Hội thảo về nhà Mạc trong lịch sử và với Thăng Long (ngày 21/9/2010)

Lời dẫn: Bây giờ, tôi đang ở Hà Nội, và chuẩn bị lên đường đến Hội thảo nói trên. 

Hội thảo sẽ diễn ra trong một buổi sáng nay, ngày 21/9/2010 (thứ Ba), bắt đầu từ 8h30 sáng, tại số 9 đường Hoàng Diệu, Hà Nội (trong khu vực Hoàng thành Thăng Long). 

Thông tin từ ban tổ chức cho biết: có hơn 50 bài tham luận. Hà hà, 50 bài chỉ trong một buổi sáng, thì rõ ràng không thể đem ra trình bày hết được, nên hình như chỉ có 7 bài được đọc tại chỗ, còn lại thì "mời coi bản thảo kỉ yếu". Thế đấy, hội thảo khoa học ở cái xứ An Nam này, vẫn thế, chỉ hình thức làm sang vậy thôi, không có thực chất !

Tôi tham gia hội thảo và có tham luận (trích đăng tóm tắt ở dưới đây) thì không hề kì vọng về tính khoa học của các hội thảo đại loại như thế này, mà chủ yếu là vì nghĩa vụ (nghe các bác các chú trong họ đồn thổi 8 vạn cây số rằng hình như bà xã tôi là "hàng công chúa nhà Mạc", đại khái là chắt chút chụt chịt của cái bà Mạc Ngọc Lâm hiện còn thấy tượng bằng đá ở trong chùa Phổ Minh tại Nam Định, hu hu hu !).  

Tôi đang có trong tay bài của bác  K (độ này bác xuất hiện trên ti vi đều đều, với danh xưng mà các anh lớn trịnh trọng phát biểu là "anh hùng lao động" và "giáo sư hàng đầu của Việt Nam"). Một bài viết đọc lên kêu như chuông đồng Qui Điền, đẹp như một dải lụa, hùng tráng như một bài ca cách mạng, nhưng nói thật, là tôi nói với tôi: cái bài này nó như cái thùng không có gì ở bên trong, rỗng, chỉ thấy không khí !

Còn dưới đây là tóm tắt bài của tôi. Sau hội thảo, tôi sẽ chỉnh sửa và dự kiến công bố trên tạp chí chuyên ngành trước (sẽ dẫn link trên blog sau đó). Một bài viết vội (gồm 30 trang đánh máy), chẳng biết có đáng đọc hay không nữa. 

Toan tính và số phận của các vị vua sau năm 1677 : Mấy ghi chú bước đầu về niên đại, và về thời điểm kết thúc của triều Mạc ở Cao Bằng, qua tham khảo kết quả nghiên cứu của các nhà sử học Trung Quốc

 

                        Giao

(Viện Khoa học xã hội Việt Nam )

 

 

 

Tóm tắt: Cho đến nay, về cơ bản, giới sử học Việt Nam đều thống nhất rằng, Mạc với tư cách là một vương triều thực sự chỉ tồn tại chính thức 65 năm từ năm 1527 đến năm 1593 (trải 5 đời vua, tính từ khi Mạc Đăng Dung lên ngôi đến khi Mạc Mậu Hợp bị quân Lê Trịnh bắt sống), và sau đó, thì tồn tại thêm 85 năm với tính chất là một lực lượng cát cứ từ năm 1593 đến năm 1677 (trải qua 5 đời vua, tính từ khi Mạc Toàn được cha là Mạc Mậu Hợp cho kế ngôi đến khi Mạc Kính Vũ chạy sang Trung Quốc sau khi Cao Bằng bị thất thủ)[i]. Ở bài viết này, qua tham khảo kết quả nghiên cứu của phía Trung Quốc, như sẽ trình bày dưới đây, chúng tôi đề xuất cách phân kì đối với Mạc bằng 3 khoảng thời gian và số vua Mạc tương xứng như sau: 1- Vương triều Mạc ở Thăng Long – Dương Kinh (1527-1593, gồm 7 vị vua), 2 – Vương triều Mạc ở Cao Bằng (1593 -1683, gồm 5 vị vua), 3 – Thế lực Mạc hậu Cao Bằng (chính xác hơn là thế lực mang danh vương triều Mạc sau năm 1683 vẫn tồn tại cho đến nửa cuối thế kỉ 18)[ii]. Nội dung chính của bài là bàn về những toan tính và số phận của 2 vị vua Mạc cuối cùng (vua đời thứ 11 và 12) hầu như chưa được nhắc đến (hoặc nhắc đến nhưng lại nhầm lẫn) trong nghiên cứu sử học Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại: Mạc Nguyên Thanh (được xem là có niên hiệu là Vĩnh Xương),Mạc Kính Quang.


Chú thích

 

[i] Tuy còn thấy những chỗ dị biệt trong tiểu tiết, nhưng có thể thấy quan điểm tương đối thống nhất này trong các nghiên cứu sau: Trần Trọng Kim 1920 (lần xuất bản đầu tiên), Vụ Bảo tồn Bảo tàng 1970, Viện Sử học 1996, Lê Thành Lân 1997, Đinh Khắc Thuân 2001.

 

[ii] Một chuyên gia về lịch sử Mạc và lịch sử quan hệ Trung Việt của Trung Quốc là Ngưu Quân Khải (sẽ trình bày cụ thể hơn ở dưới đây) đưa ra 3 thuật ngữ sau: 1 – Mạc triều (莫朝) tức “Triều Mạc”; 2 – Mạc thị Cao Bằng chính quyền (莫氏高平政) tức “Chính quyền của họ Mạc ở Cao Bằng”; 3 – Hậu Cao Bằng Mạc thị thế lực (后高平期莫氏) tức “Thế lực họ Mạc thời kì sau Cao Bằng (xem Ngưu Quân Khải 2000). Cách chia 3 thời kì tồn tại của Mạc bằng 3 thuật ngữ trên, và những diễn giải liên quan đến 3 thời kì của Ngưu đã gợi ý cho chúng tôi đưa ra 3 thuật ngữ vừa đề xuất.

Sở dĩ chúng tôi tán thành cách chia thời kì của Ngưu là vì “Cao Bằng” được ông xem là một chìa khóa quan trọng đối với việc nghiên cứu Mạc. Như sẽ trình bày ở dưới đây, có nhiều giáo sĩ phương Tây đến Đàng Ngoài vào các thập niên 1620-1630 khi viết báo cáo (viết ngay lúc đó để gửi về Roma) đã gọi người đứng đầu chính quyền của Mạc ở Cao Bằng là “chúa Cao Bằng” (“chúa Canh/ciucanghe”) hay “vua Cao Bằng” (xem Chu Xuân Giao chủ biên 2010 : 110).

Tuy nhiên, khi đối sánh với cách phân kì đối với Mạc của Ngưu với của một số nhà nghiên cứu Việt Nam (tiêu biểu là Lê Thành Lân với hai thuật ngữ “vương triều chính thức” và “triều cùng thời” — sẽ trình bày kĩ hơn ở dưới), cộng với suy tính thêm của chúng tôi về vai trò quan trọng của Dương Kinh trong hệ thống địa bàn Thăng Long – Dương Kinh – Cao Bằng của Mạc, mà chúng tôi đã đưa ra 3 thuật ngữ mới: 1- Vương triều Mạc ở Thăng Long – Dương Kinh (1527-1593); 2 – Vương triều Mạc ở Cao Bằng (1593-1683); Thế lực Mạc hậu Cao Bằng (chính xác hơn là thế lực mang danh vương triều Mạc sau năm 1683).

Mạc Đăng Dung bắt chước các triều Lí – Trần ở nhiều điểm trong cơ cấu tổ chức quyền lực và hành chính. Việc xây dựng Dương Kinh (quê, nơi phát tích, hành cung và lăng tẩm) trong vị thế kết nối với Thăng Long (triều đình, kinh đô) của Mạc Đăng Dung cũng có thể xem như là một ví dụ (Lí xây dựng hành cung ở Đình Bảng, gọi là Bắc Kinh; Trần thì xây dựng Thiên Trường cung ở làng Tức Mặc, thuộc Nam Định ngày nay). Dương Kinh có thể là tên rút gọn của Hải Dương, tên của đạo thừa tuyên, nhưng cũng có thể là Nghi Dương, là tên huyện có làng Cổ Trai – nơi phát tích của Mạc, nay thuộc huyện Kiến Thụy thành phố Hải Phòng (Đinh Khắc Thuân 2001 : 170-173). Trong sử liệu thuộc thời Minh (Minh thực lục), Dương Kinh được gọi là Đô Trai. Vị trí chiến lược của nó được triều đình Minh nhìn nhận ra như sau: “Chỗ dựa của Phương Doanh (Mạc Đăng Doanh) là Đô Trai, vùng này gần biển, bùn lầy hơn 10 dặm, thuyền không ghé được. Kế hoạch của chúng nếu kinh thành không giữ được thì chạy đến Đô Trai, nếu Đô Trai không giữ được thì chạy ra biển”(xem Hồ Bạch Thảo 2009 : 426).