Category Archives: Du lịch VN

Ngã ba Hạc của những ngày cuối năm 2011

"Vui thay, ngã ba Hạc ! Vui thay, ngã ba Hạc !
Dưới họp một dòng, trên chia ba ngác,
Ngóc ngách khôn đo rộng hẹp, dòng biếc lẫn dòng đào;
lênh lang dễ biết sâu nông, nước đen pha nước bạc " (
mở đầu bài "Ngã ba Hạc phú" danh tiếng của Nguyễn Bá Lân – một trong bốn người được tôn xưng là Trường An tứ hổ ở địa hạt thơ ca thế kỉ XVIII).

Huyện Bạch Hạc trước đây có khi thuộc về tỉnh Sơn Tây, có khi lại thuộc về tỉnh Vĩnh Yên. Ngày nay, vùng đất ấy nằm vắt ngang hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc.

Một người bạn của tôi có tên là "Vĩnh Phú", được một người nước ngoài hỏi: "Cậu sinh ra ở tỉnh Vĩnh Phú chăng ?", thì đáp lại: "Không đâu. Quê tôi ở Hà Tây. Nhà có đến gần một chục anh em, nên cha mẹ đặt ngẫu nhiên ra như vậy". Bây giờ, cả Vĩnh Phú và Hà Tây, trong tư cách là tên tỉnh, đều không còn nữa.

Tỉnh Vĩnh Phúc nay có bao gồm cả thành phố Vĩnh Yên (tỉnh lị) và thị xã Phúc Yên. Huyện Mê Linh, quê nhà của hai bà Trưng Trắc – Trưng Nhị thưở trước, cũng từng nhập về tỉnh Vĩnh Phúc (vừa trở lại Hà Nội). Dâu bể đổi thay, như không như có, trên những ngã ba.

Ngã ba, ở trên cạn, hay ở dưới nước, đều là những rốn điểm của đồng thời cả hội tụ và lan tỏa. Lẽ thế, mà vui, của sự pha tạp và giao thoa. Cũng lẽ thế, mà buồn, của sự hòa tan và mất mát.

Chỉ xuống chân cầu Bạch Hạc, một bác trưởng thôn kiêm chủ nhiệm hợp tác xã bảo với tôi: "Cái chỗ này, ngày xưa, thằng Mĩ đánh bom ác liệt lắm, cầu sập nhiều lần". Đi một đoạn nữa trên đê, ông lại bảo: ""Cái chỗ này, ngày trước, lúc tụi Mỹ thả bom, ông Kim Ngọc nhà ta vẫn thản nhiên ngồi hút thuốc lào". Không biết thực hư ra sao, nhưng cái hình ảnh ông Bí thư Tỉnh ủy ngồi thong dong thả khói thuốc dưới tiếng gầm của bom đạn, cũng thật là tuyệt. Cứ tin đó là giai thoại đi.

Mấy cái nhà Tây lai rất to đang hoàn thiện ở bên sườn đê, trong đó có một cái quét ve vàng, không phải sơn. Lại có một cái dựng hình thánh giá ở đầu hồi nhà, hỏi ra, nhà ấy không theo đạo, làm thế chỉ vì thích. Một người từ trong ngõ đi ra, khoe với tôi: "Hồi đoàn làm phim về ông Kim Ngọc, tớ cũng được mời ra đóng vai trưởng thôn". Hai ông trưởng thôn, một ông đương nhiệm thực sự, và một ông là người đóng vai trong phim, đang bắt tay nhau, trong lúc tôi bấm máy.

Ngã ba Hạc tạm biệt ở đó. Mọi thứ gửi lại ngã ba sông, mai về lại Thăng Long.

Nơ Trang Lơng hay Ama Trang Lơng : Người anh hùng của các tộc người ở Tây Nguyên

Ở Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố thuộc Tây Nguyên có đường mang tên người anh hùng chống Pháp nổi tiếng của đồng bào Thượng: Nơ Trang Lơng. Người Thượng hiện nay gọi ông bằng nhiều tên na ná nhau: Nơ Trang Lơng, Ma Trang Lơng, Ama Trang Lơng, Ama Lơng, M'Trang Long, vân vân.

Ông xuất thân là tù trưởng thuộc tộc người Mơ Nông, dấy binh chống Pháp, nổi tiếng với vụ hạ sát Henri Mét. Chiến công của ông hiện vẫn được nhiều cụ già các tộc người khác nhau — Mơ Nông, Ê Đê, Ba Na — nhắc đến với sự thích thú, kèm theo cả những sự thêu dệt theo hướng huyền bí hóa.

Người Ê Đê gọi Trang Lơng theo cách xưng hô kính trọng của mình, là: Ama Trang Lơng hay Ma Trang Lơng. Tương truyền — những chuyện này tôi vừa nghe trực tiếp xong — thì có một người Ê Đê làm quản tượng, nôm na là người giữ voi, của Trang Lơng, trong suốt thời gian ông đánh Pháp. Cũng lại tương truyền, một gia đình người Ba Na, vốn là con cháu của một người lính theo Trang Lơng, còn giữ được cây gươm của người anh hùng. Hê hê, chỗ này giông giống với chuyện cây gươm của hai ông vua Thủy Xá và Hỏa Xá — tôi đã mò mẫm lên địa bàn của hai vị vua này, mà chưa gặp được hậu duệ trực truyền của các ông, buồn quá, ra thị trấn, vừa xem phim chưởng Hồng Kông vừa ăn Phở Bắc !

Mình quan tâm đến Nơ Trang Lơng vì vừa rồi có một chút phát hiện nho nhỏ ở tại Tây Nguyên liên quan đến người anh hùng này. Tạm thời chưa công bố cái đã.

Ngoài cái phát hiện tí xíu ấy ra, về Hà Nội, lại khui ra cái tập san rất quí giá có tên "M' Trang Long". Số đang có trên tay là số 2 ra ngày 25 tháng 9 năm 1951. Vậy là có thêm một căn cứ cho phỏng đoán của mình khi còn ngồi ghi ghi chép chép gần một ngày ở nhà mẹ H'Bai Knun.

Tư liệu mạng khác :

1 – Bách khoa toàn thư Việt Nam:

http://www.bachkhoatoanthu.gov.vn/docstore.aspx?param=9FA0aWQ9MDAwNDA3NDM=

NƠ TRANG LƠNG

(tên thật: N'Trang; Lơng là tên vợ; 1870 – 1935), thủ lĩnh cuộc Kháng chiến chống Pháp của người Mơ Nông vùng rừng núi Tây Nguyên đầu thế kỉ 20. Vốn là tù trưởng bộ lạc Biệt ở Bu Nơ Trang (Bu N'Trang), huyện Đắc Nông, Đắc Lắc. Cuối 1911, quân Pháp do Hăngri Met (Henri Maitre) chỉ huy cuộc hành quân bình định tới buôn làng người Mơ Nông, đốt phá Bu Nơ Trang. Ông kêu gọi dân làng nổi dậy. Cuộc khởi nghĩa kéo dài 24 năm. Nghĩa quân đã đánh bại nhiều cuộc tấn công, quét sạch các đồn bốt, phản công bất ngờ hệ thống đồn địch ở ven Krachê (Kracheh, Cămpuchia), giải phóng một vùng Mơ Nông rộng hàng nghìn km2. Vào những năm 1933 – 35, quân Pháp tổ chức nhiều cuộc hành quân nhằm truy diệt nghĩa quân. Trong một trận chiến đấu quyết liệt tháng 6.1935, ông bị bắt và bị giết ngày 25.6.1935. Cuộc kháng chiến của người Mơ Nông dưới sự lãnh đạo của Nơ Trang Lơng là một trang sử chói lọi lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết đấu tranh giành độc lập của các dân tộc trên đất nước Việt Nam.

2 – Bách khoa toàn thư mở: http://vi.wikipedia.org/wiki/N'Trang_L%C6%A1ng

3 – Buonmathuot-com: http://www.buonmathuot.com.vn/index.php?option=com_content&task=view&id=167&I…

"Hải Nam tạp trứ" qua bản dịch tiếng Việt của bác Thọ

Entry hơi mang tính thời sự một chút, như để "đối chiếu" với vấn đề đang nóng trên talawas

Phải viết dần dần vì bận quá !

Vì blog nên không chạy tít dài được, chứ chính ra, muốn viết thế này: "Hải Nam tạp trứ của Thái Đình Lan qua nghiên cứu của Trần Ích Nguyên và bản dịch tiếng Việt của Ngô Đức Thọ".

Có một cuốn sách viết bằng Hán văn, có tiêu đề là "Hải Nam tạp trứ" (cuốn A), và 3 người liên quan: Thái Đình Lan là tác giả cuốn A, Trần Ích Nguyên là người nghiên cứu về cuốn A để ra một sách mới là cuốn B — hai ông ấy đều là người Đài Loan — còn Ngô Đức Thọ là người Việt Nam đã dịch cả hai cuốn Acuốn B sang tiếng Việt. Cuốn sách dịch tiếng Việt ấy tạm gọi là cuốn C, vừa ra lò được ít ngày.

Cụ Thái Đình Lan – người Bành Hồ thuộc Đài Loan, từng bị bão đánh trôi đến tỉnh Quảng Ngãi thuộc xứ An Nam vào năm 1835, được các vị quan lại nhà Nguyễn mến khách tiếp đãi hết sức long trọng và chu cấp lữ phí để trở về Đài Loan theo đường bộ — tức là đã đi bộ từ Quảng Ngãi về Trung Quốc, tổng cộng hết 118 ngày đường !!! Mà nhờ đó, viết lên cuốn "Hải Nam tạp trứ", mình dịch nôm na là "Ghi chép linh tinh về xứ An Nam". Cuộc đi bộ xuyên quốc gia mang tính phiêu lưu này của cụ Đình Lan đã được sử nhà Nguyễn của ta ghi chép.

Bác Trần Ích Nguyên – người Đài Loan, hiện là Giáo sư khoa Văn học Trung Quốc thuộc Đại học Quốc lập Thành Công — đã bỏ nhiều năm nghiên cứu "Hải Nam tạp trứ" và thân thế của Thái Đình Lan.

Bác Ngô Đức Thọ – người Việt Nam, vốn là Phó Giáo sư thuộc Viện Nghiên cứu Hán Nôm — đã cùng bác Hoàng Văn Lâu (đã từ trần năm 2005) là người hợp tác phía Việt Nam của bác Trần Ích Nguyên trong chương trình nghiên cứu về Thái Đình Lan và "Hải Nam tạp trứ";

Bác Thọ là người dịch "Hải Nam tạp trứ" của Thái Đình Lan, và nghiên cứu về "Hải Nam tạp trứ" của Trần Ích Nguyên sang tiếng Việt.

Sách – cuốn C – được in bởi Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây của bác Đoàn Tử Huyến, xong tháng 1 năm 2009, 291 trang, giá bìa 49000 đồng — hê hê, may mình được cho !

Đã trở lại Hà Nội từ vương quốc mắm!

Tối hôm qua, chúng tôi lên máy bay ở phi trường Tân Sơn Nhất lúc 16 giờ 30 phút. Thế mà về đến nhà, cũng là 9 giờ tối ! Cảm nhận rõ nhất về Hà Nội sau một thời gian ở Nam bộ: thủ đô của chúng ta nhiều bụi quá ! Hà Nội bụi nhất Việt Nam !

Ở Nam Bộ, chúng tôi đã làm điều tra điền dã ngắn hạn tại hai điểm chính sau:

Thị xã Gò Công – vốn là Tỉnh Gò Công cũ. Nay là thị xã, thuộc tỉnh Tiền Giang (tỉnh này có tỉnh lị đặt tại thành phố Mỹ Tho).

– Phường Bình Đa và phường Quyết Thắng, thuộc thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Trích kể mấy điều nho nhỏ về Gò Công:

Gò Công là nơi sản ra nhiều mĩ nhân nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Đó là quê của hai bà hoàng đời Nguyễn: Từ DũNam Phương. Chúng tôi có ghé thăm các di tích có liên quan đến hai bà hoàng này.

Nghe nói bà vợ hai của anh hùng Trương Định là Trần Thị Sanh cũng là một khuynh thành giai nhân — chúng tôi ghé thăm đền Trương Định, trước đền là mộ của người anh hùng, bia đá ở đó khắc dòng chữ với nội dung: Trần Thi Sanh đã lập mộ vào năm 1864. Sau khi Trương Định tự vẫn bằng kiếm, lính Pháp hèn hạ lôi xác ông ra, chặt đầu và bêu ngoài chợ (khu chợ ấy hiện nay đã trở thành một siêu thị nho nhỏ). Bà Sanh bỏ một khoản tiền rất lớn để chuộc xác chồng và lập mộ ở khu vực đền Trương Định ngày nay. Buổi sáng ngày 16 tháng 12 âm vừa rồi, tức ngày 10/01/2009, chúng tôi đến tham dự lễ Tảo mộ người anh hùng do các cụ phụ lão thị xã tổ chức (như hàng năm).

Trương Định là người Quảng Ngãi, sinh năm 1820, mất năm 44 tuổi – 1864.

Lại nghe nói: em Tăng Thanh Hà (diễn viên đóng phim "Bỗng dưng muốn khóc") cũng là người Gò Công. Chưa biết nhà ba mẹ em ở chỗ nào nữa. Hình như em vẫn thường xuyên về Gò Công, vì ba mẹ còn ở dưới đó, với lại, từ Sài Gòn về Gò Công chỉ hơn 50 cây số thôi mà.

Trước khi chúng tôi rời Gò Công, ông Năm Hổ – Trưởng ban Quản lí Đình Trung đọc sang sảng một câu lục bát để chia tay:

Dù ai xuôi ngược sông Cha

Ghé ăn bánh hỏi, mắm tôm chà Gò Công

Ghi chú cuối cùng: ông Năm thường được gọi gọi là Năm Hổ hay Cao Hổ Cốt, vì tên thực của ông là Cao Văn Hổ. Trong bữa cơm chia tay hôm ấy, ông cho chúng tôi uống rượu ngâm hải mã và ngọc dương, và nhất là có các món: mắm tôm chà, mắm ruốc, mắm còng lột, mắm nha. Gò Công thực là vương quốc của mắm. Tương truyền bà Từ Dũ chính là người đã chế ra mắm chua ! ?

Xin gửi lời cảm tạ sâu sắc đến ông bà Năm, anh Lâm, anh Chính, anh Thương, anh Cường, chị Duyên, bà con cô bác ở xã Long Hòa và phường Tân Trung !

Từ Gò Công đã về Biên Hòa

Chiều tối nay chúng tôi đã về đến thành phố Biên Hòa.

Đang nghỉ ở đường Hà Huy Giáp !

Du dinh vao Sai Gon vao ngay 16 va 17, roi 18 – 01 se tro ve Bac. Nhung do thay doi lich trinh, toi se ve som hon du dinh. Se ve vao chieu toi ngay 15.

Chao ba con Go Cong (tinh Tien Giang) va Bien Hoa (tinh Dong Nai) !

Ghi ở đường Hà Huy Giáp, nhà khách 71