Category Archives: Từ Hán Việt

Tiên Lãng, là Tiên và Lãng nào ?

Entry được viết từ ngày 14/2/2012, được chỉnh sửa dần một số điểm nhỏ nhờ sự góp ý của các bạn trong comment.

Độ một tháng nay, từ "Tiên Lãng", một địa danh ở Hải Phòng, xuất hiện với tần suất cao đột ngột trên mọi phương tiện thông tin, đặc biệt là mạng internet.

Có bạn, hôm nay, viết mail hỏi đại ý : "Tiên Lãng là Tiên Lãng nào ?".

1. Báo chí Trung Quốc dùng chữ Tiên Lãng 仙浪. "Tiên " ở đây là "tiên/nàng tiên/cô tiên/bà tiên/người tiên", còn "lãng " là "sóng/sóng nước/sóng biển". Ghép lại, thành ra như có ý chỉ: sóng ở cõi tiên, nàng tiên với sóng ! Suy cho vui thành nàng tiên lướt sóng !

Trước đó một ít ngày, Website chính phủ Việt Nam bản tiếng Trung cũng dùng chữ Tiên Lãng trên, kèm theo một bức ảnh sau:

会议全景——图片:政府门户网站: 段文汪 (Đoàn Văn Vươn được kí âm thành Đoàn Văn Uông !)

Chắc là báo chí Trung Quốc có tham khảo chữ Tiên Lãng trên website chính phủ Việt Nam. Hoặc cũng có thể ngẫu nhiên trùng hợp.

2. Không hiểu dựa vào đâu, có một vài bác dùng Tiên Lãng với nghĩa là "đầu sóng", tức "đầu sóng ngọn gió". Tức Tiên là , với nghĩa "trước/đầu/trước tiên/đầu tiên".

Có lẽ ảnh hưởng cách hiểu đó, mà BS Hồ Hải trong entry mới đưa lên, cũng dùng chữ Tiên Lãng 先浪. Trích nguyên văn: "Hai tháng nay mùi mù tạc của nhà Cải ở Tiên Lãng – ngọn sóng đầu tiên hay nói
văn chương hơn là nơi đầu sóng ngọn gió
()– dậy sóng bằng những viên đạn hoa Cải và
bom tự tạo.
". Lần trước, đã một lần hầu chuyện chữ nghĩa với bác Hồ Hải rồi, ở đây.

Từ điển Bách khoa mở trên mạng, cũng dùng chữ Tiên Lãng như trên, 先浪.

3. Bây giờ, mở sách cổ, đang lưu ở kho Viện Hán Nôm, thì Tiên Lãng chẳng phải "nàng tiên lướt sóng 仙浪", cũng chẳng phải "đầu sóng ngọn gió 先浪" !

Nó lại là chữ này: 先郎 hoặc chữ này (có văn bản thứ cấp ghi đọc là Lãng, lại có văn bản thứ cấp ghi đọc là Lang, tôi sẽ đưa tư liệu gốc chính xác sau).

Tức là "tiên" chẳng thấy đâu, mà "sóng" cũng chả xuất hiện !

Tiên Lãng không có nghĩa là "sóng tiên/nàng tiên lướt sóng", cũng chẳng có nghĩa là "đầu sóng ngọn gió".

4. Tra cứu thêm một chút nữa thì biết, cái tên Tiên Lãng/Tiên Lang trên cũng mới có từ khoảng cuối thập niên 1880. Vốn vùng ấy có tên là Tiên Minh 先明, nhưng do kị húy tên vua Hàm Nghi (tức Phúc Minh 福) nên đổi thành Tiên Lãng/Tiên Lang.

Trước Tiên Minh, còn có tên là Tân Minh 新明.

Lãng cũng có nghĩa là Minh , tức đều chỉ sự sáng, ánh sáng. Thay mặt chữ tí chút (chỉ sửa một nửa chữ), mà được âm đọc khác (từ Minh sang Lãng), nhưng khéo léo là vẫn giữ được cái nghĩa.

Tan Minh.jpg

Tên hai huyện An Lão và Tân Minh trên tờ trình kế hoạch đánh An Nam của nhà Minh

 

5. Ngụ ý vào hiện tại thì thấy:

Tiên Lãng 先朗 hay Tiên Minh 先明 đều là sáng lên trước tiên. Tỉnh trước nhất. Ngộ ra đầu tiên.

Tân Minh 新明 tức ánh sáng mới. Vừa tỉnh dậy. Vừa ngộ ra.

Tựu trung, ngay từ cái tên, Tiên Lãng ngày nay đều đang tự thắp lên một tựa thứ như là ánh sáng, như là khải mông, như là hi vọng, sau những đêm trường nhọc nhằn của mồ hôi và nước mắt. 

6. Kết luận (không phải kết luận của thủ tướng !): Đang chờ, một chút.

Bổ sung 1 (16/2/2012): Bác Vũ Nho có gợi ý qua câu hỏi ở comment về việc Tân Minh vì sao chuyển thành Tiên Minh. Tức là vì sao "Tân" chuyển thành "Tiên". Qua thông tin bước đầu, do bạn MB cung cấp (ở đây), tôi chưa xác nhận, nhưng tạm biết rằng, "Tân" đã chuyên thành "Tiên" (Tân Minh thành Tiên Minh) là do kị húy niên hiệu Duy Tân của vua Lê Kính Tông (vua đầu đời Hậu Lê, lúc nhà Lê mới lấy lại được kinh thành Thăng Long từ tay nhà Mạc, còn chưa yên chính sự và nội bộ). Chắc là còn có nhiều làng xã huyện có chữ "Tân" trong tên đã bị đổi đi vào thời đó (xác nhận sau).

 

Bổ sung 2 (16/2/2012): Cảm ơn bạn Ánh đã xác nhận và góp ý về một điểm nhần lẫn (vốn của đường link do bạn MB chỉ dẫn, tôi chưa xác nhận nên nhầm theo).

Điểm nhầm là ở câu sau, đã viết ở Bổ sung 1, rằng: "Tân" đã chuyên thành "Tiên" (Tân Minh thành Tiên Minh) là do kị húy niên hiệu Duy Tân của vua Lê Kính Tông". Thật ra, như bạn Ánh đã chỉ ra, kị húy ở đây là kị húy tên ông vua, là ông Lê Duy Tân, chứ không phải là niên hiệu Duy Tân. Không hề có niên hiệu Duy Tân ở đời ông vua này ! 

Tôi đang đọc sử nhà Thanh trong liên quan đến nhà Mạc, thấy sử Thanh hay gọi tên tục của ông vua này của nhà mình, là Duy Tân. Một phần có lẽ bị ám ảnh vì cách gọi "tục" (hỗn) đó của người nhà Thanh !

Nhờ tra chữ Hán : chữ này có âm đọc và nghĩa là gì ?

Tôi vừa viết xong một bài về chữ này. Một bài viết bổ sung cho bài đã viết những năm 1992-1994. Tức là chữ ấy, với tôi, đã quá cũ rồi.

Trong tay cũng có một số kha khá từ điển/tự điển, nhưng chỉ có 3 quyển là có chữ đó thôi (một bộ in năm 1992, một cuốn in đầu thời Dân Quốc, và một thì là Khang Hy tự điển – cả cuốn này đã ở trên mạng). Tất cả số còn lại không có chữ đó.

Trong word thì không soạn thảo được. Dùng mẹo IME Pad của Nhật trong word cũng không xong (không có mà dùng). Đành phải dùng phần mềm khác để vẽ ra nó !

Nhưng khỗ nỗi, nhanh chong vẽ xong, thì cho vào word thì được, nhưng cho vào mạng internet thì không hiển thị được.

Kính nhờ các huynh đệ uyên thâm bốn phương tra giúp và chỉ giáo. Nó đây, mặt mũi thế này:

 

IMG_7130.JPG

dttd.jpg

 

 

Xin chân thành cảm ơn, và hậu tạ bằng phở hoặc sách (chọn một trong hai) !

 

Bổ sung 1 (23/9/2011): Bác Khuất Lão Động Chủ gửi vào comment hình chụp sau đây về mã chữ này (bác Khuất Lão cắt từ Khang Hy tự điển, bộ miên, 6 nét – cả cuốn tự điển này đã được đưa lên mạng)

Bác Khuất Lão có bỏ đi phần giải thích của Khang Hy tự điển, bây giờ, tôi khôi phục lại, như sau:

 

 

Bổ sung 2 (24/9/2011): Tôi cũng đưa lên đây một trích đoạn từ cuốn từ điển in năm Dân Quốc 4 (1914). Cuốn này không biết hiện nay còn được mấy bản ở Việt Nam ? Bác nào có giữ trong nhà thì xin đánh tiếng. Đoạn trích đó như sau:

(Da chinh sua) Tu dien Khao chinh ngoc duong 1914-1.jpg

 

 

Hiên ngang : Là từ Hán Việt, chứ không phải từ thuần Việt đâu nhé !

Hôm nay, lần giở mấy Phật lục, lại đọc vài bài của các học sĩ đời nay.

Giật mình, khi có một bác học sĩ phân tích chữ "hiên ngang" trong Phật lục, mà bảo rằng đó là sáng tạo của người Việt Nam ! Rằng là, "hiên ngang" là tiếng Việt được gài vào kinh Phật !

Trời ạ. Mà thôi không dẫn nguồn, tức là cái tư liệu mà tôi đang đọc, để khỏi phiền hà. Bác nào đã viết thì tự tìm, và tự sửa nhé.

"Hiên ngang" chẳng có tí gì là tiếng Việt thuần cả. Nó là từ Hán Việt đó thôi, mặt chữ của nó là thế này nhé: 軒昂.

Phải viết thêm một chút về nghĩa của "hiên ngang":

Hiên, vốn là chỉ cái hiên nhà, và nghĩa mở rộng thì là chỉ chỗ cao, dáng vẻ cao, cao lớn.

Ngang, cũng có nghĩa là cao, cao lớn, lồng lộng !

 

Trên mạng, thấy nhiều nơi có cái hình của bác Cù Huy Hà Vũ (xem ở dưới), và được chú thích là bác ấy hiên ngang trước tòa án.

 

Nhiều từ Hán Việt đã đi vào đời sống ngôn ngữ Việt Nam chúng ta quá sâu, làm ta nhiều khi cứ ngỡ là tiếng Việt.

Nghiêu khê hay Nhiêu khê ? – 2

Vì entry số 1 cùng chủ đề đã khá nặng, khó sử dụng khi comment tiếp, nên mở entry thứ 2 ở đây, để tiếp tục luận bàn về "nghiêu khê/nhiêu khê".

Đúng là bàn về "nhiêu khê" có khác, có vẻ đang "nhiêu khê" mất rồi ! Nhưng đành thế, chẳng có cách nào khác để tránh sự "nhiêu khê". Chúng ta cần cùng nhau dọn cái mối nhiêu khê đi, để nó không còn di chứng gây nhiêu khê nữa về sau này.

Để có thể cùng góp vui ở entry số 2 này, mời các bạn quan tâm vào đọc trước entry 1, ở đây.

Mục đích của entry số 2 này sẽ là:

– Nghĩa gốc của "nghiêu khê/nhiêu khê" trong chữ Hán là gì ? Nghĩa đó đã biến đổi như thế nào khi vào tiếng Việt.

– Liên quan với điều trên, vậy "nghiêu khê/nhiêu khê" trong tiếng Việt vốn xuất phát là chữ nào trong 4 chữ sau (giả định chúng là dị thể của nhau): 蹺蹊/蹺奇蹺欹/ 嶢崎.

Các vấn đề khác sẽ bàn ở một entry khác (nếu điều này thực sự cần).

Chú ý đầu tiên: để xác định "nghiêu khê/nhiêu khê" có mặt chữ chính là 蹺蹊 thì các bác Nguyễn Cung Thông, Nam Long, và tôi, đã phải qua một ít bàn qua luận lại ở entry 1, mà không phải "tự dưng" nó ra như vậy.

Trang từ điển có chữ 嶢崎 dạng giản thể, do bác Trần Quang Đức đưa lên

(Cổ đại Hán ngữ từ điển, Thương vụ ấn thư quán, bản năm 2002)

 

Theo bác Đức thì:

"Tôi thấy mọi người đang tranh luận về cách đọc chuẩn của hai từ nhiêu khê/ nghiêu khê, trong khi đã mặc định rằng cách chú chữ Hán蹺蹊 của từ này là chuẩn xác. Trong khi đó, từ này vốn là một từ láy, Tàu gọi là ‘連綿詞 hoặc 聯綿詞’ (Liên miên từ). Từ láy trong tiếng Hán thường là những từ không thể đoán định ý nghĩa dựa vào mặt chữ viết (tự dạng),  cho nên bản thân chúng tồn tại rất nhiều dị thể, và với mỗi dị thể nhiều khi lại được đọc với cách đọc khác nhau. Điển hình là từ委迤 /ủy dĩ/ biểu thị sự quanh co, với một loạt các dị thể là委佗 /ủy đà/,委蛇 /ủy xà/, 委移/ủy di/, 旖施 /y di/. (Trong trường hợp này, /xà/ và /đà/ đều phải đọc là /di/.) Ngoài ra còn có trường hợp踌躇 /trù tr/,踟蹰 /trì trù/;婆娑/bà sa/, 蹒跚 /bàn san/…

Với trường hợp 蹺蹊, từ này có hai dị thể (không tính sự đảo lộn thứ tự các chữ), đó là 蹺欹嶢崎, cùng biểu đạt ý nghĩa “kỳ quái, đáng ngờ, ly kỳ”, ngoài ra 嶢崎 còn có nghĩa là ‘vòng vèo, lòng vòng’ (Xem Cổ đại Hán ngữ từ điển của Thương Vụ Ấn Thư Quán in năm 2002). Tôi nghĩ chúng ta sẽ không khó chứng minh mối dây liên hệ về mặt ngữ nghĩa giữa những từ này với từ nhiêu khê, nghiêu khê trong tiếng Việt. Vấn đề cần chứng minh chẳng qua là từ nào có liên hệ gần gụi nhất với cách đọc /nghiêu khê/, /nhiêu khê/ trong tiếng Việt mà thôi. "

(lược bỏ một đoạn — đoạn này sẽ trở lại khi cần thiết)

Như vậy vào thời Đường các từ 蹺欹, 嶢崎 có âm đọc là /khiêu khê/ và /nghiêu khê/. Điều này chứng tỏ, âm đọc /nghiêu khê/ trong tiếng Việt chuẩn xác hơn và có trước âm đọc /nhiêu khê/. /Nhiêu khê/ là một biến thể của /nghiêu khê/ trong nội bộ tiếng Việt? do quá trình ngạc hóa, biến /ng-/ thành /nh-/. "

 

Tạm gác vấn đề biến đổi ngữ âm sang một bên đã, bây giờ nói về ngữ nghĩa, thì tôi đặc biệt quan tâm đến gợi ý sau của bác Đức:

"ngoài ra 嶢崎 còn có nghĩa là ‘vòng vèo, lòng vòng’ ".

Vầy thì:

– Phải chăng 嶢崎 chính thực là một dạng dị thể của 蹺蹊 ? Cái này là điều đã được các tự điển, từ điển Trung Quốc ghi nhận, hay là một liên tưởng của riêng bác Đức ?

– Phải chăng nghĩa hiện dùng của từ "nghiêu khê/nhiêu khê" trong tiếng Việt (tiếng Việt hiện hành thì là "nhiêu khê") có gốc từ  chữ 嶢崎 này ? 

 

Vấn đề tưởng "nhiêu khê", nhưng thực ra chỉ rất nhỏ, rất bé. 

Mọi việc sẽ giải quyết khi chúng ta chứng minh được một cách trực tiếp (không theo cách "lòng vòng" hay "nhiêu khê/nghiêu khê") rằng:  嶢崎 chính là một dị thể của  蹺蹊 (bên cạnh 2 dị thể khác đã được các tự điển Trung Quốc ghi nhận: 蹺奇/ 蹺欹), hay đúng hơn là hai chữ 嶢崎/蹺蹊 này có thể dùng hoán đổi cho nhau được.  

 

Cũng có thể 嶢崎 trong chữ Hán mới chính thực là gốc của "nghiêu khê/nhiêu khê" trong tiếng Việt, mà không phải là chữ  蹺蹊 như đã tạm thống nhất ở entry 1. Nếu thế thì, 嶢崎 蹺蹊 là hai chữ khác nhau, chúng không có quan hệ dị thể với nhau.

Mọi khả năng đều có thể.

Những entry cùng chủ đề đã đi trên blog này:

Kì 2 – Trở lại vấn đề cơ bản, nghĩa gốc của "nghiêu khê/nhiêu khê" ("nghiêu khê/nhiêu khê" là chữ nào, trong 4 chữ 蹺蹊/ 蹺奇/蹺欹/ 嶢崎)

Kì 1Lời mở, và thống nhất mặt chữ chính của "nghiêu khê/nhiêu khê" là 蹺蹊, luận về biến đổi ngữ âm

Nghiêu khê hay Nhiêu khê ? – 1

Có hai cách viết sau:

Nhiêu khê (NHIÊU KHÊ)

Nghiêu khê (NGHIÊU KHÊ)

Theo bạn, đâu là cách viết đúng với chỉnh tả tiếng Việt hiện nay ? Bạn hãy cho biết cách viết đó vào comment của entry này. Xin chân thành cảm ơn.

Giao 

 

PHỤ LỤC

Sở dĩ tôi muốn các bạn "bỏ phiếu", là vì, điều trên có liên quan đến một cuộc trao đổi giữa giáo sư Ngô Đức Thọ (từ đây trở xuống sẽ gọi thân mật là bác Thọ) và tôi trên blog.

Số là, có một hôm nào đó, tôi ghé thăm blog của bác Thọ, thấy bác đưa một lời kiến nghị về vấn đề bọ-xít ở Tây Nguyên (bọ-xít là cách gọi của riêng tôi). Bác viết to những chỗ bác muốn nhấn mạnh, rằng (chép lại từ entry này bên blog bác Thọ):

"Vietnamnet đưa tin: chiều 12/10 Cộ Công Thương đã họp khẩn cấp với Tập đoàn Công nghiệp Than -Khoáng sản (TKV) "yêu cầu rà soát lại tổng thể thiết kế và bổ sung biện pháp nếu có thể nằm bảo đảm an toàn cao nhất cho dự án".
Ý kiến người dân:

Xin đừng nghiêu khê họp bàn các cấp gì nữa! Thảm hoạ nhãn tiền rồi.

 

Tôi thấy bác viết "nghiêu khê" nên có viết một comment nhanh ở dưới cái entry đó, rằng:

"Bác ơi, có một lỗi chính tả hoặc lỗi đánh máy ạ !

Đó là "nhiêu khê", mà không phải "nghiêu khê" !"

 

Sau đó, tôi lại ghé thăm blog bác lần nữa, thì thấy hình như bác bỏ cái câu có chữ "nghiêu khê" và thay bằng một câu khác thì phải. (tôi không nhớ rõ lắm, chỉ nhớ mang máng vậy)

Nhưng tối nay, vào blog bác, thì thấy bác có một thuyết minh rất thú vị về chữ "nghiêu khê". Tôi xin cóp về blog này, để lưu.

Đây là thuyết minh/giải đáp của bác Thọ cho cái comment của tôi (hiện nay, bác Thọ đã dán cái comment ấy ở dưới lên, và xóa comment gốc đi):

"Vietnamnet đưa tin: chiều 12/10 Cộ Công Thương đã họp khẩn cấp với Tập đoàn Công nghiệp Than -Khoáng sản (TKV) "yêu cầu rà soát lại tổng thể thiết kế và bổ sung biện pháp nếu có thể nằm bảo đảm an toàn cao nhất cho dự án".
Ý kiến người dân:

Xin đừng nghiêu khê họp bàn các cấp gì nữa! Thảm hoạ nhãn tiền rồi.
Trân trong đề nghị:
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và  Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thực hiện ngay các quyết định đình chỉ tức khắc các dự án Bô xít ở Tây Nguyên.

Dừng ngay lập tức không phải chờ đợi thông tư hướng dẫn gì nữa. Dừng và thực hiện ngay các biên pháp huỷ bỏ. Cần coi đây là tình trạng khẩn cấp phải xử lý ngay, trách nhiệm các bên sẽ giải quyết sau. Ai chống lệnh phải xử lý ngay.

Người dân:
Ngô Đức Thọ
50 ngõ 210/41/11 Đội Cấn, Q.Ba Đình,Hà Nội
38464397

Lời bình của Giao:

Bác ơi, có một lỗi chính tả hoặc lỗi đánh máy ạ !

Đó là "nhiêu khê", mà không phải "nghiêu khê" !

Trả lời Chu Xuân Giao:

Gặp anh một hai lần cách đây đã lâu lắm, nhưng xem ảnh nhỏ trên blog cũng nhận ra. Cho tôi gửi  lời kính thăm sức khoẻ thầy Chu Xuân Diên.

Tôi cũng có lời cám ơn anh ghé thăm trang nhà của tôi. Còn điều anh góp ý  về hai chữ "nghiêu khê" là sai chính tả hoặc đánh máy nhầm, tôi muốn hồi âm anh rõ:

-"nghiêu khê", đúng thế, chẳng nhầm tí nào đâu! Có lẽ chính anh phải tự đính chính đấy! Mời anh vào Google, gõ từ "nghiêu khê" ở trang của Wiktionary, anh sẽ thấy ngay cả chính tả và giải thích. Tiện thể đây anh có thể xem trước mảnh cắt  Wiktionary "nghiêu khê" tôi đã làm sẵn. Tôi nhận ra có một ít người chỉ biết "nhiêu khê" mà không biết "nghiêu khê"!

À quên, sau khi xem, biết tôi không sai rồinhờ anh cắt bỏ mấy chữ copy to đùng đi, để khỏi loảng kiến nghị của tôi đi anh Giao nhé! Còn như tại sao "nhiêu khê","nghiêu khê", giải thích ra thì dài dòng lắm và không phải lúc, có khi phải sang…Nhật học lại nhanh hơn!

Ngô Đức Thọ

%name

"

 

 

Xin cảm ơn lời giải đáp của bác Thọ !

Kính chúc bác sức khỏe, an vui, mong chờ những công trình mới của bác. 

 

 

Và trước khi trao đổi lại cho bác Thọ, trên blog này, tôi muốn tham vấn các bạn của tôi trước đã.

Ai nhục đây ? Chống Tàu một cách mù quáng như vậy, phỏng ích gì ?

(Entry này phải viết dần dần vì tôi mắc việc, và sau khi hoàn tất thì chỉ công khai vài ngày, sau sẽ được cất đi)

 

Tôi đang phải tự "đại tu" cái máy tính xách tay. Lâu lâu không động tay vào công việc này, vả lại, ở Hà Nội thiếu đồ phụ kiện máy tính tự chọn trầm trọng, nên hơi vất vả, quần quật suốt từ đầu giờ sáng, chẳng còn mặt mũi ngó nghiêng các việc khác.

Bất ngờ, đến 10 h đêm, một cái nhắn tin của một bác bạn (dân du lịch, có hiểu biết về văn tự Hán Nôm), đề nghị tôi phải vào đọc blog của bác Nguyễn Xuân Diện. Cái bài này .

Trời ạ ! Vào nhà bác Diện, thì thấy bác đặt một cái tít khá giật gân thế này "NHỤC QUÁ! GIỮA THỦ ĐÔ MÌNH MÀ NÓ BẢO MÌNH LÀ KHÁCH". Sau một vài phân tích câu đối của chùa Vân Hồ (cái chùa ở cuối đường Bà Triệu, gần phòng công chứng nhà nước), bác Diện đi đến một nhận xét thế này:

"Bọn họ thật thâm hiểm quá! Ngay giữa thủ đô ta mà lấy ngay cái chữ Nôm (một sáng tạo của cha ông ta) để chửi chúng ta, bảo rằng: Bọn bay chỉ là khách thôi!

Thật kinh hoàng! Đề nghị ngành văn hóa TW và Hà Nội ra lệnh dỡ ngay đôi câu đối này trước Đại lễ Thăng Long, nếu không thì nhục lắm các ông các bà ạ!"

Tôi đọc cả entry xong, đâm ra choáng ! Xong rồi, đọc xuống thấy rất nhiều comment của bạn đọc, phần nhiều đều đồng thanh "kêu nhục" như bác Diện, trong đó, thấy có cả bác Trần Ngọc Vương !

Tôi xin hỏi (bác Diện và tất cả các bác có viết còm ở cái entry ấy): Nhục ở đây, là ai nhục ? Nhục vì cái gì ? Rút cục, ai phải chịu nhục ở đây ?

Đọc sai, hiểu sai nghĩa của câu đối, mà bảo nhục, thế là thế nào ?

Chẳng biết cái chùa Vân Hồ là chùa gì, ngày trước nó ra làm sao, nó tu sửa thế nào, mà dám vội vàng la lên rằng: "Bọn họ thật thâm hiểm quá! Ngay giữa thủ đô ta mà lấy ngay cái chữ Nôm (một sáng tạo của cha ông ta) để chửi chúng ta, bảo rằng: Bọn bay chỉ là khách thôi!". Thế là thế nào ?

Tôi sẽ phân tích từ từ ở dưới đây. Để chỉ ra sự chống Tàu một cách mù quáng của các bác.

Mà đêm khuya rồi, ngày mai, tôi tranh thủ viết tiếp. Dạo đầu, chỉ đưa độc một cái ảnh này lên để bác Diện và các bác khác xem nhé:

Ảnh 1:  Cổng chùa Vân Hồ — ảnh do bác Nguyễn Xuân Diện chụp

Ảnh 2: Cổng chùa Vân Hồ – ảnh cũ (chụp khi chùa Vân Hồ chưa trùng tu, nguồn ảnh ở đây)

Thôi, lại cho thêm một cái ảnh cũ nữa, cho nó toàn cảnh:

Ảnh 3 : Cổng chùa Vân Hồ – ảnh cũ (nguồn ảnh ở đây)

Và đây, đã nói đến ảnh, thì cho thêm một cái ảnh nữa – một cái ảnh chụp cổng chùa Vân Hồ sau khi trùng tu, và ở một góc độ khác với ảnh của bác Diện:

IMG 1774

Ảnh 4:  Cổng chùa Vân Hồ  (sau khi chùa đã trùng tu; ảnh ở một góc độ khác, nguồn ảnh ở đây)

1. Chỉ là câu đối cũ, được viết lại trên vật liệu mới khi trùng tu, mà không phải câu đối mới vừa sáng tác ra để chào mừng đại lễ 1000 năm Rồng bay

Qua những tấm ảnh trên (ảnh trước khi cổng chùa Vân Hồ được trùng tu, và sau khi trùng tu), chúng ta sẽ thấy rõ bằng mắt thường, không cần phải mất công dẫn giải thêm, rằng:

– nội dung cái câu đối mà bác Diện "vô tình phát hiện" ra, thấy trên hai cột trụ (bằng gỗ) của cổng chính chùa Vân Hồ, không phải là câu đối mới, nó không phải là thứ vừa được "sáng tác" ra gần đây !

trước khi trùng tu, câu đối ấy đã có sẵn ở hai bên cột trụ (bằng gạch) của cổng chùa Vân Hồ rồi ! Khi đó là chữ Nôm đắp nổi bằng vật liệu vữa – xi măng,

– khi trùng tu, người ta chép nguyên xi câu đối cũ để chuyển từ vật liệu vữa – xi măng sang vật liệu gỗ,

– như vậy, dù vật liệu đã thay đổi, thì trước và sau trùng tu, câu đối chữ Nôm đó không hề thay đổi về nội dung, tức là vẫn giữ đúng từng chữ một !

2. "Cửa từ (bi)" là ngôn ngữ nhà Phật, thì "Khách (đàn) việt" cũng là ngôn ngữ nhà Phật. Thế mới đối nhau chứ ! Câu đối chỉ nói chuyện nhà Phật, làm gì có ngầm ý "Khách Việt (Nam)". Chữ và ý "khách Việt (Nam)" thì làm sao đối lại với chữ và ý "cửa từ (bi)" cơ chứ, quá là cọc cạch, râu ông nọ cắm cằm bà kia ! Có chăng đó phải là "cửa Tàu" mới đối được với "khách Việt" !  Tức là câu đối phải là thế này cơ nhỉ:

"Chốn am thiền rộng mở cửa Tàu sẵn lòng tế độ
Nơi thành thị thiếu gì khách Việt mặc sức vãng lai
".

À, còn có một cách "cứu nguy" (không hiệu quả lắm) nữa là: chữ "cửa từ" không phải là "cửa từ (bi)" mà là "cửa Từ (Hải)" thì mới đối nhau ! Nếu thế thì vận dụng Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du mà thành ra câu đối thế này:

"Chốn am thiền rộng mở cửa Từ (Hải) sẵn lòng tế độ
Nơi thành thị thiếu gì khách Việt (Việt Nam, hay Việt Đông) mặc sức vãng lai"

Chung qui là cái sự đọc ra thành "khách Việt (Nam)" của bác Diện là sai bét ! Thế rồi, từ cái sai đến kì lạ như vậy, bác lại hô lên rằng: các cơ quan chức năng phải dẹp bỏ cái câu đối ấy của chùa Vân Hồ đi !

Nếu bác xúi người ta dẹp bỏ câu đối đi, thì có khi bác lại bị phía nhà chùa kiện về tội vu khống cũng nên ! Mong bác lần sau hết sức cẩn trọng, và hãy đừng chống Tàu một cách mù quáng như vậy nữa !

 

 

Nói như trên, có khi khó hiểu một chút, cho nên cụ thể nó là thế này. 

Bác Diện đã đọc và giải thích câu đối trên cổng chùa Vân Hồ thành ra là (ảnh và văn được đặt trong ngoặc kép là trích nguyên văn từ blog bác Diện, tôi chỉ tô màu các chữ "cửa từ" và "khách Việt" để nhấn mạnh):

"

 

Vế thứ nhất: Chốn am thiền rộng mở cửa từ sẵn lòng tế độ

 

Vế thứ hai: Nơi thành thị thiếu gì khách Việt mặc sức vãng lai

Như vậy, đôi câu đối là:

Chốn am thiền rộng mở cửa từ sẵn lòng tế độ
Nơi thành thị thiếu gì khách Việt mặc sức vãng lai
"

Bác Diện lại còn cẩn thận ghi chú rõ ràng thế này nữa chứ:

"Xin lưu ý, chữ

chỉ có thể đọc là "Việt". Vì Cửa Từ (bi) đối với Khách Việt (Nam). Không thể đọc là "Vượt" được, vì không thể lấy "cửa từ" đối với "khách vượt"."

Hà hà, "Cửa từ (bi)" không thể đối với "Khách vượt", là đúng rồi ! Nhưng mà, như trên đã nói, theo luật đăng đối của câu đối, thì cái  "Cửa từ (bi)" cũng không thể đối được với "Khách Việt (Nam)" !

Bác Diện không nắm vững luật đối của câu đối, hay là bác vì tư tưởng chống Tàu quá mạnh mà giả vờ không nắm vững như vậy ?

Bác viết là "khách Việt" và giải thích rằng "Bọn họ thật thâm hiểm quá! Ngay giữa thủ đô ta mà lấy ngay cái chữ Nôm (một sáng tạo của cha ông ta) để chửi chúng ta, bảo rằng: Bọn bay chỉ là khách thôi!" thì người biết đọc Hán Nôm chỉ cười khì khì ! Nhưng tai hại là, cái đọc sai và giải thích sai đó của bác, khi độc giả bình thường không biết Hán Nôm mà đọc thì, đa phần họ cứ thế tin theo bác, và nhao nhao lên !

Sở dĩ tôi phải lên tiếng ở đây là vì thấy cái sự nhao nhao lên kia, tức là sự a dua không đáng có. Mong mọi người đã trót nhao nhao lên ấy, hãy bình tình mà hiểu rằng:

– sự đọc và giải thích của nhà chuyên môn ở đây là không đúng !

– cái câu đối ở cổng chùa Vân Hồ ấy chẳng có liên quan gì đến người Tàu hay người Việt cả ! 

3. Vậy "khách việt" ở đây là cái gì ?

Trên kia, tôi đã nói qua, rằng "khách việt" ở đó là để đối lại với "cửa từ", cả hai đều là thuật ngữ nhà Phật.

Nó chính là thuật ngữ "đàn việt" hay "khách đàn việt", "người đàn việt" của Phật giáo. Các bác nào có quan tâm, mời tra cứu trong từ điển liên quan đến Phật học, Phật giáo (sau này, nếu cần, tôi sẽ viết rõ trong một bài học thuật về cái "đàn việt" này trong liên quan đến cụ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha – cư sĩ, người soạn rất nhiều sách Phật và đặc biệt là "Từ điển Hán Việt"). Đơn giản mà nói, "đàn việt" là người bố thí (thí chủ), người phát tâm công đức cho nhà chùa, người là tín đồ của nhà chùa.

Vậy nên, câu đối ở cổng chùa Vân Hồ chỉ chuyển tải nội dung của Phật giáo mà thôi, là thế này:

"Chốn am thiền rộng mở cửa từ sẵn lòng tế độ
Nơi thành thị thiếu gì khách việt mặc sức vãng lai"

Có nghĩa là (diễn nôm na):

"Đây là am thiền luôn mở rộng cửa từ (bi) sẵn lòng tế độ (chúng sinh)

Ở giữa nơi thành thị, có thiếu gì khách (đàn) việt [thí chủ, người phát tâm công đức, người mộ đạo Phật], mặc sức tới tới lui lui"

Lưu ý: ngay trong các comment ở entry bên blog bác Diện, tôi cũng có thấy một bạn lên tiếng là cần đọc "khách Việt" là "khách đàn việt". Nhưng hình như bác Diện không chịu đọc như vậy !

4. Nhắc lại một lần nữa: "Từ (bi)" đối với "(Đàn) việt", lối chơi chữ trong phạm vi thuật ngữ Phật giáo

Bây giờ, cần chặt chẽ hơn chút nữa.

Đó là, ở trên, tôi mới ghi là "cửa từ" là để đối với "khách việt". Tức là, "cửa" thì đối với "khách", còn "từ" thì là đối với "việt".

Đối ở đây rất chỉnh, "cửa" thì mở ra để đón "khách", và "khách" thì "mặc sức vãng lai" để qua lại cái "cửa" ấy để mà được "tế độ".

Cho nên, "từ" và "việt" cũng đối nhau rất chỉnh. Hai chữ này cũng là tâm điểm của cả hai vế đối. Nội dung của cả cái câu đối ấy có thể rút gọn vào hai chữ ấy thôi, tức là:

 

– Vế thứ nhất: được rút gọn vào chữ TỪ BI — rồi, chữ này lại được rút gọn thành TỪ (bỏ chữ BI ở dưới)

– Vế thứ hai:  được rút gọn vào chữ ĐÀN VIỆT — rồi, chữ này lại được rút gọn thành VIỆT (bỏ chữ ĐÀN ở trên; sở dĩ lấy chữ VIỆT mà không lấy chữ ĐÀN là vì chỗ ấy của vế thứ hai cần phải một âm trắc)

 

Đấy, ý nghĩa căn cốt của cái câu đối ấy là ở chỗ đó. Và cách chơi chữ cũng là ở chỗ đó.

 

Tôi trộm nghĩ, người viết ra câu đối này hẳn phải là người có kiến thức Phật học vững, lại có văn tài. Có thể là sư trụ trì của chùa Vân Hồ trước đây, mà cũng có thể là cư sĩ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha cũng nên (chùa Quán Sứ, nơi mà cư sĩ Thiều Chửu nhiều năm gắn bó, có mối quan hệ lâu đời với chùa Vân Hồ), mà biết đâu lại là một nhà sư khác trên mạn Bắc Giang (tôi sẽ giới thiệu về nhà sư này, một người bạn chí thiết của cư sĩ Thiều Chửu, ở một dịp khác). 

(Đang viết tiếp)

Bổ sung quan trọng 1 (ngày 23/10/2010):

(1) Tin vừa nhận qua mail:

Giới Phật tử và nhà chùa đã quan sát sự việc và lên tiếng ở đây: http://www.phattuvietnam.net/3/22/12058.html

(2) Tuy nhiên, tôi xin đề nghị với trang Phật tử Việt Nam hai điểm nhỏ sau:

– Các bác tự ý lấy entry của tôi (hay bất cứ ai đó) về trang của các bác, mà lại chỉnh sửa đi như vậy (dù chỉnh sửa chỉ là nho nhỏ), thì cũng không nên, nếu như chưa có sự đồng ý của tôi (hay của bất cứ tác giả nào),

– Các bác không đặt đường link đến blog của tôi, như vậy, theo quan điểm của tôi, cũng là cách làm không đúng qui chuẩn khi trích dẫn tư liệu,

Trân trọng đề nghị

Giao

Đề nghị có kí âm Latinh khi viết tên người Trung Quốc hiện nay !

Lần trước, đã khá lâu lâu rồi, trên blog này, ở cuối một entry liên quan đến một nữ chính khách Trung Quốc (xem lại ở đây: http://vn.360plus.yahoo.com/dzjao/article?mid=907), tôi đã viết:

"cái tên của quí bà Trung Hoa ấy, tớ đọc là Zhang Rongming/Trương Dung Minh, và nếu viết thành văn bản chính thức thì ghi là: Zhang Rongminh (Trương Dung Minh)"

Trong đó, có một đề nghị của tôi về cách phiên âm tên người Trung Quốc hiện nay rồi đấy:

– cái bà Zhang Rongminh này, trên báo chí và các phương tiện truyền tin khác, nên được viết theo cách: Zhang Rongminh (Trương Dung Minh) — thứ tự trước sau theo đúng vậy,

– mà không viết riêng chỉ là Zhang Rongminh, hay chỉ là Trương Dung Minh.

Viết chỉ Zhang Rongminh thì đó là theo đúng kí âm của người Trung Quốc đại lục rồi đó (theo phương thức phiên âm Bắc Kinh), dù có thể gây khó đọc cho người Việt Nam không biết tiếng Trung Quốc (viết chỉ thế trên mặt báo, chắc là dân ta không đọc đúng được) nhưng chí ít nó cho ta biết đó là người nước ngoài.

Còn chỉ viết Trương Dung Minh, thì quá dễ đọc rồi, vì là tiếng Việt chính hiệu mà ! Nhưng lại có cái tệ là gây nhầm lẫn rằng cái bà này là em gái hay cháu gái của bà lớn Trương Mĩ Hoa ! Chả làm sao mà biết được bà Trương Dung Minh là người Trung Quốc, về cơ bản chắc chẳng có họ hàng bà con gì với bà Trương Mĩ Hoa ở bên ta.

Tưởng là ý tưởng gì mới của tôi. Nhưng quả thật, chả có gì là mới cả. Cũ rích rồi. Trên tạp chí Văn Sử Địa hồi đầu thập niên 1950, các bác như Minh Tranh, Trần Huy Liệu, vân vân, đã đưa ra phương án ấy rồi. Đại ý là:

– thôi, các bác như Tư Mã Thiên, Lỗ Tấn, Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, vân vân, đã quá quen với dân ta rồi, thì cứ thế mà dùng (đừng dại mà ghi là Mao Zhedong, rồi mở ngoặc ghi Mao Trạch Đông, nhìn chung, ở diện rộng, chẳng có ý nghĩa gì cả),

– còn các bác đang ở thì hiện tại (lúc đó là thập niên 1950) thì cứ phải có âm Bắc Kinh đi trước, rồi mới mở ngoặc ghi âm Hán Việt, hoặc làm ngược lại.

Ấy thế mà, mất cả nửa thế kỉ rồi, mà ta lại vẫn cứ dùng trùng trục thế này chứ:

– Hồ Cẩm Đào,

– Ôn Gia Bảo,

– Trì Hạo Điền,

Rồi thì: Trương Dung Minh, Tập Cận Bình, vân vân và vân vân !

Vậy nên, tên hai cái ông bà vừa cưới (ở tuổi 111 và 69) trong mẩu tin dưới đây của VNN, mới đọc lướt, ta cứ tưởng là chuyện bên nước Nam ta, rồi đọc kĩ nữa mới biết là chuyện bên Tàu ! Xin PHỤ LỤC thì sẽ rõ !

Làm theo cách trên (như thấy cách làm của VNN) là làm nghèo tiếng Việt đi. Cứ khư khư giữ cách đọc Hán Việt cho tên người Trung Quốc, chẳng đúng tên người ta, lại gây nhầm lẫn (chẳng biết là Tàu hay là Việt nữa).

Ờ, cái này, khéo phải gửi Quốc hội nước nhà phê duyệt cũng nên ! Biết đâu, các bác Quốc hội sẽ gân cổ lên bảo: "Theo ý kiến của nhà sử học Dương Trung Quốc, và nhà ngôn ngữ học Nguyễn Minh Thuyết, cùng các nhà chuyên môn khác của Quốc hội, chúng tôi thấy chỉ gọi là Trương Dung Minh cho nó trong sáng tiếng Việt" !

Nếu thế, thì đành chịu, cứ để cho tiếng Việt nó tự trong sáng như vậy !

—-

PHỤ LỤC: Tin về đám cưới của một cụ ông 111 tuổi với một cụ bà 69 tuổi

Cụ ông 111 tuổi: Cưới vợ lần đầu thật tuyệt
Cập nhật lúc 10:47, Thứ Bảy, 22/05/2010 (GMT+7)
 
(TinnhanhViệtNamNet) – Một đám cưới long trọng giữa ông cụ Quảng Dũng Hoa (111 tuổi) và bà Liêu Tử Anh (69 tuổi) đã được tổ chức tại Oakland , Mỹ.
 
Đám cưới được tổ chức long trọng dưới sự chứng kiến của 150 người vào ngày 16 tháng 5 vừa qua tại khu phố Tàu ở Okaland, Mỹ.

Ông cụ Quảng Dũng Hoa (111 tuổi) và bà Liêu Tử Anh (69 tuổi). Nguồn ảnh: Star Island Daily

CẤU TƯỞNG (cấu tưởng) nghĩa là gì, tiếng Việt có từ này không ?

Nửa cuối chiều hôm qua, sau khi nghe nói bằng ngôn từ, rồi tôi nhận được phản biện bằng văn bản của một bác cho đề tài nghiên cứu của nhóm chúng tôi (đề tài này được nghiệm thu chính thức vào chiều qua, bác này là Phó Giáo sư Tiến sĩ văn chương, là một trong hai người đọc phản biện). 

Khi nói, và trong văn bản (trang 8 trong bản phản biện dài 16 trang khổ A4), bác ấy nhận xét (nguyên văn như hai câu dưới đây, tôi tô đậm chỗ nhấn mạnh):

 

"  Một số từ hơi lạ, chưa có trong từ điển tiếng Việt, có lẽ là sáng tạo mới: "cấu tưởng" ("chương trình điều tra thực địa của đề tài được chủ nhiệm đề tài cấu tưởng và chỉ đạo chung", trang 42)  "

(Giao ghi thêm: hết trích dẫn, trích dẫn chỉ có 2 dòng lên xuống, còn tính là câu hoàn chỉnh thì chỉ có 1 câu; bác này ghi "một số từ hơi lạ", nhưng chỉ đưa ra từ "cấu tưởng" thôi)

 

Tức là, khi đọc thấy câu "Chương trình điều tra thực địa của đề tài được chủ nhiệm đề tài cấu tưởng và chỉ đạo chung" tại trang 42 (trong báo cáo gần 300 trang của chúng tôi), bác ấy nghĩ luôn rằng: cái từ cấu tưởng này có lẽ sáng tạo mới của mấy tay này, chưa thấy từ ấy trong từ điển tiếng Việt mà ! 

Lúc đó, sau khi cảm ơn những phản biện vô cùng giá trị của hai người phản biện và các ý kiến khác, tôi đã thưa lại với bác trên rằng:

– Thưa bác, từ "cấu tưởng" không phải là từ mới, không phải là "sáng tạo mới" của chúng cháu đâu ! Chúng cháu thấy người ta sử dụng không nhiều lắm, nhưng cũng không ít đâu, không tin, bác cứ thử vào mạng tra sẽ thấy !

Còn trong sách, các cụ đời trước (tôi ngầm chỉ các cụ như Phan Khôi, Đào Duy Anh, vân vân) vẫn sử dụng đấy ạ, có gì, thì chúng cháu chỉ học theo các cụ ấy thôi.

– Xin bác khoan cho, rằng, nếu tra từ điển tiếng Việt (không rõ bác đã tra từ điển nào), thấy chưa có một từ nào, rồi đã bảo ngay là từ đó không có trong tiếng Việt, thì có lẽ hơi vội ! Không ít từ mới, và không ít từ cũ được cho thêm nghĩa mới, chưa xuất hiện trong từ điển tiếng Việt đâu !

Bây giờ, cụ thể thêm, tôi xin dẫn một ít tư liệu dưới đây, để nếu bác ấy có đọc được entry này trên blog tôi thì xin quan sát. Trước hết, tôi chỉ muốn nói với bác là từ đó có đàng hoàng trong tiếng Việt, còn về nghĩa của nó, thì mong bác tự tra cứu lấy. Coi như một lần bổ túc kiến thức.

Viết như ở entry này không phải là kiểu "ra sức" cãi lí, cũng không phải là để đả kích cá nhân, mà chỉ để lưu lại một từ trong tiếng Việt hiện đại với tinh thần cầu thị, và chia sẻ thông tin.

 

1- "Cấu tưởng" trong tiếng Việt, thì, có đây, rất rõ ràng (tạm sử dụng tư liệu trên mạng thôi đã, chưa cần sử dụng đến tư liệu viết và từ điển giấy):

– " , trong bối cảnh lớn phát triển văn hóa văn học thiếu nhi, thể hiện rõ cấu tưởng có tính lý tưởng tốt đẹp của tác giả và lập trường của một người là lương tri của xã hội, của người bảo vệ giữ gìn văn hóa, từng chữ từng câu đều tràn trề nhựa sống thanh xuân đặc hữu,"

(nguồn: http://phongdiep.net/default.asp?print=true&action=article&ID=4539)

– " Nó bao gồm toàn bộ sự sáng tác của nhà văn từ việc nghiên cứu cuộc sống mà chưa có một cấu tưởng nghệ thuật rõ rệt, sự ấp ủ một tác phẩm "

(nguồn: http://trieuxuan.info/print.php?id=2836&catid=6 ; Xác và Hồn của tiểu thuyết. Biên khảo, lý luận phê bình của Hoài Anh. NXB Văn học, 4-2007)

– " Sử dụng năng lực tri nhận của nhân loại để tịnh hoá tri giác và tư khảo của chúng ta thì sẽ hiện ra một khuôn thiết kế của cấu tưởng trị liệu tâm lý học. Vì thế, Đức Phật dạy : Đối với tâm lý học thì sự tri nhận trên phương diện thể hệ trị liệu cần phải đặt ở vị trí trung tâm."

(nguồn: http://www.chuadieuphap.us/phatgiao_hiendai4.asp)

– " Bài viết chỉ đưa ra một cấu tưởng, ý tưởng dễ khả thi nhất. Với giao thông liên tỉnh thì xin phép chuyển sang bài sau nhưng chỉ có một ý kiến nhỏ như sau. Giống như con người phải có bộ xương tốt, một chương trình phải …"

(nguồn: www1.mt.gov.vn/ykienatgt/print.asp?ArticleId=1933)

Vân vân

 

2 – "Cấu tưởng" trong tiếng Trung Quốc hiện đại, thì đây, đọc là "gou-xiang" (âm Bắc Kinh), tựa như là "cầu-xèng" ấy:

构想 gòuxiǎng [visualize] 指作家、艺术家在孕育作品过程中的思维活动

构想一个方案有关部门提出了关于体制改革的构想

(nguồn, từ điển mạng: http://www.zdic.net/zd/zi/ZdicE6Zdic9EZdic84.htm)

3"Cấu tưởng" trong tiếng Nhật hiện đại đây, cũng rất rõ ràng, đọc là "kô-sô", chớ đọc quá mà thành "cô-xô-vô" hay "cô-sô-vô" nhé:

構想】: 1 考えを組み立て、まとめること。特に、芸術品を作るとき、主題・構成・表現形式などについて、組み立てまとめること。また、その考え。構想。「小説の構想をねる」;  2 想定すること。

(nguồn, từ điển điện tử: Kokugo Dai Jiten Dictionary. Shinsou-ban (Revised edition)  Shogakukan 1988/国語大辞典(新装版) 小学館 1988)

4 – "Cấu tưởng" trong tiếng Triều Tiên (Hàn) thì đây, cũng rất mực rõ ràng, đọc gần giống với "cù sàng"'

 구상(構想 gu-sang

(nguồn: Hàn Nhật từ điển của nhà xuất bản Dân Chúng thư lâm ấn bản năm 2003, trang 256)

 

Thánh Gióng hay Thánh Dóng, tức "Gióng" hay "Dóng" ? (5)

 

Các nghệ nhân và công nhân đang khẩn trương làm việc để kịp tiến độ. Ảnh nhỏ: Mô hình tượng Thánh Gióng bằng thạch cao

Kì 5: Người ta đã và đang đúc tượng Thánh Gióng/Dóng như thế nào, và để làm gì ?

Entry này tôi không trả lời câu hỏi trên, để tự tư liệu nói lên tiếng nói của nó (phần đánh dấu màu xanh là của tôi, còn lại, tất cả các phần khác là trích dẫn; trích dẫn được đặt trong dấu nháy nháy)!

1Vào cuối tháng 10 năm 2009, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (trưởng ban xây dựng công trình này là bác Thích Thanh Quyết — cựu sinh viên Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội) đã cho bắt đầu đúc (có sự góp mặt của bác Đỗ Mười – cựu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, cựu Tổng Bí thư):

"Khởi đúc mẻ đồng đầu tiên Tượng đài Thánh Gióng- Công trình trọng điểm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội

sggp.org.vn17:26 26-10-2009

Đúng 9 giờ 9 phút ngày 26-10 (tức 9-9 âm lịch), Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và thành phố Hà Nội đã khởi đúc mẻ đồng đầu tiên Tượng đài Thánh Gióng – Phù Đổng Thiên Vương tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn (Hà Nội), trước sự chứng kiến của đông đảo tăng ni, Phật tử, nhân dân địa phương và du khách. Cùng dự có nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.

Đổ mẻ đồng đầu tiên đúc tượng đài Thánh Gióng

Sau lễ dâng hương cầu quốc thái dân an, tưởng nhớ Đức Thánh Phù Đổng Thiên Vương – vị Thánh lớn nhất trong “tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Hoà thượng Thích Thanh Tứ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị đã đánh trống khởi công đúc Tượng đài Thánh Gióng. Mẻ đồng đầu tiên đúc phần người và ngựa tượng Thánh Gióng, sau đó sẽ đúc tiếp đến khoanh cuối cùng của tượng vào tháng 12 âm lịch.

Là công trình văn hóa tâm linh trọng điểm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, Tượng đài Thánh Gióng được đặt tại đỉnh núi Đá Chồng cao 297m trên dãy núi Sóc và nằm trong quần thể di tích Đền Sóc – chùa Non – Học viện Phật giáo Việt Nam. Theo lưu truyền đây là nơi Thánh Gióng sau khi thắng giặc, cởi bỏ giáp sắt, hiển Thánh về trời.

Tượng đài (mẫu tượng của nhà điêu khắc Kim Xuân) mô phỏng hình ảnh vị Thánh trẻ tuổi tay mang tre ngà, thúc ngựa hướng về trời xanh. Tượng có chiều cao tới đỉnh là 11m 07, độ vươn ra là 16m và được đúc bằng đồng nguyên chất.

Tổng trọng lượng của tượng khoảng 85 tấn. Sau khi đúc, tượng được rước lên đỉnh núi Đá Chồng và dự kiến lắp dựng xong trước lễ hội Đền Sóc (mùng 6 tháng Giêng âm lịch). Toàn bộ Tượng đài sẽ hoàn thành vào tháng 9-2010, mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Tổng công ty cơ khí xây dựng COMA là nhà thầu thi móng bệ tượng. Công ty TNHH Nam Đại Phong và nghệ nhân Vũ Duy Thuấn (đã tham gia đúc thành công pho tượng Phật tổ bằng đồng tại chùa Non), trực tiếp đúc tượng đồng Thánh Gióng.

Dự án Tượng đài Thánh Gióng được Sở Văn hóa- Thông tin Hà Nội (cũ) khởi công từ tháng 7/2004 (giai đoạn 1), với việc xây dựng đường lên và đường xuống xung quanh khu vực Tượng đài. Tháng 10/2007, UBND TP Hà Nội đã quyết định chuyển giao Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam làm chủ đầu tư dự án xây dựng Tượng đài Thánh Gióng (giai đoạn thực hiện) theo phương thức xã hội hóa.

Ngày 26/1/2008, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và UBND TP Hà Nội đã tổ chức làm lễ đặt đá xây dựng Tượng đài trên đỉnh núi Đá Chồng, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn. Tổng dự toán công trình (giai đoạn thực hiện) vào khoảng 50 tỷ đồng, trong đó riêng phần đúc tượng khoảng 25 tỷ đồng.

Theo TTXVN"

2Vào đầu  tháng 3 năm 2010, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (bác Thích Thanh Quyết) thông báo tiến độ công trình (có sự góp mặt của bác Nguyễn Minh Triết — cựu Trưởng ban Ban Dân vận, đương kim Chủ tịch nước; trong ảnh, sẽ thấy: bác Triết cứng tuổi "dắt" tay  bác Quyết trẻ hơn) :

"Thứ Sáu, 05/03/2010, 19:09

Đúc hoàn thành Tượng đài Thánh Gióng

(ANTĐ) – Ngày 5-3, tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Thành phố Hà Nội đã tổ chức lễ đúc giọt đồng cuối cùng của Tượng đài Thánh Gióng – Phù Đổng Thiên Vương, vị Thánh lớn nhất trong tứ Thánh bất tử của Việt Nam.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và các vị đại biểu tại lễ hoàn thành đúc tượng Thánh Gióng

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và nhiều đại biểu đã tới dự lễ.

Sau lễ dâng hương cầu quốc thái dân an, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Hòa thượng Thích Thanh Tứ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đánh trống khởi đúc giọt đồng cuối cùng hoàn thành Tượng đài để từng bước rước lên vị trí đặt tại đỉnh núi Đá Chồng (đỉnh cao nhất của Khu di tích lịch sử – tâm linh Đền Sóc – chùa Non – Học viện Phật giáo Việt Nam). Đây cũng là công trình văn hoá tâm linh trọng điểm kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Tượng đài Thánh Gióng đã hoàn thành

Tượng đài Thánh Gióng đúc bằng đồng nguyên chất theo phương pháp thủ công. Tổng trọng lượng khoảng 85 tấn với 5 thớt đúc. Chiều cao của Tượng đài tới đỉnh là 11,07m, độ vươn ra là 16m. Tổng dự toán công trình (giai đoạn thực hiện) vào khoảng 50 tỷ đồng, trong đó riêng phần đúc tượng hơn 25 tỷ đồng.

Dự kiến, tới 19-5-2010 Tượng đài Thánh Gióng sẽ được lắp dựng xong. Hô thần nhập tượng và khánh thành vào tháng 8-2010 để kịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Hà Dương"

Nguồn:

1- http://news.socbay.com/khoi_duc_me_dong_dau_tien_tuong_dai_thanh_giong_cong_trinh_trong_diem_ky_niem_1000_nam_thang_long_h-613837928-167837696.html

2 – http://www.anninhthudo.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=69125&ChannelID=3

3 – http://www.vietnamplus.vn/Home/Sap-hoan-thanh-viec-duc-tuong-Thanh-Giong/20103/36074.vnplus

4 – http://www.vietnamplus.vn/Home/Duc-giot-dong-cuoi-cung-Tuong-dai-Thanh-Giong/20103/36568.vnplus

Các kì liên quan đã đi trên blog này:

Kì 5: Người ta đã và đang đúc tượng Thánh Gióng/Dóng như thế nào, và để làm gì ? http://vn.360plus.yahoo.com/dzjao/article?mid=2935

Kì 4: Phủ Đổng thiên vương (Tì sa môn thiên vương/Hisamon-tenno/Heishamen) và Phật giáo (nhóm sư thời Lý là  Khuông Việt thiền sư Ngô Chân Lưu và ý thức quốc gia dân tộc theo cấu tưởng Phật giáo)  http://vn.myblog.yahoo.com/dzjao/article?mid=2809

Kì 3: Quan điểm của chính phủ http://vn.myblog.yahoo.com/dzjao/article?mid=2791

Kì 2: Quan điểm của bác Nguyễn Xuân Kính http://vn.myblog.yahoo.com/dzjao/article?mid=2782

Kì 1: Quan điểm của bác Nguyễn Chí Bền http://vn.myblog.yahoo.com/dzjao/article?mid=2773

Bổ sung 1 (6/3/2010): Đường link này có nhiều ảnh chụp rõ http://bee.net.vn/channel/1987/201003/Chum-anh-Duc-giot-dong-cuoi-cung-tuong-Thanh-Giong-1743458/

Thánh Gióng hay Thánh Dóng, tức "Gióng" hay "Dóng" ? (4)

Kì 4: Phù Đổng Thiên Vương và Phật giáo

Chú ý khi đọc kì này: Bài của tác giả Như Hạnh này, tôi đọc lần đầu tiên vào khoảng năm 2002 hay 2003, trên một tạp chí giấy do Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát hành. Gần đây, vào năm 2009, nó được in lại trong một cuốn sách do nhóm bác Nguyễn Chí Bền (đã giới thiệu ở kì 1 http://vn.myblog.yahoo.com/dzjao/article?mid=2773) làm chủ biên. Sau đó, tìm thấy nó ở trên mạng; hôm nay, vớt vào đây làm tư liệu cho loạt bài liên quan đến Gióng/Dóng ở đây.

(Nghi vấn của Giao: hình như đã có một sự kiện đạo ý tưởng/ăn cắp ý tưởng ở đây, tức là giữa bài viết này và một hay vài bài viết khác có một mối quan hệ "không bình thường" về mặt học thuật ? — Chỉ xin ghi một cái nghi vấn nhỏ vậy thôi, bác nào biết, hay cũng nghi ngờ như tôi thì cho biết ! Còn không, thì cũng chẳng sao cả).

Từ đây trở xuống là toàn văn bài của Như Hạnh (bài hơn khó đọc với bạn đọc phổ thông, và những người không có kiến thức về lịch sử Phật giáo Việt Nam; tôi chỉ tóm tắt được ý chính yếu nhất của nó giúp mọi người ở dòng thứ 4 tính từ dưới lên ở cuối entry này. Một phần sự khó đọc còn do chính sự trình bày của tác giả bài viết. Sự áp dụng lí thuyết chính trị học của Benedic Anderson vào bài viết này của Như Hạnh, theo tôi, là chưa thỏa đáng — những điểm này tôi sẽ bàn kĩ ở dịp khác).

TỲ SA MÔN THIÊN VƯƠNG (VAISRAVANA), SÓC THIÊN VƯƠNG VÀ PHÙ ĐỔNG THIÊN VƯƠNG TRONG TÔN GIÁO VIỆT NAM THỜI TRUNG CỔ

Như Hạnh

(Ph.D. về ngành Đông Phương Học tại Đại Học Harvard, Cambridge, Massachusetts, chuyên về tôn giáo và triết học Ấn Độ)

Một trong những đặc tính của Phật Giáo–có lẽ thừa hưởng tinh thần bao dung của Ấn Giáo–là sự kết hợp thay vì tiêu diệt các hình thức tôn giáo và thần linh địa phương ở những nơi mà Phật Giáo truyền tới. Hình thức sinh hoạt này xẩy ra ngay cả ở Ấn Độ vào thời Trung Cổ giữa Phật Giáo và Ấn Giáo. Ví dụ, Phật được xem là một trong mười hóa thân (avatara) chính của Vishnu. Về phía Phật Giáo, các thần Ấn Giáo như Brahma (Phạm Thiên), Shakra (Đế Thích) cũng được kết nạp vào thần hệ (pantheon) Phật Giáo và được gọi là các Hộ Pháp (Dharmapala).

Khi Phật Giáo truyền sang Trung Hoa, thần hệ này cũng được du nhập theo. Dĩ nhiên trong đó có các thần Ấn Giáo đã bị "Phật hóa." Khi qua đến Trung Hoa, và lại biến dạng thêm một lần nữa. Khi Phật Giáo được truyền từ Ấn Độ và Trung Hoa sang Việt Nam, những thần linh gốc Ấn Giáo đã bị Phật và Hoa hóa này, lại một lần nữa bị biến đổi và đồng hóa với những thần linh địa phương, cũng như được giao cho những trách vụ khác phù hợp với nguyện vọng chính trị và xã hội của người bản xứ. Trong bài viết ngắn này, tôi xin đưa ra vài nhận xét sơ lược về vai trò và sự biến dạng của Vaisavana (Pi Sha Men, Tỳ Sa Môn Thiên Vương) trong tôn giáo Việt Nam thời trung cổ.

Giấc mơ của Khuông Việt

Theo sách Thiền Uyển Tập Anh [TUTA], Khuông Việt (933-1011), tên tục Ngô Chân Lưu, là người truyền thừa đời thứ tư của dòng Thiền Vô Ngôn Thông. Khuông Việt học đắc đạo với Vân Phong. Năm ngoài bốn mươi tuổi, Khuông Việt được Đinh Tiên Hoàng (trị vì 968-979) mời vào triều hội kiến. Nhà vua kính trọng ông và phong cho ông chức Tăng Thống. Sau đó còn ban cho danh hiệu Khuông Việt Thái Sư. Nhà Đinh suy tàn, nhà [Tiền] Lê nối tiếp. Dưới thời Lê Đại Hành (trị vì 980-1005) Khuông Việt vẫn tiếp tục giữ những chức vụ cũ, hơn nữa ông còn được Lê Đại Hành mời tham dự vào tất cả các vấn đề quân sự và triều chính.1

TUTA chép:2 "Khuông Việt thường ngao du núi Vệ Linh, quận Bình Lỗ và yêu thích phong cảnh u thắng. Sư định xây am và trụ ở đó. Một đêm Sư nằm mơ thấy có một thần nhân mặc áo giáp vàng, tay phải cầm thương vàng, tay trái cầm bảo tháp. Đi theo là hơn mười tùy tùng trạng mạo dữ tợn. Thần nhân bước tới nói, "Ta là Tỳ Sa Môn Thiên Vương, các tùy tùng của ta đều là dạ-xoa (yaksa). Thiên Đế ra lệnh cho ta đến nước này để bảo vệ biên cương khiến cho Phật Pháp được hưng thịnh. Ta có duyên với ông, cho nên ta đến để ủy thác cho ông."

Khuông Việt kinh hoàng tỉnh giấc, nghe thấy có tiếng gào thét trong núi, trong lòng lấy làm lạ lắm. Sáng ra, Sư đi vào trong núi, thấy có một cội cây lớn cao hơn mười trượng với cành lá xum xuê, lại có một đám mây lành che phủ bên trên. Sư sai thợ đốn cây và tạc thành tượng thần đã thấy trong mơ và lập đền thờ. Vào năm Thiền Phúc thứ nhất (981) quân Tống xâm nhập đánh phá. [Lê Đại Hành] Hoàng Đế có nghe câu chuyện kia, sai Khuông Việt đến đền thờ cầu đảo. Quân Tống sợ hãi và bỏ chạy đến Ninh Giang ở Bảo Hựu. Lại thấy gió cuốn sóng lớn nổi lên, giao long lồng lộn chồm tới. Quân Tống hoàn toàn tan rã."

Câu chuyện trên đây, nếu đọc trong khuôn khổ thuyên thích (hermenneutic) đúng đắn, khai mở cho chúng ta những dữ kiện quan trọng liên quan tới một số đề tài trong văn hóa sử Việt Nam. Bài viết này, như đã đề cập, chỉ tập trung vào ý nghĩa và sự biến dạng của Tỳ Sa Môn Thiên Vương trong tôn giáo Việt Nam.

Tỳ Sa Môn Thiên Vương là ai? Tại sao Khuông Việt lại nằm mơ thấy vị thần này? Giấc mơ của Khuông Việt có thể cho chúng ta biết được những gì về tầm quan trọng của vị thần này trong tôn giáo Việt Nam? Một cách khái quát, Tỳ Sa Môn nguyên thủy là một vị thần Ấn Độ song sau đó tục thờ cúng vị thần này được lan truyền sang Khotan, Trung Hoa, Nhật Bản và dần dà cả Việt Nam. Ở những khu vực mới này, Tỳ Sa Môn lại được giao phó cho những vai trò khác nhau.3

Tỳ Sa Môn hay Vaisravana là một tên họ (patronymic) khác của Kubera, một vị thần đại chúng, đa diện của Ấn Giáo. Kubera được đề cập đến trong các kinh điển Ấn Giáo từ Veda cho đến các anh hùng ca (epics) qua những mô tả và trong các vai trò khác nhau. Trong các kinh Veda Kubeda được đề cập đến như là vua của các quỉ thần sống trong bóng tối.4 Trong Satapatha Brahmana, Kubera được xem là lãnh chúa của kẻ trộm và tội phạm.5 Trong những khuôn khổ khác, Kubera được xem là thần bảo hộ của các thương gia và một trong bốn thần bảo vệ thế gian (lokapala) và một trong tám thần canh giữ các phương hướng (dikpala).6 Kubera cũng còn được xem là vua của dạ-xoa.7 Sau thời kỳ Veda, vai trò chính yếu của Kubera là thần bảo hộ của tiền tài và sự phong phú. Trong Phật Giáo Kubera được biết đến bằng danh xưng Vaisravana và là một trong Tứ Thiên Vương nguyện bảo vệ Phật Pháp.8 Nói tóm, Kubera có liên hệ chính yếu với sự phì nhiêu, thịnh vượng và vương quyền (kingship). Hai đặc tính chính này Kubera hay Vaisravana vẫn trì giữ trong vai trò của thần như là đối tượng thờ phượng trong tôn giáo bình dân ở các khu vực Á Châu ngoài Ấn Độ.

Ở Khotan Kubera được thờ dưới danh xưng Vaisravana như là vị thần bảo hộ hoàng tộc và quốc gia. Vaisravana (Pi Sha Men) đến Trung Hoa từ Khotan và trở thành đối tượng của một nền thờ phượng riêng biệt vào khoảng thế kỷ thứ bảy.9 Ở Trung Hoa hình tượng của Vaisravana được thờ trên tường và cổng của thành phố và tự viện. Vaisravana do đó trở thành thần bảo vệ thành phố và tự viện.10 Vào khoảng cuối đời nhà Tống thì tục thờ phượng Vaisravana đã lan truyền sâu rộng khắp Trung Hoa.

Nếu như chúng ta hoàn toàn dựa vào đoạn về giấc mơ của Khuông Việt trong tiểu sử của ông thì tục thờ Vaisravana (hay Tỳ Sa Môn Thiên Vương trong tiếng Việt) bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam vào khoảng cuối thế kỷ thứ mười. Tuy nhiên, sự kiện rằng Khuông Việt nằm mơ thấy Tỳ Sa Môn khiến chúng ta có thể dự đoán rằng Tỳ Sa Môn hẳn phải là một vị thần đã được biết đến và thờ phượng trong Phật Giáo và tôn giáo Việt Nam nói chung rồi. Từ viễn cảnh lịch sử, khó mà chúng ta tin rằng tự dưng Khuông Việt lại nằm mơ thấy Tỳ Sa Môn được.

Chúng ta biết rằng Phật Giáo được truyền vào nước ta qua cả hai ngả Ấn Độ và Trung Hoa. Do đó, Tỳ Sa Môn đã du nhập nước ta qua ngả nào không phải là một vấn đề giản dị. Vì dù rằng Tỳ Sa Môn nguyên thủy là một thần linh Ấn Giáo được Phật hóa trong Phật Giáo Ấn Độ, song vào đời nhà Đường, khi Phật Giáo đã du nhập Việt Nam qua ngả Trung Hoa từ vài thế kỷ rồi, rất có thể là Tỳ Sa Môn đã qua Việt Nam theo lối này.

Tuy nhiên, như đã nhận định, rằng Tỳ Sa Môn đảm nhận những vai trò khác nhau ở các quốc gia khác nhau mà thần được thờ. Không những thế về mặt hình tượng (iconography) Tỳ Sa Môn cũng thay đổi từ Ấn Độ sang Trung Hoa. Dựa vào mặt này chúng ta có thể kết luận rằng Tỳ Sa Môn sang Việt Nam qua ngả Trung Hoa. Ở đoạn trên trong tiểu sử Khuông Việt chúng ta đọc thấy rằng Tỳ Sa Môn mặc giáp vàng, tay trái cầm thương tay phải cầm bảo tháp và có các dạ-xoa tùy tùng. Ở Ấn Độ thì Tỳ Sa Môn (dưới danh xưng Kubera) lại được mô tả là cầm một cây thương, một túi tiền và một con chồn.11 Có thể nói là ở Việt Nam Tỳ Sa Môn tổng hợp các thành tố Ấn Độ và Trung Hoa cũng như Phật Giáo và bình dân. Tỳ Sa Môn trở thành thần bảo vệ Phật Pháp và quốc gia Việt Nam. Thần còn đáp lại lời cầu đảo của Khuông Việt và giúp Lê Đại Hành đánh tan quân Tống.12

Tỳ Sa Môn không phải là vị thần Ấn Giáo Phật hóa duy nhất được thờ phượng trong Phật Giáo Việt Nam. Chúng ta biết rằng Lý Thánh Tông (trị vì 1054-1072) đã từng cho xây một số chùa để thờ Brahma và Shakra.13 Trường hợp này chúng ta cũng khó khẳng định rằng đây là do ảnh hưởng trực tiếp từ Ấn Độ, từ văn hóa Chàm hay từ Phật Giáo Trung Hoa. Cho đến nay tục thờ phượng các thần linh Ấn Giáo trong Phật Giáo và tôn giáo bình dân Việt Nam vẫn chưa được thẩm xét kỹ càng. Chúng ta vẫn còn phải chờ đợi các nghiên cứu sâu xa hơn trong tương lai.

Từ Tỳ Sa Môn Thiên Vương đến Sóc Thiên Vương và Phù Đổng Thiên Vương

Sách Đại Nam Nhất Thống Chí [ĐNNTC], bộ bách khoa (encyclopaedia) về địa lý Việt Nam, một tác phẩm được biên soạn đời Nguyễn, ghi rằng có đền thờ Tỳ Sa Môn Thiên Vương ở làng Ninh Tảo, huyện Từ Liêm (Bắc Việt). Theo sách này thì tên của vị thần là Sóc Thiên Vương và hiệu là Tỳ Sa Môn Thiên Vương cũng được đề cập đến dưới danh xưng Sóc Thiên Vương. ĐNNTC thuật lại rằng Lê Đại Hành sau khi chứng kiến sự hiển linh của Tỳ Sa Môn đã cho xây thêm nhiều đền thờ thần. Cho đến nhà Lý, để thuận tiện việc thờ phượng, lại thêm một đền thờ Tỳ Sa Môn nữa được dựng ở làng Minh Tảo gần Tây Hồ. Các vua nhà Lý cũng ban cho thần tước hiệu "Thần Tối Cao." Các triều đại kế tiếp tiếp tục ban tước hiệu cho thần.14

Câu chuyện về giấc mơ Khuông Việt được chép lại trong các dị bản của hai bộ sách quan trọng trong văn hóa sử Việt Nam là Việt Điện U Linh Tập [VĐULT] và Lĩnh Nam Chích Quái [LNCQ].15 So sánh những bản này với TUTA, chúng ta thấy có những dị biệt có vẻ nhỏ. Tuy nhiên, những dị biệt ấy nói lên những biến chuyển rất quan trọng. Hơn nữa, chúng còn hàm chứa một số vấn đề mà chúng ta cần tìm hiểu. Trước hết, chúng ta thử đọc lại những ghi chép về giấc mơ của Khuông Việt trong VĐUL và LNCQ.

1) Việt Điện U Linh Tập Tục trong truyện "Sóc Thiên Vương" chép:16 "Theo Thiền Uyển Tập, vào đời Lê Đại Hành có Khuông Việt Thái Sư, không làm quan, thường nhàn du Vệ Linh Sơn ở quận Bình Lỗ, yêu thích cảnh trí u nhã nên muốn dựng am ở đó. Một hôm sau khi du lãm sơn am, về ngủ, [mơ] thấy một thần nhân mặc áo giáp vàng, tay cầm thương vàng, có vài ngàn tùy tùng. Thần nhân tự xưng là Sóc Thiên Vương, [nói rằng] 'Ta quản lãnh dạ-xoa thần binh, phụng mệnh Thượng Đế, đến bảo vệ đất này và gia hộ phương dân. Ta có duyên với ông, cho nên đến gặp.' Thái Sư giật mình tỉnh giấc, nghe trong núi có tiếng la hét. Cho nên Thái Sư đi sâu vào núi, thấy một cội cây lớn xum xuê, khí lành dễ thương. Thái Sư mới lập miếu ở chỗ đó, dùng cây lớn làm tượng thần giống như đã thấy trong mơ. Vào năm Thiên Phúc, quân Tống xâm nhập đánh phá. Đại hành Hoàng Đế có nghe thấy câu chuyện kia, mới ủy thác cho Thái Sư ngầm đến miếu cầu đảo. Lúc ấy quân Tống đang đóng ở thôn Tây Kết, quân hai bên chưa đụng trận, bỗng nhiên thấy một người thân cao hơn một trượng, tóc xõa mắt trợn, từ lòng sông hiện lên, sóng lớn cuồn cuộn. Quân Tống sợ quá thối lui. Tướng Tống là Quách Quì đem quân về nước. Để tạ ơn Đại Hành ra lệnh sửa sang miếu cho rộng rãi hơn."

Bản này hầu như giống với bản chép trong TUTA, ngoại trừ vài dị biệt như sau: thần nhân có vài ngàn dạ-xoa tùy tùng và tự xưng là Sóc Thiên Vương hay vì Tỳ Sa Môn Thiên Vương, tuy thần nhân cũng nói là phụng mệnh Thượng Đế đến bảo vệ bờ cõi và dân chúng xứ này. Lưu ý là người biên tập mặc nhiên xem Tỳ Sa Môn là một với Sóc Thiên Vương (vì ông nhận là dựa vào TUTA) song không hề giải thích Sóc Thiên Vương là ai. Phải chăng là một danh xưng khác của Tỳ Sa Môn Thiên Vương? Điều đáng chú ý là Sóc Thiên Vương ở đây không cầm bảo tháp (stupa), và chỉ nói là bảo vệ xứ sở và phương dân chứ không hề đề cập đến Phật Pháp. Stupa là một biểu tượng quan trọng trong Phật Giáo.17 Nói tóm, ở đây chúng ta thấy Tỳ Sa Môn Thiên Vương trở thành Sóc Thiên Vương và một số yếu tố Phật Giáo rõ ràng đã bị loại bỏ.

2) Việt Điện U Linh Tập Lục Toàn Biên trong truyện "Sóc Thiên Vương" chép:18 "Theo sách Thiền Uyển Tập Anh, vào đời Lê Đại Hành có Khuông Việt Thái Sư họ Ngô, thường nhàn du Vệ Linh Sơn ở quận Bình Lỗ vui ngắm sơn thủy, yêu thích cảnh trí u nhã nên muốn dựng am tự ở đó. Đêm nằm mơ thấy một thần nhân mặc áo giáp vàng, tay trái cầm thương vàng, tay phải nâng bảo tháp, có hơn chục người tùy tùng, trạng mạo cổ quái dễ sợ, bước tới nói, 'Ta là Tỳ Sa Môn Thiên Vương, tùy tùng của ta đều là dạ-xoa. Thiên Đế có lệnh đến quốc độ này bảo hộ dân chúng. Ta có duyên với ông, cho nên đến ủy thác.' Sư giật mình kinh hoàng, nghe trong núi có tiếng la hét, trong lòng sợ hãi lắm. Sáng ra, Sư vào núi thấy một cội cây lớn cành lá xum xuê, lại có mây lành che phủ ở trên. Sư mới sai thợ đốn cây, quả nhiên phù hợp với những gì đã trông thấy trong mơ, khắc tượng lập đền. Năm Thiên Phúc thứ nhất, quân Tống xâm nhập đánh phá. [Đại Hành] Hoàng Đế có nghe thấy câu chuyện kia, mới ủy thác cho Sư đến để cầu đảo. Lúc ấy quân Tống đang đón ở thôn Tây Kết, quân hai bên chưa đụng trận, quân Tống tự nhiên sợ hãi, lui về trấn giữ Chi Giang, lại gặp sóng lớn nổi lên, giao long lồng lộn, quân Tống tan vỡ. Tướng Tống là Quách Qùi đem quân về nước. [Đại Hành] Hoàng Đế xây đền rộng thêm để thờ phụng."

Bản này tương đối gần với TUTA hơn. Ở đây thần nhân tự xưng là Tỳ Sa Môn Thiên Vương và trên tay trái cũng có cầm bảo tháp. Tuy nhiên cũng không thấy đề câp đến việc bảo vệ Phật Pháp. Tiếp theo lại có một đoạn kể thêm một sự tích khác của Tỳ Sa Môn Thiên Vương hoàn toàn tương đồng với sự tích Phù Đổng Thiên Vương. Lời "tiếm bình" lại xác quyết rằng Sóc Thiên Vương chính là Tỳ Sa Môn Thiên Vương và cũng là một với Phù Đổng Thiên Vương.19 Lời "tiếm bình" ở đây rõ ràng viết sau LNCQ vì người viết có đề cập tới sách này.

3) Lĩnh Nam Chích Quái Liệt Truyện trong truyện "Sóc thiên Vương" chép:20 "Theo sách Thiền Uyển Tập Anh: Xưa vào đời Lê Đại Hành có Cư Việt Đại Sư họ Ngô, thường nhàn du Vệ Linh Sơn ở quận Bình Lỗ, yêu thích cảnh trí u thắng, bèn dựng am ở đó. Đêm canh ba nằm mơ thấy một thần nhân mặc áo giáp vàng, tay trái cầm thương vàng, tay phải cầm bảo tháp, có hơn chục người tùy tùng, trạng mão dễ sợ, đến nói với Cự Việt Đại Sư, 'Ta là Qủi Sa Môn Thiên Vương, tùy tùng của ta đều là dạ-xoa. Thượng Đế có truyền lệnh, sai ta đến thăm chừng đất đai Nam Quốc, bảo vệ dân chúng. Ta có duyên với ông, cho nên đến ủy thác vào báo cho ông biết.' Sư giật mình tỉnh giấc, lát sau nghe trên núi có tiếng la hét, trong lòng sợ hãi lắm. Sáng ra, Sư vào núi thấy một cội cây lớn cành lá xum xuê, lại có khí lành che phủ ở trên. Sư mới sai thợ đốn cây, khắc gỗ làm tượng thần như đã thấy trong mơ, rồi xây đền miếu để thờ thần. Năm Thiên Phúc thứ nhất, quân Tống xâm nhập đánh phá. [Đại Hành] Hoàng Đế có nghe thấy câu chuyện kia, mới sai Sư đến đền khẩn cầu. Lúc ấy quân Tống đang đóng ở thôn Tây Kết, quân hai bên chưa đụng trận, quân Tống hốt nhiên thấy một người hiện lên giữa sóng lớn, thân cao hơn mười trượng, tóc dựng ngược, trợn mắt giận dữ nhìn, hiển hách thần quang! Quân Tống trông thấy kinh hãi, lui về trấn giữ Kỹ Giang, lại gặp sóng lớn nổi lên, giao long rùa ba ba lồng lộn quái đản. Quân Tống thấy thế kinh hoàng tan vỡ. Tướng Tống là Quách Tiến đem quân về nước. [Đại Hành] Hoàng Đế khen ngợi anh linh của thần, xây đền rộng thêm để thờ phụng."

Bản này tựa như phối hợp cả (1) và (2) cộng thêm nhiều chi tiết "mắm muối" thêm thắt. Tên Khuông Việt bị viết lầm thành Cự Việt. Điều này cũng không có gì lạ lắm vì chữ "khuông" và chữ "cự" hơi tương tự nhau. Tỳ Sa Môn Thiên Vương được chép thành Qủi Sa Môn Thiên Vương. Tiếp sau cũng có một đoạn ghi nhận rằng có người cho rằng Sóc Thiên Vương hay Qủi Sa Môn Thiên Vương (sic) là một với Phù Đổng Thiên Vương.

4) Thiên Nam Vân Lục trong "Sóc Thiên Vương Truyện" chép:21 "Theo sách Thiền Uyển Tập Lục: Xưa vào đời Đinh Tiên Hoàng có người Cự Việt họ Ngô, thường nhàn du Vệ Linh Sơn, yêu thích cảnh trí u thắng, bèn dựng am ở đó. Đêm nằm mơ thấy một thần nhân mặc áo giáp vàng, tay trái cầm thương vàng, tay phải cầm bảo tháp, trạng mạo dễ sợ, có hơn ngàn tùy tùng, đến nói với Ngô, 'Ta là Tỳ Minh Vương, tùy tùng của ta đều là dạ-xoa. Thượng Đế có lệnh đến, sai ta đến thăm chừng đất đai Bắc Quốc, bảo vệ dân chúng. Ta có duyên với ông, cho nên đến báo cho ông biết.' Ngô giật mình tỉnh giấc, lát sau giữa núi đá có tiếng la hét, Ngô vừa nghi vừa sợ. Sáng ra, Ngô vào núi thấy một cội cây lớn cành lá xum xuê, lại có mây lành che phủ ở trên. Ngô mới sai thợ đốn cây, khắc gỗ làm tượng thần như đã thấy trong mơ, rồi xây đền để thờ thần. Vào đời Đinh Thiếu Đế, quân Tống xâm nhập phương nam. [Thiếu] Đế có nghe thấy câu chuyện kia, mới sai Ngô đến cầu đảo. Lúc ấy quân Tống đang đóng ở thôn Thuần Kết, quân hai bên chưa đụng trận, quân Tống hốt nhiên thấy một người hiện diện lên giữa sóng lớn, duỗi thân cao mấy trượng, tóc dựng ngược, trợn mắt giận dữ nhìn, thần quang long lanh. Quân Tống kinh hãi quá, lui về trấn giữ Giáp Giang, lại gặp gió sóng dạt dào mênh mông, giao long lồng lộn tung hoành. Quân Tống người nào cũng sợ, Quách Quì mới nhổ trại lui binh. [Thiếu] Đế tán thán sự anh linh của thần, xây đền rộng thêm để thờ phụng."

Bản này rõ ràng dựa trên (3). Song ở đây Khuông Viêt chỉ được đề cập đến là "ông Ngô," và người biên tập hầu như không biết rằng Khuông Việt là nhà sư. Tỳ Sa Môn Thiên Vương được gọi là Tỳ Sa Minh Vương. Biến cố quân Tống xâm nhập nước ta xẩy ra vào đời Đinh chứ không phải là đời [Tiền] Lê như những bản trên. Tỳ Sa Minh Vương hay Sóc Thiên Vương cũng được xem là một với Phù Đổng Thiên Vương.

Chúng ta lưu ý được rằng tất cả những bản này đều mở đầu với câu: "theo sách Thiền Uyển Tập Anh." Rõ ràng là những tác giả này đã dựa vào những bản đi trước, và bản đầu tiên lại dựa vào TUTA. Điều này cũng không có gì lạ bởi vì TUTA được soạn sớm hơn cả VĐUL lẫn LNCQ. Ngoài những variae lectiones liên quan đến các tên riêng, cả người và địa danh, có thể là do lỗi của người ghi chép hay sự mù mờ của những tác gia này đối với huyền thoại Phật Giáo Ấn Độ. Tuy nhiên, sự kiện rằng tất cả các dị bản này đều giống nhau ở chỗ, câu "để cho Phật Pháp phát triển" trong lời Tỳ Sa Môn Thiên Vuơng nói với Khuông Việt theo như bản trong TUTA đều bị loại bỏ.

Trong phần dưới đây chúng ta thử giải thích ý nghĩa của giấc mơ của Khuông Việt từ viễn cảnh vai trò Phật Giáo trong việc tạo dựng tinh thần quốc gia (nationalism) cũng như sự biến dạng từ Tỳ Sa Môn Thiên Vương sang Sóc Thiên Vương và Phù Đổng Thiên Vương. Hi vọng những nhận định sơ khởi này sẽ là nền tảng cho những thẩm xét sâu xa hơn về vấn đề nguồn gốc của sự tạo dựng tinh thần quốc gia trong lịch sử Việt Nam. Vấn đề nguồn gốc của tinh thần quốc gia là một vấn đề mới và sôi nổi trong ngành xã hội, văn hóa và chính trị học hiện thời. Ở các xứ Á Châu tôn giáo lại đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong vấn đề này.

Nguồn Gốc và Sự Bành Trướng của Khái Niệm Quốc Gia

Benedict Anderson trong thiên khảo cứu của ông về nguồn gốc và sự bành trướng của tinh thần quốc gia (nationalism) đã đề nghị một định nghĩa về quốc gia như sau: quốc gia là một cộng đồng chính trị tưởng tượng (imagined political community). Anderson giải thích rằng quốc gia là một cộng đồng tưởng tượng bởi vì "các thành viên của ngay cả một quốc gia nhỏ nhất cũng sẽ không bao giờ biết đa số các đồng bào của mình, gặp họ, hay thậm chí nghe đến họ, tuy nhiên trong tâm thức của mỗi người cái hình ảnh về sự cộng thông của họ vẫn sống động." Cũng theo Anderson thì "quốc gia được tưởng tượng như là giới hạn bởi vì ngay cả quốc gia lớn nhất, bao gồm gần đến một tỷ người, cũng có những ranh giới hữu hạn, có thể là uyển chuyển, ngoài đó là những quốc gia khác. Không quốc gia nào tự tưởng tượng là mình bao gồm toàn thể nhân loại."22

Tóm lại theo Anderson, quốc gia (nation) là một khái niệm hiện đại, Tây phương. Trong cùng một nhịp điệu Robert F. Spencer cũng nhận định rằng một số các nhóm văn hóa ở Á Châu, trong nổ lực đáp ứng với thế giới Tây phương ở chỗ áp dụng các cơ chế luật pháp, tổ chức, kinh tế, kỹ nghệ và quân sự dựa trên khuôn mẫu ấy.23 Quan điểm của Anderson (và của Spencer) quả thực có hàm chứa một sự thật nào đó.

Xin đưa ra một ví dụ để chứng minh quan điểm này: Người Ấn Độ không hề biết đến khái niệm quốc gia mãi cho đến khoảng giữa thế kỷ thứ mười chín khi họ phải đương đầu với sự thống trị của Anh Quốc. Các ngôn ngữ chính của Ấn Độ không có chữ chính xác nào để diễn tả khái niệm quốc gia. Ấn Độ là một xứ đa chủng tộc, đa ngôn ngữ. Ấn Giáo (Hinduism) lại cũng không phải là một tôn giáo đơn thuần mà đúng hơn là một hệ thống của người Ấn (Hindu) về bản sắc (identity), quan niệm quốc gia không đóng vai trò quan trọng lắm. Thông thường thì một người Ấn đồng hóa mình với cộng đồng gia đình, bộ tộc (clan) và giai cấp (caste). Quốc gia không hề là thành tố then chốt. Dưới sự đe dọa của Anh Quốc, ở Ấn Độ mới bắt đầu nẩy sinh khái niệm quốc gia như là thành tố nền tảng của bản sắc cá nhân (personal identity) của một người. Quốc gia trở thành một thực thể mà người ta có một trách nhiệm luân lý lớn lao đối với nó.

Salman Rushdie phản ánh quan điểm trên một cách sống động khi ông mô tả sự độc lập của Ấn Độ năm 1947 như sau: 24
….năm nay có thêm một lễ hội nữa trên lịch, một huyền thoại mới để ăn mừng, bởi vì một quốc gia chưa từng bao giờ hiện hữu trước đây đã sắp sửa đạt được tự do, đưa đẩy chúng ta vào một thế giới, mặc dù đã có năm ngàn năm lịch sử, mặc dù đó là nơi phát minh ra môn đánh cờ và từng giao thương với Trung Quốc và Ai Cập, song vẫn hoàn toàn là một thế giới tưởng tượng; vào một xứ huyền thoại, một xứ sở mà hẳn đã không bao giờ hiện hữu nếu không vì những nỗ lực của một ý chí cộng đồng to tát–ngoại trừ trong một giấc mơ mà tất cả chúng ta đồng ý cùng mơ.

Những nhận định trên về Ấn Độ có thể giúp chúng ta quay nhìn trở lại nguồn gốc và sự bành trướng của khái niệm quốc gia ở Việt Nam. Tương tự với Ấn Độ, Việt Nam cũng vốn là một quốc gia nông nghiệp đặt căn bản trên làng xã. Bản sắc (identity) của một người cũng được đặt trên nền tảng gia đình và làng xã. Khái niệm quốc gia chỉ xuất phát khi phải đối diện với sự đe dọa của ngoại xâm. Nói cách khác, chúng ta thấy rằng quan niệm quốc gia cũng chỉ bắt đầu được thành hình ở Việt Nam, từ cả hai truyền thống truyền khẩu và thành văn, kể từ khoảng thế kỷ thứ mười trở đi, được đánh dấu cao độ vào những thế kỷ mười ba và mười lăm với sự xuất hiện của những tác phẩm huyền thoại hay lịch sử xác định tự trị tính (autonomy) của "quốc gia" Việt Nam.25

Phật Giáo và Vấn Đề Tạo Dựng hay Tưởng Tượng Khái Niệm Quốc Gia ở Việt Nam thời Trung Cổ

Trước khi đi vào vấn đề chính, tôi nghĩ một vài phê phán về quan điểm của Benedict Anderson sẽ đặt chúng ta vào một khuôn khổ phương pháp luận một cách chính xác hơn. Georges Drefus (người Thụy Sĩ, giáo sư về Tôn Giáo Học tại Williams College ở Massachusetts, và là một trong những Geshe gốc Âu Châu đầu tiên của Phật Giáo Tây Tạng) nhận định rằng một trong những khuyết điểm của lý thuyết của Anderson, tuy đó không phải là dụng ý của tác giả này, là nó xác nhận lại các khuôn mẫu (paradigm) có tính cách "quy Âu Châu" (Eurocentric) về bản tính của tinh thần quốc gia.26 Nói cách khác, theo lý thuyết của Anderson thì tiến trình tưởng tượng [nên] cộng đồng đưa đến sự tạo lập quốc gia phải là một hiện tượng hiện đại, thế tục, Tây phương.

Điều này hiển nhiên là sai, bởi vì trong thời hiện đại chúng ta vẫn còn chứng kiến rất nhiều xã hội phi-Tây phương đang hướng về việc xây dựng tinh thần quốc gia đặt nền tảng trên tôn giáo (religious nationalism). Dreyfus đề nghị, dựa trên trường hợp của Tây Tạng, rằng ước nguyện được sống như là một quốc gia, trên nhiều bình diện thì đúng là một hiện tượng hiện đại, song trong một số trường hợp đã có những tiền lệ (precedents) ở một số xã hội truyền thống. Nói cách khác, thay vì là hoàn toàn vì sự xâm nhập của thực dân Tây phương, những khái niệm về tinh thần quốc gia ở trên thế giới thứ ba đôi khi phát xuất từ các truyền thống chính trị-tôn giáo địa phương, đôi khi từ những tinh thần quốc gia nguyên sơ (proto-nationalism) đã đưa đến sự tạo lập các quốc gia và tinh thần quốc gia.27

Tuy nhiên, trong trường hợp Việt Nam, chúng ta không có bằng chứng trên mặt tư liệu về một thứ "proto-nationalism" nào tương đương với trường hợp của Tây Tạng cả. Những chuyện kể (narrative) có tính cách huyền thoại với dụng ý xác nhận tính cách cổ xưa (antiquity) của dân tộc Việt Nam cũng có nguồn gốc rất trễ và phản ánh ảnh hưởng Trung Hoa sâu đậm.28 Hơn nữa, thành tố tôn giáo trong việc kiến lập tinh thần quốc gia ở Việt Nam cũng rất mờ nhạt.29 Nói cách khác, không một tôn giáo nào từng được đồng hóa mật thiết với bản sắc Việt Nam như trường hợp Phật Giáo đối với Tây Tạng, Tích Lan, Miến Điện và Thái Lan; hoặc như Islam đối với Pakistan.

Chúng ta có thể lấy trường hợp của Miến Điện (Burma) ra để giải thích cặn kẽ hơn đôi chút. Ở Miến Điện lịch sử Phật Giáo cũng đồng thời là lịch sử thành hình của bản sắc ch
ng tộc (ethnic identity) của người Miến Điện. Nói cách khác, là người Miến Điện có nghĩa là người Phật Giáo và cho đến mãi gần đây, trước khi quyền hành chính trị rơi vào tay của một chính quyền thế tục dưới sự lãnh đạo của Ne Win, Phật Giáo vẫn còn chính thức là quốc giáo (state religion).30 (Điều này cũng đúng cho cả Tây Tạng, Thái Lan và Tích Lan). Phật Giáo tuy cũng là tôn giáo chính yếu ở Việt Nam và cũng có thời đóng một vai trò trong đời sống văn hóa và chính trị, nhưng Phật Giáo chưa từng bao giờ có một tầm quan trọng như ở các nước trên trong phạm trù bản sắc chủng tộc và quốc gia.

Giấc mơ của Khuông Việt, được đề cập đến trong phần trước của bài viết, tượng trưng cho một nguyện vọng nhỏ bé của một cao tăng đưa Phật Giáo vào việc xác nhận tính độc lập và tự trị của đất nước Việt Nam. Có điều ngoại trừ TUTA ra, chúng ta không thấy Tỳ Sa Môn được đề cập đến trong bất cứ tư liệu nào khác trong Phật Giáo Việt Nam.31 Do đó, rất khó mà thẩm định được ý nghĩa của Tỳ Sa Môn trong Phật Giáo và tôn giáo Việt Nam nói chung. Trong đoạn văn duy nhất mà Tỳ Sa Môn được đề cập đến, vị thần này đã không còn là một thần canh giữ thành phố hay tự viện nữa mà đã được phục hồi lại vai trò Hộ Pháp, bảo vệ Phật Pháp, quốc gia và dân tộc Việt Nam. (Lưu ý ở Khotan Tỳ Sa Môn đóng vai trò Hộ Pháp và bảo vệ quốc gia). Như thế, từ một thần linh Ấn Giáo, Tỳ Sa Môn trở thành Hộ Pháp trong Phật Giáo Ấn Độ, thần bảo vệ thành phố và tự viện trong tôn giáo Trung Hoa. Cuối cùng ở Việt Nam, Tỳ Sa Môn lại trở thành Hộ Pháp giúp Việt Nam đánh đuổi quân Trung Hoa. Những dự kiện trên chứng thực một nguyên lý về tôn giáo bình dân rằng thần linh phải (được) thay đổi để phù hợp với nguyện vọng của tín đồ. Còn nếu như hoặc vì thiếu động lực sáng tạo hoặc không đủ thành tố để thúc đẩy sự thay đổi thì thần linh sẽ không còn được thờ phượng nữa.

Tại sao Tỳ Sa Môn Thiên Vương lại biến thành Sóc Thiên Vương và Phù Đổng Thiên Vương? Trong VĐUL và LNCQ chúng ta thấy các người biên tập dường như đương nhiên cho rằng Sóc Thiên Vương chỉ là một danh xưng khác của Tỳ Sa Môn Thiên Vương, và Sóc Thiên Vương chẳng là ai khác hơn Phù Đổng Thiên Vương. Sự đồng hóa này có lẽ bắt nguồn trước hết ở tính cách địa lý của câu chuyện Tỳ Sa Môn trong TUTA, trong đó Tỳ Sa Môn được liên kết với núi Vệ Linh mà theo truyền thống là nơi Phù Đổng Thiên Vương cưỡi ngựa bay lên trời sau khi đã phá tan giặc Ân (một kẻ thù hoang đường từ phương bắc tương trưng cho Trung Quốc).

Giải đáp tạm thời có vẻ hợp lý là (1) các nhà biên tập VĐUL và LNCQ, phần đông là các nhà Nho, không hiểu biết nhiều lắm về huyền thoại Phật Giáo Ấn Độ. Chẳng hạn, nếu Tỳ Sa Môn chỉ là Phù Đổng Thiên Vương thì tại sao Phù Đổng Thiên Vương lại có những đặc tính Ấn Độ và Phật Giáo như thế? Bảo Tháp và dạ-xoa không hề có nguồn gốc trong cả VĐUL lẫn LNCQ.32 Điều này chỉ chứng tỏ sự vụng về của những người biên tập khi một cách vô tình chung hay hữu ý muốn loại bỏ những thành tố Phật Giáo ra khỏi câu chuyện. (2) Có lẽ theo các người biên tập này thì để cho một anh hùng dân tộc của truyền kỳ trở thành người bảo vệ bờ cõi và dân tộc cũng như đánh đuổi quân Trung Hoa thì có vẻ hợp tình hợp lý hơn là để một thần linh Ấn Độ đảm nhận vai trò này.

Kết Luận

Nói tóm lại câu chuyện về giấc mơ của Khuông Việt trong TUTA cho chúng ta một ví dụ điển hình về những nỗ lực đầu tiên của giới lãnh đạo Phật Giáo trong việc thiết lập nguồn gốc của quốc gia Việt Nam trong Phật Giáo. Chúng ta thấy những nỗ lực này cũng phản ánh qua cả các hành động tiên tri của một số cao tăng khác như Định Không 33 và La Qúi 34 cũng như một vài truyện khác được ghi chép trong VĐUL và LNCQ.35

Huyền thoại là một trong những thành tố chính yếu trong việc tạo dựng tinh thần quốc gia, nhất là tinh thần quốc gia tôn giáo (religious nationalism). Giấc mơ của Khuông Việt có thể được xem là một nỗ lực nhỏ bé tạo dựng huyền thoại này. Đáng tiếc là kể từ giữa đời Lý trở đi giới lãnh đạo Phật Giáo Việt Nam bị lôi cuốn bởi phong trào "Tổ Sư Thiền" của Trung Hoa. Tôi cho đây là một mê hoặc văn chương hơn là một phát triển tôn giáo.36 Tiếp theo là những nỗ lực vô vọng để tưởng tượng Phật Giáo Việt Nam là nối tiếp của "Tổ Sư Thiền" Trung Hoa. Tuy nhiên, như tôi đã chứng minh ở những bài viết khác, trong văn hóa sử Việt Nam, những nỗ lực này chỉ là một phần của việc hoàn toàn phục tùng văn hóa Trung Hoa.

Nguyên do chính của sự suy thoái của Phật Giáo Việt Nam bắt đầu từ đời Trần (1125-1400) là sự thiếu hiểu biết về những hệ thống văn học khác của Phật Giáo ngoài một vài tác phẩm Thiền và một số kinh kệ căn bản. Sự hoàn toàn phục tùng văn hóa Trung Hoa này dần dà đưa đến ưu thắng của Nho Giáo đối với Phật Giáo ở triều đình và trong đời sống văn hóa. Kể từ đời Trần trở đi, ý thức hệ quốc gia (state ideology) là Nho Giáo chứ không hề là Phật Giáo như một số người Phật Giáo ngày nay "tưởng tượng." 37 Cho nên, đau lòng thay, giấc mơ của Khuông Việt (và những Định Không, La Qúi), nói theo Salman Rushdie, đã không được các thế hệ Phật Giáo kế tiếp chịu mơ chung, thành ra cuối cùng chỉ là một giấc mơ nhỏ bé bị quên lãng vùi lấp dưới những ảo tưởng "Tổ Sư Thiền" hoàn toàn ngưỡng vọng về Trung Quốc.

CHÚ THÍCH

1. Về tiều sử Khuông Việt xem TUTA, microfilm #1267, 8a6-9b4.
2. Ibid., 8b1-9a1.
3. Xem Fredrick W. Bunce, An Encyclopaedia of Buddist Deities, Demigods, Godlings, Saints & Demons (New Delhi: D.K. Printworld, Ltd., 1994), I: 574; Jan Knappert, Indian Mythololy (London: The Aquarian Press, 1991), 146; sylvain Lévi, J. Takakusu, Paul Demiéville, eds., Hobogirin (Tokyo: Maison Franco-Japonaise, 1929-1930), I & II: 79-83.
4. Xem Eva Rudy Jansen, The Book of Hindu Imagery: The Gods and their Symbols (Diever, Holland: Binkey Kok Publications, 1993) 70.
5. Xem Gail Hinich Sutherland, The Disguises of the Demon: The Development of the Yaksa in Hinduism and Buddhism (Albany: State University of New York Press, 1991), 63
6. Ibid., 65
7. Ibid., 61
8. Về Tứ Thiên Vương trong Phật Giáo xem, inter alia, R. E. Emmerick, The Sutra of Golden Light (London: Routledge & Kegan Paul, Ltd., 1979), 23-43. Trong vũ trụ luận Phật Giáo Tứ Thiên Vương bốn Thiên Vương cai trị bốn phương: Dhritarashtra phương đông, Virudhaka phương nam, Virupaksha phương tây và Vaisravana phương bắc. Xem Jan Knappert, Indian Mythology, 103. Theo Valerie Hansen thì gốc tích phương bắc của Vaisravana có lẽ phát xuất từ Khotan, bởi vì ở Khotan Vaisravana là thần bảo vệ quốc gia và Khotan lại ở phương bắc. Xem Valerie Hansen, "God on Walls: A Case of Indian Influence on Chinese Lay Religion?" trong Patricia Buckley Ebrey & Peter N. Gregory, eds., Religion and Society in T'ang and Sung China (Honolulu: University of Hawaii Press, 1993), 81.
9. Xem Valerie Hansen, "Gods on Walls," 84.
10. Ibid., 80.
11. Ibid., 87
12. Điều đáng lưu ý ở đây là ở Trung Hoa Vaisravana cũng đã từng đóng vai trò tương tự. Trong Tỳ Sa Môn Nghi Quĩ có thuật lại rằng vào năm 742 tỉnh An Tây bị quân của năm nước Đại Thạch Khang bao vây gửi người về kinh đô xin giải cứu. Vua Đường hỏi ý kiến Hồ tăng Đại Quang Trí (Amoghavajra). Amoghavajra khuyên vua cầu đảo với Bắc Phương Thiên Vương gửi thần binh đi cứu. Kết quả là Tỳ Sa Môn gửi thần binh đến giải vây An Tây một cách nhanh chóng. Xem T 21.228b6-cl. Xem cả Valerie Hansen, "God on Walls." 82-83.
13.Chẳng hạn năm 1057 Lý Thánh Tông cho xây hai chùa Thiên Phúc và Thiên Thọ rồi cho đúc tượng Brahma và Shakra bằng vàng để thờ ở đó. Xem Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Bản Kỷ, III:242.
14. Xem ĐNNTC, tập 27, mục tỉnh Hà Nội, phần Tự Miếu. Đại cương về sách này, xem số mục 855 trong Trần Nghĩa & Francois Gros, eds., Di Sản Hán Nôm Việt Nam Thư Mục Đề Yếu-Catalogue des livres en Han Nôm [DSHN] (Hà Nội: Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, 1993), I: 490-491.
15. Đây là hai bộ sách rất quan trọng trong văn hóa sử Việt Nam. Song cho tới nay vẫn chưa có nghiên cứu đứng đắn nào về hai bộ sách này cả. Trước 1975 đã có bản dịch ra quốc ngữ, đáng tiếc là những bản dịch này đầy những lỗi lầm, không thể sử dụng được. Về sách VĐUL xem Émile Gaspardone, "Bibliographie annamite," 126-128; Keith Weller Taylor, "Authority and Ligitimacy in 11th Century Vietnam," trong David G. Marr & A.C.Milne, eds., 1986), 156-169; Notes on the Việt Điện U Linh Tập," Vietnam Forum 8 (1968): 26-59; The Birth of Vietnam (Berkeley: University of California Press, 1983), 352-359; DSHN, #4276, 586-588. Về sách LNCQ xem "Bibliographie annamite," 128-130; DSHN, #2012, 206-207.
16. Xem Việt Điện U Linh Tập Lục trong Chan Hing-ho, ed., Việt Nam Hán Văn Tiểu Thuyết Tùng San, Tập I (Paris-Taipei: Publications de L'École francaise d'Extrême-Orient & Editions Universitaires de Taipei, 1992) 39.
17. Về ý nghĩa của Stupa trong Phật Giáo xem Giuseppe Tucci, Stupa: Art, Architectonics and Symbolism [reprinted] (New Delhi: Aditya Prakashan, 1988); Lama Angarika Govinda, Psycho-cosmic symbolism of the Buddhist Stupa (Emeryville

harma Publishing, 1976).
18. Xem Việt Điện U Linh Tập Lục Toàn Biên trong Chan Hing-ho., 214-215.
19. Ibid., 215
20. Xem Lĩnh Nam Trích Quái Liệt Truyện trong Chan Hing-ho, II: 115.
21. Xem Thiên Nam Vân Lục trong Chan Hing-ho, II:222.
22. Xem Benedict Anderson, Imagined Communities: Reflections on the Origin and Spread of Nationalism (London: Verso, 1983), 15-16. Về vấn đề nguồn gốc của quốc gia xem cả E. Gellner, Nations and Nationalism (Ithaca: Cornell University Press, 1983); Ernst Cassirer, The Myth of the State (New Haven: Yale University Press, 1963).
23. Xem Robert F. Spencer, "Introduction. Religion in Asian Society," trong Robert F. Spencer, ed., Religion and Change in Contemporary Asia (Minneapolis: University of Minnesota Press, 1971), 5.
24. Xem Salman Rushdie, Midnight Children (New York: Penguin, 1980), 129-130.
25. Xem E.S. Ungar, "From Myth to History: Imagined Polities in 14th Century Centuries, 177-186. Trong bài viết này Ungar phân tích đại cương các tác phẩm bán-chính thức và chính thức xây dựng lịch sử và biên cương Việt Nam.
26. Xem Georges Dreyfus, " Cherished Memories, Cherished Communities: Proto-Nationalism in Tibet," (bản thảo), 5
27. Ibid., 9.
28. Ví dụ Lạc Long Quân và Âu Cơ, xuất hiện sớm lắm cũng phải vào khoảng cuối thế kỷ mười bốn, vẫn cố nối kết Lạc Long Quân với Thần Nông. Xem, inter alia, Keith Weller Taylor, The Birth of Vietnam, 303-305.
29. Khẩu hiệu "Đạo Pháp và dân tộc là một" thường được dùng đến trong những cuộc tranh đấu Phật Giáo bắt đầu từ mấy thập niên trước đây chỉ thuần túy có tính cách tuyên truyền hoặc cùng lắm chỉ là mộng huyễn (pipe dream) trong đầu óc của một số người không chịu nhìn sâu vào lịch sử đôi chút.
30. Về trường hợp Miến Điện xem Manning Nash, "Buddhist Revitalization in the Nation State. The Burmese Experience," trong Robert F. Spencer, ed., Religion and Change in Contemporary Asia, 105-122; Donald Eugene Smith, Religion and Politics in Burma (Princeton: Princeton University Press, 1965).
31. Chúng ta đọc thấy trong tiểu sử của Cảm Thành (?-860), theo truyền thống là thuộc thế hệ thứ hai của dòng Thiền Vô Ngôn Thông: "Một vị hương hào họ Nguyễn kính trọng đức hạnh của Cảm Thành muốn cúng dường nhà của mình để làm chùa mà mời Cảm Thành đến ở đó. Mặc dù ông Nguyễn khẩn khoản mời nhiều lần, Cảm Thành vẫn từ chối. Một đêm Cảm Thành nằm mơ thấy một vị thần nói với sư, 'Nếu thuận theo chí của họ Nguyễn, chỉ vài năm sau là sẽ có nhiều điều tốt lành.' Do đó sư mới nhận lời họ Nguyễn. Đó chính là nguồn gốc của chùa Kiến Sơ ở làng Phù Đổng." TUTA, 5b1-4. Chúng ta biết rằng chùa Kiến Sơ có liên hệ với sự thờ phượng Phù Đổng Thiên Vương. Sách VĐUL (Chan Hing-ho, II:35, 205) chép rằng trước đây có nhà sư Chí Thành ở chùa Kiến Sơ. Chữ "chí" và "cảm" có thể lẫn lộn, và "Chí Thành" với "Cảm Thành" cũng có ý nghĩa tương tự. Hơn nữa, Cảm Thành cũng nằm mơ thấy một vị thần (có điều sách không chép rõ tên gì), giống như Khuông Việt. Mơ là một thứ "giới thuyết" (discourse) quan trọng trong tôn giáo.

32. Xem Chan Hing-ho, I: 110, 205; II: 45, 148,199.
33. Về tiểu sử Định Không (?-808) xem TUTA, 47a10-48a4. Theo tiểu sử của Định Không thì ông đã gặp những điềm triệu dựa vào đó đổi tên làng mình từ Diên Uẩn thành Cổ Pháp và nói rằng "đó là nơi mà Phật Pháp sẽ hưng thịnh" và còn tiên tri rằng trong tương lai một người họ Lý (tức là Lý Công Uẩn) sẽ lên làm vua và giúp đất nước và Phật Pháp.
34. Về tiểu sử La Quí (851-936) xem Ibid., 48a7-49a2. La Quí cố chữa lại những điểm địa lý then chốt đã bị Cao Biền trù yểm. Tiểu sử La Quí ghi lại một điểm rất lạ lùng: La Quí được Thông Thiện, thầy ông, trao truyền Pháp do lời tiên tri của Định Không. Nhưng trước khi mất La Quí lại căn dặn các đồ đệ xây tháp (stupa) rồi giấu Pháp trong đó, ngụ ý lúc ấy chưa thuận tiện và khi nào gặp người thích hợp thì người ấy sẽ nhận được. La Quí cũng tiên tri rằng trong tương lai sẽ có một vị vua (họ Lý) ra đời phụng sự quốc gia và Phật Pháp. Sau này Vạn Hạnh dựa vào những điềm triệu thích hợp mà "tìm ra" Lý Công Uẩn. Việc xây tháp giấu Pháp trong ấy để tránh sự diệt Pháp có vẻ tương tựa với khái niệm gter-ma trong Phật Giáo Tây Tạng. Có điều chúng ta có quá ít dữ kiện để suy đoán bất cứ một kết luận nào. Về văn học gter-ma trong Phật Giáo Tây Tạng, xem Tulku Thondup, Hidden Teaching of Tibet (Boston: Wisdom, 1986).
35. Ví dụ truyện Chử Đồng Tử. Chử Đồng Tử cũng theo học phép với nhà sư Phật Quang. Xem Chan Hing-ho, II: 41-42.
36. Phong trào làm "thơ Thiền" này bắt đầu từ giữa đời nhà Lý. Trong truyền thống Phật Giáo Việt Nam kể từ sau đó nhà sư nào cũng có thể làm "thơ Thiền" mặc dù trên thực tế họ thực tập những pháp tu gần với Tịnh Độ hơn. Những danh tác của Thiền Tông Trung Hoa như Bích Nham Lục, chẳng hạn, chỉ hàm chứa nhiều ngữ nghĩa bay bổng thỏa mãn cái thú yêu thích thơ văn của người Trung Hoa và Việt Nam. Hơn nữa, chuyện Lục Tổ Huệ Năng không biết đọc mà "ngộ" cũng củng cố cái tinh thần phản-trí thức (anti-intellectual) tai hại bao phủ giới tăng sĩ Phật Giáo. Hiện giờ ở hải ngoại cũng như trong nước đã có những phong trào phục hưng "Tổ Sư Thiền," có người thậm chí còn truyền cả "tâm ấn," không biết là lấy ở đâu ra!
37. Điều mỉa mai là các vua nhà Trần tuy là ưa chuộng đạo Phật, song chính họ lại gạt bỏ đạo Phật ra khỏi khuôn khổ chính trị. Đa số những "Thiền Sư" đời Trần, ngoại trừ Trần Thái Tông, cũng chỉ để lại một số thơ văn ít ỏi và một vài trước tác phỏng theo lối "ngữ lục" của Thiền Trung Hoa, song nội dung rất là luộm thuộm

Nguồn: https://tnxm.net/showthread.php?t=1272

 

Các kì liên quan đã đi trên blog này:

Kì 4: Phủ Đổng thiên vương (Tì sa môn thiên vương/Hisamon-tenno/Heishamen) và Phật giáo (nhóm sư thời Lý là  Khuông Việt thiền sư Ngô Chân Lưu và ý thức quốc gia dân tộc theo cấu tưởng Phật giáo)  http://vn.myblog.yahoo.com/dzjao/article?mid=2809

Kì 3: Quan điểm của chính phủ http://vn.myblog.yahoo.com/dzjao/article?mid=2791

Kì 2: Quan điểm của bác Nguyễn Xuân Kính http://vn.myblog.yahoo.com/dzjao/article?mid=2782

Kì 1: Quan điểm của bác Nguyễn Chí Bền http://vn.myblog.yahoo.com/dzjao/article?mid=2773