năm thường được gọi gọi là Năm Hổ hay Cao Hổ Cốt, vì tên thực của ông là Cao Văn Hổ. Trong bữa cơm chia tay hôm ấy, ông cho chúng tôi uống rượu ngâm hải mã và ngọc dương, và nhất là có các món: mắm tôm chà, mắm ruốc, mắm còng lột, mắm nha. Gò Công thực là vương quốc của mắm. Tương truyền bà Từ Dũ chính là người đã chế ra mắm chua ! ?

Xin gửi lời cảm tạ sâu sắc đến ông bà Năm, anh Lâm, anh Chính, anh Thương, anh Cường, chị Duyên, bà con cô bác ở xã Long Hòa và phường Tân Trung !