Về mô hình xuất bản khoa học hiện hành (ý kiến Nguyễn Văn Tuấn)

Bài lấy về từ trang Nguyễn Văn Tuấn.net.

Có một điều bác Nguyễn Văn Tuấn có lẽ đã quên nói đến. Đó là: vì sao các tạp chí khoa học (tạp chí xuất bản các kết quả nghiên cứu khoa học) lại tốn nhiều tiền như vậy ? Tại sao nhà khoa học lại cứ phải đóng tiền cho phía tạp chí (mà không phải là được nhận nhuận bút từ đó) ?

Mô hình xuất bản khoa học hiện hành quá lạc hậu?   

Nguyễn Văn Tuấn

Phải đặt câu hỏi đằng sau câu trên, vì tôi chưa chắc. Gần đây, có phong trào tẩy chay nhà xuất bản Elsevier, nhưng đằng sau phong trào này là một sự đánh giá lại mô hình xuất bản khoa học hiện nay. Mô hình này, nói một cách ngắn gọn, chẳng những phi lí mà còn bất công, và rất phung phí.

Theo sử sách ghi lại, hai tập san có cơ chế bình duyệt (peer review) xuất hiện đầu tiên trên thế giới là Le Journal des SçavansPhilosophical Transactions of the Royal Society of London vào năm 1665. Mục tiêu của họ là khuyến khích công bố kết quả nghiên cứu khoa học và làm “kho” tri thức cho nhân loại. Năm 2009, có khoảng 24,000 tập san khoa học có bình duyệt, và gần 1 triệu tác giả khoa học. Tính trung bình, mỗi năm có 1.5 triệu bài báo được công bố, và có 10-15 triệu độc giả thuộc 10,000 trường đại học [1]. Con số bài báo tăng khoảng 6-7% mỗi năm. Các nhà xuất bản ra đời để đáp ứng “thị trường” khổng lồ này. Nhưng gần đây, có vài xì-căng-đan làm cho giới khoa học và cả Quốc hội Mĩ phải suy nghĩ lại mô hình xuất bản khoa học hiện hành.

Quốc hội Mĩ dự định ra một dự luật về xuất bản khoa học. Theo như vài nguồn tin thì dự luật này buộc các nhà xuất bản phải cho công chúng truy cập được những kết quả nghiên cứu mà nhà khoa học được Nhà nước tài trợ. Nói là “Nhà nước tài trợ” nhưng thực chất là tiền của dân. Đứng trước tin này, nhiều nhà xuất bản lớn trên thế giới hiệp lực lại với nhau quyết tâm không cho dự luật này thành hiện thực. Thật là khó hiểu! Các nhà xuất bản khoa học lúc nào cũng nói là doanh nghiệp của họ là vì tri thức, là bảo vệ tri thức nhân loại, ấy thế mà khi có người đề nghị tri thức đó đến tay mọi người dân thì họ phản đối!

Tại sao các nhà xuất bản hành xử khó hiểu như thế? Lí do đằng sau chắc chỉ là tiền và lợi nhuận. Nhưng để hiểu vấn đề, tôi có thể mô tả qui trình nghiên cứu và xuất bản khoa học, để chúng ta thấy các nhà xuất bản rất phi lí khi họ phản đối dự luật của Quốc hội Mĩ. Có thể nói xuất bản khoa học là một loại hình doanh nghiệp lạ lùng trong các doanh nghiệp. Lạ lùng là vì nhà xuất bản làm lời trên công sức của người khác. Để thấy lạ lùng như thế nào, chúng ta thử nhìn qua qui trình nghiên cứu từ đầu đến cuối, và sẽ thấy đồng tiền luân chuyển ra sao:

  • Nhà nước thu thuế từ người dân, và dùng một phần số tiền này để tài trợ cho các đại học, và các hoạt động nghiên cứu khoa học;
  • Nhà khoa học cạnh tranh nhau để được tài trợ từ Nhà nước. Họ sẽ dùng số tiền Nhà nước tài trợ để thực hiện công trình nghiên cứu;
  • Khi hoàn tất nghiên cứu, nhà khoa học đúc kết kết quả thành những bài báo khoa học, và những bài báo này sẽ được đệ trình đến những tập san khoa học để công bố;
  • Bài báo sẽ được bình duyệt bởi các chuyên gia trong chuyên ngành, và các chuyên gia này làm việc hoàn toàn không lương (họ chỉ có một dòng trong bản lí lịch khoa học!) Sau khi bình duyệt, ban biên tập (cũng là các nhà khoa học làm việc không lương) quyết định cho công bố hay không công bố bài báo;
  • Khi quyết định công bố bài báo, bản thảo sẽ chuyển cho nhà xuất bản. Nhà xuất bản sẽ yêu cầu tác giả chỉnh sửa theo hình thức mà tập san yêu cầu. Sau đó, tác giả phải kí tên chuyển nhượng bản quyền cho … nhà xuất bản;
  • Sau khi bài báo được công bố chính thức trên giấy, nhà xuất bản gửi hoá đơn cho tác giả để trả tiền ấn phí. Tuỳ vào tập san và tuỳ vào số trang của bài báo, mỗi bài có thể tốn từ vài trăm USD đến hơn 1000 USD. Tác giả được tặng 50 hay 100 bản copy của bài báo.

Điều trớ trêu ở đây là bài báo đó, kết quả nghiên cứu đó, chỉ có một số ít người có thể truy cập được. Chỉ có những người đóng tiền niên liễm (subscription) với tập san mới có thể truy cập và biết kết quả nghiên cứu ra sao. Đại học cũng thường tiêu ra nhiều triệu USD để đóng tiền niên liễm cho các tập san. Có tập san y khoa mà đại học phải trả trên 30,000 USD mỗi năm. Người dân là người tài trợ cho công trình nghiên cứu nhưng phần lớn sẽ không truy cập được. Ngay cả tác giả và trường đại học, nếu không đóng tiền niên liễm vào tập san, cũng không truy cập được tác phẩm của mình! Ngay cả tác giả muốn sử dụng một biểu đồ trong bài báo cũng phải xin phép nhà xuất bản. Những ai không đóng tiền niên liễm thì có thể đặt mua bài báo từ nhà xuất bản.

Do đó, kinh doanh xuất bản khoa học là … có lời lớn. Nhà xuất bản chẳng làm gì nhiều mà thu nhiều tiền. Họ không làm nghiên cứu. Họ không tham gia vào việc bình duyệt bài báo. Họ không đóng vai trò quyết định công bố hay không công bố bài báo. Họ cũng không sửa bài báo (tác giả mới là người chịu trách nhiệm). Tất cả họ có là hệ thống website và nhà in. Mỗi nhà xuất bản quản lí hàng ngàn, thậm chí có cả chục ngàn tập san (như Elsevier chẳng hạn). Mỗi năm, Elsevier xuất bản hơn 240,000 bài báo, và lợi nhuận lên đến hơn 2 tỉ USD. Nhà khoa học làm ra sản phẩm nhưng chẳng hưởng đồng nào! Chính vì thế mà giới khoa học không ngần ngại dùng từ “hút máu” đối với các nhà xuất bản.

Thời gian gần đây, giới khoa học thử nghiệm một mô hình xuất bản mới, gọi là Open Access. Mô hình này tận dụng sự phát triển của internet. Theo mô hình này, tác giả cũng trả tiền ấn phí cho nhà xuất bản, nhưng tác giả giữ bản quyền bài báo của mình, và nhà xuất bản phải cho tất cả công chúng toàn cầu được truy cập vào bài báo đó. Mô hình này nhà xuất bản không đòi tiền niên liễm. Chẳng hạn như bài này, bất cứ ai cũng có thể tải về để xem mà không trả tiền cho nhà xuất bản. Hiện nay, có hai nhà xuất bản danh tiếng làm theo mô hình này là Biomedcentral (BMC) và Public Library of Science (PLoS).

Ai cũng nghĩ mô hình Open Access là hợp lí, nhưng cho đến nay mô hình này vẫn chưa phổ biến mấy. Theo thống kê, chỉ có 5 đến 8% bài báo khoa học được công bố trên các tập san Open Access. Hiện nay, ấn phí của BMC và PLoS nói chung còn đắt hơn so với các tập san giấy. Một bài trên PLoS tốn khoảng 1400 USD, một bài trên BMC cũng khoảng 2000 USD. Cần nói thêm rằng riêng BMC thì họ miễn ấn phí cho các tác giả từ các nước nghèo (như Việt Nam). Riêng cá nhân người viết bài này thì đã ủng hộ mô hình Open Access ngay từ lúc các tập san này mới ra đời, và cũng đóng vai trò biên tập cho họ. Nhưng nhiều đồng nghiệp vẫn chưa mặn mà với mô hình Open Access, vì họ nghĩ các tập san này chưa có danh tiếng.

Về danh tiếng thì người ta thường hay đánh giá một tập san qua chỉ số impact factor (IF). Tuy không phải là chỉ số hoàn hảo (và bị chỉ trích rất nhiều), nhưng cho đến nay, giới khoa học vẫn phải [cay đắng] sử dụng IF để làm thước đo gửi bài. Một công trình nghiên cứu tốt ai cũng muốn gửi cho tập san có IF cao. Hiện nay, nhiều tập san trong hệ thống Open Access có chỉ số IF tương đối thấp hơn các tập san đóng niên liễm. Đó cũn là một trong những lí do mà nhiều nhà khoa học cảm thấy không thoải mái khi gửi bài cho các tập san Open Access. Tuy nhiên, các tập san Open Access đang có chỉ số IF tăng nhanh trong vài năm gần đây. Mặc khác, các tập san thuộc nhà xuất bản PLoS thì không thèm xem xét đến và cũng không tham gia trong qui trình đánh giá IF, nên đối với họ IF hoàn toàn vô nghĩa. Trong thực tế, các tập san như BMC Medicine, PLoS Medicine, PLoS Genetics càng ngày càng được đánh giá rất cao, tương đương với những Nature Genetics, PNAS, Am J Hum Genet, và một số tập san danh tiếng trong ngành y.

Các tập san niên liễm hiện đang cảm thấy bị đe doạ bởi các tập san Open Access. Vì thế, họ đặt ra qui định mới cho tác giả. Nếu tác giả muốn bài của mình Open Access (tức bất cứ ai cũng truy cập được) và giữ bản quyền, thì tác giả phải trả thêm tiền ấn phí (thường cao gấp 3-5 lần so với ấn phí thông thường). Điều này có nghĩa là mỗi bài Open Access trên các tập san niên liễm có giá từ 3000 đến 5000 USD. Nhưng rất ít đại học “mặn mà” với ý tưởng này, vì họ phải chi thêm tiền. Cuối cùng vẫn là một vòng luẫn quẫn. Hi vọng rằng dự luật mới về xuất bản khoa học sẽ giải quyết vấn đề sao cho công bằng hơn cho giới khoa học và nhà xuất bản.