Con trai của Trọng Thủy — chàng trai có tên Triệu Hồ — 22

Bình cũ và rượu cũ : Về một bài viết liên quan đến Triệu Hồ vào tháng 5 năm 2009 của Trương Thái Du

Bình chú của Giao (đêm 28/5/2009) :

Định tắt máy tính để đi ngủ, và từ mai sẽ đóng blog ít ngày vì đang bận công việc riêng, nhưng lại phải đi thêm một entry mới cho loạt bài về Triệu Đà, vì vừa thấy bác Trương Thái Du đi một bài mới trên talawas, mà nửa dưới của bài đó là liên quan đến Triệu Hồ.

Vì chúng ta đã luận bàn với nhau hàng nửa năm nay về cái đề tài này, hoàn toàn trên tinh thần học thuật và tương kính tương trợ nhau, nên mình xin được nói thật với bác Du, thế này: em hơi bất ngờ về bài của bác, vì bác vẫn giữ y nguyên cách nghĩ cũ. Có thể nói vẫn là "bình cũ và rượu cũ", được không bác ? Bác bảo "đào sâu", chắc là tiếp tục mời gọi mọi người tham gia vào để đào sâu nữa, chứ hiện tại bác đã đào được gì đâu ? Thỉnh thoảng bác còn đào nhầm, anh em cũng đã nhắc nhẹ rồi mà.

Cũng mong bác điều này nữa: mọi ý kiến của mọi người được bác dẫn trong bài đó cần ghi nguồn rõ ràng, càng ghi rõ bao nhiêu càng nâng giá trị bài của bác lên bấy nhiêu (ví dụ ý kiến của anh Nguyễn Cung Thông, của bác Đông A, của anh Đoan Hùng, hay của Giao, vân vân).

Từ đây trở xuống là phần liên quan đến Triệu Hồ trong bài vừa đi trên talawas của anh Du (có hai cái ảnh đang bị chết, để xem được, mời bà con trực tiếp vào talawas).

Đào sâu thêm một số vấn đề cổ sử Việt Nam

29/05/2009 | 12:10 sáng |

Tác giả: Trương Thái Du

Bài viết này được gộp bởi hai bài báo nhỏ về cổ sử, một đã đăng báo giấy TT&VH. Nó nằm trong hệ thống những khảo cứu cổ sử nghiệp dư của tôi, đào sâu thêm những khía cạnh chưa nhắc tới trước đó.

Hiện nay tôi đang viết phản biện bác bỏ lập luận của Trung Quốc nhận rằng họ đã làm chủ Biển Đông từ thời Hán và trước đó, trên cơ sở nguồn thư tịch của chính các học giả Bắc Kinh. Tôi sẽ vận dụng một số kết quả tìm hiểu riêng của mình về thời kỳ này. Để tiện cho độc giả theo dõi, xin đăng bài viết này trước.

(bỏ một đoạn không trích — Giao chú)

2. Cháu nội Triệu Đà tên gì?

Tất cả các sách sử xưa nay đều thống nhất theo Sử Ký của Tư Mã Thiên, ghi tên tục của Triệu Văn đế là Triệu Hồ (cháu nội Triệu Đà, làm vua Nam Việt từ 137 đến 124 trước Công nguyên). Năm 1983 khảo cổ Quảng Đông đã khai mở ngôi mộ táng của Triệu Hồ tại một ngọn đồi trong nội thành Quảng Châu. Chiếc ấn vàng tùy táng khắc chữ triện “Văn đế hành tỉ” khiến các chuyên gia không thể nghi ngờ ngôi mộ này là của ai khác. Tuy nhiên, vấn đề tên tục của Triệu Văn đế đã gây nên tranh cãi, cũng như hé lộ nhiều khả năng về một loại ngôn ngữ dùng Hán tự ký âm có liên quan mật thiết đến chữ Nôm Việt Nam.

Người ta không thể tìm được bất cứ chữ Hồ nào giữa các di vật trong mộ phần Triệu Văn đế, ngoài hai con dấu trình bày dưới thể triện ghi rõ Triệu Mạt (赵眜). Một số tài liệu Việt ngữ trên mạng đôi khi phiên âm là Triệu Muội. Thực ra Mạt và Muội trong các sách cổ từ thời Hán trở lại đây thì đồng nghĩa và hay dùng lẫn lộn. Chữ Mạt này gồm hai phần Mục (目) và Mạt (末). Rất dễ nhầm lẫn giữa Muội 眛 và Mạt vì Muội ghép bởi Mục (目) và Mùi (未). Mạt và Mùi chỉ khác nhau ở chỗ hai nét ngang dài ngắn đổi chỗ cho nhau.

Chiếu theo Thuyết Văn (quyển tự điển có từ thời Đông Hán), Mạt nghĩa là mắt mờ. Nếu chỉ xét chữ Mạt ở góc độ thuần Hán thì không lý gì một vương tử và sau này là thái tử, là thiên tử suốt một vùng Lĩnh Nam, lại có cái tên xấu và vô nghĩa như vậy. Có ý kiến cho rằng âm Mạt theo phương ngữ Hoa Nam hiện nay rất gần với âm Hồ. Phải chăng cháu Triệu Đà được đặt tên theo nghĩa Nam Việt, rồi sau đó phải dùng chữ Hán có âm gần giống để ghi lại trên giấy tờ, ấn tín. Chính vì thiếu thống nhất và không gian cách trở, ở Lĩnh Nam ký âm thành Triệu Mạt, trong khi tại Trung Nguyên các sử quan viết thành Triệu Hồ.

Nguyên tắc ký âm ấy, là những mầm mống quan trọng đầu tiên để hình thành hệ thống sử dụng Hán tự xây dựng chữ viết vùng Lĩnh Nam, trong đó chữ Nôm Việt Nam là một nhánh lớn đáng ghi nhận. Đặc biệt, Mạt trong chữ Nôm ngày nay, người Việt Nam vẫn đang đọc là Mắt.

Tham khảo thêm chữ Nôm cổ của người Choang ở Quảng Tây, ta thấy họ đọc từ Mạt trong Triệu Mạt là [bo:t]. Rất gần với Bột trong Bột Mạt và Phù Bột Mạt. Xin lưu ý, dân tộc Choang Quảng Tây có những nhánh lưu trú lâu đời tại Việt Nam và hiện được định danh là Tày/Nùng.

Quyển “Kiến Văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn đã dẫn tư liệu của sứ nhà Nguyên chép rằng thời Trần người Đại Việt gọi trời là Bột Mạt, mặt trời là Phù Bột Mạt. Như vậy có không khả năng Bột Mạt là trùng ngữ do sự cộng sinh giữa hai ngôn ngữ khác nhau? Nghĩa là Bột Mạt = Bột = Mạt = Trời. Nó tương tự như Chia Ly = Chia = Ly.

Đặc biệt là trong Nguyên sử, chương Ngoại di, phần An Nam[1] có trích một lá thư của Nhật Huyên (日烜) mang ngôn ngữ ngoại giao, gửi Trấn Nam vương. Thư ví Thoát Hoan là Mạt quang (末光). Đây là lá thư của người Đại Việt viết bằng chữ Hán, không thể loại trừ khả năng từ Mạt quang được dùng với nghĩa Việt là “ánh mặt trời” trong tương quan ngữ nghĩa Hán và Việt nhất định, nhất là với ghi chú của sứ thần nhà Nguyên đã dẫn.

Nếu nghiên cứu sâu sắc theo chiều hướng trên, có rất nhiều khả năng giải nghĩa chữ Mạt trong từ Triệu Mạt ý chỉ trời, ngôi vị thượng tôn của nước Việt cổ, mà biểu trưng rõ ràng nhất là hình ảnh ở giữa trống đồng Đông Sơn.

Chúng tôi hy vọng bài báo nhỏ này sẽ khơi gợi một chủ đề lý thú cho các chuyên gia khảo cổ và ngôn ngữ chuyên nghiệp ở Việt Nam. Trong góc nhìn nghiệp dư và rất cảm tính của mình, chúng tôi thấy chữ Mạt có cơ hội trở thành chữ Nôm đầu tiên còn chứng tích của dân tộc Việt Nam hiện đại.

Ngoài ra lăng mộ Triệu Mạt đã trở thành một viện bảo tàng lớn tại Hoa Nam. Nó còn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa lịch sử có liên quan hữu cơ đến quá trình hình thành quốc gia Việt Nam xưa kia. Chẳng hạn những bó mũi tên đồng giống y hệt loại tên đã đào được ở vùng Cổ Loa, một chiếc thạp Đông Sơn với hình thuyền đặc trưng…

(Ảnh bị chết – Giao chú)

Kho đồ tùy táng lúc mới mở huyệt mộ. Nhìn rõ chiếc thạp Đông Sơn. Chiếc thạp này có lẽ từng có nắp nhưng đã bị mục nát.

(Ảnh bị chết – Giao chú)

Chiếc thạp sau khi được vệ sinh sạch sẽ. Những hình vẽ như trên trống đồng hiện ra.

Ảnh chụp từ sách Nam Việt Quốc Sử, tác giả Trương Vinh Phương GS ĐH Trung Sơn, Quảng Đông nhân dân xuất bản xã, 1995.

5.2009

© 2009 Trương Thái Du

© 2009 talawas blog

Nguồn:

http://anonymouse.org/cgi-bin/anon-www.cgi/http://www.talawas.org/?p=5016