Ai nhục đây ? Chống Tàu một cách mù quáng như vậy, phỏng ích gì ?

(Entry này phải viết dần dần vì tôi mắc việc, và sau khi hoàn tất thì chỉ công khai vài ngày, sau sẽ được cất đi)

 

Tôi đang phải tự "đại tu" cái máy tính xách tay. Lâu lâu không động tay vào công việc này, vả lại, ở Hà Nội thiếu đồ phụ kiện máy tính tự chọn trầm trọng, nên hơi vất vả, quần quật suốt từ đầu giờ sáng, chẳng còn mặt mũi ngó nghiêng các việc khác.

Bất ngờ, đến 10 h đêm, một cái nhắn tin của một bác bạn (dân du lịch, có hiểu biết về văn tự Hán Nôm), đề nghị tôi phải vào đọc blog của bác Nguyễn Xuân Diện. Cái bài này .

Trời ạ ! Vào nhà bác Diện, thì thấy bác đặt một cái tít khá giật gân thế này "NHỤC QUÁ! GIỮA THỦ ĐÔ MÌNH MÀ NÓ BẢO MÌNH LÀ KHÁCH". Sau một vài phân tích câu đối của chùa Vân Hồ (cái chùa ở cuối đường Bà Triệu, gần phòng công chứng nhà nước), bác Diện đi đến một nhận xét thế này:

"Bọn họ thật thâm hiểm quá! Ngay giữa thủ đô ta mà lấy ngay cái chữ Nôm (một sáng tạo của cha ông ta) để chửi chúng ta, bảo rằng: Bọn bay chỉ là khách thôi!

Thật kinh hoàng! Đề nghị ngành văn hóa TW và Hà Nội ra lệnh dỡ ngay đôi câu đối này trước Đại lễ Thăng Long, nếu không thì nhục lắm các ông các bà ạ!"

Tôi đọc cả entry xong, đâm ra choáng ! Xong rồi, đọc xuống thấy rất nhiều comment của bạn đọc, phần nhiều đều đồng thanh "kêu nhục" như bác Diện, trong đó, thấy có cả bác Trần Ngọc Vương !

Tôi xin hỏi (bác Diện và tất cả các bác có viết còm ở cái entry ấy): Nhục ở đây, là ai nhục ? Nhục vì cái gì ? Rút cục, ai phải chịu nhục ở đây ?

Đọc sai, hiểu sai nghĩa của câu đối, mà bảo nhục, thế là thế nào ?

Chẳng biết cái chùa Vân Hồ là chùa gì, ngày trước nó ra làm sao, nó tu sửa thế nào, mà dám vội vàng la lên rằng: "Bọn họ thật thâm hiểm quá! Ngay giữa thủ đô ta mà lấy ngay cái chữ Nôm (một sáng tạo của cha ông ta) để chửi chúng ta, bảo rằng: Bọn bay chỉ là khách thôi!". Thế là thế nào ?

Tôi sẽ phân tích từ từ ở dưới đây. Để chỉ ra sự chống Tàu một cách mù quáng của các bác.

Mà đêm khuya rồi, ngày mai, tôi tranh thủ viết tiếp. Dạo đầu, chỉ đưa độc một cái ảnh này lên để bác Diện và các bác khác xem nhé:

Ảnh 1:  Cổng chùa Vân Hồ — ảnh do bác Nguyễn Xuân Diện chụp

Ảnh 2: Cổng chùa Vân Hồ – ảnh cũ (chụp khi chùa Vân Hồ chưa trùng tu, nguồn ảnh ở đây)

Thôi, lại cho thêm một cái ảnh cũ nữa, cho nó toàn cảnh:

Ảnh 3 : Cổng chùa Vân Hồ – ảnh cũ (nguồn ảnh ở đây)

Và đây, đã nói đến ảnh, thì cho thêm một cái ảnh nữa – một cái ảnh chụp cổng chùa Vân Hồ sau khi trùng tu, và ở một góc độ khác với ảnh của bác Diện:

IMG 1774

Ảnh 4:  Cổng chùa Vân Hồ  (sau khi chùa đã trùng tu; ảnh ở một góc độ khác, nguồn ảnh ở đây)

1. Chỉ là câu đối cũ, được viết lại trên vật liệu mới khi trùng tu, mà không phải câu đối mới vừa sáng tác ra để chào mừng đại lễ 1000 năm Rồng bay

Qua những tấm ảnh trên (ảnh trước khi cổng chùa Vân Hồ được trùng tu, và sau khi trùng tu), chúng ta sẽ thấy rõ bằng mắt thường, không cần phải mất công dẫn giải thêm, rằng:

– nội dung cái câu đối mà bác Diện "vô tình phát hiện" ra, thấy trên hai cột trụ (bằng gỗ) của cổng chính chùa Vân Hồ, không phải là câu đối mới, nó không phải là thứ vừa được "sáng tác" ra gần đây !

trước khi trùng tu, câu đối ấy đã có sẵn ở hai bên cột trụ (bằng gạch) của cổng chùa Vân Hồ rồi ! Khi đó là chữ Nôm đắp nổi bằng vật liệu vữa – xi măng,

– khi trùng tu, người ta chép nguyên xi câu đối cũ để chuyển từ vật liệu vữa – xi măng sang vật liệu gỗ,

– như vậy, dù vật liệu đã thay đổi, thì trước và sau trùng tu, câu đối chữ Nôm đó không hề thay đổi về nội dung, tức là vẫn giữ đúng từng chữ một !

2. "Cửa từ (bi)" là ngôn ngữ nhà Phật, thì "Khách (đàn) việt" cũng là ngôn ngữ nhà Phật. Thế mới đối nhau chứ ! Câu đối chỉ nói chuyện nhà Phật, làm gì có ngầm ý "Khách Việt (Nam)". Chữ và ý "khách Việt (Nam)" thì làm sao đối lại với chữ và ý "cửa từ (bi)" cơ chứ, quá là cọc cạch, râu ông nọ cắm cằm bà kia ! Có chăng đó phải là "cửa Tàu" mới đối được với "khách Việt" !  Tức là câu đối phải là thế này cơ nhỉ:

"Chốn am thiền rộng mở cửa Tàu sẵn lòng tế độ
Nơi thành thị thiếu gì khách Việt mặc sức vãng lai
".

À, còn có một cách "cứu nguy" (không hiệu quả lắm) nữa là: chữ "cửa từ" không phải là "cửa từ (bi)" mà là "cửa Từ (Hải)" thì mới đối nhau ! Nếu thế thì vận dụng Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du mà thành ra câu đối thế này:

"Chốn am thiền rộng mở cửa Từ (Hải) sẵn lòng tế độ
Nơi thành thị thiếu gì khách Việt (Việt Nam, hay Việt Đông) mặc sức vãng lai"

Chung qui là cái sự đọc ra thành "khách Việt (Nam)" của bác Diện là sai bét ! Thế rồi, từ cái sai đến kì lạ như vậy, bác lại hô lên rằng: các cơ quan chức năng phải dẹp bỏ cái câu đối ấy của chùa Vân Hồ đi !

Nếu bác xúi người ta dẹp bỏ câu đối đi, thì có khi bác lại bị phía nhà chùa kiện về tội vu khống cũng nên ! Mong bác lần sau hết sức cẩn trọng, và hãy đừng chống Tàu một cách mù quáng như vậy nữa !

 

 

Nói như trên, có khi khó hiểu một chút, cho nên cụ thể nó là thế này. 

Bác Diện đã đọc và giải thích câu đối trên cổng chùa Vân Hồ thành ra là (ảnh và văn được đặt trong ngoặc kép là trích nguyên văn từ blog bác Diện, tôi chỉ tô màu các chữ "cửa từ" và "khách Việt" để nhấn mạnh):

"

 

Vế thứ nhất: Chốn am thiền rộng mở cửa từ sẵn lòng tế độ

 

Vế thứ hai: Nơi thành thị thiếu gì khách Việt mặc sức vãng lai

Như vậy, đôi câu đối là:

Chốn am thiền rộng mở cửa từ sẵn lòng tế độ
Nơi thành thị thiếu gì khách Việt mặc sức vãng lai
"

Bác Diện lại còn cẩn thận ghi chú rõ ràng thế này nữa chứ:

"Xin lưu ý, chữ

chỉ có thể đọc là "Việt". Vì Cửa Từ (bi) đối với Khách Việt (Nam). Không thể đọc là "Vượt" được, vì không thể lấy "cửa từ" đối với "khách vượt"."

Hà hà, "Cửa từ (bi)" không thể đối với "Khách vượt", là đúng rồi ! Nhưng mà, như trên đã nói, theo luật đăng đối của câu đối, thì cái  "Cửa từ (bi)" cũng không thể đối được với "Khách Việt (Nam)" !

Bác Diện không nắm vững luật đối của câu đối, hay là bác vì tư tưởng chống Tàu quá mạnh mà giả vờ không nắm vững như vậy ?

Bác viết là "khách Việt" và giải thích rằng "Bọn họ thật thâm hiểm quá! Ngay giữa thủ đô ta mà lấy ngay cái chữ Nôm (một sáng tạo của cha ông ta) để chửi chúng ta, bảo rằng: Bọn bay chỉ là khách thôi!" thì người biết đọc Hán Nôm chỉ cười khì khì ! Nhưng tai hại là, cái đọc sai và giải thích sai đó của bác, khi độc giả bình thường không biết Hán Nôm mà đọc thì, đa phần họ cứ thế tin theo bác, và nhao nhao lên !

Sở dĩ tôi phải lên tiếng ở đây là vì thấy cái sự nhao nhao lên kia, tức là sự a dua không đáng có. Mong mọi người đã trót nhao nhao lên ấy, hãy bình tình mà hiểu rằng:

– sự đọc và giải thích của nhà chuyên môn ở đây là không đúng !

– cái câu đối ở cổng chùa Vân Hồ ấy chẳng có liên quan gì đến người Tàu hay người Việt cả ! 

3. Vậy "khách việt" ở đây là cái gì ?

Trên kia, tôi đã nói qua, rằng "khách việt" ở đó là để đối lại với "cửa từ", cả hai đều là thuật ngữ nhà Phật.

Nó chính là thuật ngữ "đàn việt" hay "khách đàn việt", "người đàn việt" của Phật giáo. Các bác nào có quan tâm, mời tra cứu trong từ điển liên quan đến Phật học, Phật giáo (sau này, nếu cần, tôi sẽ viết rõ trong một bài học thuật về cái "đàn việt" này trong liên quan đến cụ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha – cư sĩ, người soạn rất nhiều sách Phật và đặc biệt là "Từ điển Hán Việt"). Đơn giản mà nói, "đàn việt" là người bố thí (thí chủ), người phát tâm công đức cho nhà chùa, người là tín đồ của nhà chùa.

Vậy nên, câu đối ở cổng chùa Vân Hồ chỉ chuyển tải nội dung của Phật giáo mà thôi, là thế này:

"Chốn am thiền rộng mở cửa từ sẵn lòng tế độ
Nơi thành thị thiếu gì khách việt mặc sức vãng lai"

Có nghĩa là (diễn nôm na):

"Đây là am thiền luôn mở rộng cửa từ (bi) sẵn lòng tế độ (chúng sinh)

Ở giữa nơi thành thị, có thiếu gì khách (đàn) việt [thí chủ, người phát tâm công đức, người mộ đạo Phật], mặc sức tới tới lui lui"

Lưu ý: ngay trong các comment ở entry bên blog bác Diện, tôi cũng có thấy một bạn lên tiếng là cần đọc "khách Việt" là "khách đàn việt". Nhưng hình như bác Diện không chịu đọc như vậy !

4. Nhắc lại một lần nữa: "Từ (bi)" đối với "(Đàn) việt", lối chơi chữ trong phạm vi thuật ngữ Phật giáo

Bây giờ, cần chặt chẽ hơn chút nữa.

Đó là, ở trên, tôi mới ghi là "cửa từ" là để đối với "khách việt". Tức là, "cửa" thì đối với "khách", còn "từ" thì là đối với "việt".

Đối ở đây rất chỉnh, "cửa" thì mở ra để đón "khách", và "khách" thì "mặc sức vãng lai" để qua lại cái "cửa" ấy để mà được "tế độ".

Cho nên, "từ" và "việt" cũng đối nhau rất chỉnh. Hai chữ này cũng là tâm điểm của cả hai vế đối. Nội dung của cả cái câu đối ấy có thể rút gọn vào hai chữ ấy thôi, tức là:

 

– Vế thứ nhất: được rút gọn vào chữ TỪ BI — rồi, chữ này lại được rút gọn thành TỪ (bỏ chữ BI ở dưới)

– Vế thứ hai:  được rút gọn vào chữ ĐÀN VIỆT — rồi, chữ này lại được rút gọn thành VIỆT (bỏ chữ ĐÀN ở trên; sở dĩ lấy chữ VIỆT mà không lấy chữ ĐÀN là vì chỗ ấy của vế thứ hai cần phải một âm trắc)

 

Đấy, ý nghĩa căn cốt của cái câu đối ấy là ở chỗ đó. Và cách chơi chữ cũng là ở chỗ đó.

 

Tôi trộm nghĩ, người viết ra câu đối này hẳn phải là người có kiến thức Phật học vững, lại có văn tài. Có thể là sư trụ trì của chùa Vân Hồ trước đây, mà cũng có thể là cư sĩ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha cũng nên (chùa Quán Sứ, nơi mà cư sĩ Thiều Chửu nhiều năm gắn bó, có mối quan hệ lâu đời với chùa Vân Hồ), mà biết đâu lại là một nhà sư khác trên mạn Bắc Giang (tôi sẽ giới thiệu về nhà sư này, một người bạn chí thiết của cư sĩ Thiều Chửu, ở một dịp khác). 

(Đang viết tiếp)

Bổ sung quan trọng 1 (ngày 23/10/2010):

(1) Tin vừa nhận qua mail:

Giới Phật tử và nhà chùa đã quan sát sự việc và lên tiếng ở đây: http://www.phattuvietnam.net/3/22/12058.html

(2) Tuy nhiên, tôi xin đề nghị với trang Phật tử Việt Nam hai điểm nhỏ sau:

– Các bác tự ý lấy entry của tôi (hay bất cứ ai đó) về trang của các bác, mà lại chỉnh sửa đi như vậy (dù chỉnh sửa chỉ là nho nhỏ), thì cũng không nên, nếu như chưa có sự đồng ý của tôi (hay của bất cứ tác giả nào),

– Các bác không đặt đường link đến blog của tôi, như vậy, theo quan điểm của tôi, cũng là cách làm không đúng qui chuẩn khi trích dẫn tư liệu,

Trân trọng đề nghị

Giao