Category Archives: Nhà Mạc

Thực hư về bà Nghè giả trai thời Mạc, Nguyễn Thị Toàn – 2 (Ng.Thị Chân Quỳnh)

Bài dưới đây của Nguyễn Thị Chân Quỳnh đăng trên tạp chí Văn học (khác với Văn) từ năm 1990. Bản trên mạng được lấy về từ đây.

Bản thân cụ Nguyễn Thị Chân Quỳnh năm nay cũng trên 80 tuổi, hiện đang ở Pháp.

tien-si1.jpg

 

 

Linh vị Nguyễn Thị Duệ được thờ cạnh Khổng Tử trong hậu cung của Văn miếu Mao Điền

(Cẩm Điền, Cẩm Giàng, Hải Dương).

Nguyễn Thị Du, vị nữ Trạng Nguyên độc
nhất của ta sinh năm nào?

 

Nguyễn Thị Chân Quỳnh      

 








Vị nữ Trạng nguyên có một không
hai của nước ta vốn tên là Nguyễn thị Du, song Vũ Phương Đề, người đầu tiên viết
về bà, từ thế kỷ thứ XVIII, chỉ cho biết bà họ Nguyễn; Đại Nam Nhất Thống
Chí
và Trần Lê Sáng chép bà tên Nguyễn thị Duệ (1); Bùi Hạnh Cẩn đưa ra tên
Nguyễn thị Niên (2); Đông Châu ngoài tên Nguyễn thị Du còn ghi thêm tên Nguyễn
Ngọc Toàn (3). 
 

I – Thân thế: Nhất kính chiếu tam
vương


Bà sinh quán ở làng Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, tỉnh Hải
Dương (Bùi Hạnh Cẩn chép bà người "xứ Đông").


Năm 10 tuổi (Đồ Nam Nguyễn Trọng Thuật ghi là "năm 20 tuổi") bà theo cha tị nạn lên Cao Bằng, lúc ấy tuy họ
Trịnh đã đánh bại họ Mạc, chiếm lại kinh đô, nhưng lòng dân theo họ Mạc còn
đông.


Bà là người tuyệt sắc, lại rất thông minh, 10 tuổi đã biết
làm văn bài. Ông thân bà tiếc tài con gái, cho cải nam trang đi học. Năm 17
tuổi, chúa Mạc mở khoa thi, sĩ tử tham dự rất đông, bà đỗ thủ khoa (4), còn
chính thầy học của bà chỉ đỗ thứ hai. Có lẽ vì thiếu tài liệu, không thấy Phan
Huy Chú ghi chép những khoa thi cuối của nhà Mạc ở Cao Bằng, nên không rõ đích
xác bà đỗ năm nào.


Khi dự yến đãi các tân khoa, chúa Mạc thấy nhan sắc và
phong cách của bà sinh lòng ngờ vực, gạn hỏi và khám phá ra bà là gái giả trai,
bèn nạp cung phong làm Tinh Phi (Sao Sa) ngụ ý khen bà vừa xinh đẹp vừa sáng
láng như một vì sao. Thời xưa phụ nữ không được phép đi thi, thậm chí dự một
buổi bình văn ở nhà Giám (Quốc Tử Giám) cũng không được (Phạm Đình Hổ,
Trung Tuỳ Bút)
, bà cải trang đi thi như thế là phạm tội khi quân, nhưng chúa
Mạc không những không trừng phạt mà còn nạp cung, phong tước phi, tỏ ra rất quý
trọng tài sắc bà.


Nhà Mạc mất, bà vào rừng ẩn náu, bị quân Trịnh bắt được.
Bà chống gươm xuống đất nói :"Các ngươi bắt được ta thì phải đưa ta đến nộp chúa
của các ngươi, nếu vô lễ thì với lưỡi gươm này ta sẽ tự tử". Quân Trịnh bèn giải
bà về nộp chúa Nghị Vương, chúa rất sủng ái.


Về già bà xuất gia đi tu ở chùa Vụ Nông, hạt Gia Lâm, lấy
hiệu Diệu Huyền.


Nghị Vương mất, con là Dương Vương lên nối ngôi, triệu bà
ra giữ chức Lễ Sư dậy cung nhân, nên người ta cũng gọi bà là Lễ Phi (Lễ là danh
hiệu, tước vị là Chiêu Nghi, cao nhất trong 9 bậc cung tần, dưới loại phi) (5).


Bà thường viện dẫn nghĩa lý kinh sử, sự tích cổ kim rành
mạch, cả hai chúa Trịnh đều khen ngợi, trọng vọng. Các biểu sớ, văn bài thi Đại
khoa chúa đều nhờ bà khảo duyệt lại. Khoa Tân Mùi (1631) em họ ngoại bà là
Nguyễn Minh Triết, sau đổi tên là Nguyễn Thọ Xuân, ứng chế xong bảo với bạn hữu
:"Bài của tôi viết, cả triều chưa dễ mấy ai hiểu, có chăng chỉ bà chị tôi là bà
Lễ Phi hiểu được mà thôi". Quả nhiên, bài đưa ra nhiều điển lạ, quan trường
không hiểu hết, chúa hỏi thì bà lý giải cặn kẽ, chúa cho Xuân đỗ đầu. (Năm 1647,
Xuân làm đến chức Tả Thị lang bộ Hộ, sau thăng đến chức Thượng thư, Thiếu bảo
Cẩn quận công, thọ hơn 90 tuổi).


Tương truyền nhà bà có ngôi tiên phần ở núi Trì Ngư, thuộc
kiểu đất Nhất kính chiếu tam vương (một gương
soi ba vương), bà thờ ba đời chúa chính ứng với điều này.


Năm 70 tuổi bà xin về làng, dựng am Đàm Hoa để ở,
lại được cấp các thuế trong làng làm ngụ lộc.


Bà mất năm 80 tuổi, táng ở núi Trì Ngôi (Ngư ?) làng Kiệt
Đặc. Ngọn tháp xây trên mộ gọi là Tinh Phi cổ tháp, được liệt vào hạng
Chí Linh Bát Cổ, có khắc mười chữ trên bia :"Lễ Phi sinh thông tuệ, nhất
kính chiếu tam vương".


Trong bia Chí Linh Bát Cổ cũng ghi lại bài thơ đề
trên Tinh Phi cổ tháp :



Ngọc thủ chiết cao chi,
Kính nhan lưu cố thấp;

Tùng cổ thử giang sơn,
Chí kim kỷ minh giáp;
Hoa thảo tự khai tạ,

Ngư tiều tương vấn đáp;
Sơn sắc chính thanh hương,
Thu thanh hà tiêu
táp.


Đại ý : "Một cái tay ngọc ngà vin
bẻ cành đan quế thứ nhất khi xưa kia, nay thì trên cái kiểu đất hình mặt
gương
này còn lưu lại với đời một toà tháp cổ. Giang sơn này từ bấy lâu nay
trải bao năm tháng mà đổi với cái cảnh cổ tháp này, chỉ có hoa kia tự khai khai
tạ cùng ông ngư phủ, chú tiều phu khi qua tới mà cùng nhau trò chuyện mà thôi.
Đang khi ta viếng cảnh nhớ người, núi non xanh ngắt một màu, bỗng đâu xào xạt tiếng gió thu, giục lòng khách thương kim
tự tích".


Bài thơ này do Nguyễn Trọng Thuật sao chép lại (Nam
Phong
số 161, 1931) khi ấy cổ tháp không còn dấu vết, duy chỉ có một ngôi
chùa nhỏ (am ?) làng Kiệt Đặc còn thờ tượng bà. Trên bàn có bức hoành đề hai chữ
"Hoa Am" và một đôi câu đối :



Giáp khoa tiên chiếm Cao Bình bảng,
Đại bút do truyền bát cổ
bi.


Lại có một cái bia do chúa Trịnh (Dương Vương ?) tặng
phong là Chính vương phủ thị nội cung tần đức lão Lễ Sư. Chúa cấp ruộng
hương hỏa để thờ bà.


Sự tích bà còn ghi trong Chí Linh phong thổ ký.
Làng Kiệt Đặc thờ bà làm thần.



II – Sự nghiệp văn
chương


Bà giỏi cả Hán văn lẫn quốc âm, sáng tác nhiều, tiếc rằng
ngay từ thế kỷ XVIII đã bị thất lạc gần hết (theo Vũ Phương Đề). Văn thơ bà có
tiếng là hay, song những câu còn được lưu truyền lại không mấy xuất sắc, nhưng
cũng xin chép ra để khỏi thất lạc :


Bà có soạn một tập Gia Ký (6) bằng quốc âm, văn
vần, ghi chép việc riêng của mình. Đây là cảm nghĩ ở dọc đường khi lánh nạn lên
Cao Bằng :



Đành thay là kẻ có mình,

Che trên đã có trời xanh phù
trì.


Bà lại tự ví mình với Bạc thị, vợ Hán Cao tổ, có tiếng là
người hiền đức:



Hiềm vì một chút đảo điên,
Song le Bạc thị vốn duyên Hán
hoàng. (7)


Bà xưng là người hiền cũng không ngoa : trong làng có
người làm hại anh bà, nhưng khi vinh hiển, bà không thèm cậy quyền thế để trả
thù, ai cũng khen phục bà là người độ lượng. Người ấy sau hết lòng phụng sự bà.


Tự xét về văn tài mình bà viết :



Nữ nhi dù đặng có thi (8),
Ắt là tay thiếp
kém gì Trạng nguyên ?


Nếu quả bà thi đỗ năm 17 tuổi, thì hai câu này chắc viết
khi còn trẻ lắm, vì một khi chính mình đã đỗ Trạng rồi thì không còn lý do gì để
so sánh "kém gì Trạng nguyên" nữa ?


Trong làng có cậu ấm chọc ghẹo, bà ghét :



Sá gì vàng đá hỗn hào,

Thoảng đem cánh phượng bay cao Thạch thành
(9)


Bà còn lập cho học trò Chí Linh một Văn Hội, ngày rầm,
mồng một, họp tại nhà thờ họ bà ở làng Kiệt Đặc, đợi đầu bài của bà ở kinh cho
chạy ngựa trạm đem về. Riêng sự kiện này cũng chứng tỏ chúa Trịnh quý trọng bà
lắm mới cho dùng ngựa trạm là của công để phục vụ riêng cho học trò của bà ở
huyện Chí Linh. Bài làm xong đóng hòm gửi về kinh, bà chấm rồi gửi trả. Bà lại
xuất tiền cho người trưởng họ chu biện cơm nước cho sĩ tử hôm làm bài. Văn học
Chí Linh thịnh là nhờ công không nhỏ của bà.


III- Hai bài tính đố: Bà sinh năm nào và
lấy chúa Mạc nào?


Sử sách của ta ít quan tâm tới tiểu sử các tác gia, riêng
đối với phụ nữ càng tỏ ra mơ hồ đến nỗi một vị nữ Trạng nguyên có một không hai
của ta mà sinh năm nào, mất năm nào, lấy chúa Mạc nào cũng không ai hay, đành
phải phỏng đoán. Những sự kiện khiến ta có thể dựa vào để ước tính là :


Năm 10/20 tuổi bà lên Cao Bằng lánh nạn rồi cải trang đi
học. Năm 17 tuổi thi đỗ Trạng nguyên, lấy chúa Mạc, sau lại thờ hai chúa Trịnh
Nghị Vương (1623-57) và Trịnh Dương Vương (1657-82). Năm Tân Mùi (1631) bà chấm
thi cho Nguyễn Thọ Xuân đỗ đầu. 70 tuổi về làng dựng am Đàm Hoa. Mất năm
80 tuổi.


Tất cả những chi tiết này chỉ có chuyện Nguyễn Thọ Xuân đỗ
đầu năm 1631 còn được xác nhận trong Lịch Triều Hiến Chương, Khoa Mục
Chí.


Để tiện việc phỏng tính, chúng ta cần ôn lại sơ qua quãng
lịch sử cuối thời nhà Mạc :


1592


– Mạc Mậu Hợp thua quân Trịnh, chạy trốn ở huyện Kim
Thành (Hải Dương), rồi bị bắt và bị chém ở Thăng Long.
-Lúc ấy lòng dân vùng
Đông Bắc (Hải Dương, Kinh Bắc v.v…) còn quy phụ nhà Mạc. Dư đảng nhà Mạc nổi
lên khắp nơi, từ sông Nhị hà trở lên miền Bắc khói lửa liên miên, giặc cướp
không yên, dân mất mùa, đói kém.
-Mạc Kính Chỉ chiếm Đông Triều, Thanh Lâm,
xưng hiệu Bảo Định rồi Khánh Hựu ở Chí Linh. 1593 Mạc Kính Chỉ bị chém ở bến
Thảo Tân (Bến Cỏ, Thăng Long).
-Mạc Kính Dụng, con Kính Chỉ, giữ Thái
Nguyên, xưng Uy Vương, 1598 bị thắt cổ ở chợ cửa Đông (Thăng Long).
-Mạc
Kính Chương chiếm Thiên Thi. 1596 bị giết…


1593


-Mạc Kính Cung xưng đế hiệu Càn Thống, giữ châu Yên Bác ở
Lạng Sơn.
-Nhà Lê khôi phục Thăng Long, vua Lê Thế Tông về kinh sư.


1598


-Tháng 12, Mạc Kính Cung thua chạy sang Tầu từ 1594, được
nhà Minh giúp ép Trịnh Tùng cho Kính Cung trấn ở Cao Bằng.


1600


-Bọn Phan Ngạn, Bùi văn Khuê làm phản theo về nhà Mạc, vua
phải lánh đi Thanh Hoa.
-Mạc Kính Cung được Bùi thị, mẹ Mạc Mậu Hợp, đón về
chiếm Đông Kinh (Thăng Long) dân theo vài vạn. Tháng 12, thua quân Trịnh Tùng,
chạy sang Kim Thành.


1601


-Mạc Kính Cung lại thua, bỏ Kim Thành, trốn lên Lạng Sơn.

-Vùng Hải Dương, Sơn Nam, Sơn Tây, Kinh Bắc bình định.


1609


-Mạc Kính Cung chiếm Lạng Sơn rồi quấy rối Thái Nguyên,
sau thua quân Trịnh phải chạy vào hang động ẩn náu.


1613


-Trịnh Tráng dẹp xong Yên Quảng, đi kinh lý vùng này.


1616


-Mạc Kính Cung nhường ngôi cho Mạc Kính Khoan (Biên
Niên Lịch Sử Cổ Trung Đại)
(Theo Lê Quý Đôn thì mãi đến 1621/23 Mạc Kính
Khoan mới tiếm ngôi).


1618


-Mạc Kính Khoan chiếm Thái Nguyên, Cao Bằng, thua quân
Trịnh Tráng, chạy trốn. 1621-23 -Mạc Kính Khoan xưng Khánh Vương, hiệu Long
Thái, cùng Kính Cung chiếm giữ Cao Bằng, nhưng biệt lập (theo Lê Quý Đôn).


1623


-Trịnh Tráng lên ngôi, phải dẹp dư đảng của em là Trịnh
Xuân, về đóng ở Thanh Hoa.
-Mạc Kính Khoan thừa cơ kéo quân đến Gia Lâm, dòm
dỏ kinh sư, người theo hàng vạn, bị Trịnh Tráng đánh tan phải chạy về Cao Bằng


1625


-Mạc Kính Cung bị diệt. Mạc Kính Khoan xin làm phiên trấn,
triều đình thuận nhưng bắt bỏ đế hiệu.


1638


– Mạc Kính Khoan mất, con là Kính Vũ lên ngôi, lại xưng đế
hiệu Thuận Đức.


1657


-Trịnh Tráng mất, được truy phong Nghị Vương. Con là Trịnh
Tạc (Dương Vương) lên nối ngôi.


1667


-Mạc Kính Vũ thua quân Trịnh Tạc, chạy trốn sang Tiểu Trấn
Yên của nhà Thanh.


1669


-Nhà Thanh bắt Trịnh Tạc trả lại 4 châu ở Cao Bằng cho Mạc
Kính Vũ.


1677


– Mạc Kính Vũ theo Ngô Tam Quế chống lại nhà Thanh. Quế
mất, triều đình gửi thư cho nhà Thanh kể tội Kính Vũ. Khi Kính Vũ thua quân Đinh
văn Tả chạy sang Long Châu, nhà Thanh bắt giao trả họ Trịnh. Nhà Mạc đến đây mới
dứt.



A/ Câu hỏi thứ nhất : Bà sinh năm nào
?


a) Sớm nhất vào năm 1589


Mãi đến tháng 12 năm 1598, Mạc Kính Cung mới dựa thế nhà
Minh, được về trấn đóng ở Cao Bằng. Gia đình bà chỉ có thể di cư lên Cao Bằng
sớm nhất vào năm sau (1599), khi ấy bà mới 10 tuổi :



1599 – 10 = 1589


b) Muộn nhất vào năm 1591


– Bà chỉ phò hai chúa Trịnh thì muộn nhất phải mất cùng
năm với Trịnh Tạc (1657-82), nếu mất sau 1682 thì thành "nhất kính chiếu tứ
vương" chứ không phải "tam vương" nữa. Nếu bà mất vào năm 1682, thọ 80 tuổi, thì
bà sinh muộn nhất vào năm :



1682 – 80 = 1602


10 tuổi theo cha lên Cao Bằng tức là vào năm :



1602 + 10 = 1612


Khi ấy Hải Dương, quê bà, đã bình định từ 1601, thì gia
đình bà còn chạy lên Cao Bằng làm gì ? Tất nhiên không phải bà sinh năm 1602.


– Gia đình bà chạy lên Cao Bằng muộn nhất phải vào đầu năm
1601, ngay trước khi Hải Dương bình yên, như vậy bà sinh muộn nhất vào năm :



1601 – 10 = 1591


c) Bà sinh năm 1590


Nguyễn Trọng Thuật viết :"Năm 20 tuổi, nhà Lê khôi phục
Thăng Long, bà theo cha lên Cao Bằng …". Từ cuối thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ
XVII, nhà Lê "khôi phục" Thăng Long ba lần :


1. Năm 1593, sau khi Mạc Mậu Hợp chết, lúc ấy Mạc Kính
Cung chưa trấn đóng Cao Bằng, tất nhiên gia đình bà không chạy lên Cao Bằng, lên
với ai ?


2. Năm 1623, Nghị Vương Trịnh Tráng mới lên ngôi, đang lo
diệt dư đảng Trịnh Xuân, kinh thành rối loạn, phải bỏ về Thanh Hoa. Mạc Kính
Khoan nhân cơ hội tiến quân đến Gia Lâm, dòm dỏ kinh sư, nhưng một tháng sau bại
trận, bỏ chạy về Cao Bằng, quân Trịnh chiếm lại Thăng Long. Nếu khi ấy bà 20
tuổi, thì bà sinh năm :



1623 – 20 = 1603


Thọ 80 tuổi, tức là bà mất năm 1683, sau Dương Vương một
năm, trường hợp này lại rơi vào cảnh "nhất kính chiếu tứ vương", không ổn.


3. Năm 1600, bọn Phan Ngạn, Bùi văn Khuê làm phản, theo
nhà Mạc, vua Lê phải lánh về Thanh Hoa, Mạc Kính Cung toan chiếm giữ Thăng Long,
nhưng thua quân Trịnh, phải chạy đến Kim Thành, rồi lên Lạng Sơn. Nếu năm ấy bà
20 tuổi thì bà sinh :



1600 – 20 = 1580


Cho là bà lấy Nghị Vương ngay khi mới lên làm chúa (1623)
thì lúc ấy bà đã :



1623 – 1580 = 43 tuổi


e già quá, chắc chúa Trịnh không nạp cung.


Có lẽ Nguyễn Trọng Thuật sơ ý viết nhầm 10 tuổi thành 20
tuổi, vì các sách khác đều ghi bà lên Cao Bằng năm 10 tuổi. Nếu bà lên Cao Bằng
năm 10 tuổi thì bà sinh năm :



1600 – 10 = 1590



d) Kiểm chứng lại
:


Nếu qủa bà sinh năm 1590 thì trước hết không phản với
thuyết trình bày trên đây cho bà sinh sớm nhất năm 1589,
muộn nhất năm 1591. Những chi tiết khác cũng đều phù hợp :


1600 , Bà 10 tuổi, lên Cao Bằng. Khi ấy nhà Lê vừa
khôi phục Thăng Long, Hải Dương chưa bình định, mà Mạc Kính Cung thì đã trấn
đóng Cao Bằng được hơn một năm, đủ thì giờ ổn định tình thế, lại có nhà Minh ủng
hộ đằng sau, lòng dân còn quy phục nhà Mạc, gia đình bà chạy lên Cao Bằng là
phải.


1607 , Bà 17 tuổi, đã lên Cao Bằng và cải trang đi
học được 7 năm, đủ sức đi thi. Mạc Kính Cung chiếm giữ Cao Bằng đưọc 9 năm, đủ
thì giờ tổ chức khoa cử.


1609 , Mạc Kính Cung thua quân Trịnh phải chạy vào
hang động ẩn náu, tất bà cũng chạy theo, cho nên quân Trịnh mới bắt được bà ở
trong rừng, nhưng không rõ vào năm nào. Trịnh Tráng mãi đến năm 1623 mới chính
thức làm chúa, và đến khi chết (1657) mới được truy phong làm Nghị Vương. Câu
"quân đem bà về nộp chúa Trịnh Nghị Vương…"rất tối nghĩa. Nếu quả bà bị bắt
khi Trịnh Tráng mới lên làm chúa (1623) thì lúc ấy bà vừa 33 tuổi, kể ra cũng
còn trẻ, có thể được nạp cung. Chỉ sợ bà bị bắt từ trước, quân đem về nộp không
phải cho chúa Trịnh Tùng, mà là nộp cho Trịnh Tráng, lúc ấy là Thanh quận công,
tuy chưa làm chúa nhưng từ 1612 đã thống lãnh quân đội đi dẹp họ Mạc mấy lần,
Tráng là người sau này sẽ làm chúa và được phong tước Nghị Vương.


1631 , Bà 41 tuổi, đủ già dặn để khảo duyệt lại các
bài văn thi Đại khoa, Nguyễn Thọ Xuân nhờ bà được đỗ đầu.


1670 , Bà mất năm 80 tuổi, trước Dương Vương Trịnh
Tạc 12 năm, hợp câu "nhất kính chiếu tam vương".


B. – Câu hỏi thứ hai : Bà lấy chúa Mạc nào
?


Bà chỉ có thể lấy một trong ba chúa Mạc đã chiếm giữ Cao
Bằng là :


– Mạc Kính Cung, con Kính Điển, Điển là cháu gọi Mạc Đăng
Dung bằng ông,


– Mạc Kính Khoan, cháu gọi Kính Cung bằng chú,và là cha
của Kính Vũ,


– Mạc Kính Vũ, cũng gọi là Kính Hoàn, là con của Kính
Khoan.


a) Bà không thể lấy Mạc Kính Vũ
(1638-77)


Mãi đến 1638 Kính Vũ mới lên ngôi mà 1631 bà đã theo về
chúa Trịnh và chấm thi ở Thăng Long, tất nhiên không phải Vũ cho bà đỗ Trạng, và
bà tất không lấy Vũ.


b) Bà cũng không thể lấy Mạc Kính
Khoan
(1616/21/23-38)


– Cho là bà lấy Kính Khoan từ khi Khoan mới lên Cao Bằng
(1616) và tổ chức thi cử ngay, thì năm ấy bà đã :



1616 – 1590 = 26 tuổi


26 tuổi mới thi đỗ thì không lấy gì làm sớm đối với một
người nổi tiếng là thông minh xuất chúng; 26 tuổi mới xuất giá thì lại càng
không sớm đối với một phụ nữ thời xưa, thứ nhất lại là một người rất đẹp, càng
vô lý.


– Nếu 17 tuổi bà thi đỗ và lấy chúa Mạc, tất phải vào năm
:



1590 + 17 = 1607


Khi ấy Mạc Kính Khoan chưa lên Cao Bằng và có thể cũng
chưa chính thức lên ngôi. Theo Lê Quý Đôn, sau khi Mạc Mậu Hợp chết, Kính Khoan
còn lẩn quất trên 20 năm ở vùng Đại Từ, Vũ Nhai, rồi mới lên Cao Bằng. Biên
Niên Lịch Sử Cổ Trung Đại
chép :"năm 1616 Kính Cung nhường ngôi cho con là
Kính Khoan" tính ra cũng trên 20 năm sau khi Mạc Mậu Hợp bị chém ở Thăng Long.
Nếu 1616 Khoan mới lên Cao Bằng thì tất nhiên Khoan không phải là người cho bà
đỗ Trạng, và bà cũng không lấy Khoan.


c) Bà chỉ có thể lấy Mạc Kính
Cung
nếu bà thi đỗ và lấy chúa Mạc ở Cao Bằng năm 1607, khi ấy
Kính Khoan chưa lên Cao Bằng, và Kính Vũ chưa lên ngôi.


Câu "nhà Mạc mất, bà theo về chúa Trịnh Nghị Vương" không
đúng, phải sửa lại là :" Mạc Kính Cung bại trận, bà trốn theo vào rừng, bị quân
Trịnh bắt, nộp cho Trịnh Tráng (sau này làm chúa và khi chết được phong tước
Nghị Vương). Nhà Mạc chỉ "mất" với Mạc Kính Vũ.


Sau đây là bảng tóm tắt những năm đáng ghi nhớ trong đời
bà (nếu có lầm, chắc cũng chỉ xê dịch khoảng 10 năm) :


1590 Sinh ở làng Kiệt Đặc.


1600 10 tuổi, lên Cao Bằng tị nạn.


1607 17 tuổi thi đỗ, lấy Mạc Kính Cung (có thể thi
đỗ lấy Mạc Kính Cung muộn hơn mấy năm).


1623 33 tuổi, lấy Trịnh Tráng (có thể lấy từ
trước).


1631 41 tuổi, chấm thi ở Thăng Long, cho Nguyễn
Thọ Xuân đỗ đầu.


1660 70 tuổi về làng, dựng
am "Đàm Hoa" để ở.


1670 Mất năm 80, táng ở núi Trì Ngư, làng Kiệt
Đặc.


Châtenay-Malabry tháng 5, 1990
(Văn
học
, số 53-54, tháng 7 & 8, 1990)


IV- Chú thích
:


1. Trần Lê Sáng, Phùng Khắc Hoan, tr. 30.


2. Bùi Hạnh Cẩn, Lê Quý Đôn, tr. 159.


Sử Ký Toàn Thư IV, 189 chép Nguyễn thị Niên là vợ
Bùi văn Khuê, vì có chị lấy Mạc Mậu Hợp, thường ra vào trong cung. Hợp thấy đẹp,
mưu giết Khuê để toan chiếm.


3. Đông Châu, Nam Phong số 24. Có thể tên này do
chúa Trịnh đặt cho, vì các cung tần của vua Lê, chúa Trịnh, tên đệm chữ "Ngọc".


4. Các sách đều chép bà đỗ thủ khoa, một vài chỗ nói bà đỗ
Trạng nguyên, không rõ đó là sự thực hay thấy nói đỗ thủ khoa vội cho ngay là
phải đỗ Trạng ? Nhà Nguyễn có lệ không lấy ai đỗ Trạng nguyên, song nhà Mạc hầu
như khoa nào cũng lấy người đỗ Trạng, nên tôi cũng để bà đỗ Trạng cho thích hợp
với truyền thống nhà Mạc.


5. Đại Nam Nhất Thống Chí chép :"Vua Lê triệu vào
dậy cung nữ, phong cho tước hiệu là Nghi Ái quan".


6. Theo Vũ Phương Đề thì đến thế kỷ 18, văn thơ bà đã thất
lạc gần hết. Nguyễn Trọng Thuật viết trong Nam Phong số 161 : "Sách này
(Gia ký) còn truyền đến gần đây mới mất" không rõ tác giả có bằng chứng
hay chỉ chép theo họ Vũ mà quên rằng với họ Vũ thì "gần đây" có nghĩa là thế kỷ
thứ XVIII, còn vói họ Nguyễn thì "gần đây" có nghĩa là đầu thế kỷ thứ XX ?


7. Có bản chép :



Kém vì một chút đảo điên,

Song le Bạc thị vốn duyên Hán
thần.


8. Có bản chép :



Nữ nhi dù đặng có rầy


9. Có bản chép :



Giận loài vàng đá hỗn hào


Nguyễn Trọng Thuật kể là "một ông quan trong làng đến hỏi,
bà giận, viết câu này". Thiết tưởng nếu ông quan dến hỏi là có đủ nghi lễ, nếu
bà không thuận thì thôi, cớ sao lại ghép cho người ta tội "hỗn hào" ? Thuyết
"cậu ấm chọc ghẹo" hợp lý hơn.


V- Sách tham khảo
:


– Biên Niên Lịch Sử Cổ Trung Đại, Hà Nội : Khoa Học
Xã Hội, 1987.


– Bùi Hạnh Cẩn, Lê Quý Đôn, Hà Nội : Văn Hoá, 1985.


– Đại Nam Nhất Thống Chí, III, tr. 437, Hà Nội :
Khoa Học Xã Hội, 1971.


– Đồ Nam (Nguyễn Trọng Thuật), "Bà Sao Sa, Nữ Trạng
nguyên", Nam Phong số 161, 9-1931, tr. 342-4.


– Đông Châu (Nguyễn Hữu Tiến), "Bà Lễ Phi Nguyễn Thị",
Nam Phong số 24, 6-1919, tr. 501-2.


– Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, XV &
XVI, Hà Nội : Văn Sử Địa, 1957.


– Lê Quý Đôn, Đại Việt Thông Sử, Hà Nội : Khoa Học
Xã Hội, 1978.


– Ngô Sĩ Liên, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, IV, Hà Nội
: Khoa Học Xã Hội, 1968.


– Nguyễn Bá Trác, Hoàng Việt Giáp Tý Niên Biểu,
Saigon : Bộ Quốc Gia Giáo Dục, 1963.


– Phan Huy Chú, Lịch Triều Hiến Chương, Khoa Mục Chí,
Hà Nội : Sử Học, 1961.


– Quỳnh Cơ, Mai Quốc Liên, Văn Phác, Chuyện Hay Sử Cũ,
Hà Nội : Thanh Niên, tr. 24-6, 1989.


– Trần Lê Sáng, Phùng Khắc Hoan, Hà Nội : 1985.


– Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, Saigon : Tân
Việt, 1953.


– Vũ Phương Đề, Công Dư Tiệp Ký, Saigon : Bộ Quốc
Gia Giáo Dục, Dịch giả : Nguyễn Đình Diệm.


Tập III, tr. 118-22 "Lễ phi sinh thông tuệ…"


Tập III, tr. 34-41 "Nguyễn Công Thọ Xuân"



*


* *


Bài này viết năm 1990, đến 1993 tôi được đọc "Bà
Tiến sĩ thời Mạc" (Những bà giáo thời xưa, Hà Nội: Phụ nữ, 1988)
của Đỗ thị Hảo cho biết bà Nguyễn thị Duệ đỗ Tiến sĩ ở Cao Bằng thời Mạc Kính
Cung, khoa Bính Thìn (1616). Chính ra
Chí Linh Phong Vật Chí chép bà Duệ
đỗ năm Mậu Thìn, tức là 1628 hay 1688, song theo Đỗ thị Hảo thì có lẽ Mậu Thìn
không đúng vì từ 1628 đến 1644 quân Trịnh không đánh nhau với quân Mạc trận nào,
mà năm 1631 thì bà Duệ đã ở Thăng Long cho Nguyễn Minh Triết đỗ Tiến sĩ, có lẽ
vì thế, dựa vào chữ "Thìn" Đỗ thị Hảo đã đổi Mậu Thìn sang Bính Thìn ?


Có điều không ổn là từ 1609, Mạc Kính Cung đã thua quân
Trịnh phải chạy vào hang động ẩn náu. Việc bà chạy trốn theo vào rừng rồi bị
quân Trịnh bắt nộp Trịnh Tráng chứng tỏ khi ấy bà đã thành hôn với Kính Cung,
tức là bà đã đỗ Trạng từ trước.


Nếu Biên Niên Lịch Sử Cổ Trung Đại chép đúng thì
1616 Mạc Kính Cung nhường ngôi cho Kính Khoan, thế thì còn tổ chức thi cử kén
người làm gì ?


Chữ "Thìn" chưa chắc là đúng, nay ta thử căn cứ vào chữ
"Mậu"và đổi Mậu Thìn sang Mậu Thân (1608) thì thấy nó không xa với thời điểm tôi
tính là mấy (1607). Tuy nhiên, vì dựa vào
Chuyện Hay Sử Cũ, nói bà đỗ năm
17 tuổi (xét ra có lý bởi bà rất thông minh), nhưng lại là đỗ ở… Thăng Long và
vào cuối thời nhà Mạc (1527-1592) cho nên tôi đã dè dặt đặt (1607) trong ngoặc
đơn, có nghĩa là có thể muộn hơn mấy năm.


Ngoài ra bà Đỗ thị Hảo còn cho biết thầy học của bà Du
họ Cao và câu "nhất kính chiếu tam vương"còn có thể hiểu là bà Du sống dưới
triều ba vì vua Lê, tức là :


Lê Thần tông :1619-42 rồi 1649-62


Lê Chân tông :1643-48


Lê Huyền tông : 1663-71


Hoặc trải qua ba đời chúa Trịnh :


Trịnh Tráng : 1623-57


Trịnh Tạc : 1657-82


Trịnh Căn : 1682-1709


Hoặc ba vương triều, tức là triều nhà Lê, triều nhà Mạc
và cả triều các chúa Trịnh nữa.


Trước hết, "chiếu tam vương" mà hiểu là "tam vương
triều" thì có lẽ hơi gượng ép.


Còn nói bà "sống", với nghĩa "phục vụ" dưới triều ba
vua Lê Thần tông, Chân tông, Huyền tông thì có thể được vì cộng cả ba đời vua là
:



1671 – 1619 = 52 năm.


Ta đã biết bà thọ 80 tuổi, vậy thì 28 năm còn lại gồm
18 năm đầu đời khi bà còn đi học và 10 năm cuối đời khi bà đi tu, không phục vụ
ai cả.


Về các chúa Trịnh nếu kể bà sống dưới Trịnh Căn e không
ổn vì Trịnh Căn lên ngôi năm 1682, cho là bà chỉ phục vụ Căn có một năm rồi đi
tu thì bà mất năm :



1682 + 10 = 1692


Và sinh năm :



1692 – 80 = 1612


Vậy thì làm thế nào đỗ năm 1608 (theo tôi tính) hay
1616 (theo bà Hảo tính) được ? Bà phải sống dưới thời Trịnh Tùng (1571-1623) và
Trịnh Tráng, Trịnh Tạc mới hợp lý.


Suy nghĩ kỹ, tôi vẫn thấy "tam vương" trỏ vào Mạc Kính
Cung, Trịnh Tráng và Trịnh Tạc đúng hơn cả.


Trích từ tác phẩm Lối Xưa Xe
Ngựa


©
http://vietsciences.free.fr
http://vietsciences.org
Nguyễn
Thị Chân Quỳnh

Những entry liên quan đã đi trên blog này:

Kì 1: Thực hư về bà Nghè giả trai thời Mạc, Nguyễn Thị Toàn – 1 (bài Đinh Văn Niêm)

Thực hư về bà Nghè giả trai thời Mạc, Nguyễn Thị Toàn – 1 (bài Đinh Văn Niêm)

Lời dẫn: Chúng tôi đang quần quật làm việc ở khu vực Tiên Lữ. Đây là Tiên Lữ thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Công việc chưa đâu vào đâu, lại chuẩn bị lên đường để đến Tiên Lữ ở tỉnh Hưng Yên.

Cùng là Tiên Lữ nhưng mà khác tỉnh.

Công việc lần này là về cụ bà Nguyễn Thị Toàn hay Nguyễn Thị Duệ dưới đây. Có nhiều bác bên học thuật đã bàn luận xum trò rồi, và cuối cùng, lại sắp đến lượt chúng tôi.

Bài dưới đây là của Đinh Văn Niêm, vốn trên bee, được website của Bảo tàng Lịch sử VN lấy về.

NỮ GIẢ NAM ĐỖ TIẾN SĨ DƯỚI TRIỀU MẠC ?

Một số sách có nói đến nhân vật Nguyễn Thị Toàn, Nguyễn Thị Duệ người xã Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, Hải Dương giả dạng nam nhi với các tên Nguyễn Ngọc Toàn, Nguyễn Văn Du, đỗ tiến sĩ dưới triều nhà Mạc.  

Từ những ghi chép trên sách

– Sách "Những gương mặt phụ nữ Việt Nam tiêu biểu" (NXB KHXH-1976), trang 165 chép: "…Năm 20 tuổi, nhà Mạc mở khoa thi Hội, khoa ấy Toàn đỗ đầu, thầy học của Toàn đỗ thứ nhì… Bấy giờ các kỳ thi Hội, thi Đình bài thi đều do Ngọc Toàn thẩm định. Khoa thi ứng chế năm Tân Mùi (?) lấy Nguyễn Thọ Xuân đỗ đầu, chữ viết của Nguyễn Thọ Xuân không mấy ai đọc được, chỉ có bà mới hiểu nổi".

– Sách "Hải Dương phong vật chí" (NXB Lao Động 2009), trang 240 chép: "Ở thôn Kiệt Đặc, huyện Chí Linh có bà Nguyễn Thị Du, khi lên 12 tuổi, gặp lúc nhà Mạc đang ở giai đoạn cuối, người cha đưa bà lên trấn Cao Bằng, bà ăn mặc giả làm con trai tìm thầy tu nghiệp. Họ Mạc mở khoa thi Hội ở Cao Bằng… Khoa ấy bà đỗ thứ nhất… Nhà Mạc mất, bà ẩn cư vào trong hang núi, bị quân Trịnh bắt được… Tân Vương muốn tìm một nữ học sĩ để dạy cung nhân, bà được tiến cung dạy học gọi là Lễ sư. Gặp kỳ thi Hội, thi Đình văn quyển do bà duyệt định".

– Sách "Nữ sĩ Việt Nam" (NXBVN TP.HCM – 2000), trang 107 chép: "Nguyễn Thị Toàn (Chiêu Ứng phu nhân) 1527 – 1592 giả dạng làm trai lấy tên là Nguyễn Ngọc Toàn đậu tiến sĩ dưới triều nhà Mạc".

Như vậy cả ba tác phẩm đều viết: Có một Nguyễn Thị Toàn hoặc Nguyễn Thị Duệ, người xã Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương giả dạng nam nhi với tên là Nguyễn Ngọc Toàn hoặc Nguyễn Văn Du, đỗ đầu kỳ đại khoa (không xác định được khoa nào) ở cuối triều nhà Mạc. Từ đó, các kỳ thi Hội, thi Đình quan giám khảo đã mời bà duyệt định lại các bài văn những người thi đỗ.

Đến nghiên cứu các nguồn sử liệu

Nghiên cứu các nguồn sử liệu, các nhà khoa bảng Việt Nam dưới thời nhà Mạc, từ Mạc Đăng Dung đến Mạc Mậu Hợp là 63 năm, nhà Mạc tổ chức được 22 kỳ đại khoa. Đồng thời, triều Lê Trung Hưng ở giai đoạn này tổ chức được 3 kỳ chế khoa, 3 kỳ thi Hội. Như vậy, cả thời Lê – Mạc từ 1529 – 1592 tổ chức được 28 kỳ đại khoa lấy đỗ 11 vị trạng nguyên, 13 vị bảng nhãn, 20 vị thám hoa, 110 vị hoàng giáp và 374 vị đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, không có ai tên là Nguyễn Ngọc Toàn hay Nguyễn Văn Du.

Các khoa thi dưới thời phong kiến Việt Nam nói chung và nhà Mạc nói riêng, quan trường đều do nhà vua cắt cử. Ngoài vua ra không ai được phép xem xét bài thi của thí sinh. Khi chưa truyền lô, yết bảng mà thông tin của kỳ thi lọt ra ngoài thì toàn bộ quan trường đều bị giáng phạt, nhẹ thì cách chức, nặng thì lưu đày, xử trảm. Như vậy làm sao mà quan giám khảo lại "mời bà Duệ Phi thẩm định bài thi của những người đã được lấy đỗ".

Về khoa thi ứng chế năm Tân Mùi, triều nhà Mạc chỉ có một năm Tân Mùi (1571) đây là khoa thi Hội chứ không phải khoa thi ứng chế (chế khoa). Nhà Mạc không mở chế khoa. Khoa này không có ai là Nguyễn Thọ Xuân đỗ thám hoa mà có Nguyễn Thọ Xuân đỗ thứ 2 hàng đệ tam giáp khoa Canh Thìn (1580) đời vua Mạc Mậu Hợp.

Như vậy, dưới triều Lê – Mạc có thể có một Nguyễn Thị Toàn hoặc Nguyễn Thị Duệ tài sắc thông minh, thơ hay học giỏi được tôn vinh vào hàng nữ sĩ như lễ nghi Nguyễn Thị Lộ, nữ sĩ Hồ Xuân Hương, nữ sĩ Đoàn Thị Điểm hay nữ sĩ Đạm Phương sau này. Còn về việc có một Nguyễn Thị Toàn hoặc Nguyễn Thị Duệ giả dạng nam nhi thi đỗ đầu kỳ đại khoa nào đó dưới triều nhà Mạc thì sử sách chưa bao giờ ghi chép.

Đinh Văn Niêm

Mạc Kính Thự ấy là Kính Thự nào ? (đọc lại bài của Tạ Chí Đại Trường, 2006)

Đang phải tốc kí một cái bài dầy đặc tư liệu (cả văn bản, cả thực địa, cả xác tín, cả đoán mò) về nhà Mạc. Có liên quan đến cái ấn tôi mới phát hiện ra.

Cái ấn ấy có liên quan đến Mạc Kính Thự.

Năm 2006, trong một bài viết trên talawas, ông Tạ Chí Đại Trường có viết một đoạn thú vị thế này:

"Vấn đề họ Mạc cũng khá phức tạp. Có những thủ lãnh Mạc (không có gì chứng minh
là đồng tông) đeo đẳng suốt đời Lí, qua Trần tuy ép mình làm gia thần (như Mạc
Đĩnh Chi với Trần Ích Tắc) nhưng vẫn còn thế lực đến Hồ, Minh thuộc, Hậu Lê, qua
thời gian, lập nên triều Mạc. Toàn thư đã sắp xếp ra một phả hệ liên tục
kể từ Mạc Hiển Tích (thế kỉ XI), và còn cả bia đá đời Lê Thánh Tông (1470) liên
hệ đến làng Cổ Trai của Mạc Đăng Dung, nhưng thư tịch Trung Quốc lại níu họ Mạc
Cổ Trai vào với một dòng di cư khác. Mạc Kính Thự trong tờ biểu cầu cứu Mãn
Thanh đã kể gốc ông cha ở thôn “Chaxiang [Trà Hương], huyện Đông Quan, Quảng
Đông”
[6] . Có thể họ Mạc thất thế phải viện dẫn thật xa đời
để làm kế nhờ cậy, chứ đến lúc này thì Mạc đã hoà hợp với vùng trên, mang ý thức
Việt rõ ràng rồi, chứng cớ là con cháu những người trên vùng biển chạy loạn thế
kỉ XVI tập họp trên các đảo ven bờ Quảng Tây ngày nay nhận mình là Việt, rồi với
sự xuất hiện của Cộng hoà XHCN Việt Nam họ đã đổi thành Kinh
[7] . Nhưng dù sao thì Mạc Hiển Tích ve bà Thái hậu mà
không ai dám xử, Mạc Đĩnh Chi trên xứ Bàng Hà bị xoá sổ, dân làm nô mà không sao
cả, còn đỗ trạng, đi sứ, tất cả chứng tỏ một vài họ Mạc đã có quyền lực riêng
biệt trên một vùng đồng ruộng, sông nước làm kiêng nể các chính quyền ở Thăng
Long. Cũng có thể với thế lực địa phương khó khu trừ đó mà Trần Quốc Tuấn bao
dung, đưa thêm một cánh tay an toàn cho họ Mạc, với dụng ý lấy vây cánh trong âm
mưu chống đối dòng làm vua để trả thù nhà theo lời dặn của cha.
".

(chú thích:

[1]Li Tana, “A View from the Sea: Perspectives on the
Northern and Central Vietnamese Coast”, Journal of Southeast Asian Studies
37 (1), Feb. 2006, 100-101. Tác giả viết tên làng theo lối phiên âm mới,
không có chữ Hán kèm theo nên không chuyển sang chữ Hán Việt thông thường được.
Nhân tiện xin cảm ơn anh Lê Quỳnh BBC đã gửi tặng tài liệu.
[2]P. Hattaway, Operation China, Piquant,
California 2000, 169, 232.
[3]Viện Dân tộc học, Các dân tộc ít người ở Việt Nam
(Các tỉnh phía Bắc),
Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội 1978, 388, 389.
[4]Nguyễn Duy Hinh (Văn minh Đại Việt, Nxb. Văn
hoá Thông tin & Viện Văn hoá Hà Nội 2005, 148) dẫn Đông A liệt thánh tiểu
lục
lưu giữ ở thôn Cổ Xá xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, Thái Bình và ở các
nơi thờ Trần Quốc Tuấn. Tập nghiên cứu hơi dày (958 trang) so với thực tế cần
thiết, giá rút lại còn độ một phần tư thì tránh được cho tác giả khỏi mang tiếng
về bản quyền.
[5]Vũ Phương Đề, Công dư tiệp kí, Nxb. Văn học
2001, 209.
[6]x. 1.
[7]x. 2. Có lẽ tác giả ngụ ý nói tới “Việt tộc tam đảo”
– còn gọi chính thức là Kinh tộc (the Jings) – có khoảng hơn 15.000 người, tụ cư
sinh sống trong ba hòn đảo nhỏ là Vạn Vĩ (Wanwei), Ô Ðầu (Wutou) và Sơn Tâm
(Shanxin), huyện Phòng Thành, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. BT
[8]Thơ văn Lí Trần, II, tập thượng, Nxb. Khoa
học xã hội, 1989, 801-802.
[9]Nhiều tác giả, Nam Ông mộng lục và những truyện
khác,
Nxb. Văn học 2001, 16.
[10]Các chứng dẫn khác đều lấy của Toàn thư, Đại
Việt sử lược.
)

Ông Tạ viết thế thì phần đông con cháu Mạc chẳng biết sắp xếp trục thời gian thế nào để hiểu rõ được. Ông hình như trêu cả đám vương thân quốc thích nhà Mạc dạt sang Tứ Thành rồi !

Tuy nhiên, tư liệu về Mạc Kính Thự mà ông Tạ sử dụng là qua cô Li Tana. Bây giờ, chỉ còn cách hỏi Li Tana, để đối chiếu, thì mới ra vấn đề.

Tin từ Mạctộc.com : Bài và ảnh của bác Mạc Văn Trang

Lời dẫn: Tin này đã lên trang Mạctộc ngay buổi chiều ngày 24/11. Bài và ảnh là của chủ biên trang mạng đó, bác Mạc Văn Trang (bác Trang là bố vợ của Philippe Papin. Trong loạt ảnh, có một chiếc chụp cảnh bác Trang tặng sách của con rể viết bằng tiếng Pháp và con gái ông dịch sang tiếng Việt cho bác Nhật, là cuốn Lịch sử Hà Nội).

Để lùi thời gian lại 2 ngày, bây giờ mới copy bài về blog này, lưu làm tư liệu.

Vì bản đi trên Mạctộc.com có vẻ không tốt lắm về mĩ thuật và kĩ thuật, nên tôi chỉnh lại phần kĩ thuật trình bày một chút. Nội dung thì nguyên xi.

HỌP MẶT MỪNG GS PHAN ĐĂNG NHẬT 80 TUỔI

Trưa ngày 24/11/2011 tại tầng 17 nhà hàng Ngọc Mai Vàng, số 44 phố Lê Ngọc Hân (Hà Nội), đã diễn ra buổi họp mặt thân mật mừng SINH NHẬT LẦN THỨ 80 GS TSKH PHAN ĐĂNG NHẬT, Chủ tịch Hội đồng Mạc tộc VN.

Sự kiện này được phối hợp đồng tổ chức bởi gia đình GS, Trung tâm bảo trợ văn hóa kỹ thuật truyền thống và Thường trực HĐMTVN.

Đông đảo người thân trong gia đình, bạn bè, các đồng nghiệp, học trò và một số anh chị em đại diện Mạc tộc đã đến Chúc thọ GS và dự bữa tiệc vui vẻ thân tình. Có hoa, có rượu tất phải có thơ, câu đối và những lời chúc mừng thắm thiết tình thân ái. GS đã có lời đáp từ rất súc tích, cảm ơn mọi người và nói về sự nghiệp, tình yêu, cuộc sống và tâm nguyện đóng góp cho dòng tộc trong những năm tiếp tục của cuộc đời.

Rất tiếc chưa có được bài phát biểu của GS để đưa lên.

Thầy Khoa Năng Trình, đại diện Hội Đồng Mạc Tộc Hải Phòng chúc mừng

 

Ông Mạc Văn Trang, Phó Chủ tịch HĐMTVN đại diện HĐMT chúc mừng

 

Ông Thái Khắc Việt giới thiệu đôi nét về GS Phan Đăng Nhật

 

GS Phạn Đăng Nhật phát biểu cám ơn

 

Kính chúc cụ thượng thọ

Bát thập thọ – khang – phúc Thiên ban

Chức phẩm uyên thâm giữa nhân gian,

Chẳng màng danh lợi, ngời chữ Đức

Như Nhật – Nguyệt quang, thọ thanh nhàn

24/11/2011

Khoa Năng Trình

(Pháp danh Thích Tự Quang)

 

Mừng bác Phan Đăng Nhật

Bác tám mươi mà ngở … sáu mươi
Chân nhanh, mắt sáng, miệng tươi cười
Lo toan việc họ lòng đau đáu
Mạc tộc đoàn viên góp mệnh trời !


24/11/2011

HOÀNG GIA CƯƠNG (HÀ NỘI)

 

LỜI CHÚC MỪNG CỦA HĐMT NINH BÌNH

Chúng tôi rất tiếc không biết được sinh nhật giáo sư Phan Đăng Nhât. Qua mactoc.com mới hay tin đó. Chúng tôi thực sự vui mừng chúc mừng cụ mạnh khỏe sống lâu, luôn là cây đại thụ của gia đình, anh em và họ Mạc ta. Ở tuổi cụ mà hết lòng với họ tộc thật là một tấm gương vô cùng trong sáng cho mọi người noi theo. Thay mặt cho hơn 30 chi họ Mạc và Gốc Mạc ở Ninh bình một lần nữa chân thành kính chúc cụ ngày một khỏe mạnh, cường tráng, minh mẫn sống cùng con cháu và dòng tộc chúng ta.

Nhờ Mactoc.com chuyển lời chúc mừng của chúng tôi tới cụ và gia đình .
Phạm Xuân Liêu CT HĐMT Ninh bình

Nhân xem lại bia Mạc nhớ cụ Dương Quảng Châu (tiểu đồng của cụ Nguyễn Hải Thần)

Lời dẫn: Về đến Hà Nội cái là phải tạm bắt tay vào việc chỉnh lí cái bài đã cho đăng lần đầu trong tập kỉ yếu nháp của Hội thảo nhà Mạc hôm trước (có thể xem lại ở đây).

Nhân đó, đọc lướt bài dưới đây của nhóm bác Hoàng Lê — bác cũng là con cháu của cụ Mạc Đăng Dung, và là một nhân vật chủ chốt trong việc xây dựng Mạc gia thế phả.

Bận quá, chẳng nói được thêm gì. Chỉ suýt phì cười vì thấy bác Lê ghi trong bài về một người thầy của tôi là "cố giáo sư Dương Quảng Châu".

Xin thưa lại với bác, là cụ Dương Quảng Châu chưa bao giờ là giáo sư đâu ạ. Xin hãy đừng nhầm cụ Dương Quảng Châu với cụ Dương Quảng Hàm !

Cụ Châu là một người trí thức Hoa – Việt sống một đời sống của người nông dân ở quê lúa Thái Bình. Cụ là một lão nông tri điền người Việt gốc Hoa (nhất định không chịu về Trung Quốc trong thời gian các năm 1978-1979). Thưở nhỏ, cụ vốn là người giao liên cho cụ Nguyễn Hải Thần thời kì các cụ này hoạt động ở Trung Quốc. Vì vậy,  tôi hay gọi đùa cụ là "tiểu đồng của cụ Nguyễn Hải Thần".

Nếu có thể, thì xin gọi cụ là "Giáo sư ở ngoài đồng" (đối lập với "Giáo sư ở trên giảng đường") như có lần bác Trần Lê Sáng đã về Thái Bình và gọi cụ như vậy (đây là kể lại theo lời kể của cụ Châu).

PHÁT HIỆN THÊM BỐN BIA THỜI MẠC

BÙI ĐĂNG UYỂN – HOÀNG LÊ

Hà Nội

Chúng ta đều biết văn khắc Hán Nôm trên đá, trên đồng, trên gỗ… đều là nguồn tư liệu có giá trị liệu đích thực nên trong mấy thập kỷ của thế kỷ XX này, các nhà nghiên cứu đã chú ý khai thác, sưu tầm và cho ra mắt bạn đọc Văn bia Hà Nội (Tuyển tập), Văn bia Hà Tây, Văn bia xứ Lạng, Bia Văn miếu Hà Nội hoặc theo niên đại như Văn bia Lý Trần, Văn bia thời Mạc, hoặc tổng hợp như Văn khắc Hán Nôm Việt Nam… Tất cả đều có những đóng góp bổ ích cho nhiều lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Riêng Văn bia thời Mạc Nxb Khoa học Xã hội 1996 do PTS Đinh Khắc Thuân sưu tầm, khảo cứu và dịch chú khá công phu và đối một vương triều tuy ngắn so với lịch sử, chỉ hơn một thế kỷ(1) nhưng không kém quan trọng trong lịch trình của các triều đại phong kiến Việt Nam mà đã công bố được 148 bia đâu phải là ít. Và Đinh Khắc Thuân cũng còn muốn bổ sung thêm một số văn bia khác hiện còn ở các địa phương. Gần đây, chúng tôi có phát hiện thêm ở Thái Bình, trong một cụm di tích chùa Đại Bi do bà Thái hậu Nguyễn Thị Thuận, vợ vua Trần Nhân Tông xây dựng cách đây 700 năm, có 8 tấm bia, trong đó có 4 bia thời Mạc (chủ yếu là bia có niên hiệu Sùng Khang 9 (1575), Hưng Trị 1 (1588), Hưng Trị 2 (1589) và Hồng Minh 2 (1592) thuộc triều đại Mạc Mâu Hợp) xin được giới thiệu cùng bạn đọc. Dưới đây là bản dịch của cố giáo sư Dương Quảng Châu. Xin lược phần phiên âm cho khỏi dài:

1. Bia Tôn tạo Đại Bi tự: Tạo năm Sùng Khang 9 (1575) do Tiến sĩ Cập Đệ khoa Bính Thìn niên hiệu Quang Bảo (1557) Binh bộ Triều liệt đại phu trong phủ Ứng Vương, quê xã Đoan Lâm, Bình Giang, Hải Dương là Đỗ Uông soạn văn bia. Môn đệ là Bảng nhãn Lều Quang Bật viết chữ để khắc bia.

Nội dung: Thôn An Lạc, huyện Thần Khê có chùa Đại Bi thực đáng là danh lam thắng cảnh thứ nhất của phủ Tân Hưng. Trước đây chùa vớt được một chiếc chuông đồng nổi lên ở sông, có khắc chữ là chuông của bà Hoàng thái hậu thời vua Trần Nhân Tông đúc (1279-1293). Chuông đánh tiếng âm vang, xa rộng, hiện nay vẫn còn (thời gian soạn bia). Năm Sùng Khang thứ 7 (1573) mùa xuân năm Giáp Tuất xây gác chuông lại đào được bia đá thời Trần. Cũng luôn năm ấy, đầu xuân lại tô và đúc tượng, làm nhang án, mở hội lớn. Học trò tôi là người làng đã ghi lại sự việc sau đây. Miền Nam nước ta các danh lam thắng cảnh so ra đâu cũng không bằng chùa nơi đây về vẻ đẹp và sự linh dị. Bởi chuông nổi ở sông, đào được cả bia đá đó là do thần Phật tạo ra. Việc được chuông, được bia phải chăng Trời Đất đã làm ra đấy, thành cái hay, cái đẹp của quốc gia đó sao? Chẳng phải là để ghi công đức đó sao? Vậy sao chỉ một chốn đất lành ở đây là luôn có điều lành, điều linh dị, linh ứng hiện lên, như vậy ở đây chẳng phải mở ra cho thấy trời đã sinh thành con người có nhân tâm cũng là thiện tâm đó sao? Vậy việc làm nhân đức yêu cầu không chỉ có bên ngoài mà yêu cầu bên trong tấc lòng cũng phải tốt đẹp. Ôi! Chùa đây mang tên Đại Bi thời chúng ta đều phải có từ bi làm tim gan, làm tai, làm mắt. Việc nhà Phật lấy từ bi làm nền, làm tốt đẹp thật là cao xa khó làm. Nhà Nho chúng tôi lấy từ ái làm nền móng, có thể thiết thực gần xa dễ hiểu, xin dốc hết lòng ra làm. Bầy tôi trước hết, anh nhường em, kính cha, con hiếu thảo, chồng vợ ân ái thuận hòa, bằng hữu tin cậy hòa hợp, đó chẳng phải là tháng ngày vằng vặc trăng sao như mọi lý lẽ luân lưu đó sao? Lý lẽ làm đúng làm tốt chẳng gì to lớn đó là vui đạo và mến đức. Giúp đỡ người nghèo khổ, chu cấp cưu mang kẻ thiếu thốn về mọi phương diện, đó chẳng phải là một điều chủ chốt của mọi người nhân đức đó sao? Ngoài lẽ trên, mọi việc làm tốt đẹp khác cũng nằm trong quy củ của phúc đức, còn như không muốn làm mà muốn được phúc đức báo đền, đó là việc làm không thể có. Tôi chưa từng nghe, nhìn thấy mà chỉ có làm tốt, làm lành mới là phương pháp, mới có nền nhân cõi phúc đến và không bao giờ hết. Còn cả trăm phúc ngàn nhân muôn lộc đến với con cháu mãi mãi bền lâu và ngày càng đầy đủ.

Nhà Nho, người theo đạo Phật là người quân tử, ai cũng coi việc làm từ thiện là việc lớn, bởi đó là học thuyết từ bi của Phật và từ ái của Nho giáo. Bia ghi, chuông khắc để lại là cốt để nhắc nhở con người luôn nghĩ đến đó mà cảm ứng, mà chiêm nghiệm mọi mặt. Bởi không có bia, có chuông cảnh báo, thời con người đâu có tự nhiên mà cảm ứng được đạo lý từ bi, bác ái ở đời. Nếu như có cảm ứng và chiêm nghiệm là đã mở lòng từ bi muôn thuở ở lòng người, mở ra biết bao điều hay, cái đẹp muôn thuở ở Nam bang nước ta.

– Tây quân phủ vệ ưng dương triều sở Võ đô uý Mĩ Bá Nguyễn Duy Hoàng.

– Phùng nhật ty Thuy Khê Bá Nguyễn Ngọc Châu. Mai Lâm Bá Nguyễn Diệu. Duy Trung Xã Trưởng Nguyễn Sĩ Liêu…

– Thôn trường Nguyễn Ngọc Tuân, Nguyễn Thế Nghi, Nguyễn Thế Giao, Nguyễn Triều, Đông vệ phẩm Lâm bá Nguyễn Đắc, Mai Giang bá, Nguyễn Hữu Thi cùng mọi tín thí chủ cúng tiền tạo bia.

2. Bia Đại tự đại bi. Tạo năm Hưng Trị 1 (1588)

Do Nguyễn Sơn ở xã Tây Am, Vĩnh Bảo soạn:

Nội dung: Xã An Lạc, huyện Thần Khê làm nhân tu đức, các vãi sai làm việc thiện, tạo mới sửa sang lại tượng cũ ở chùa, ghi lại bia sau đây: Bản xã đây vị Hội chủ cùng các sãi vãi làm việc thiện nên trước đây dưới triều vua Mạc – Đoan Thái thứ 2 (1586) ngày 27 tháng 2 đã hưng công tạo mới tượng Phật 16 pho và trùng tu tượng cũ 6 pho. Sang năm Đinh Hợi, ngày 15 tháng Giáp Trung (tháng 2 âm lịch) đã sơn son thếp vàng, ánh hào quang tỏa chiếu. Công việc hoàn thành, ngày 15 mở hội mừng công hoàn tất, cùng năm ấy ngày 15 tháng 8 mua đá làm bia, khắc chữ ghi công.

Hội chủ xã đây và các sãi vãi công đức họ tên liệt kê sau: Nguyễn Đình Quý tự Huệ Phúc, Nguyễn Chiêu tự Phúc Điền, Trần Công Trí tự Huyền Phát, Nguyễn Duy An tự Phúc Đạo, Trần Công Triều tự Phúc Quảng.

3. Bia Tân tạo các bi. Tạo năm Hưng Trị thứ 2 (1589).

Do Giám sinh Quốc tử giám Minh Luân đường Nguyễn Duy Thuận soạn, Nguyễn Bá Sơn ở Tây Am, Vĩnh Bảo khắc.

Nội dung: Xã An Lạc, huyện Thần Khê có chùa Đại Bi cổ kính, thuở xưa vớt được chuông đồng, do đó mà có tên là chùa Chuông.

Chùa ở phía Đông có gác cao, được liệt vào danh lam thứ nhất của trời Nam. Do đó các nhà tu hành quyên góp tiền bạc để xây dựng nên. Xét ra chùa đây không là di tích như Linh Sơn Quy Tàng (cổ tích thời Hạ Ân, Trung Quốc) thế nhưng đây là chốn đất đai phúc khánh lâu dài. Bởi lẽ phá đi rồi lại xây lại, bĩ cực rồi thái lai, càng dúi xuống dập đi rồi sau lại dấy lên, đó là cơ hội tốt bởi non sông vẫn như cũ, nhưng vũ trụ có đổi mới đúng là trở lại cổ xưa.

Hiện xã đây các sãi vãi, các nhà thiện tâm đầu năm đã dốc lòng dốc sức giúp cho việc lớn, làm thành từ không ra sắc, từ vô thành hữu. Từ chỗ gác chuông, do người mà đẹp thêm, quy mô thêm, ngày càng mở ra quy củ, chế độ lễ bái ngày càng bày đặt cao rộng hơn xưa. Cũng từ chỗ có gác mà chuông cũng điểm xuyết hơn lên, mỗi lần đánh chuông là tinh thần càng thêm phấn chấn. Đúng là trên cao tỏa ra ánh sáng lâu dài, đồ sộ đứng giữa trời, có gác chuông mới ở tại chùa xưa. Từ đó không chỉ sớm chiều lễ cầu phật thánh đông vui mà cũng lại đưa về lạc phúc cho nhân quần thế thái. Do vậy các sãi vãi, quý vị bảo tôi khắc chữ để lưu truyền được lâu dài. Tôi nay lấy tên chùa Đại Bi, lấy nghĩa chữ Đại Bi là quảng đại từ bi mà nói rằng: Nhà Phật lấy từ bi làm nhân nghĩa, vậy trong chữ nghĩa nhân là có lợi, bởi có nghĩa thời yên việc triều chính, nhà vua cũng yên ổn ở chỗ có nhân nghĩa. Triều thần an thân cũng do có nhân nghĩa. Làm cha mẹ được yên ổn không chỉ có con hiếu, mà có con hiếu chính do đã làm việc nghĩa. Anh em hòa thuận, vợ con tớ thầy yên ổn vui tươi, con cháu yên ổn, đâu phải bản thân ai cũng làm được mà phải có cội phúc nền nhân, tự xóm tự xã xưa để lại mới có. Do vậy muốn thân an phải có đức, không chỉ có bản thân mà phải muôn ngàn cháu con, toàn thể dân chúng cùng làm việc phúc đức, làm nhân nghĩa thì mới đạt được. Do vậy việc phúc đức nhân nghĩa không gì to lớn là ở đấy. Tuy làm việc phúc đức nhân nghĩa là mong muốn không nhìn được kết quả ngay đâu, giả như cầu lễ ở cửa Phật mà được phúc ứng bù đắp lại lợi ích ngay là không ai thấy. Chính bản thân tôi cũng chưa nghe thấy, thế nhưng phúc đức nhân nghĩa tích luỹ qua âm công, nhất định sẽ có dương báo mới mẻ sau này. Mong rằng quý vị cứ tin lời nói của tôi đây. Việc làm phúc đức nhân nghĩa là sau sẽ được báo rằng phúc đức nhân nghĩa. Vậy nên tôn không thể không viết lời minh rằng:

Thắng cảnh đổi mới

Bền vàng là lửa

Thiên lý nhân tâm

Chẳng sai gang tấc

Cổ tích Đại Bi

Gác chuông nay dựng

Hóa Phật sẽ đến

Bởi tại cửa trời

Ở miệng là Thiền

Hoa kình gieo ngọc

Làm lành được phúc

Đóng mở theo luật

Tín chúng: Nguyễn Bệ tự Phúc Hải tiến cúng 1quan, Nguyễn Chiêm tự Phúc Điền tiến cúng 1quan, Nguyễn Thế Nghi tiến cúng phiến đá.

Hội chủ: Nguyễn Bích hiệu Đức Tùng cúng 9,5quan, Trần Tiềm tự Phúc Thượng cúng 4 quan, 1 công, Nguyễn Sơn Bá huyền sĩ Nguyễn Thiện 9 quan…

4. Bia Tân tạo thiết kình đăng. Tạo năm Hồng Ninh thứ 2 (1592).

Do Giám sinh Quốc tử giám khoa Bính Tý Nguyễn Duy Thuân soạn, Nguyễn Bá Sơn ở Tây Am, Vĩnh Lại (Vĩnh Bảo) khắc bia:

Nội dung: Xã An Lạc, huyện Thần Khê(2), phủ Tân Hưng có ngôi chùa cổ Đại Bi, thời xưa nhân dân vớt được một quả chuông ở sông. Nhân đó chùa có tên là chùa Chuông. Cảnh chùa là danh lam số một cõi trời Nam. Ôi, chỉ là một vật như quả chuông đâu có liên quan đến chùa thế mà đã góp vào trong trời đất, công đức chưa ghi lại hết. Vậy đây thật là một công trình lớn. Từ đó các sãi vãi trong xã long thành đã bỏ ra đóng góp hoàn tất việc công đức lớn. Đầu xuân năm qua làm xong cây đèn sắt bệ đá, đức lớn đó nay để ở cửa chùa. Mùa đông làm xong bệ cửa chùa cũng sắt đá mà trước đây chỉ là đèn bộ gỗ mà thôi. Do thành tâm thành ý dốc sức vào mà chỉ qua một mùa đông nay là đèn sắt bệ đá. Bệ gỗ thành bệ sắt, đá có hoa đẹp bốn mùa tạo hóa. Đúng là đèn tỏ bệ hoa đẹp, như đồ sứ, như của báu. Đúng là đèn trăm năm tỏa sáng, tượng Phật vàng son huy hoàng, bệ hoa sáng loáng, sớm tối ở bên lâu đài rực rỡ thơm tho. Mong rằng trước sau những ngày đơn lệ hương thơm đầy dưới trên đầu mọi lớp sãi vãi cúng chùa An Lạc. Tôi đây soi ngắm thời gian qua lại, thời đèn sắt bệ đá hoa mang tên sắt thép, đó là lấy ý nghĩa ngũ hành kim loại đi đầu và cũng là chùa vốn mang tên chùa Đại Bi nên cũng có mở rộng long lành. Vậy từ bi là làm việc nhân nghĩa. Từ bi còn là vàng, là mùa thu, cũng có thể là từ ái của đạo Nho. Vậy lấy từ bi, từ ái là việc nhân nghĩa thời vua Nhân, bề tôi có nhân nghĩa, cho có chon hiếu kính, anh có em cung kính, chồng xướng là vợ tuỳ, suy đó ra cũng là những việc rất đúng đắn trong nhật dụng mà người ta thường làm vậy. Việc làm phúc lớn nhất không chỉ có vậy mà còn là muôn thuở con cháu cũng được hưởng phúc lành. Đổi lại, nói cầu phúc cầu lợi ở trong cõi mờ tối mà thấy ngay phúc lợi đưa lại. Chính tôi cũng chưa từng nghe thấy thế. Nhưng làm phúc, tích phúc đó là âm công thời ắt có dương báo, có lành vì đó là hình luôn bắt bóng, chẳng bỏ hình ta cầu tin không phải đó là lời bói toán đồng cốt. Các sãi vãi nghe tôi nói khắc vào đá để sáng tỏ mãi mải ở đời, là vàng là lửa, rõ việc tốt lành, một cây đèn sắt, muôn lớp vàng pha, đôi vầng nhật nguyệt bao thuở yên hàn, kìa nung là thép, thép huyện là hoa. Công ấy, đức ấy, trời đất không xa, từ sinh muôn quả, tích thiểu thành đa.

Hội chủ: Khâm sai Ngự doanh phó tướng kiêm Đông đạo mọi việc Binh bị quân vụ trực tiếp làm Đô đốc trưởng phủ đạo Bắc quân tướng Dũng Nghĩa công cúng tiền đồng 10 quan. Nguyễn Bệ tự Phúc Hải hàm Trung hiệu uý, Nguyễn Bổng tự Phúc Tiến quê xã Đặng Xá huyện Gia Lâm, tỉnh Hải Dương chức Đồng Tri phủ, tước Hùng thắng Bá cúng 1 quan, Đỗ Thiển cúng 1 quan, Trà Sơn Bá Huyền Sĩ Nguyễn Thiệu Trần tự Phúc Thượng, Trần Công Triều tự Phúc Quả…

Xã trưởng Bùi Đoàn tự Phúc Đa, Nguyễn Thị Hoan, Nguyễn Thị Lõi, Phạm Doanh tự Hỏa Sơn. Xã Trưởng Nguyễn Vịnh Bang, Nguyễn Duy Linh, Quan viên Nguyễn Sinh, Châu Thị Khê bái tiến cúng công đức.

Chú thích:

1. Vương triều Mạc với 10 đời vua (1527-1677). Năm đời vua đóng đô ở Thăng Long và năm đời vua sau đóng đô ở Cao Bằng. Tổng cộng 150 năm tồn tại.

2. Huyện Thần Khê: Thuộc phủ Tiên Hưng, trước thuộc trấn Sơn Nam, sau thuộc tỉnh Nam Định. Năm 1890 thuộc tỉnh Thái Bình. Sau đổi là huyện Hưng Hà, rồi Hưng Hà hợp nhất với Đông Quan thành Đông Hưng.

– Phủ Tân Hưng: Thời Lê thuộc trấn Sơn Nam, nhà Mạc đổi thuộc trấn Hải Dương. Thời Lê trung hưng trả lại cho trấn Sơn Nam. Đời Lê Kính Tông đổi lại là phủ Tiêu Hưng gồm các huyện Thần Khê, Hưng Nhân, Duyên Hà thuộc tỉnh Thái Bình.

 

Nguồn:

Thông báo Hán Nôm học 1998 (tr.461-469)

 

Thông tin về hội thảo nhà Mạc trên báo chí

Chuẩn bị lên đường đi công tác, nên chỉ kíp ngó qua mấy cái tin đại loại như dưới đây

1 – Thông tấn xã Việt Nam (không có một cái ảnh nào)

Làm rõ hơn vai trò Vương triều Mạc trong lịch sử

21/09/2010 | 18:06:00
 

Ngày 21/9, Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa-Thành cổ Hà Nội và Hội Sử học Hà Nội phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học ''Vương triều Mạc trong lịch sử Việt Nam (1527-1592).''

Với gần 50 ý kiến, tham luận, hội thảo tập trung làm rõ hơn những đóng góp của nhà Mạc trong lịch sử Việt Nam trên các phương diện văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, đào tạo và sử dụng nhân tài, phát triển kinh tế nông nghiệp, công thương nghiệp, quân sự và nhất là trong việc xây dựng quốc đô Thăng Long từ 1527-1592.

Một số tham luận đưa ra những lý giải về chính sách ngoại giao, nguồn gốc nhà Mạc, tình trạng di tích thời Mạc, di duệ nhà Mạc sau năm 1592 (thời kỳ ở Cao Bằng). Đặc biệt còn có một số tham luận về kết quả nghiên cứu thám sát ở trung tâm Dương Kinh và các vùng phụ cận, làm sáng rõ về diện mạo Dương Kinh-kinh đô ven biển đầu tiên của Việt Nam.

Trong các bộ chính sử thời phong kiến của Việt Nam như Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử thông giám cương mục, cũng như quan niệm của các sử gia đương thời trước thập kỷ 70 của thế kỷ XX thường coi triều Mạc là nguỵ triều, nghịch thần. Nhưng từ năm 1980 trở đi, giới sử học Việt Nam đã có cái nhìn cởi mở hơn, đánh giá đúng hơn về triều Mạc.

Hội thảo năm 1994 tại Kiến Thụy (Hải Phòng), quê hương của nhà Mạc đã nêu rõ, nên bỏ thành kiến và định kiến với nhà Mạc và có cái nhìn công bằng hơn như các triều đại phong kiến khác trong tiến trình lịch sử. Nhà Mạc thay nhà Lê sơ là một hiện tượng tiến bộ trong lịch sử. Nhà Mạc có những đóng góp nhất định về văn hoá, tư tưởng và phần nào đó về kinh tế.

Theo tiến sý Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa-Thành cổ Hà Nội, trong các hội thảo khoa học về Hoàng Thành Thăng Long, từ khi phát lộ năm 2002 đến nay, nhiều nhà nghiên cứu đã quan tâm đến những đóng góp của nhà Mạc với kinh đô Thăng Long. Nhiều dấu ấn của nhà Mạc với Thăng Long được nghiên cứu và đang được công bố dưới dạng tư liệu nghiên cứu và di vật trong hệ thống trưng bày về những di vật thời Mạc để khẳng định các tầng văn hóa từ Đại La-Lý-Trần-Lê sơ-Mạc-Lê-Trịnh-Nguyễn trong gần 13 thế kỷ phát triển liên tục của Thăng Long-Hà Nội./.

Hồng Hạnh (TTXVN/Vietnam+)

2 – Sài Gòn giải phóng (cũng không có cái ảnh nào)

Nhìn lại vai trò Vương triều Mạc trong lịch sử

Thứ tư, 22/09/2010, 02:04 (GMT+7)

 

(SGGP).- Ngày 21-9, tại Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn di tích Cổ Loa – Thành cổ và Hội Sử học Hà Nội đã tổ chức hội thảo Vương triều Mạc (1527-1592) với sự tham gia của nhiều nhà sử học, nhà văn hóa có uy tín.

Các tham luận trong hội thảo tập trung vào chính sách ngoại giao của nhà Mạc với sách lược “thần phục giả vờ, độc lập thực sự”. Nhà Mạc cũng là triều đại có những bước tiến trong văn hóa, giáo dục, phát triển nông nghiệp và công thương nghiệp. Nhiều tham luận trong hội thảo đã đưa ra những phát hiện mới trong hệ thống các di tích thời kỳ này như văn bia, hệ thống thờ tự hay di chỉ khảo cổ.

Trong các bộ chính sử thời phong kiến của nước ta, cũng như quan niệm của các sử gia đương thời trước thập kỷ 70 của thế kỷ 20 thường coi triều Mạc là “ngụy triều”, “nghịch thần”. Nhưng từ năm 1980 trở đi, trong giới nghiên cứu lịch sử bắt đầu có những cái nhìn cởi mở hơn, đánh giá đúng đắn hơn về triều Mạc.

T. HÀ

3 –

Hội thảo về nhà Mạc trong lịch sử và với Thăng Long (ngày 21/9/2010)

Lời dẫn: Bây giờ, tôi đang ở Hà Nội, và chuẩn bị lên đường đến Hội thảo nói trên. 

Hội thảo sẽ diễn ra trong một buổi sáng nay, ngày 21/9/2010 (thứ Ba), bắt đầu từ 8h30 sáng, tại số 9 đường Hoàng Diệu, Hà Nội (trong khu vực Hoàng thành Thăng Long). 

Thông tin từ ban tổ chức cho biết: có hơn 50 bài tham luận. Hà hà, 50 bài chỉ trong một buổi sáng, thì rõ ràng không thể đem ra trình bày hết được, nên hình như chỉ có 7 bài được đọc tại chỗ, còn lại thì "mời coi bản thảo kỉ yếu". Thế đấy, hội thảo khoa học ở cái xứ An Nam này, vẫn thế, chỉ hình thức làm sang vậy thôi, không có thực chất !

Tôi tham gia hội thảo và có tham luận (trích đăng tóm tắt ở dưới đây) thì không hề kì vọng về tính khoa học của các hội thảo đại loại như thế này, mà chủ yếu là vì nghĩa vụ (nghe các bác các chú trong họ đồn thổi 8 vạn cây số rằng hình như bà xã tôi là "hàng công chúa nhà Mạc", đại khái là chắt chút chụt chịt của cái bà Mạc Ngọc Lâm hiện còn thấy tượng bằng đá ở trong chùa Phổ Minh tại Nam Định, hu hu hu !).  

Tôi đang có trong tay bài của bác  K (độ này bác xuất hiện trên ti vi đều đều, với danh xưng mà các anh lớn trịnh trọng phát biểu là "anh hùng lao động" và "giáo sư hàng đầu của Việt Nam"). Một bài viết đọc lên kêu như chuông đồng Qui Điền, đẹp như một dải lụa, hùng tráng như một bài ca cách mạng, nhưng nói thật, là tôi nói với tôi: cái bài này nó như cái thùng không có gì ở bên trong, rỗng, chỉ thấy không khí !

Còn dưới đây là tóm tắt bài của tôi. Sau hội thảo, tôi sẽ chỉnh sửa và dự kiến công bố trên tạp chí chuyên ngành trước (sẽ dẫn link trên blog sau đó). Một bài viết vội (gồm 30 trang đánh máy), chẳng biết có đáng đọc hay không nữa. 

Toan tính và số phận của các vị vua sau năm 1677 : Mấy ghi chú bước đầu về niên đại, và về thời điểm kết thúc của triều Mạc ở Cao Bằng, qua tham khảo kết quả nghiên cứu của các nhà sử học Trung Quốc

 

                        Giao

(Viện Khoa học xã hội Việt Nam )

 

 

 

Tóm tắt: Cho đến nay, về cơ bản, giới sử học Việt Nam đều thống nhất rằng, Mạc với tư cách là một vương triều thực sự chỉ tồn tại chính thức 65 năm từ năm 1527 đến năm 1593 (trải 5 đời vua, tính từ khi Mạc Đăng Dung lên ngôi đến khi Mạc Mậu Hợp bị quân Lê Trịnh bắt sống), và sau đó, thì tồn tại thêm 85 năm với tính chất là một lực lượng cát cứ từ năm 1593 đến năm 1677 (trải qua 5 đời vua, tính từ khi Mạc Toàn được cha là Mạc Mậu Hợp cho kế ngôi đến khi Mạc Kính Vũ chạy sang Trung Quốc sau khi Cao Bằng bị thất thủ)[i]. Ở bài viết này, qua tham khảo kết quả nghiên cứu của phía Trung Quốc, như sẽ trình bày dưới đây, chúng tôi đề xuất cách phân kì đối với Mạc bằng 3 khoảng thời gian và số vua Mạc tương xứng như sau: 1- Vương triều Mạc ở Thăng Long – Dương Kinh (1527-1593, gồm 7 vị vua), 2 – Vương triều Mạc ở Cao Bằng (1593 -1683, gồm 5 vị vua), 3 – Thế lực Mạc hậu Cao Bằng (chính xác hơn là thế lực mang danh vương triều Mạc sau năm 1683 vẫn tồn tại cho đến nửa cuối thế kỉ 18)[ii]. Nội dung chính của bài là bàn về những toan tính và số phận của 2 vị vua Mạc cuối cùng (vua đời thứ 11 và 12) hầu như chưa được nhắc đến (hoặc nhắc đến nhưng lại nhầm lẫn) trong nghiên cứu sử học Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại: Mạc Nguyên Thanh (được xem là có niên hiệu là Vĩnh Xương),Mạc Kính Quang.


Chú thích

 

[i] Tuy còn thấy những chỗ dị biệt trong tiểu tiết, nhưng có thể thấy quan điểm tương đối thống nhất này trong các nghiên cứu sau: Trần Trọng Kim 1920 (lần xuất bản đầu tiên), Vụ Bảo tồn Bảo tàng 1970, Viện Sử học 1996, Lê Thành Lân 1997, Đinh Khắc Thuân 2001.

 

[ii] Một chuyên gia về lịch sử Mạc và lịch sử quan hệ Trung Việt của Trung Quốc là Ngưu Quân Khải (sẽ trình bày cụ thể hơn ở dưới đây) đưa ra 3 thuật ngữ sau: 1 – Mạc triều (莫朝) tức “Triều Mạc”; 2 – Mạc thị Cao Bằng chính quyền (莫氏高平政) tức “Chính quyền của họ Mạc ở Cao Bằng”; 3 – Hậu Cao Bằng Mạc thị thế lực (后高平期莫氏) tức “Thế lực họ Mạc thời kì sau Cao Bằng (xem Ngưu Quân Khải 2000). Cách chia 3 thời kì tồn tại của Mạc bằng 3 thuật ngữ trên, và những diễn giải liên quan đến 3 thời kì của Ngưu đã gợi ý cho chúng tôi đưa ra 3 thuật ngữ vừa đề xuất.

Sở dĩ chúng tôi tán thành cách chia thời kì của Ngưu là vì “Cao Bằng” được ông xem là một chìa khóa quan trọng đối với việc nghiên cứu Mạc. Như sẽ trình bày ở dưới đây, có nhiều giáo sĩ phương Tây đến Đàng Ngoài vào các thập niên 1620-1630 khi viết báo cáo (viết ngay lúc đó để gửi về Roma) đã gọi người đứng đầu chính quyền của Mạc ở Cao Bằng là “chúa Cao Bằng” (“chúa Canh/ciucanghe”) hay “vua Cao Bằng” (xem Chu Xuân Giao chủ biên 2010 : 110).

Tuy nhiên, khi đối sánh với cách phân kì đối với Mạc của Ngưu với của một số nhà nghiên cứu Việt Nam (tiêu biểu là Lê Thành Lân với hai thuật ngữ “vương triều chính thức” và “triều cùng thời” — sẽ trình bày kĩ hơn ở dưới), cộng với suy tính thêm của chúng tôi về vai trò quan trọng của Dương Kinh trong hệ thống địa bàn Thăng Long – Dương Kinh – Cao Bằng của Mạc, mà chúng tôi đã đưa ra 3 thuật ngữ mới: 1- Vương triều Mạc ở Thăng Long – Dương Kinh (1527-1593); 2 – Vương triều Mạc ở Cao Bằng (1593-1683); Thế lực Mạc hậu Cao Bằng (chính xác hơn là thế lực mang danh vương triều Mạc sau năm 1683).

Mạc Đăng Dung bắt chước các triều Lí – Trần ở nhiều điểm trong cơ cấu tổ chức quyền lực và hành chính. Việc xây dựng Dương Kinh (quê, nơi phát tích, hành cung và lăng tẩm) trong vị thế kết nối với Thăng Long (triều đình, kinh đô) của Mạc Đăng Dung cũng có thể xem như là một ví dụ (Lí xây dựng hành cung ở Đình Bảng, gọi là Bắc Kinh; Trần thì xây dựng Thiên Trường cung ở làng Tức Mặc, thuộc Nam Định ngày nay). Dương Kinh có thể là tên rút gọn của Hải Dương, tên của đạo thừa tuyên, nhưng cũng có thể là Nghi Dương, là tên huyện có làng Cổ Trai – nơi phát tích của Mạc, nay thuộc huyện Kiến Thụy thành phố Hải Phòng (Đinh Khắc Thuân 2001 : 170-173). Trong sử liệu thuộc thời Minh (Minh thực lục), Dương Kinh được gọi là Đô Trai. Vị trí chiến lược của nó được triều đình Minh nhìn nhận ra như sau: “Chỗ dựa của Phương Doanh (Mạc Đăng Doanh) là Đô Trai, vùng này gần biển, bùn lầy hơn 10 dặm, thuyền không ghé được. Kế hoạch của chúng nếu kinh thành không giữ được thì chạy đến Đô Trai, nếu Đô Trai không giữ được thì chạy ra biển”(xem Hồ Bạch Thảo 2009 : 426).

Nhờ tìm giúp tư liệu tiếng Trung : Tạp chí Đông Nam Á tung hoành năm 2004

Tôi đang cố gắng tìm tư liệu sau:

Tác giả : 袁运福 (Viên Vận Phúc)

Bài viết:  黎莫争与莫朝的”(“Bàn về chiến tranh Lê Mạc và sự diệt vong của triều Mạc”)

In trong Tạp chí sau: 亚纵 Đông Nam Á tung hoành》số 2004 2

 

Hiện nay, ở Việt Nam, tôi không có cách nào có được bản gốc của tư liệu này, mà lại rất đang cần gấp.

Bạn nào đang ở Trung Quốc hay Đài Loan, có số tạp chí này (hay có thể tìm ra nó một cách dễ dàng) hãy giúp tôi với ! Xin hậu tạ bạn nào giúp cho !

Trước đây, những năm 1995-1997, với tạp chí "Đông Nam Á tung hoành" tôi đọc qua con đường của Tạp chí Cộng sản, nhưng hiện nay người biên tập viên là bạn tôi ở Tạp chí ấy đã thuyên chuyển công tác.