Category Archives: Hà Nội – Tản mạn

Bác Dương Trung Quốc, và Hà Nội, qua góc nhìn Vi Thùy Linh

Trên blog tôi, đây là lần thứ hai tôi post lại bài của nữ thi si Vi Thùy Linh. Lần trước là ở đây.

Thực ra bài này đã viết từ hơn nửa năm trước, trên tờ TT-VH.

Vô tình hôm nay trong lúc tìm sách trên giá, thấy lại một số tạp chí cũ bằng tiếng Nhật kỉ niệm nhà nghiên cứu Trịnh Cao Tưởng (đồng học với bác Quốc, vốn là chuyên gia nghiên cứu về đình làng Việt Nam, công tác tại Viện Khảo cổ học, đã từ trần do bệnh hiểm). Tôi có tham gia biên tập chút đỉnh sổ tạp chí ấy, nên đọc cả bản tiếng Việt của bác Quốc viết về bác Tưởng lẫn bản dịch tiếng Nhật.

Từ đây trở xuống là bài của Vi Thùy Linh.

Nhà sử học Dương Trung Quốc và nếp nhà Hà Nội

 

Thứ Hai, 13/09/2010 15:58

(TT&VH) – Dương Trung Quốc, nhà sử học nổi tiếng, đủ tầm vóc của một nhà văn hoá, nhưng hôm nay, chúng ta sẽ gặp ông trong tư thế một người Hà Nội. Câu chuyện của đại gia đình ông như Hà Nội thu nhỏ, là một phần lịch sử của địa linh này.

Buổi tối mưa, trong tiếng nhạc Đoàn Chuẩn, tôi được tiếp kiến nhà sử học Dương Trung Quốc và lắng nghe lối nói hấp dẫn cùng cả “pho chuyện” dồi dào của ông.

Cận cảnh phòng làm việc

Từ 2002, ngôi nhà 60m2, 4 tầng trong ngõ Lê Văn Hưu là tổ ấm của vợ chồng ông Quốc, bà Hằng và vợ chồng Thu Nga (con gái lớn của hai người) cùng cô cháu ngoại Phương Anh lớp 3. Sách chất 10 tầng lên tận trần phòng làm việc của ông, sách tràn hành lang và cầu thang. 5.000 con lợn được ông sưu tập 20 năm qua, đủ các kích cỡ, chất liệu, xuất xứ được cắm cờ rất ngộ. Ông bảo: “Không yêu mình, không yêu được người khác”.

Phòng làm việc có 2 ti vi, màn hình phẳng 25 inch và plasma 42 inch, hai laptop, máy in, máy quay Sony, màn bạc làm studio tại nhà… tất cả để phục vụ cho người ham việc, mỗi đêm chỉ ngủ 4 giờ.

Dương Trung Quốc “thời tóc đen” và vợ dịp Tết Nhâm Thân 1992

Là Ủy viên văn hóa giáo dục thanh, thiếu niên, nhi đồng Quốc hội, ủy viên đoàn chủ tịch các Hội KHKT VN, ông Dương Trung Quốc nhiều năm ròng lên tiếng bảo vệ nhiều giá trị, di sản, trước hết bởi ông là một người Hà Nội. Thông hiểu tiếng Pháp, năm 40 tuổi xuất ngoại lần đầu tới Bulgaria, đến nay ông đã đến 30 nước. Đi để hiểu biết mà bảo tồn, tôn vinh di sản đất nước mình. Lịch sử là sự kế thừa, tiếp nối. Lịch sử mỗi gia đình, dòng tộc, một thành phố, đều có mã gene, quy luật.

Dương Trung Quốc luôn thẳng thắn quyết liệt đấu tranh. Trước tình trạng HN ngổn ngang tu sửa trước Đại lễ, ông nói: “Đa số chúng ta có tập tính thúc mới làm. Tình yêu bền lâu phải là quá trình, chứ không phải tranh thủ”.

Sống được bằng nghề sử, ông còn là nhà báo (TBT tạp chí Xưa và nay của Hội KHLS VN nơi ông là Tổng thư ký) với hàng nghìn bài viết. Nghiên cứu, gìn giữ vẻ đẹp Hà Nội ngốn nhiều sức lực, là đam mê đầy trách nhiệm của ông. Những hình ảnh của quá khứ của cuộc đời ông chồng lớp, thúc giục ông viết bằng kí ức. Ông bận đến mức lúc nào cũng làm việc trong hối thúc. Cứ về đến nhà là bật tivi, đi ngủ không tắt đèn, để mở mắt bất cứ lúc nào là ngồi dậy viết luôn.

Ông bảo: “Ba mươi năm trước, có người xem tử vi nói tôi không thọ, thế là tôi bị bức xúc thời gian, luôn trong cảm giác chạy đua. Không ngủ trưa, đêm ngủ ít, vì ngủ là “chết”, tiếc lắm. Tôi mất năng lực đọc tiểu thuyết vì dồn tâm sức cho chuyên môn quá nhiều”. Lúc thư giãn, ông nghe nhạc tiền chiến, nhạc Pháp, thích âm thanh guitar, chơi clarinet, phim hành động Mỹ và cả phim diễm tình (erotic).

Những người phụ nữ Hà Nội

Cuộc đời Dương Trung Quốc và gia đình ông chịu ảnh hưởng, gắn bó với những người phụ nữ Hà Nội. Họ duy trì truyền thống, tạo nên gia phong. Vợ chồng ông Quốc sinh trưởng ở phố “hàng” trong phố cổ, quê gốc ông – xứ dừa Bến Tre. Ông nội là cụ Dương Trung Giao – chủ hãng nước mắm Liên Thành, là người duy tân, làm kinh tế để nuôi chí. Hãng Liên Thành bảo trợ cho trường Dục Thanh ở Phan Thiết nơi Nguyễn Tất Thành dạy học. Ra Hà Nội, cụ mua ngôi nhà 27 Hàng Đường từ 1917, lấy vợ là Nguyễn Thị Hợi, người Ngọc Thụy. Họ chỉ có 1 con duy nhất: Dương Trung Hậu.

Cô gái phố Đào Duy Từ, Nguyễn Thị Bảy (sinh năm 1925), con chủ hàng rượu Vĩnh Phương lấy ông Hậu năm 1942, có ba con trai: Hiệp (1943), Mạnh (1945) và Quốc (1947). Liệt sĩ Dương Trung Hậu hy sinh năm 1947, đứa con út trong bụng mẹ mới được ba tháng, bà Bảy 22 tuổi góa phụ, ở vậy nuôi con. Cụ thân sinh Nguyễn Thị Hợi đã mất từ 1968, thọ 83 tuổi, được truy tặng Bà mẹ VN anh hùng năm 1998.

Ngôi nhà Hàng Đường được Nhà nước trao lại cửa hiệu tầng 1 năm 2007, sau 49 năm. Ở đó, với quầy hàng nhỏ, cụ Bảy muối dưa cà tuyệt chiêu, ướp chè sen, làm cốm sấy … nuôi con ăn học. Vừa làm mẹ vừa làm cha, người phụ nữ kiên cường ấy rất nghiêm khắc khi dạy con. Quốc được cho mặc áo vai bồng cổ tròn, mẹ muốn cậu út là … con gái. Hiện nay, ngôi nhà 27 Hàng Đường vẫn là nơi sinh tụ của 4 thế hệ họ Dương. Theo ông Quốc, tính cố kết không phải do sống chung, mà là không gian gia đình, phải tạo ra nếp sum họp đêm giao thừa, giỗ chạp, quan tâm đến nhau trong đời sống hàng ngày. Ông cho rằng, lối sống Hà Nội tạo từ căn cốt đạo lý, nếp sống đô thị (ý thức pháp luật, tập quán).

Đau đáu và bức xúc, ông nói: “Hà Nội đang mất rất lớn trong chiều sâu của truyền thống. Trước kia, nếp sống HN là giữ những giá trị nông thôn truyền thống và tiếp thu văn minh phương Tây, nay lôm nhôm không cốt cách, một đời sống thị dân xô bồ. Cần xây dựng văn hóa đô thị, tình hàng xóm, biết vì người xung quanh, từ đấy họ mới có ý thức quê hương mới. Thực tế Thủ đô là chốn quần tụ tứ xứ, không có hội đồng hương Hà Nội. Những người sống ở đây có vẻ tự hào là người HN mà lại phân thân, không gắn kết. Họ giữ nguyên tập quán nơi xuất thân, từng bước phá vỡ văn hóa, lối sống, giá trị kinh kỳ”.

Ông đi liên miên, bà Hằng trách yêu: “Ông ấy là người của công chúng, của xã hội”, nhưng ông luôn có mặt tại nhà những thời khắc, dịp cần. Bà Hằng cho biết: “Áp lực nhiều việc, nhưng anh ấy mát tính, tốt lắm, 35 năm sống chung, anh không bao giờ to tiếng cãi vã hay văng tục, dù một lần”.

Sự lịch lãm, bặt thiệp toát lên nơi Dương Trung Quốc là cả một phông văn hóa bền vững và sống động. Mọi việc nhà cửa, mua sắm, bà lo liệu chu toàn. Mùa nào thức ấy, bà đều nấu những món ngon và luôn được chồng khen “Về nhà ăn là nhất”. Tiệc tùng bốn phương, ông Quốc vẫn chỉ nhớ các món của những người phụ nữ của đời mình. Đặc biệt món tủ cụ Bảy nấu, là khoai sọ rán chênh cùng thịt ngan, rán ướp húng lìu đun xấp nước, là giả bào ngư làm từ dạ dày cổ hũ thái miếng, ướp ván hầm với gà rán, hạt sen nấm hương. Chè ướp hoa sen, cốm sấy cụ Bảy có tiếng, bán cho bà con đem đi các nước, truyền lại cho con dâu, cốm sấy cầm trên tay phải nhẹ, xanh mới đạt tiêu chuẩn.

Gia đình ông Quốc 4/2010. Anh: Trịnh Đình Tiến

Và những vẻ đẹp ký ức

Tình yêu Hà Nội của Dương Trung Quốc là tình yêu ký ức chính mình. Thời bé cuốc bộ, lớn nhảy tàu điện, đi xe đạp rồi xe máy. HN vắng, êm đềm, trật tự.

Sau này, bỏ xe máy, ông đi bộ, xe đạp, xe ôm hay taxi. Vì đầu óc luôn nghĩ công việc, giao thông lại hỗn loạn. Ai cũng biết, ông viết nhiều, song Dương Trung Quốc chưa có thời gian làm sách của mình. Số lượng những bài viết ngồn ngộn thông tin, kiến thức xúc cảm về Hà Nội, có thể in chục cuốn sách.

Dương Trung Quốc tóc trắng năm 45 tuổi, mặt giống ông nội (khác là ông nội không để ria). Khi không phải lễ nghi, ông không thích complet, mà thích mặc quần soóc, áo không cổ, đi sandal hoặc giày da cá sấu. Chẳng quá cầu kỳ đồ hiệu, ông tự mua hoặc vợ sắm, từ áo vải lanh đến các đồ mặc, đều tự nhiên. Ông thích màu nâu, yêu hoa loa kèn, hồng các màu, cúc tím như vợ. Mùa vợ chồng ông cùng yêu nhất là mùa thu có món cốm tuyệt vời.

Nhấm nháp chén trà sen, bà Hằng thủ thỉ: “Đây là chè của các cụ làng Lim vốn quý ông Quốc, mỗi Tết biếu chỉ một lạng, sao tẩm kỹ”. Bà vốn học ĐH Kinh tế, đã nghỉ hưu 5 năm, là cán bộ tài vụ lâu năm của Hội ĐAVN; nhưng bà không bao giờ hỏi thu nhập của chồng, đưa bao nhiêu, bà theo đấy mà lo liệu. Ông đi đâu, làm gì bà không tra hỏi và nhất là không động đến phòng, đồ riêng. Chỉ dịp Tết họ được gần nhau nhiều nhất. Tết nào ông Quốc cũng tự mua cành đào phai và sáng mồng Một cả nhà quây quần chụp ảnh.

Tình sử ông bà Quốc – Hằng là câu chuyện đẹp gắn với Hà Nội thời nghèo mà đẹp, lãng mạn vô cùng. Thân phụ của bà Hằng – cụ Nguyễn Quang Hội là thành viên tổ lái làm cho Air France, qua đời năm 1953 vì tai nạn máy bay, khi ấy, Nguyễn Cường, người anh cả 10 tuổi còn Thu Hằng lên 3. Nguyễn Cường chơi với anh cả Dương Trung Quốc, rồi hai bà mẹ thân nhau. Là con thứ tư trong gia đình 5 anh em, hai chị gái đi học xa, từ lúc nhỏ Thu Hằng đã tháo vát tảo tần, cơm nước nhà cửa chu toàn, hồn nhiên lớn lên mà không biết chàng Quốc cao 1m73 đôn hậu tốt bụng đã để ý từ lúc mình 15 tuổi. Bảy năm sau, 22 tuổi bà mới biết yêu, tự cảm, rồi yêu mối tình đầu và duy nhất của đời bà. “Thời ấy, nhát lắm, chẳng dám nắm tay khi đi dạo. Cứ ngồi ở balcon tầng 2 nhà 94 Hàng Bạc, đèn sáng trưng ngắm phố, trò chuyện”.

Họ cưới ngày 6/4/1975. Chú rể đạp xe Vĩnh Cửu cùng các phù rể, họ hàng đi bộ từ Hàng Đường qua Hàng Bạc. Mặc trên đường sợ xấu hổ, sai chú bé mang vest chạy theo, đến gần cửa nhà cô dâu, chú rể mới thay vest màu ghi, chở cô dâu áo dài xanh da trời, cô dâu ôm lay ơn hồng. Sau khi sinh con gái đầu lòng Thu Nga, năm 1979, họ có con gái Thanh Huyền (ý nghĩa là Thành, một tên khác của ông nội Dương Trung Hậu).

Mùa thu, mùa yêu

Ông thích ngắm Hà Nội trong chậm rãi êm đềm, thơ mộng, để hồi tưởng và lãng mạn tận lực, gìn giữ những hình ảnh đó bằng hết cả khả năng. Sắp tới, ông Quốc sẽ hiến phần lớn gia tài sách của mình cho trường Chu Văn An, trường cũ của ông để lập tủ sách Nguyễn Mạnh Tường, vị luật sư đã lấy 2 bằng tiến sĩ Luật, Văn chương tại Pháp năm 1930. Khi tôi tỏ ý tiếc sao ông không giữ lại cho con cháu, ông bảo đến giờ chưa thấy đứa nào kế nghiệp, thôi thì chúng tự gây dựng. Con gái lớn của ông Quốc học Luật nay làm designer, cô út làm ngân hàng.

Được hỏi về việc chiếm giữ được người tài năng, có duyên, râu trắng tóc trắng, bao người tấm tắc, bà Hằng cười tươi hết cỡ: “Tôi chẳng bao giờ ghen. Tôi tin chồng và tự trọng. Yêu anh ấy bao năm vì tính cách tâm hồn anh ấy, không phải vì đẹp trai xưa hay kháu lão hiện giờ”. Dương Trung Quốc, người đàn ông 1m73 mảnh khảnh ngày nào, giờ là ông ngoại. Không ai thấy tình yêu nào khác nơi ông, ngoài tình yêu dành cho Hà Nội, cho người thân, cho văn hóa nghệ thuật và chính mình.

Lúc yêu nhau chàng trai Dương Trung Quốc thường đạp xe đón người yêu mỗi chiều đi làm về. Thu Hằng da trắng bóc, tóc ngang vai, lúm đồng tiền, trông rất tươi, phúc hậu … Cảnh lãng mạn nhất là Quốc chở người yêu bằng xe đạp quanh từ Hồ Tây vừa đi vừa tâm tình (không dừng lại để hôn lần nào!). Đến tận bây giờ, họ chưa có dịp vòng quanh Hồ Tây lần nữa, không có thời gian, họ chỉ đi qua đường Thanh Niên hay thả bộ cùng nhau.

Họ vẫn còn tâm hồn trẻ. Và hẹn nhau một ngày cuối thu, sẽ cùng đi dạo qua phố cổ, trở lại Cổ Ngư để nhớ tuổi trẻ của mình. Lần này, họ sẽ dừng lại bên Hồ Tây.

Vi Thùy Linh

Khuyên người ăn ở hiền lành : Một lời ca dao Hà Nội

Ít hôm trước, theo giới thiệu của mấy bô lão làng Yên Hòa (đây là một làng sản xuất giấy có tiếng ở Hà Nội ngày trước), mình có đến hỏi chuyện cụ bà Đỗ Thị Dàng.

Cụ Dàng năm nay đã ngoài 80 tuổi, nhưng tóc vẫn còn xanh, rất minh mẫn và vui tính. Cụ đã làm giấy từ năm lên 9 tuổi.

Cụ sinh ra ở làng Yên Hòa, lấy chồng người cùng làng. Con cháu cụ nay vẫn chủ yếu ở Yên Hòa.

Câu chuyện về nghề làm giấy của cụ rất dài, tỉ mỉ. Xen giữa câu chuyện chính ấy, mình hay hỏi cụ về các lễ cúng bái ở trong làng ngày trước.

Bây giờ, cụ đang kể cho mình về cách cúng cháo ngày trước (trước năm 1960) của người làng Yên Hòa. Cụ đọc rất nhiều ca dao hay văn vần liên quan đến lễ cúng này. Nhiều lời ca dao dài, mình phải lia bút kiểu tốc kí mới kịp.

Mình thấy thú vị khi đến một lời ca dao sau, có thể xem đó là một lời ca dao của Hà Nội:

"Ai ơi ăn ở cho lành,

Kiếp này chửa gập, để dành kiếp sau,

Có bao nhiêu bảo nhau chia cho khấp,

Kẻ già người tàn tật ốm đau. . . "

Cụ vẫn giữ lối phát âm cổ cổ của người làng Yên Hòa, nên chữ "gặp" ta quen dùng ngày nay được cụ đọc là "gập", vậy nên: "Kiếp này chửa gập" chính là "Kiếp này chửa (chưa) gặp". Và, "bảo nhau chia cho khấp" chính là "bảo nhau chia cho khắp".

Về nhà, tra cứu, thấy trong cuốn Hương Hoa Đất Nước (do Trọng Toàn biên soạn, Nxb Dân chủ, Sài Gòn, xuất bản năm 1949) có một dị bản của hai câu đầu, rằng:

"Ai ơi cứ ở cho lành,

Tu nhơn tích đức để dành về sau"

(trang 75)

Không biết bác Trọng Toàn sưu tầm câu ca dao này ở đâu.

Mình thì mình thích câu của cụ Dàng đọc cho mình nghe hơn.

Chùa Tây Hồ (Phổ Linh tự, Địa Linh tự)

Lời dẫn và bình luận: Thấy trên blog của bác dienbatn có một bài giới thiệu về chùa Tây Hồ (tên nôm của Phổ Linh tự hay Địa Linh tự), nên vớt về đây, lưu làm tư liệu.

Nếu chỉ tính là entry đưa lên blog thì có thể xem đây là một entry công phu và hết sức hữu ích với độc giả nói chung và người có quan tâm về Hà Nội (khu vực Tây Hồ) nói riêng. Phần tư liệu ảnh thật quí (có nhiều cảnh hay vật ở loạt ảnh này hiện nay đã không còn, dâu bể đổi thay mà). Xin cảm tạ tác giả dienbatn thật nhiều.

Tuy nhiên, từ góc độ khảo cứu nghiêm túc, thì tôi không đánh giá cao entry này. Không cần phân tích nhiều, tôi chỉ dán vào đây một bức ảnh tư liệu (ảnh do tôi chụp vào năm 2008); nếu đọc đối chiếu bức ảnh tôi dán vào này với nội dung entry của bác dienbatn, mọi người sẽ tự hiểu.

Tấm bia tôi dán vào đây là 1 trong 5 tấm bia do ni sự trụ trì chùa Tây Hồ trước đây dựng lên, nhưng hiện nay, năm 2009, cả 5 tấm ấy đã không còn (vị ni sư trụ trì chùa hiện nay đã dọn nó đi, vì chúng có nhiều lỗi quá !).

Từ đây trở xuống là copy từ blog dienbatn (tôi có chỉnh sửa tiêu đề của entry này; bác nào muốn xem bản gốc xin vào đường link để ở cuối entry này)

CHÙA TÂY HỒ

 Lời giới thiệu : Trên đường vào Phủ Tây Hồ , phía bên phải , khuất sau một vườn cây rộng lớn , có một ngôi chùa cổ tuyệt đẹp , rất tĩnh lặng cho khách đến chiêm nghiệm cuộc đời khác hẳn vẻ ồn ào náo nhiệt bên Phủ Tây Hồ . Thực ra ngay cả người Hà Nội lâu năm cũng có thể chưa biết đến ngôi chùa cổ này – Nó gắn liền với Kinh thành Thăng long từ thời nhà Lý . dienbatn xin giới thiệu cùng các bạn . Nếu lúc nào đó , chúng ta cảm thấy ngột ngạt với không khí bon chen của dòng Đời – Muốn tìm một nơi yên tĩnh để tự nhìn lại mình – Xin hãy đến nơi này , trầm lắng bên hồ sen mát rượi , nghe đâu đây còn vẳng lại lời cha ông thủa trước. Kỷ niệm của dienbatn với KL.

 Tây Hồ là một vùng đất Địa linh – Nhân kiệt của Kinh thành Thăng Long cổ kính . Nơi đây tao nhân mặc khách , các chính trị gia , các văn hoá gia lỗi lạc đã để lại những chuyện truyền kỳ , áng văn thơ bất hủ , di tích văn hóa , tôn giáo truyền thống và tín ngưỡng dân gian phong phú . …làm cho cảnh Tây hồ thơ mộng càng thêm thơ mộng hơn . Gặp gỡ xướng họa giữa Trạng Bùng ( Phùng Khắc Khoan ) và Chúa Liễu đã để lại di tích Phủ Tây hồ linh thiêng bốn mùa hương khói . Hội ngộ giữa Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Nộ truyền lại những bài thơ bất hủ muôn đời . Trên gỉai đất này một công trình văn hóa sớm nhất trong các di tích văn hóa , đó là Chùa Phổ Linh , chùa của dân làng Tây hồ . Một trong các làng cổ của Kinh thành Thăng Long thời Lý , nên dân gian thường gọi nôm na là Chùa Tây hồ . Theo truyền thuyết , chùa này có từ thời Lý Nhân Tông , niên hiệu Anh Vũ 5 ( 1079 ) , cách đây hơn 900 năm . Hiện vật có giá trị lịch sử của chùa còn lại :

1/ Bia chùa Phổ Linh ( Phổ Linh tự bi  )   dựng ngày 11/2 năm Mậu Tuất , niên hiệu Vĩnh Tộ 4 ( 1622 ) .

2/ Bia Chùa Phổ Linh mặt A , dựng năm Chính Hòa 17 ( 1697 ) . Mặt B lập năm Kỷ Mão ( 1699 ) .

3/ Một quả chuông đúc thời Tây Sơn niên hiệu Cảnh Thịnh .

 

 

* Sử hiệu 1 do Tiến sĩ Nguyễn Lại Diễn soạn , cho biết vào thời Lê Kính Tông , niên hiệu Hoàng Định 18 ( 1618 ) , dưới sự trụ trì của Thiền tăng Nguyễn Văn Chiêu tự Đức Hiền , pháp hiệu Minh Tạng và tiểu đệ Nguyễn Văn Mậu tự Đức Quang kết hợp cùng với Quan viên , dân làng , thiện tín ở Nghi Tàm , Quảng Bá , Tây hồ , đặc biệt có sự trợ quyên của Hoàng tộc Lê Phi Tự , Quận chúa Trịnh Ngọc Liên …Chùa được trùng tu , mở rộng với quy mô to lớn hơn xưa như : Xây lại chùa thờ Phật ( Phạm cung ) , tạc tượng Phật và làm nhiều tăng phòng tráng lệ . ( Lúc này Chùa Quảng Bá mới chỉ là Am Long Ân nhỏ bé ) . Công trình làm hơn hai năm mới xong và mở Đại hội trai Đàn để khánh thành vào ngày 13/11 năm Canh Thân niên hiệu Vĩnh Tộ 2 ( 1620 ) .

* Văn bia 2 cho biết : Thời Lê Hy Tông , Chùa do vị tăng pháp danh Chân Kinh trụ trì . Chùa lại được trùng tu vào năm Kỳ Mùi ( 1679 ) , đến năm Giáp Tý ( 1684 ) xây gác chuông cao to . Mười hai năm sau , năm Đinh Sửu ( 1697 ) , Mậu Dần ( 1698 ) , Kỷ Mão ( 1699 ) , trong ba năm đó xây tiếp hai gian phụ của gác chuông tạo thành Tam Quan , xây 10 gian tả , hữu hành lang … Có thể nói Chùa Tây hồ được mở rộng vào thời Lê Kính Tông , đến thời Lê Hy Tông ( Chính Hòa ) thì Chùa có quy mô to lớn hơn cả .

* Sử liệu 3 ( Minh trên quả chuông ) cho ta biết thời Tây Sơn , Thiền sư Tịch Cấn và các đệ tử của Ngài như : Chiếu Nguyện , Chiếu Thận , Chiếu Nghiêm …trụ trì chùa . Sư đệ tổ chức đúc Đại Hồng chung to lớn thay cho quả chuông nhỏ bé có từ thời Lê đã mất và Chùa cũng được đổi tên từ Phổ Linh thành Địa Linh ( Địa Linh tự ) . Vườn tháp tăng phía sau chùa là nơi lưu giữ xá lợi của sư đệ các vị này .

 

Thời Pháp thuộc ( cuối triều Nguyễn ) , đất nước rơi vào cảnh chiến tranh , thiên tai , nghèo đói , chùa cũng bị ảnh hưởng . Gác chuông và tả hữu hành lang không có điều kiện duy tu đã bị thời gian và khí hậu hủy hoại . Sau thời gian này sư cụ Đàm Điểm là vị Ni đầu tiên , với tư cách là người làng về trụ trì Chùa làng . Bằng khả năng cố gắng của mình , cụ cũng chỉ duy trì được nhà thờ chính , nhà thờ Tổ , thờ Mẫu , nhà khách để đảm bảo sinh hoạt Phật sự bình thường . Đặc biệt công việc hoằng dương chính Pháp , phả lại quần sinh , cụ đã mời các vị cao tăng thạc đức , trong đó có Sa môn An Thiền được Triều đình sắc phong Đạo Điệp Phúc Điền hòa thượng về chứng minh cho việc khắc ván in kinh Địa Tạng tại chùa Địa Linh Tây hồ . Hòa bình lập lại với tuổi già sức yếu , cụ vẫn tinh cẩn duy trì Chùa cảnh bằng những công việc bình dị của người tu hành : Sạch cỏ , đỏ hương , tụng kinh , niệm Phật cho xóm làng yên hòa , Quốc gia hưng thịnh …

 Năm 1969, 1970 Hội Phật Giáo Thống nhất có mở Trường tu học Phật pháp TW tại Chùa Quảng Bá , cụ đã nhiệt tình ủng hộ bằng việc lấy Chùa làm cơ sở 2 giành cho Ni chúng ăn nghỉ để theo học lớp này . Tâm thành với Đạo , quảng mãn với chúng nhân nên cụ đã trở thành người thượng thượng thọ hiếm thấy . Cụ đã Sabà bảo mãn  vào ngày 24/2 Ất Hợi ( 1995 ) , thọ 106 tuổi . Xá lợi an táng tại vườn tháp Ni của Chùa .

 Kế tục sự nghiệp của cụ là pháp tôn Thích nữ Đàm Thanh , thày đã phụng Phật sự ở đây từ năm 1973 , sau khi tốt nghiệp Cao cấp Phật học Quán Sứ ( 1981-1985 ) , Thày lại trở về trụ trì . Phát huy truyền thống tinh cần , hoằng trì Đạo pháp . thày đã cần kiệm cùng thập phương công đức để tái tạo lại toàn bộ cảnh Chùa như hiện nay . Trên một đảo nhỏ , xung quanh là trời nước mênh mông của Hồ Tây , Chùa luôn phải gánh chịu sóng to gió lớn , chắc Thày phải giành nhiều tâm lực cho Danh lam cổ tự này .

 Tây Hồ , cảnh quan là vậy , công sức là vậy , đời người tu hành …cũng là vậy .

 Sau khi học xong Cao cấp Phật học  1985 , Thày Đàm Thanh đã nhận bàn giao trụ trì , bắt tay làm các Phật sự ở Tây Hồ làm các công việc :

         1989 xây lại nhà khách tăng phòng .

         1991 xây lại Hậu đường – Ngoại Tổ nội Mẫu .

         1995 lo lễ tống chung sự sư cụ Đàm Điểm   ( sư bà ) .

         1996 xây lại tiền đường , hậu cung ( Chùa chính ) .

( dienbatn ghi chép lại từ bia đá trong chùa . )

Nguồn: http://vn.myblog.yahoo.com/dienbatn/article?mid=1714

Tản mạn về phố phường Hà Nội : phố Thuốc Bắc còn tìm đâu ra thuốc bắc

Từ bao giờ, người ta đã quen với công thức "Hà Nội 36 phố phường" ?. Hễ nhắc đến "Hà Nội" là cứ phải "băm sáu". Chứ có ai hỏi nhỏ: vì sao lại là 36, không phải 37 hay 38, hoặc 35 hay 34 được nhỉ ? Cũng chẳng có ai hỏi nhỏ nữa: 36 thì cụ thể là những phố những phường nào ?

Bác Thạch Lam nhà ta, hồi trước khi quân Nhật tiến vào Ô Quan Chưởng, đã viết lai rai được cái "Hà Nội băm sáu phố phường", rồi sau lại đem in ra thành sách, bây giờ đọc vẫn thú lắm, tuy vậy nếu có hỏi 36 là cái gì gì thì bác ấy chắc cũng chịu thôi.

Hôm trước, nghe mấy bác xẩm ở trên phố chợ đêm Hà Nội (gần hồ Hoàn Kiếm) hát "Hà Nội 36 phố phường" cũng vui ra trò. Sau cái lần khăn xếp và áo the kia là một giọng xẩm nam, thân chủ của nó, hóa ra là một ông bạn.

À, nhân tiện hỏi các bác "Hà Nội học" (đại loại như các bác Nguyễn Vinh Phúc hay Bùi Hạnh Cẩn ấy), hay hỏi bạn nào thông thạo về địa dư Hà Nội trước đây, rằng: Hàng Nghiên ở chỗ nào ? Nghiên với ý là "nghiên bút" hay "bút nghiên" ấy — nếu bạn nào giúp được, tôi xin cảm ơn lắm lắm !

Hôm qua, một bạn từ Sài Gòn viết mail hỏi:
– 36 là gồm những cái chi chi hả Giao ?

– có phải mỗi phố là kinh doanh một mặt hàng phải không ? Như là Hàng Khoai thì bán khoai, Hàng Cá thì bàn cá, vân vân.

Mình đại loại trả lời:
– Ờ, đại khái mỗi phố trước đây thì chuyên về một món. Khoai thì là khoai, Cá thì là cá, Hòm thì là hòm (quan tài), Mã thì là mã (đồ hàng mã). 

– Ngày xưa thì vậy, nhưng nay khác xa rồi. Như là phố Thuốc Bắc thì hiện giờ không bói đâu ra thuốc bắc hay thuốc nam, mà nó chuyển thành phố chuyên bán khóa cửa, bạt ngàn nhá, mà đến chín mươi mấy phần trăm là hàng Tàu nhập lậu đấy ! Vậy nên, muốn mua thuốc bắc thì đừng có ra phố Thuốc Bắc nhé. Gần ngay phố Thuốc Bắc thì có phố Lãn Ông, tức là Hải Thượng Lãn Ông ấy. Lãn Ông nay vẫn bán thuốc bắc. Hình như trong hai cái anh thuốc ấy, một anh tự cho mình biến thành khóa cửa, còn một anh thì vẫn thủy chung với học tổ Lê Hữu Trác. Hàng Chiếu ngày xưa cũng như ngày nay, đều bán chiếu cả, ừ thì giường chiếu chiếm quá nửa đời người mà, xưa các cụ thế nào giờ vẫn thế.

– Mà khá hay nhá. Đừng chê các cụ nhà ta không khoa học hay không có qui hoạch nhé. Thử nghĩ mà xem, ngày xưa Hà Nội mình cũng đã có phố Đèn Đỏ rồi. Nhưng các cụ không cho nó nằm ở khu vực trung tâm, tức "băm sáu" đâu. Chả thế mà ngõ Thổ Quan ở tận mãi Khâm Thiên kia đấy. Tại sao các cụ để nó xa chỗ các cụ buôn bán vậy, là có lí của nó đấy. Nhìn chung là các thành phố cổ trên thế giới đều có "qui hoạch" khu Đèn Đỏ như vậy mà.

– (Còn nói lăng nhăng nhiều nhiều nữa — ở đây tỉnh lược)

Bạn chắc là đang chế tác thành bài báo rồi, hãy chờ nó xuất hiện nhé !