Category Archives: Triệu Đà

Giật mình, về cách đọc con dấu Triệu Văn Đế của bác Ngô Đức Thọ

Hôm trước, đã giật mình một cái, đây: Hơi giật mình, về dịch tiếng Pháp của Cao Việt Dũng. Hôm nay, lại giật mình một cái nữa. Thực sự, cả hai vị, một là lớp đàn em, một là lớp tiền bối, tôi đều rất trân quí, nên thành ra phải giật mình như vậy.

Giật mình là vị bác tiền bối, viết một cái entry thế này trên blog: CON DẤU CỦA TRIỆU VĂN ĐẾ. Số là, mấy hôm nay, một chú em nhờ viết một cái gì đó về ông cháu nhà Triệu Đà. Tôi đi tìm tư liệu, vô tình đọc entry đó, chứ nó đã được đưa lên từ lâu (30/1/2012, lúc đó, tôi không có dịp đọc ngay).

1. Trên blog tôi, đã rất lâu trước đây, đi loạt bài khá dài về Triệu Đà (xem thư mục Triệu Đà), với sự luận bàn, góp mặt của nhiều vị, như Trương Thái Du, Đoan Hùng, Lê Tuấn Huy,… Một hồi Yahoo đóng cửa, loạt bài ấy bị xô lệch đi nhiều phần, bây giờ xem lại thấy phần mĩ thuật rất yếu, mà toàn bộ ảnh tư liệu bay hết sạch !

Trong loạt bài ấy, có một entry có thấy hình của chiếc ấn mà Triệu Văn Đế đã dùng, đây: Con trai của Trọng Thủy — vị vua có tên Triệu Hồ — 19.

Cái ấn ấy mặt mũi nó thế này:

 

Tôi đã tha thẩn hai lần trong cái nhà chứa cái ấn này (tức cái Bảo tàng về Triệu Văn Đế), ở bên Quảng Châu. Sắp tới, sẽ lại vào tha thẩn thêm lần nữa.

Từ tháng 3 năm 2009, tại entry nói trên, tôi đã đọc cái ấn này, là Văn Đế Hành Tỉ 文帝行玺. Chú ý đến chữ Hành

2. Bây giờ, không rõ vì lí do gì đó, tiền bối lại đọc nhầm đi thành Văn Đế Ngọc Tỉ. Chú ý đến chữ Ngọc. Cụ thể là thế này, trích nguyên văn từ blog của bác.

"

732ecf092d95aa2b7c318a1b62b24621_40419109_condaunguphapviet.jpg

 

"

Có lẽ tiền bối nhầm chăng, mong bác xem lại giúp.

Cụ Rùa trong chuyện Triệu Đà – An Dương Vương: Trí giả và quốc gia hưng vong

Trên blog tôi, và blog bác Trương Thái Du, hồi trước, đã có loạt bài về Triệu Hồ/Muội/Mạt – người cháu gọi Triệu Đà bằng ông (ông ruột), tương truyền là con đẻ của nàng Mỵ Châu nhà ta với chàng Triệu Trọng Thủy người phương Bắc (con trai ruột của Triệu Đà), loạt bài ấy ở đây.

Viết cái loạt bài ấy từ hồi còn là YH 360, nhưng sau 360 bị dẹp, loạt bài bị xô lệch và bay hết ảnh, làm giảm sự hứng thú đọc đi nhiều phần.

Hôm nay, ta tạm rời xa nhãn quan của người Việt (Kinh, Keo) hay người Hán, đến với lối tư duy của người Tày để đọc lại hình tượng cụ Rùa Vàng trong chuyện Triệu Đà – An Dương Vương – Trọng Thủy – Mỵ Châu. Tác giả bài này là bác Dương Thuấn (bài đã đăng trên Văn Nghệ, nay rất vui và tiện là đã thấy xuất hiện trên blog của bác, ở đây).

 

 

MINH TRIẾT TRUYỀN THUYẾT MỴ CHÂU TRỌNG THỦY 

 

Dương Thuấn

 

An Dương Vương là nhân vật trong truyền thuyết Mỵ Châu Trọng Thủy  một câu chuyện cổ rất phổ biến ở nước Việt Nam ta. Nó không chỉ được kể trong dân gian mà còn được đưa vào giảng dạy trong nhà trường. Thường mỗi khi giảng văn cho học trò, các thầy cô giáo bám rất sát vào sách hướng dẫn giảng dạy để nêu bật chủ đề cảnh giác với âm mưu xâm lược của thế lực ngoại bang.

       Truyền thuyết Mỵ Châu Trọng Thuỷ kể về tình yêu trong trắng của một đôi trai gái là Trọng Thuỷ người phương Bắc và cô gái Mỵ Châu người nước Việt hay là kể về sự mất cảnh giác của An Dương Vương đối với mưu sâu kế hiểm của Triệu Đà. Câu chuyện viết về vấn đề của tình yêu hay là vấn đề của thế sự chính trị? Đối với tình yêu, tận cùng của nó là khao khát hoà hợp. Còn đối với chính trị, tận cùng của nó là khao khát tiêu diệt. Câu chuyện truyền thuyết này đụng đến cả hai vấn đề đó. Lâu nay có một số nhà nghiên cứu đã cố gắng đi sâu phân tích mâu thuẫn tình yêu của Mỵ Châu và Trọng Thuỷ với vận mệnh của nhà nước Âu Lạc mà người đứng đầu là vua cha An Dương Vương. Mặc dầu đã được phân tích giảng giải khá kỹ nhưng người nghe từ trước đến nay chưa bao giờ cảm thấy hài lòng.

        Tìm hiểu truyền thuyết An Dương Vương nếu chỉ dừng lại trong ý nghĩa cảnh giác với âm mưu xâm lược của thế lực ngoại bang thì sẽ không thể hiểu nội dung thông điệp của câu chuyện trọn vẹn. Cách hiểu đó mới dừng ở tầng nghĩa ngoài vỏ của câu chuyện mà thôi. Bởi vì đối với một tác phẩm văn học dân gian như truyền thuyết Mỵ Châu Trọng Thuỷ, tự trong tận cùng sâu thẳm của nó còn chứa đựng một yếu tố cực kỳ quan trọng mà người đọc không thể dễ dàng nhận ra được ngay.       Vấn đề sâu xa nhất và cốt lõi nhất của truyền thuyết Mỵ Châu Trọng Thuỷ là vấn đề giữa An Dương Vương đối với những kẻ thức giả ngày xưa, nay có thể còn gọi là tầng lớp trí thức. Tầng lớp trí thức ở đây chính là con Rùa vàng. Khi nào mà An Dương Vương nghe Rùa Vàng thì sẽ chiến thắng và thành công trong mọi thứ. Còn khi nào mà An Dương Vương không nghe Rùa Vàng thì sẽ thất bại. Nghe Rùa Vàng thì dẹp được âm binh của quan quân vua Hùng đời trước là con gà trắng thành tinh, xây được thành cao hình xoáy trôn ốc, làm được nỏ thần bắn một phát giặc chết hàng vạn tên… Nhưng khi mà An Dương Vương quên lời dặn của Rùa Vàng không sửa sang đức độ sinh thói ăn chơi thì bị con rể là Trọng Thuỷ ăn cắp lẫy nỏ, chủ quan khinh thường kẻ địch rồi dẫn đến mất thành, lâm vào cảnh nước mất nhà tan… 

        An Dương Vương trong lịch sử tên thật là Vương Thục Phán, ông là người Tày quê ở Cao Bằng. Ông đã thống nhất hai nước Âu Việt của người Tày và Lạc Việt của người Kinh thành một nước gọi là Âu Lạc, đóng đô ở Cổ Loa. Hiện nay ở ngoại thành Hà Nội vẫn còn dấu tích của Loa Thành ngày xưa. Mặc dù đó là chuyện của lịch sử nhưng nó lại liên quan đến truyền thuyết, muốn hiểu tận cùng các tầng nghĩa của truyền thuyết Mỵ Châu Trọng Thuỷ không thể không xét đến các yêu tố Tày được nói đến trong câu chuyện. Ở đây cụ thể là yếu tố con Rùa Vàng (Thần Kim Quy) – thức giả ưu tú nhất, tinh hoa nhất (elite nhất). Con rùa vàng chứ không phải rùa thường, có nghĩa thức giả ở đây là thức giả ưu tú, chứ không phải là những thức giả bình thường vốn số đông. Trong quan niệm của người Tày, rùa là con vật linh thiêng, thông minh và có trí tuệ nhất. Rùa được ví như là tầng lớp trí thức chân chính, là những thức giả của xã hội. An Dương Vương đã bao lần xây thành lên rồi lại bị đổ nhưng nhờ có Rùa Vàng đến bày kế cho liền xây xong. Giúp vua xây xong thành rồi, trước khi ra về Rùa Vàng còn tháo chiếc móng của mình đưa cho vua để làm lẫy nỏ. An Dương Vương làm theo, chiếc nỏ rất hiệu nghiệm đó gọi là nỏ thần. Mấy lần giặc Triệu Đà kéo sang đều bị đánh tan…

      Con rùa cũng được kể trong một số truyện cổ khác của người Tày, nó luôn thông tỏ mọi chuyện trời đất quỷ thần như chuyện Chàng mồ côi, Hươu và Rùa… Ở chuyện Chàng mồ côi trong một lần Pửt Luông (Ngọc Hoàng) mời tất cả muôn loài dưới hạ giới lên trời để gặp thì rùa đã biết trước mưu mô của Pửt Luông sẽ bỏ thuốc câm cho hạ giới bị câm hết để không còn ai nói xấu Pửt Luông được nữa. Bữa đó đang đi trên quãng dốc lên trời thì đụng một cây to đổ nằm chắn ngang đường. Các loài thú chân dài đều bước qua được, chỉ riêng mình rùa chân ngắn nên cứ lạch bạch mãi không thể bước qua. Thấy vậy con người liền giúp, nâng rùa bước sang. Rùa cảm kích trước tấm lòng của con người mới trả ơn bằng cách bảo cho con người biết hôm nay Pửt Luông sẽ bỏ thuốc câm và dặn con người lên đến trên đó khi nào rùa bảo thì nhớ phải ngậm miệng lại. Quả thật khi tất cả muôn loài dưới hạ giới đã đến tập trung đông đủ Pửt Luông liền hạ lệnh bỏ thuốc câm. Kể từ đó muôn loài ở hạ giới đều bị câm. Rùa vì há miệng ra nói cho người biết nên bị thuốc bay vào miệng cũng bị câm nốt. Chỉ riêng con người được rùa bảo rồi nên đã ngậm miệng từ trước không bị câm. Khi trở về hạ giới rùa ân hận viết lên bụng mình mấy chữ “Pửt Luông bỏ thuốc câm”. Mấy chữ đó ngày nay vẫn còn thấy in trên ngực rùa. Hay là truyện Hươu và Rùa cũng vậy, nhờ trí thông minh sẵn có của mình nên trong cuộc thi chạy rùa đã thắng hươu…

     Như vậy nếu đứng từ quan niệm của người Tày để lý giải truyền thuyết Mỵ Châu Trọng Thuỷ sẽ hợp lý và có sức thuyết phục hơn cách của một số người vẫn lý giải lâu nay. Chính vì do An Dương Vương không nghe lời khuyên của Rùa Vàng, cả tin vào việc cầu thân của Triệu Đà cho con trai là Trọng Thủy sang ở rể nên đã để mất cái lẫy nỏ thần rất linh nghiệm. Tất cả mọi vấn đề mấu chốt của câu chuyện chỉ xoay quanh chi tiết chiếc lẫy nỏ. Đó là chính là điều tâm huyết nhất và cũng là tấc lòng trung cao nhất của một thức giả đối với quốc gia. Bởi vì An Dương Vương không nghe lời Rùa Vàng, tức là không nghe lời của thức giả ưu tú Rùa Vàng cho nên đã bị thất bại thảm hại trước mưu kế sâu hiểm của Triệu Đà dẫn đến cảnh nước mất nhà tan. An Dương Vương để mất Loa Thành chạy ra bờ biển, tuốt gươm chém đầu con gái mình là Mỵ Châu, thảm kịch đau đớn đó do ông tự gây ra. Mối hận nước và hận nhà ấy của ông sẽ không bao giờ gột sạch.

      Hàm ý của câu chuyện nhằm chê trách An Dương Vương nhưng cũng nhắc nhở chung cho tất cả những ai khi trị vì đất nước. Minh triết sâu sắc của truyền thuyết Mỵ Châu Trọng Thuỷ là ở chỗ khi người đứng đầu quốc gia xem nhẹ lời của những người thức giả chân chính, tức là xa rời những tinh hoa của trí tuệ của nhân dân thì lập tức sẽ chuốc lấy bại vong. Mỵ Châu Trọng Thuỷ là một truyền thuyết dân gian về thế sự và tình yêu hay vào bậc nhất, giá trị của nó luôn sáng ngời như ngọc.

                                                                                Hà Nội, tháng 10-2010 

                                                          (Báo Văn nghệ số 50 – Ra ngày 11-12-2010)

Về bác Trương Thái Du qua loạt bài Triệu Hồ/Triệu Muội – 1

Gần đây, theo dõi các diễn đàn trên internet, tôi thấy bác Trương Thái Du được đem ra bàn luận nhiều. Người ta nói về các bài viết của Trương, và đa phần là tiếng mắng mỏ bác.

Ít thấy có vị nào đủ bình tĩnh, thời gian và tri thức để đánh giá khách quan các tác phẩm của Trương. Người ta tựa như đang cùng nhau đâm thủng các tác phẩm của Trương, chủ yếu là tạp văn công bố trong vòng mấy tháng qua, để đồng loạt nã đạn vào nhân cách của bác.

Tôi và Trương đã giao lưu qua mạng (qua bài viết và comment trên blog), chủ yếu là xoay quanh loạt bài về người cháu của Triệu Đà, tức Triệu Hồ hay Triệu Muội/Mạt. Ngoài ra, chưa bao giờ gặp ở ngoài đời thực.

Vậy nên, tôi chỉ có thể nhìn thấy bác Trương qua loạt bài mà chúng tôi bỏ nhiều công sức xây dựng nên trên blog bác và blog tôi. Không phải để bênh vực hay gì gì đó cho bác; trước làn sóng mắng mỏ ầm ào trên mạng hiện nay, mà xuất hiện cả những từ như "Việt gian", thì xem ra việc bênh vực Trương rõ ràng chỉ tổ mang vạ vào thân, cho nên, ở đây tôi chỉ nói về loạt bài trên thôi, không bình loạn ngoài phạm vi.

Trước hết, cần phải đọc loạt bài nói trên đã. Mời xem nó ở đây (nếu không đọc, và chưa từng đọc, hay đọc mà không hiểu loạt bài này trên blog tôi hay blog anh Du trước đây, thì kính xin hãy tiết kiệm lời bình ở mức tối đa):

http://vn.myblog.yahoo.com/dzjao/index?l=f&id=5

Con trai của Trọng Thủy — chàng trai có tên Triệu Hồ — 23

Về bản dịch Nam Việt liệt truyện trong Hán thư do Hồ Bạch Thảo thực hiện

Bình chú của Giao:

Thế là Yahoo 360 sắp đóng cửa thực sự rồi, không còn đồn đại gì nữa, thiên hạ đang chạy loạn;thế mà, mình còn cố vớt vát đi thêm kì 23 của loạt bài về ông cháu nhà Triệu Đà. Thôi, cứ coi như kỉ niệm ngày chia tay với 360, ngày 30 tháng 5 năm 2009, vì có thể đã là entry cuối cùng mình đi ở đây.

Mình cũng thỉnh thoảng ngó qua trang Diễn đàn, nhưng hôm nay biết có bài của bác Hồ Bạch Thảo trên ấy là do anh Lê Tuấn Huy báo giùm, nhân đây xin cảm ơn anh.

Còn cái bài của bác Thảo thì tên là "Triệu Đà với nước Nam Việt", nghe thì thấy thích, vì tưởng bác đưa một cái gì hay hay ra, nhưng đọc lướt rồi đọc kĩ lại mới vỡ lẽ: toàn điều biết cả rồi. Vậy là cái nội dung thực của nó không tương xứng với tiêu đề. Tuy vậy, có thể thấy một đóng góp không hề nhỏ của bác Thảo ở bài này là: đã đưa ra một bản dịch đầy đủ Nam Việt liệt truyện trong Hán thư của Ban Cố.

Trước đây, trên blog này, mình đã nói đến Sử kí của Tư Mã Thiên (ở entry 6 http://blog.360.yahoo.com/blog-4C7MrGw1YawU1eQpGA–?cq=1&p=121) và Hán thư của Ban Cố (ở entry 7 http://blog.360.yahoo.com/blog-4C7MrGw1YawU1eQpGA–?cq=1&p=124). Đôi lúc mình chỉ dán thẳng nguyên bản mà chưa đưa ra bản dịch, lại đưa lời bình chú hơi khó hiểu một chút. Nay có bản dịch toàn văn của bác Thảo rồi, thế là có thêm một tài liệu tham khảo tốt nữa.

Những chi tiết vui vui liên quan đến Triệu Đà như truyện con Cà cuống, mình cũng đã đi 2 entry rồi (entry 12 http://blog.360.yahoo.com/blog-4C7MrGw1YawU1eQpGA–?cq=1&p=199#comments , và entry 13 http://blog.360.yahoo.com/blog-4C7MrGw1YawU1eQpGA–?cq=1&p=223#comments ), bây giờ đọc đối sánh với bản dịch của bác Thảo cũng ối chuyện vui đây — để khi khác bàn kĩ vậy.

Còn bác Hồ Bạch Thảo thì với mình là chỗ "người lạ quen biết", vì đã theo dõi bác dịch khá nhiều (chẳng hạn Minh Thực lục), đã viết một số trao đổi với bác mà chưa gửi đâu cả (định gửi sau khi bác công bố trên talawas, nhưng lại thôi, chỉ giữ trong máy tính làm vui thôi).

Dưới đây là đường link đến bài của bác Thảo (vì bài dài sẽ thiếu đất; toàn bài sẽ dán vào comments để lưu — hi vọng là các comments này cũng sẽ chạy tự động sang Profile)

Triệu Đà và nước Nam Việt — Hồ Bạch Thảo

http://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/trieu-111a-va-nuoc-nam-viet/

Con trai của Trọng Thủy — chàng trai có tên Triệu Hồ — 22

Bình cũ và rượu cũ : Về một bài viết liên quan đến Triệu Hồ vào tháng 5 năm 2009 của Trương Thái Du

Bình chú của Giao (đêm 28/5/2009) :

Định tắt máy tính để đi ngủ, và từ mai sẽ đóng blog ít ngày vì đang bận công việc riêng, nhưng lại phải đi thêm một entry mới cho loạt bài về Triệu Đà, vì vừa thấy bác Trương Thái Du đi một bài mới trên talawas, mà nửa dưới của bài đó là liên quan đến Triệu Hồ.

Vì chúng ta đã luận bàn với nhau hàng nửa năm nay về cái đề tài này, hoàn toàn trên tinh thần học thuật và tương kính tương trợ nhau, nên mình xin được nói thật với bác Du, thế này: em hơi bất ngờ về bài của bác, vì bác vẫn giữ y nguyên cách nghĩ cũ. Có thể nói vẫn là "bình cũ và rượu cũ", được không bác ? Bác bảo "đào sâu", chắc là tiếp tục mời gọi mọi người tham gia vào để đào sâu nữa, chứ hiện tại bác đã đào được gì đâu ? Thỉnh thoảng bác còn đào nhầm, anh em cũng đã nhắc nhẹ rồi mà.

Cũng mong bác điều này nữa: mọi ý kiến của mọi người được bác dẫn trong bài đó cần ghi nguồn rõ ràng, càng ghi rõ bao nhiêu càng nâng giá trị bài của bác lên bấy nhiêu (ví dụ ý kiến của anh Nguyễn Cung Thông, của bác Đông A, của anh Đoan Hùng, hay của Giao, vân vân).

Từ đây trở xuống là phần liên quan đến Triệu Hồ trong bài vừa đi trên talawas của anh Du (có hai cái ảnh đang bị chết, để xem được, mời bà con trực tiếp vào talawas).

Đào sâu thêm một số vấn đề cổ sử Việt Nam

29/05/2009 | 12:10 sáng |

Tác giả: Trương Thái Du

Bài viết này được gộp bởi hai bài báo nhỏ về cổ sử, một đã đăng báo giấy TT&VH. Nó nằm trong hệ thống những khảo cứu cổ sử nghiệp dư của tôi, đào sâu thêm những khía cạnh chưa nhắc tới trước đó.

Hiện nay tôi đang viết phản biện bác bỏ lập luận của Trung Quốc nhận rằng họ đã làm chủ Biển Đông từ thời Hán và trước đó, trên cơ sở nguồn thư tịch của chính các học giả Bắc Kinh. Tôi sẽ vận dụng một số kết quả tìm hiểu riêng của mình về thời kỳ này. Để tiện cho độc giả theo dõi, xin đăng bài viết này trước.

(bỏ một đoạn không trích — Giao chú)

2. Cháu nội Triệu Đà tên gì?

Tất cả các sách sử xưa nay đều thống nhất theo Sử Ký của Tư Mã Thiên, ghi tên tục của Triệu Văn đế là Triệu Hồ (cháu nội Triệu Đà, làm vua Nam Việt từ 137 đến 124 trước Công nguyên). Năm 1983 khảo cổ Quảng Đông đã khai mở ngôi mộ táng của Triệu Hồ tại một ngọn đồi trong nội thành Quảng Châu. Chiếc ấn vàng tùy táng khắc chữ triện “Văn đế hành tỉ” khiến các chuyên gia không thể nghi ngờ ngôi mộ này là của ai khác. Tuy nhiên, vấn đề tên tục của Triệu Văn đế đã gây nên tranh cãi, cũng như hé lộ nhiều khả năng về một loại ngôn ngữ dùng Hán tự ký âm có liên quan mật thiết đến chữ Nôm Việt Nam.

Người ta không thể tìm được bất cứ chữ Hồ nào giữa các di vật trong mộ phần Triệu Văn đế, ngoài hai con dấu trình bày dưới thể triện ghi rõ Triệu Mạt (赵眜). Một số tài liệu Việt ngữ trên mạng đôi khi phiên âm là Triệu Muội. Thực ra Mạt và Muội trong các sách cổ từ thời Hán trở lại đây thì đồng nghĩa và hay dùng lẫn lộn. Chữ Mạt này gồm hai phần Mục (目) và Mạt (末). Rất dễ nhầm lẫn giữa Muội 眛 và Mạt vì Muội ghép bởi Mục (目) và Mùi (未). Mạt và Mùi chỉ khác nhau ở chỗ hai nét ngang dài ngắn đổi chỗ cho nhau.

Chiếu theo Thuyết Văn (quyển tự điển có từ thời Đông Hán), Mạt nghĩa là mắt mờ. Nếu chỉ xét chữ Mạt ở góc độ thuần Hán thì không lý gì một vương tử và sau này là thái tử, là thiên tử suốt một vùng Lĩnh Nam, lại có cái tên xấu và vô nghĩa như vậy. Có ý kiến cho rằng âm Mạt theo phương ngữ Hoa Nam hiện nay rất gần với âm Hồ. Phải chăng cháu Triệu Đà được đặt tên theo nghĩa Nam Việt, rồi sau đó phải dùng chữ Hán có âm gần giống để ghi lại trên giấy tờ, ấn tín. Chính vì thiếu thống nhất và không gian cách trở, ở Lĩnh Nam ký âm thành Triệu Mạt, trong khi tại Trung Nguyên các sử quan viết thành Triệu Hồ.

Nguyên tắc ký âm ấy, là những mầm mống quan trọng đầu tiên để hình thành hệ thống sử dụng Hán tự xây dựng chữ viết vùng Lĩnh Nam, trong đó chữ Nôm Việt Nam là một nhánh lớn đáng ghi nhận. Đặc biệt, Mạt trong chữ Nôm ngày nay, người Việt Nam vẫn đang đọc là Mắt.

Tham khảo thêm chữ Nôm cổ của người Choang ở Quảng Tây, ta thấy họ đọc từ Mạt trong Triệu Mạt là [bo:t]. Rất gần với Bột trong Bột Mạt và Phù Bột Mạt. Xin lưu ý, dân tộc Choang Quảng Tây có những nhánh lưu trú lâu đời tại Việt Nam và hiện được định danh là Tày/Nùng.

Quyển “Kiến Văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn đã dẫn tư liệu của sứ nhà Nguyên chép rằng thời Trần người Đại Việt gọi trời là Bột Mạt, mặt trời là Phù Bột Mạt. Như vậy có không khả năng Bột Mạt là trùng ngữ do sự cộng sinh giữa hai ngôn ngữ khác nhau? Nghĩa là Bột Mạt = Bột = Mạt = Trời. Nó tương tự như Chia Ly = Chia = Ly.

Đặc biệt là trong Nguyên sử, chương Ngoại di, phần An Nam[1] có trích một lá thư của Nhật Huyên (日烜) mang ngôn ngữ ngoại giao, gửi Trấn Nam vương. Thư ví Thoát Hoan là Mạt quang (末光). Đây là lá thư của người Đại Việt viết bằng chữ Hán, không thể loại trừ khả năng từ Mạt quang được dùng với nghĩa Việt là “ánh mặt trời” trong tương quan ngữ nghĩa Hán và Việt nhất định, nhất là với ghi chú của sứ thần nhà Nguyên đã dẫn.

Nếu nghiên cứu sâu sắc theo chiều hướng trên, có rất nhiều khả năng giải nghĩa chữ Mạt trong từ Triệu Mạt ý chỉ trời, ngôi vị thượng tôn của nước Việt cổ, mà biểu trưng rõ ràng nhất là hình ảnh ở giữa trống đồng Đông Sơn.

Chúng tôi hy vọng bài báo nhỏ này sẽ khơi gợi một chủ đề lý thú cho các chuyên gia khảo cổ và ngôn ngữ chuyên nghiệp ở Việt Nam. Trong góc nhìn nghiệp dư và rất cảm tính của mình, chúng tôi thấy chữ Mạt có cơ hội trở thành chữ Nôm đầu tiên còn chứng tích của dân tộc Việt Nam hiện đại.

Ngoài ra lăng mộ Triệu Mạt đã trở thành một viện bảo tàng lớn tại Hoa Nam. Nó còn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa lịch sử có liên quan hữu cơ đến quá trình hình thành quốc gia Việt Nam xưa kia. Chẳng hạn những bó mũi tên đồng giống y hệt loại tên đã đào được ở vùng Cổ Loa, một chiếc thạp Đông Sơn với hình thuyền đặc trưng…

(Ảnh bị chết – Giao chú)

Kho đồ tùy táng lúc mới mở huyệt mộ. Nhìn rõ chiếc thạp Đông Sơn. Chiếc thạp này có lẽ từng có nắp nhưng đã bị mục nát.

(Ảnh bị chết – Giao chú)

Chiếc thạp sau khi được vệ sinh sạch sẽ. Những hình vẽ như trên trống đồng hiện ra.

Ảnh chụp từ sách Nam Việt Quốc Sử, tác giả Trương Vinh Phương GS ĐH Trung Sơn, Quảng Đông nhân dân xuất bản xã, 1995.

5.2009

© 2009 Trương Thái Du

© 2009 talawas blog

Nguồn:

http://anonymouse.org/cgi-bin/anon-www.cgi/http://www.talawas.org/?p=5016

Con trai của Trọng Thủy — vị vua có tên Triệu Hồ — 21

Nhận thức của một học giả phương Tây, ở thời điểm đầu thập niên 1980, về vấn đề Triệu Đà – Triệu Hồ trong cuộc sinh thành ra Việt Nam

1 Keith Weller Taylor thường được các nhà nghiên cứu Việt Nam gọi thành Kít Tay-lo. Vì trong các nhà nghiên cứu Việt Nam người Tây, ít nhất cũng còn có Phillip Taylor, nên tôi tạm gọi Kít Tay-lo là Kít cho tiện.

2 – Kít là tác giả của một cuốn sách được biết đến nhiều trong giới nghiên cứu từ hơn 20 năm nay, là The birth of Vietnam (1983, University of California Press, 397p). David G. Marr — một nhà nghiên cứu Việt Nam có uy tín — đã đưa cuốn sách trên với lời giới thiệu tóm tắt gồm 10 dòng, chữ nhỏ tí, vào cuốn Vietnam – Volume 147 (1992, Clio Press, 394p) thuộc bộ sách lớn World Bibliographical Series (tổng chủ biên bộ sách là nhóm John J.Horton). Gần đây, năm 2006, khi tham gia biên soạn bằng tiếng Nhật một cuốn thư mục tài liệu nghiên cứu Việt Nam, cô Ono cũng giới thiệu về cuốn sách của Kít, trong chỉ 3 dòng, chữ cũng nhỏ li ti (chủ biên cuốn thư mục này là Suenari – trước đây là Giáo sư Đại học Tokyo, ông là thầy trực tiếp của tôi; còn Ono là giáo viên của Đại học Ngoại ngữ Kanda).

Đại khái, qua giới thiệu cực ngắn gọn của David Marr (trang 59) và của Ono (trang 231), chúng ta biết được rằng cuốn The birth of Vietnam của Kít có nội dung cơ bản như sau: vẽ lại quá trình ra đời của đất nước sau này có tên là Việt Nam trải qua 1300 năm, suốt từ thế kỉ 3 BC (tcn) đến thế kỉ 10 AD (scn) với quan điểm khác với các nhà nghiên cứu Trung Quốc và giới Hán học của Pháp (những vị này cho rằng thời kì đó chỉ là một phân nhánh của lịch sử Trung Hoa ! Còn Kít thì cho rằng đó là thời kì rèn đúc nên bản sắc Việt Nam). Kít có khảo chứng về việc thần thánh hóa những vị anh hùng trong các cuộc chống ngoại xâm phương Bắc được ghi chép vào Việt điện u linh Lĩnh nam chích quái, qua đó cho rằng nền móng của chủ nghĩa dân tộc cho đến khi có được nhà nước độc lập là đã được hình thành qua 13 thế kỉ.

Hiện nay, bản dịch toàn văn The birth of Vietnam của Kít sang tiếng Việt đã được thực hiện bởi một dịch giả nào đó (vị này chưa công khai danh tính) và được cô Đinh Từ Bích Thúy nhuận sắc (cô này là người Việt hiện sống ở nước ngoài). Bản dịch đang được công bố trên website Da Màu, với sự đồng ý của Kít, có thể xem ở địa chỉ sau: http://damau.org/archives/5400.

3Trước hết, trong liên đới với loạt bài đang đi trên blog này, tôi quan tâm đến thời kì nhà Triệu Đà trong cuốn sách của Kít (có thể xem đoạn ấy ở đây: http://damau.org/archives/5395).

Hôm nay, xin có mấy lời, tạm gọi là phiếm bình, về đoạn ấy như sau:

Kít chủ yếu dựa vào tư liệu của phía Trung Quốc, tức Sử kíHán thư cùng một ít sách khác, để viết về ông cháu Triệu Đà – Triệu Hồ. Kít đọc trực tiếp những tư liệu ấy, hay là qua bản dịch ra tiếng phương Tây, hoặc qua một/vài nghiên cứu trung gián khác, thì hiện tôi chưa rõ. Đồng thời, Kít cũng dựa vào tư liệu của phía Việt Nam, như Đại Việt sử kí toàn thư. Tuy nhiên, Kít vẫn xem trọng tư liệu Trung Quốc hơn (vâng, thì đúng rồi, các cụ nhà mình, như Lê Văn Hưu hay Ngô Sĩ Liên, thường là xào lại từ sách Tàu rồi mô-đi-phê đi ít nhiều).

Chẳng hạn: Kít không đả động, tức là không viết đến, không tin chuyện Triệu Trọng Thủy đã lấy Mị Châu của An Dương Vương mà sinh ra được Triệu Hồ, tức Triệu Hồ là con trai của chính Trọng ThủyMị Châu (tư liệu phía Việt Nam viết thế mà ! Ở một kì trước, tôi đã viết thế này: http://blog.360.yahoo.com/blog-4C7MrGw1YawU1eQpGA–?cq=1&p=144#comments). Kít cứ theo sách Tàu, mặc kệ lai lịch của Triệu Hồ, chỉ biết đó là cháu nội gọi bằng ông của Triệu Đà. Liên quan đến vấn đề Triệu Hồ có là con trai của Trọng Thủy và Mị Châu hay không, đã có nhiều ý kiến rồi (như của bác Trương Thái Du, bác Triệu Xuân, vân vân).

– Vì sách của Kít ra đời năm 1983, còn bản luận văn học vị làm nền tảng cho sách ấy thì ra đời sớm hơn mấy năm nữa, cho nên, Kít chưa hề biết đến ngôi mộ của Triệu Hồ được phát hiện và khai quật năm 1983 ở Quảng Châu. Bây giờ mà viết lại đoạn về Triệu Đà – Triệu Hồ trong sách ấy, nếu tôi là Kít, tôi sẽ bổ sung cái mộ ấy rồi.

Vậy, rõ ràng, công bằng mà nói, đoạn về Triệu Đà – Triệu Hồ của Kít không có gì mới mẻ về cả tư liệu và cách xử lí tư liệu, chỉ đơn giản là những lời bình luận theo chủ đích của cuốn sách trên cơ cở các tư liệu đã biết rộng rãi — và những lời bình ấy cũng từa tựa như đã thấy ở đâu đó !.

– Bản dịch công bố trên Da Màu đọc nhầm Triệu Hồ thành Triệu Hổ — mà cái tên Triệu Hổ nghe hay ghê ! Như kiểu con hổ hùng cứ ở cõi trời Nam đây !

– Có khi Kít còn nhầm Triệu Hồ thành Triệu Đà nữa cơ, chẳng hạn ông viết thế này: "Việc Triệu Hổ, tức Triệu Vũ Đế của Nam Việt lệ thuộc nhà Hán trong khi có cuộc khủng khoảng Mân Việt là 1 điều đặc biệt trong vấn đề Nam Việt quan hệ với Hán". Triệu Hồ/Hổ không thể là Triệu Vũ Đế được ! Ông ta là Triệu Văn Đế, sở hữu cái ấn có mang 4 chữ triện "Văn Đế Hành Tỉ" như tôi đã giới thiệu ở một kì trước (mời xem lại ở đây: http://blog.360.yahoo.com/blog-4C7MrGw1YawU1eQpGA–?cq=1&p=396#comments).

Bản dịch của đoạn về Triệu Đà – Triệu Hồ trong sách của Keith Taylor được đặt trong comment 1 (chỉ đơn giản là vớt từ Da Màu mà thôi)

Con trai của Trọng Thủy — vị vua có tên Triệu Hồ — từ kì 1 đến kì 20

Loạt bài về mộ Triệu Hồ ở Quảng Châu — đã đăng

– Kì 20 http://blog.360.yahoo.com/blog-4C7MrGw1YawU1eQpGA–?cq=1&p=431#comments

"Nhìn cận cảnh những di vật có chữ Triệu M 赵眜 hay M trong ngôi mộ của Triệu Hồ"

– Kì 19 http://blog.360.yahoo.com/blog-4C7MrGw1YawU1eQpGA–?cq=1&p=396#comments

Quá trình xác định chủ nhân ngôi mộ, là Triệu Hồ tức Triệu Văn Đế, của những nhà khảo cổ Trung Quốc trực tiếp khai quật năm 1983 — ý nghĩa của việc tìm thấy ấn vàng và ấn ngọc cùng những di vật liên quan khác

"Sự xuất hiện đúng lúc của chiếc ấn bằng vàng, và kết luận của nhóm khai quật "

– Kì 18 http://blog.360.yahoo.com/blog-4C7MrGw1YawU1eQpGA–?cq=1&p=359#comments

"Cho đến trước khi tìm ra chiếc ấn bằng vàng, người ta đã có được chiếc ấn bằng ngọc trên có khắc hai chữ triện "赵眜"

– Kì 17 http://blog.360.yahoo.com/blog-4C7MrGw1YawU1eQpGA–?cq=1&p=307#comments

"Cớ sao các chị lại tiếc ánh sáng thừa chiếu trên bốn bức tường ! ?"

Điểm lại 1-16 http://blog.360.yahoo.com/blog-4C7MrGw1YawU1eQpGA–?cq=1&p=305#comments

Kì 16 http://blog.360.yahoo.com/blog-4C7MrGw1YawU1eQpGA–?cq=1&p=278#comments

"Bản thân Lê Quí Đôn đã không tin Bột MạtTrời cơ mà, Phù Bột Mạt thì càng xa vời — cái này, rất tiếc ông Tạ Trọng Hiệp chưa kịp làm tới, chắc là có nhã ý nhường cho mấy bạn trẻ chúng ta !"

Kì 15 http://blog.360.yahoo.com/blog-4C7MrGw1YawU1eQpGA–?cq=1&p=267#comments

"Cảm tưởng ghi trên giấy của một chuyên gia ­nghiên cứu Trống Đồng Đông Sơn người Việt Nam ngay sau khi thăm mộ Triệu Hồ"

Kì 14 http://blog.360.yahoo.com/blog-4C7MrGw1YawU1eQpGA–?cq=1&p=255#comments

"Ngay trong tiếng Việt hiện đại vẫn đang thấy sự lẫn lộn giữa MạtMuội !"

Kì 13 http://blog.360.yahoo.com/blog-4C7MrGw1YawU1eQpGA–?cq=1&p=223#comments

"Hán thư có nói gì đến Cà cuống với Đà cuống đâu — dân mình biến báo xứng danh "con cháu cụ Triệu Đà" ! "

Kì 12 http://blog.360.yahoo.com/blog-4C7MrGw1YawU1eQpGA–?cq=1&p=199#comments

"Triệu Đà nhà mình dối quá, thành Đà cuống, rồi hóa ra Cà cuống !"

Kì 11 http://blog.360.yahoo.com/blog-4C7MrGw1YawU1eQpGA–?cq=1&p=185#comments

Chữ Mạt/Bột trong Tự điển Nôm Choang: "Có thể xem là kiến giải của Đông A thị được không ? "

Kì 10 http://blog.360.yahoo.com/blog-4C7MrGw1YawU1eQpGA–?cq=1&p=163#comments

"Đọc một truyện ngắn của anh Trương Thái Du về mộ Triệu Hồ — chỉ đơn giản là vớt từ website của Hội Nhà văn"

Kì 9 http://blog.360.yahoo.com/blog-4C7MrGw1YawU1eQpGA–?cq=1&p=144#comments

"Triệu Hồ được một số sử gia xem là con trai của Trọng Thủy – anh chàng đã đánh cắp nỏ thần của vua An Dương Vương"

Kì 8 http://blog.360.yahoo.com/blog-4C7MrGw1YawU1eQpGA–?cq=1&p=139#comments

"Trích Đại Việt sử kí toàn thư — đoạn viết về Triệu ĐàTriệu Hồ"

Kì 7 http://blog.360.yahoo.com/blog-4C7MrGw1YawU1eQpGA–?cq=1&p=124

"Trích nguyên bản Hán thư đoạn nói đến Triệu ĐàTriệu Hồ, nội dung gần giống với entry 6 — mà thực chất, có thể nói Hán thư đã copy rồi nhuận sắc đoạn này từ Sử kí của Tư Mã Thiên"

Kì 6 http://blog.360.yahoo.com/blog-4C7MrGw1YawU1eQpGA–?cq=1&p=121

"Một đoạn trích nguyên bản Sử kí của Tư Mã Thiên , và bản dịch tiếng Việt —- Đoạn nói về Triệu Hồ người cháu gọi bằng ông của Triệu Đà"

Kì 5 http://blog.360.yahoo.com/blog-4C7MrGw1YawU1eQpGA–?cq=1&p=112

"Tư liệu tham khảo quan trọng: Ý kiến của anh Nguyễn Cung Thông và nhóm diễn đàn Viện Việt học — năm 2007"

Kì 4 http://blog.360.yahoo.com/blog-4C7MrGw1YawU1eQpGA–?cq=1&p=110

"Tư liệu tham khảo quan trọng: Bài viết của bác Vũ Thế Khôi có nói về Triệu Đà và Triệu Muội — đã công bố trên tạp chí Xưa và Nay năm 2006"

Kì 3 http://blog.360.yahoo.com/blog-4C7MrGw1YawU1eQpGA–?cq=1&p=107

"Tư liệu tham khảo quan trọng: Một bài viết hồi cuối năm 2007 của anh Trương Thái Du — bài đã công bố trên blog của anh hơn 1 năm trước"

Kì 2 http://blog.360.yahoo.com/blog-4C7MrGw1YawU1eQpGA–?cq=1&p=104

"Tư liệu tham khảo quan trọng: Bài của anh Nguyễn Việt – Trung tâm tiền sử Đông Nam Á"

Kì 1 http://blog.360.yahoo.com/blog-4C7MrGw1YawU1eQpGA–?cq=1&p=102

"Trước hết, cần nhắc lại những phỏng đoán cao giá của anh Trương Thái Du"

Lời mở – không số http://blog.360.yahoo.com/blog-4C7MrGw1YawU1eQpGA–?cq=1&p=93

"Cần khảo cứu kĩ hơn về một "kí họa" tại mộ Triệu Muội"

Con trai của Trọng Thủy — vị vua có tên Triệu Hồ — 20

Nhìn cận cảnh những di vật có chữ Triệu M 赵眜 hay M trong ngôi mộ của Triệu Hồ

0 – Bây giờ thì nhận thức của anh Trương Thái Du về những di vật mang chữ M hay Triệu M ở bên trong ngôi mộ đã thay đổi rồi. Nhưng như thấy ở kì 1 của loạt bài này, anh từng chưa nắm rõ, hay là hiểu chưa đúng vấn đề như thực tế vốn có của nó. Sở dĩ nhắc đến Trương Thái Du, là vì: có thể xem anh là một trong những người Việt lao tâm khổ tứ với vấn đề Triệu ĐàTriệu M từ nhiều năm nay, cả từ góc độ biên khảo và góc độ sáng tác văn học hay diễn luận chính trị học.

Cụ thể thì, trong kì 1 của loạt bài này, bác Trương đã viết thế này: "Tên của Triệu Văn Vương (cháu Triệu Đà) ghi bằng chữ triện trong 2 cục phong nê tìm thấy trong mộ là 赵眜. Đọc đúng là Triệu Mạt vì chữ Mạt này gồm hai phần Mục (目) và Mạt 末. Rất dễ nhầm lẫn giữa Muội 眛 và Mạt 眜 vì Muội = Mục (目) và Mùi (未)". Nhưng gần đây, bác đã biết được rằng: "có đến 1 ấn và 2 cái phong nê có chữ Triệu Mạt" . Như vậy là gần với thực tế hơn rồi. Nhưng mới chỉ là gần thôi, chứ vẫn chưa là thực tế.

Vậy thì, thực tế ra sao nhỉ ?

1 – Theo tài liệu chính thức của phía Trung Quốc (trong website của Bảo tàng mộ Triệu M, và nhiều sách liên quan), trong ngôi mộ ấy, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra 9 chiếc ấn. Ngoài một chiếc ấn vàng/kim ấn như đã giới thiệu ở kì 18kì 19, tám cái còn lại đều là ấn ngọc. Trong 8 cái ấn ngọc ấy, có một cái có khắc hai chữ triện 赵眜, mà cho đến giờ tôi vẫn chủ trương tạm gọiTriệu M.

Cái ấn ngọc này, ở các kì trước có nói qua rồi, và chúng ta cũng đã sơ sơ biết nó được phát hiện ở địa điểm nào trong ngôi mộ. Chỉ xin nhắc lại một chi tiết quan trọng sau: nó còn được phát hiện sớm hơn chiếc ấn vàng khắc 4 chữ "Văn Đế hành tỉ".

2 – May mắn cho chúng ta: ngoài cái ấn ngọc mang hai chữ Triệu M nói trên, các nhà khảo cổ còn phát hiện ra 2 cái cục đất — nói chữ là phong nê , hay nói kiểu trùng ngữ thành cục phong nê thì cũng ok có mang chữ M.

Xin nhắn với bác Trương rằng, trên 2 cục phong nê chỉ có chữ M (chữ đơn), mà không phải là hai chữ Triệu M (chữ đi đôi) . Hai cái chữ Triệu M chỉ thấy trên ấn ngọc mà thôi. Nói cách khác để nhấn mạnh: người ta đã tìm được 1 chiếc ấn ngọc có mang hai chữ Triệu M, và 2 cục phong nê có mang (vài )chữ M.

Đấy bà con ạ, nếu khảo cứu thì cứ phải vậy đã. Cứ phải tỉ mỉ cái đã, rồi mới làm gì thì làm.

3 – Thế nhưng, tỉ mỉ như vậy vẫn chưa đủ đâu. Vẫn phải tiếp tục nhìn 2 cái cục phong nê ấy cận cảnh hơn nữa. Phải xem nó tường tận ra làm sao chứ !

Vậy phong nê là gì đã nào ?

đang viết tiếp

Con trai của Trọng Thủy — vị vua có tên Triệu Hồ — 19

Quá trình xác định chủ nhân ngôi mộ, là Triệu Hồ tức Triệu Văn Đế, của những nhà khảo cổ Trung Quốc trực tiếp khai quật năm 1983 — ý nghĩa của việc tìm thấy ấn vàng và ấn ngọc cùng những di vật liên quan khác

Phần 2: Sự xuất hiện đúng lúc của chiếc ấn bằng vàng, và kết luận của nhóm khai quật

0 – Như đã nói ở kì 18, sau 3 tháng khai quật liên tục, đoàn khảo cổ Trung Quốc vẫn chưa biết đích xác chủ nhân ngôi mộ là ai. Người mặc áo ngọc đó là ai nhỉ ?

Sự xuất hiện của chiếc ấn ngọc khắc 2 chữ triện Triệu M 赵眜 cứ tưởng là có ý nghĩa quyết định, nhưng không phải. Ngay cả khi đã có được nó, rồi lại thêm cả chiếc ấn ghi rõ 2 chữ đế ấn 帝印 ấn của vua – mà người ta vẫn phải đoán già đoán non: rõ là vua nhà Triệu rồi, nhưng Triệu M có phải hay không phải một đời nữa thêm ra so với 5 đời ghi trong Sử kí.

Thế là, từ chỗ không biết Triệu M là ai, người ta bắt đầu nghi ngờ Tư Mã Thiên. Rằng, có thể chàng Tư Mã này đã ghi lọt lưới mất hẳn một đời vua của người ta. Rằng, rất có thể, Triệu M là con trai kế vị của Triệu Đà, sau vị này rồi mới đến lượt Triệu Hồ được ghi trong Sử kí. Tức là, sẽ có một thế thứ mới: Triệu ĐàTriệu MTriệu Hồ —–. Tất cả phải là 6 đời, chứ không phải 5.

Sự xuất hiện của chiếc ấn vàng như kể sau đây sẽ làm tiêu tan những đoán già đoán non ấy.

Nhưng, hết cái đoán già đoán non này, thì lại có ra cái đoán già đoán non mới.

Lời phiếm bình của Giao tôi: chung qui lại, nghiên cứu lịch sử với nghĩa rộng nhất, có lẽ chỉ là công việc liên tục đưa ra những đoán già đoán non. Hiểu được ý nghĩa này của công việc nghiên cứu lịch sử, chúng ta sẽ thấy không còn ranh giới giữa nghiên cứu chuyên nghiệp và nghiên cứu nghiệp dư nữa, để tránh được những kì thị vô lí về mặt tri thức. Có khi nghiên cứu chuyên nghiệp cả đời, chỉ là mang tiếng thế, mà chẳng có mảy may một đoán già đoán non nào; còn, lại có khi, nghiên cứu nghiệp dư, tuy có khi vô bằng cứ, mà cứ liên tục đưa ra được những đoán già đoán non động trời. Các ngài ạ, chính việc liên tục đoán già đoán non ấy là lịch sử, chúng ta đang viết ra lịch sử bằng chính sự tưởng tượng cúa chúng ta.

1 – Bây giờ, trở lại với ngôi mộ của Triệu M, bằng việc nghe bác Hoàng Viểu Chương kể lại tình tiết đoàn khảo cổ Trung Quốc tìm được chiếc ấn vàng.

Về bác Hoàng Viểu Chương này, ở kì trước đã có giới thiệu. Bạn nào đã ghé thăm ngôi mộ Triệu M ở Quảng Châu, chịu khó quan sát hay hỏi, người của bảo tàng sẽ chỉ cho xem ảnh của bác Viểu Chương.

2 – Viểu Chương kể rằng, đến nay – năm 2003 – bác ấy vẫn nhớ như in sự kiện quan trọng vào khoảng 5 h chiều ngày 22 tháng 9 năm 1983. Nó diễn ra như một màn kịch vậy. Đó là sự kiện đoàn khai quật tìm ra được một vật phát ánh vàng lấp lánh nằm ở khoảng ức của chủ nhân ngôi mộ.

Một cán bộ khảo cổ trong đoàn cẩn thận lau những vết sơn màu hồng nhạt còn lưu lại, làm sạch bùn đất bám xung quanh, và trước mắt hiện ra là: một con rồng vàng phát ánh vàng ngồi trên một chiếc đế vuông. "Ái chà, một chiếc ấn vàng có nắm rồng đây rồi ! – 啊!一枚龙钮金印!" — một vị không nén được xúc động đã thốt lên.

Viểu Chương nói: ấn vàng 金印 vốn là báu vật quí hiếm, hơn nữa, ấn vàng có nắm cầm hình rồng 龙钮金印 thì chưa từng thấy trong các ngôi mộ đời Hán 汉墓 trên toàn quốc.

Lúc bấy giờ, Viểu Chương hồi hộp lắm. Còn vị vừa reo lên ở trên thì lao đến, hấp tấp định lấy chiếc ấn lên !!! Ngay tức thì, tiếng của người chỉ huy đoàn khảo cổ: "Không được động vào, cấm chỉ ! Cấm chỉ ! Phải giữ nguyên trạng, để chụp ảnh, và vẽ hình xong, thì mới được động đến !".

Đoàn khảo cổ lặng lẽ và cẩn trọng chụp ảnh, vẽ hình nguyên trạng chiếc ấn vàng. Hồi hộp và căng thẳng.

Thế rồi việc ấy cũng xong. Người được chỉ định lấy chiếc ấn vàng lên là nhà khảo cổ Hoàng Triển Nhạc 黄展岳 — hê hê, cùng họ nhưng khác tên với Viểu Chương nhà ta. Bác Triển Nhạc dùng chiếc bút lông nhỏ nhẹ nhàng gạt đất cát dính trên lưng chiếc ấn, rồi cẩn trọng nhấc nó lên, và từ từ lật mặt có chữ cho mọi người cùng xem.

Trời ơi ! Bốn chữ, "Văn Đế hành tỉ 文帝行玺", chữ tiểu triện sắc nét. Viểu Chương pha chút đùa: "Võng mạc mình như rung rung khi các nét chữ ấy lao lên !".

3 – Như vậy, cuối cùng, người ta đã biết chủ nhân ngôi mộ vĩ đại này là Văn Đế của nhà Triệu, chính là người mà vua Hán ban cho "cái gọi là" Nam Việt Văn Vương 南越文王 — hê hê, trong nước ta, ta cứ xưng Đế, khi nào tay vua Hán sờ đến thì, ta lại mang Vương hiệu ra mà phụng mệnh ! Bài này, chính thức do cụ Triệu Đà sáng chế cho con cháu muôn đời sau !

Viểu Chương kết luận: tìm ra được chiếc ấn vàng như trên, chúng tôi mới biểt Triệu M 赵眜 chính là Văn Đế, người ấy cũng chính là Triệu Hồ 赵胡 trong Sử kí của Tư Mã Thiên. Vì sao Triệu M hóa thành Triệu Hồ thì, Viểu Chương nhắc lại kết luận của đoàn khảo cổ khi ấy: có thể hồ sơ của Tư Mã Thiên nhầm, cũng có thể là do người đời sau chép sai chữ !

Con trai của Trọng Thủy — vị vua có tên Triệu Hồ — 18

Quá trình xác định chủ nhân ngôi mộ, là Triệu Hồ tức Triệu Văn Đế, của những nhà khảo cổ Trung Quốc trực tiếp khai quật năm 1983 — ý nghĩa của việc tìm thấy ấn vàng và ấn ngọc cùng những di vật liên quan khác

Phần 1: Cho đến trước khi tìm ra chiếc ấn bằng vàng, người ta đã có được chiếc ấn bằng ngọc trên có khắc hai chữ triện "赵眜"

0 – "Triệu M.", hay "Triệu Mờ":

Mình nghĩ: có lẽ để cho tiện dụng, hay tiệc ích, từ nay ta tạm gọi Triệu Hồ thành Triệu M hay Triệu Mờ — đoạn diễn giải này đã được đưa vào lưu ở comment thứ 3 trong entry này. Làm thế vì sợ thiếu đất cho những phần sau.

1 – Từ kì 1 đến kì 17, chúng ta tạm mặc nhiên biết chủ nhân ngôi mộ ở Quảng Châu hiện nay là của Triệu Hồ, tức Triệu Văn Đế, vị vua thứ hai của nhà Triệu — mà về quan hệ huyết thống thì là cháu ruột của Triệu Đà.

Chúng ta cứ tưởng rằng, từ ngày khai quật đầu tiên, mở được chiếc cửa đá ra, là các nhà khảo cổ Trung Quốc đã biết ngay đấy là mộ Triệu Hồ.

Nhưng trên thực tế thì không phải như vậy. Việc khai quật đã tiến hành được hơn 3 tháng, mà đoàn khảo cổ vẫn bó tay, không biết chủ nhân ngôi mộ là ai. Mộ này của ai nhỉ ? Của một tay nhà giàu nào ? Hay một vị thổ hào ? Hay của một vua nào đó thuộc vương triều Nam Việt ? Người ta đã tranh luận với nhau suốt 3 tháng trời.

Câu chuyện về quá trình xác định chủ nhân ngôi mộ dưới đây được một nhân vật chủ chốt trong đoàn khai quật kể lại với phóng viên của tờ "Đô thị phương Nam 南方都市" vào năm 2003. Nhân vật đó là nhà khảo cổ Hoàng Viểu Chương 黄淼章, ở thời điểm năm 2003, ông giữ chức Giám đốc Bảo tàng công nghệ dân gian Quảng Đông 广东民间工艺博物馆馆长. Ông chính là người đầu tiên vào bên trong ngôi mộ. Hê hê, cái tên Viểu Chương của bác này hơi bị độc đấy !

Câu chuyện mà ông Hoàng kể cho phóng viên ấy đã được đăng trên tờ Đô thị phương Nam số ra ngày 22 tháng 11 năm 2003. Chúng ta biết rằng, ngôi mộ đã được khai quật vào năm 1983, đến năm 2003 là vừa tròn 20 năm, Hoàng từ một thanh niên mới vào nghề đã trở thành giám đốc một bảo tàng lớn trong tỉnh Quảng Đông.

Dưới đây, tôi lược ghi lại câu chuyện mà Hoàng Viểu Chương kể với phóng viên — nguồn tư liệu trích dẫn sẽ được ghi chú ở comment đầu tiên của entry tiếp theo, tức kì 19 của loạt bài này.

2Hoàng Viểu Chương kể rằng: mộ được bắt đầu khai quật từ ngày 9 tháng 6 năm 1983. Hơn 100 ngày đào bới, đến cuối tháng 9 năm đó, đoàn khảo cổ vẫn chưa biết là mộ của ai. Việc thì cứ làm, băn khoăn thì cứ băn khoăn thôi !

Đã có những cuộc thảo luận trong đoàn khảo cổ, trong đó, nhiều người đã đặt giả thiết: rất có thể là mộ của một vị vua nào đó thuộc vương triều Nam Việt. Theo giả thiết này, người ta đã tính toán như sau — dựa vào ghi chép trong Sử kíHán thư. Nhà Triệu, tức triều Nam Việt, được mở đầu bằng Triệu Đà, trải qua 5 đời vua; mà 2 vua sau, là Triệu Hưng 赵兴 Triệu Kiến Đức 赵建德, thì đã chết trận, vậy chỉ có thể là 1 trong 3 vị vua đầu tiên mà thôi — tức là 3 vị có được cơ hội xây lăng mộ cho bản thân mình, gồm Triệu Đà 赵佗, Triệu Hồ 赵胡, Triệu Anh Tề.赵婴齐

Của ai đây ? Đà ư ? Hồ ư ? Anh Tề ư ?

3 – Trong bối cảnh ấy, người ta đã tìm được một chiếc ấn bằng ngọc 玉印 đeo trong chiếc áo ngọc 玉衣 bọc bên ngoài tử thi của chủ nhân ngôi mộ.

Chiếc ấn đó có khắc rõ ràng 2 chữ theo thể triện, là: 赵眜.

Nhưng, vấn đề vẫn chưa được giải quyết. Người ta vẫn chưa xác định được chủ nhân ngôi mộ là vị nào.

Tại sao thế ? Là vì: trong Sử kíHán thư, không xuất hiện cái tên 赵眜.

Thế rồi, đang lúc bí ấy, người ta lại tìm được một chiếc ấn có ghi hai chữ tuyệt vời nữa: đế ấn 帝印 — ấn của vua !

Đúng vua rồi ! Không sai đâu được. Nhưng vua nào đây ? Lại tắc tị. Và khi tắc tị thì người ta hay đoán mò. Chẳng hạn có vị nghĩ thế này: cái anh chàng này chắc là con của Triệu Đà rồi. Vậy thì có lẽ Sử kí của Tư Mã Thiên đã nhầm: triều đại của người ta có những 6 đời, mà ngài chỉ ghi có 5 đời. Có nghĩa là: ngoài 5 vị đã ghi trong Sử kí, còn thêm vị vua nữa là . Vị này chắc hẳn là con của Triệu Đà, lên nối ngôi, rồi sau mới truyền cho Triệu Hồ.

Ôi chàng Tư Mã Thiên, sao mà để lọt lưới mất một đời vua của nhà người ta vậy ? Ôi chàng, sao lại quên Triệu Mờ ?

Còn tiếp Phần 2

Ảnh được lấy trên mạng từ địa chỉ sau: http://www.gzuda.gov.cn/images/news/pic/news%200445%20nanyue1.jpg