Chùa Tây Hồ (Phổ Linh tự, Địa Linh tự)

Lời dẫn và bình luận: Thấy trên blog của bác dienbatn có một bài giới thiệu về chùa Tây Hồ (tên nôm của Phổ Linh tự hay Địa Linh tự), nên vớt về đây, lưu làm tư liệu.

Nếu chỉ tính là entry đưa lên blog thì có thể xem đây là một entry công phu và hết sức hữu ích với độc giả nói chung và người có quan tâm về Hà Nội (khu vực Tây Hồ) nói riêng. Phần tư liệu ảnh thật quí (có nhiều cảnh hay vật ở loạt ảnh này hiện nay đã không còn, dâu bể đổi thay mà). Xin cảm tạ tác giả dienbatn thật nhiều.

Tuy nhiên, từ góc độ khảo cứu nghiêm túc, thì tôi không đánh giá cao entry này. Không cần phân tích nhiều, tôi chỉ dán vào đây một bức ảnh tư liệu (ảnh do tôi chụp vào năm 2008); nếu đọc đối chiếu bức ảnh tôi dán vào này với nội dung entry của bác dienbatn, mọi người sẽ tự hiểu.

Tấm bia tôi dán vào đây là 1 trong 5 tấm bia do ni sự trụ trì chùa Tây Hồ trước đây dựng lên, nhưng hiện nay, năm 2009, cả 5 tấm ấy đã không còn (vị ni sư trụ trì chùa hiện nay đã dọn nó đi, vì chúng có nhiều lỗi quá !).

Từ đây trở xuống là copy từ blog dienbatn (tôi có chỉnh sửa tiêu đề của entry này; bác nào muốn xem bản gốc xin vào đường link để ở cuối entry này)

CHÙA TÂY HỒ

 Lời giới thiệu : Trên đường vào Phủ Tây Hồ , phía bên phải , khuất sau một vườn cây rộng lớn , có một ngôi chùa cổ tuyệt đẹp , rất tĩnh lặng cho khách đến chiêm nghiệm cuộc đời khác hẳn vẻ ồn ào náo nhiệt bên Phủ Tây Hồ . Thực ra ngay cả người Hà Nội lâu năm cũng có thể chưa biết đến ngôi chùa cổ này – Nó gắn liền với Kinh thành Thăng long từ thời nhà Lý . dienbatn xin giới thiệu cùng các bạn . Nếu lúc nào đó , chúng ta cảm thấy ngột ngạt với không khí bon chen của dòng Đời – Muốn tìm một nơi yên tĩnh để tự nhìn lại mình – Xin hãy đến nơi này , trầm lắng bên hồ sen mát rượi , nghe đâu đây còn vẳng lại lời cha ông thủa trước. Kỷ niệm của dienbatn với KL.

 Tây Hồ là một vùng đất Địa linh – Nhân kiệt của Kinh thành Thăng Long cổ kính . Nơi đây tao nhân mặc khách , các chính trị gia , các văn hoá gia lỗi lạc đã để lại những chuyện truyền kỳ , áng văn thơ bất hủ , di tích văn hóa , tôn giáo truyền thống và tín ngưỡng dân gian phong phú . …làm cho cảnh Tây hồ thơ mộng càng thêm thơ mộng hơn . Gặp gỡ xướng họa giữa Trạng Bùng ( Phùng Khắc Khoan ) và Chúa Liễu đã để lại di tích Phủ Tây hồ linh thiêng bốn mùa hương khói . Hội ngộ giữa Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Nộ truyền lại những bài thơ bất hủ muôn đời . Trên gỉai đất này một công trình văn hóa sớm nhất trong các di tích văn hóa , đó là Chùa Phổ Linh , chùa của dân làng Tây hồ . Một trong các làng cổ của Kinh thành Thăng Long thời Lý , nên dân gian thường gọi nôm na là Chùa Tây hồ . Theo truyền thuyết , chùa này có từ thời Lý Nhân Tông , niên hiệu Anh Vũ 5 ( 1079 ) , cách đây hơn 900 năm . Hiện vật có giá trị lịch sử của chùa còn lại :

1/ Bia chùa Phổ Linh ( Phổ Linh tự bi  )   dựng ngày 11/2 năm Mậu Tuất , niên hiệu Vĩnh Tộ 4 ( 1622 ) .

2/ Bia Chùa Phổ Linh mặt A , dựng năm Chính Hòa 17 ( 1697 ) . Mặt B lập năm Kỷ Mão ( 1699 ) .

3/ Một quả chuông đúc thời Tây Sơn niên hiệu Cảnh Thịnh .

 

 

* Sử hiệu 1 do Tiến sĩ Nguyễn Lại Diễn soạn , cho biết vào thời Lê Kính Tông , niên hiệu Hoàng Định 18 ( 1618 ) , dưới sự trụ trì của Thiền tăng Nguyễn Văn Chiêu tự Đức Hiền , pháp hiệu Minh Tạng và tiểu đệ Nguyễn Văn Mậu tự Đức Quang kết hợp cùng với Quan viên , dân làng , thiện tín ở Nghi Tàm , Quảng Bá , Tây hồ , đặc biệt có sự trợ quyên của Hoàng tộc Lê Phi Tự , Quận chúa Trịnh Ngọc Liên …Chùa được trùng tu , mở rộng với quy mô to lớn hơn xưa như : Xây lại chùa thờ Phật ( Phạm cung ) , tạc tượng Phật và làm nhiều tăng phòng tráng lệ . ( Lúc này Chùa Quảng Bá mới chỉ là Am Long Ân nhỏ bé ) . Công trình làm hơn hai năm mới xong và mở Đại hội trai Đàn để khánh thành vào ngày 13/11 năm Canh Thân niên hiệu Vĩnh Tộ 2 ( 1620 ) .

* Văn bia 2 cho biết : Thời Lê Hy Tông , Chùa do vị tăng pháp danh Chân Kinh trụ trì . Chùa lại được trùng tu vào năm Kỳ Mùi ( 1679 ) , đến năm Giáp Tý ( 1684 ) xây gác chuông cao to . Mười hai năm sau , năm Đinh Sửu ( 1697 ) , Mậu Dần ( 1698 ) , Kỷ Mão ( 1699 ) , trong ba năm đó xây tiếp hai gian phụ của gác chuông tạo thành Tam Quan , xây 10 gian tả , hữu hành lang … Có thể nói Chùa Tây hồ được mở rộng vào thời Lê Kính Tông , đến thời Lê Hy Tông ( Chính Hòa ) thì Chùa có quy mô to lớn hơn cả .

* Sử liệu 3 ( Minh trên quả chuông ) cho ta biết thời Tây Sơn , Thiền sư Tịch Cấn và các đệ tử của Ngài như : Chiếu Nguyện , Chiếu Thận , Chiếu Nghiêm …trụ trì chùa . Sư đệ tổ chức đúc Đại Hồng chung to lớn thay cho quả chuông nhỏ bé có từ thời Lê đã mất và Chùa cũng được đổi tên từ Phổ Linh thành Địa Linh ( Địa Linh tự ) . Vườn tháp tăng phía sau chùa là nơi lưu giữ xá lợi của sư đệ các vị này .

 

Thời Pháp thuộc ( cuối triều Nguyễn ) , đất nước rơi vào cảnh chiến tranh , thiên tai , nghèo đói , chùa cũng bị ảnh hưởng . Gác chuông và tả hữu hành lang không có điều kiện duy tu đã bị thời gian và khí hậu hủy hoại . Sau thời gian này sư cụ Đàm Điểm là vị Ni đầu tiên , với tư cách là người làng về trụ trì Chùa làng . Bằng khả năng cố gắng của mình , cụ cũng chỉ duy trì được nhà thờ chính , nhà thờ Tổ , thờ Mẫu , nhà khách để đảm bảo sinh hoạt Phật sự bình thường . Đặc biệt công việc hoằng dương chính Pháp , phả lại quần sinh , cụ đã mời các vị cao tăng thạc đức , trong đó có Sa môn An Thiền được Triều đình sắc phong Đạo Điệp Phúc Điền hòa thượng về chứng minh cho việc khắc ván in kinh Địa Tạng tại chùa Địa Linh Tây hồ . Hòa bình lập lại với tuổi già sức yếu , cụ vẫn tinh cẩn duy trì Chùa cảnh bằng những công việc bình dị của người tu hành : Sạch cỏ , đỏ hương , tụng kinh , niệm Phật cho xóm làng yên hòa , Quốc gia hưng thịnh …

 Năm 1969, 1970 Hội Phật Giáo Thống nhất có mở Trường tu học Phật pháp TW tại Chùa Quảng Bá , cụ đã nhiệt tình ủng hộ bằng việc lấy Chùa làm cơ sở 2 giành cho Ni chúng ăn nghỉ để theo học lớp này . Tâm thành với Đạo , quảng mãn với chúng nhân nên cụ đã trở thành người thượng thượng thọ hiếm thấy . Cụ đã Sabà bảo mãn  vào ngày 24/2 Ất Hợi ( 1995 ) , thọ 106 tuổi . Xá lợi an táng tại vườn tháp Ni của Chùa .

 Kế tục sự nghiệp của cụ là pháp tôn Thích nữ Đàm Thanh , thày đã phụng Phật sự ở đây từ năm 1973 , sau khi tốt nghiệp Cao cấp Phật học Quán Sứ ( 1981-1985 ) , Thày lại trở về trụ trì . Phát huy truyền thống tinh cần , hoằng trì Đạo pháp . thày đã cần kiệm cùng thập phương công đức để tái tạo lại toàn bộ cảnh Chùa như hiện nay . Trên một đảo nhỏ , xung quanh là trời nước mênh mông của Hồ Tây , Chùa luôn phải gánh chịu sóng to gió lớn , chắc Thày phải giành nhiều tâm lực cho Danh lam cổ tự này .

 Tây Hồ , cảnh quan là vậy , công sức là vậy , đời người tu hành …cũng là vậy .

 Sau khi học xong Cao cấp Phật học  1985 , Thày Đàm Thanh đã nhận bàn giao trụ trì , bắt tay làm các Phật sự ở Tây Hồ làm các công việc :

         1989 xây lại nhà khách tăng phòng .

         1991 xây lại Hậu đường – Ngoại Tổ nội Mẫu .

         1995 lo lễ tống chung sự sư cụ Đàm Điểm   ( sư bà ) .

         1996 xây lại tiền đường , hậu cung ( Chùa chính ) .

( dienbatn ghi chép lại từ bia đá trong chùa . )

Nguồn: http://vn.myblog.yahoo.com/dienbatn/article?mid=1714