KIÊU DÂN : Điếc không sợ súng, hay là trò cười đáng phê phán

1- Về từ kiêu dân (tranh luận trên talawas blog), bác Đông A viết như sau (tôi tô đậm những chỗ muốn nhấn mạnh):

"Kiêu dân" là một khái niệm đã xuất hiện ít nhất từ thời nhà Tống. Chu Mật trong tác phẩm Vũ lâm cựu sự đã dành hẳn một mục nói về kiêu dân. Mục "kiêu dân" viết: "Đô dân tố kiêu,phi duy phong tục sở trí,cái sinh trưởng liễn hạ,thế sử chi nhiên", có nghĩa là dân ở kinh đô vốn thường kiêu, không chỉ do phong tục, mà còn do ở dưới chân thiên tử nên có cái mạnh về thế lực sai khiến. Chu Mật còn đưa ra ví dụ như thuế hàng năm chẳng thu được xu nào, triều đình cũng đành bằng lòng. Khái niệm "kiêu dân" trong Vũ lâm cựu sự như vậy là chỉ nhóm người ở kinh đô, được ưu ái của triều đình mà tạo thành thế kiêu, bất chấp luật pháp cho mọi người. Tìm hiểu về ngôn ngữ mà chỉ biết đến Thiều Chửu, Đào Duy Anh hay vài cuốn từ điển tiếng Việt thì quả thật cũng là một ca đặc sắc. 

Trong bài Nạn kiêu dân tôi đã đưa ra khái niệm "kiêu dân" rất rõ ràng: "Kiêu dân tồn tại dưới hai hình thức: một là một nhóm dân chúng được chính quyền ưu ái đặc biệt, và hai là một nhóm dân chúng cậy đông lấn lướt và bất chấp luật pháp." Vấn đề không phải hai chữ "kiêu dân" có thể bị lạm dụng, bởi vì ngữ nghĩa của nó rõ ràng và không thể tạo ra nhầm lẫn hay hiểu nhầm, mà vấn đề nằm ở chỗ sử dụng khái niệm nào để diễn đạt chính xác về nhóm dân chúng cậy đông lấn lướt, bất chấp pháp luật. Không có từ nào diễn đạt tốt hơn từ "kiêu dân", ít nhất là trong cảm nhận ngôn ngữ của tôi. Ai không đồng ý xin mời đưa ra các từ khác để thay thế."

2 – Nay, sau khi viết xong entry 4 trong loạt bài này, tôi xin trả lời bác Đông A, qua bốn điểm như sau:

(1) – Từ kiêu dân trong văn bản Trung Quốc thế kỉ 10 và thế kỉ 13 (tranh của Đổng Nguyên, và Vũ Lâm cựu sự của Chu Mật), chỉ có nghĩa rộng là Dân sống ở kinh thành (họ được hưởng một số ưu đãi của nhà vua và triều đình, nên cuộc sống được dễ chịu/thoải mái hơn so với dân không sống ở kinh thành).

Nghĩa hẹp của kiêu dân là: dân sống ở kinh thành thời Tống (chỉ thời Tống mới có ưu đãi đặc biệt với dân sống ở kinh thành như vậy).

(2) – Kiêu dân, trong ngữ cảnh như trên (thế kỉ 10, và 13), không hề có nghĩa là: một nhóm người được đặc quyền đặc lợi mà đi đến chỗ ngang nhiên làm càn, làm bậy, vi phạm pháp luật.

Quá lắm, cũng chỉ có thể nói: kiêu dân người kinh thành có tính kiêu/tự mãn.

(3) – Kiêu dân trong tiếng Việt nếu có nghĩa là "một đám đặc quyền đặc lợi mà đi đến chỗ ngang nhiên làm càn, làm bậy, vi phạm pháp luật", tức là có tính cách tương tự như kiêu binh thời Lê Trịnh, thì đó là kết quả biến đổi của ngôn ngữ.

Nhiều từ có vỏ ngữ âm Hán Việt khi đi vào tiếng Việt đã biến đổi nghĩa, chẳng hạn như từ cứu cánh. Nếu kiêu dân cũng biến nghĩa như vậy, thì cần một khảo sát khác, ở đây, tôi chưa có điều kiện bàn đến.

(4) – Nói từ kiêu dân trong tiếng Việt (có nghĩa như ở mục 2 và 3 trên đây) có nguồn gốc trực tiếp từ Vũ Lâm cựu sự của Chu Mật, như bác Đông A đã viết (trích nguyên văn: "Khái niệm "kiêu dân" trong Vũ lâm cựu sự như vậy là chỉ nhóm người ở kinh đô, được ưu ái của triều đình mà tạo thành thế kiêu, bất chấp luật pháp cho mọi người"),  là một TRÒ CƯỜI đáng phê phán. 

Đọc Hán văn với trình độ yếu kém như Đông A mà lại đẩy đến kết luận như vậy (xem trích dẫn ở trên), theo tôi là ĐIẾC KHÔNG SỢ SÚNG !

Xin nhắn lại một lần nữa: khi trình độ còn non thì chớ nên phán xằng bậy !

PHỤ LỤC

(1) Nguyên văn mục kiêu dân trong Vũ Lâm cựu sự (thế kỉ 13, thời Nguyên chứ không phải thời Tống; bản đã chấm câu lại theo cách hiểu của tôi):

卷六·骄民   都民素骄,非惟风俗所致,盖生长辇下,势使之然。若住屋则动蠲公私房赁,或终岁不偿一鐶。诸务税息,亦多蠲放, 有连年不收一孔者。皆朝廷自行抱认诸项窠名,恩赏则有黄榜钱,雪降则有雪寒钱,久雨久晴则又有赈恤钱米,大家富室则又随时有所资给,大官拜命则有所谓抢节钱,病者则有施药局,童幼不能自育者则有慈幼局,贫而无依者则有养济院,死而无殓者则有漏泽园。民生何其幸欤

(2) Bản tạm dịch của tôi (khi trích dẫn xin ghi rõ nguồn):

"Quyển 6, [mục] Kiêu dân,

Dân kinh đô vốn kiêu, [tính cách đó] không phải chỉ là do phong tục mang đến, phàm sinh ra và lớn lên tại kinh đô, ắt sẽ thành ra như vậy.

Giả như về chỗ ở thì, được miễn luôn tiền thuê mướn, dù là phòng công hay phòng tư, hoặc [nói] cả năm không tốn xu nào.

Thuế hay tiền hoa lợi các khoản, đa phần là được miễn cho, có người hàng mấy năm cũng không [bị] thu một đồng.

Những khoản sau đây được triều đình nhận bao cấp toàn bộ: vua ban thưởng thì có tiền bảng vàng (hoàng bảng tiền), tuyết rơi thì có tiền tuyết lạnh (tuyết hàn tiền), nếu nắng hay mưa dài ngày thì có phát chẩn gạo tiền, nhà giàu đại gia thì thỉnh thoảng được cấp thưởng, khi đại quan vâng lệnh của vua thì có tiền nhận ấn tín (thương tiết tiền),  người bị bệnh thì có Thí Dược cục [cục ban thuốc], trẻ nhỏ không có người nuôi dưỡng thì có Từ Ấu cục [cục thương trẻ], nghèo mà không có nơi nương tựa thì có Dưỡng Tế viện [viện dưỡng lão], chết mà không có người mai táng thì có Lậu Trạch viên [vườn tưới tắm].

Cuộc sống của dân như vậy còn gì hạnh phúc hơn !" 

Bài liên quan đã đi trên blog này:

Kì 4 – Kiêu dân chỉ có nghĩa sơ khởi là dân sống ở kinh thành (thời  Tống): http://vn.myblog.yahoo.com/dzjao/article?mid=1669

Kì 3 –  Kiêu dânkiêu binh (tư liệu nước ngoài thế kỉ 18): http://vn.myblog.yahoo.com/dzjao/article?mid=1563

Kì 2KIÊU DÂN trong ống tay nhà vua: http://vn.myblog.yahoo.com/dzjao/article?mid=1524

Kì 1 Hoàng đế Quang Trung và câu "binh kiêu/dân oán" (lên án chúa Trịnh và binh lính hung hãn của họ uy hiếp vua Lê): http://vn.myblog.yahoo.com/dzjao/article?mid=1520