Category Archives: Từ Hán Việt

Thánh Gióng hay Thánh Dóng, tức "Gióng" hay "Dóng" ? (3)

Kì 3: Quan điểm của chính phủ Việt Nam — dùng chữ "Gióng" ngay từ đầu ! 

Lưu ý khi đọc kì này: Công văn của Văn phòng Chính phủ (số 5299, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của bác Nguyễn Sinh Hùng) thấy ở trong bài báo này là một tư liệu gợi nhiều liên tưởng ! Còn chữ "Gióng" trong công văn ấy, xét ra, nhiều khả năng chính là xuất phát từ cơ quan của bác Nguyễn Chí Bền (người mà ở Kì 1 đã đi trên blog này, ở thời điểm khoảng giữa tháng 8/2009, cho rằng "Dóng" mới đúng) !

Thứ Tư, 12/08/2009, 09:33

Thánh 'Gióng' hay Thánh "Dóng'?

TP – Sau khi báo Tiền Phong đăng bài “Thánh Dóng bay sang Unesco”, chúng tôi nhận được nhiều thắc mắc của bạn đọc: Thánh Dóng và Thánh Gióng – cách viết nào là đúng?

Tranh dân gian về Thánh Gióng

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các nhà khoa học vẫn tranh luận vấn đề này từ nhiều năm nay và chưa đi đến thống nhất.

Quan điểm của nhà nghiên cứu Cao Huy Đỉnh trong những công trình nghiên cứu lễ hội Dóng của mình là dùng chữ Dóng. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Bền – Viện trưởng Viện Văn hóa – Nghệ thuật cũng cho rằng, Dóng cổ hơn Gióng.

Nhưng, các nhà khoa học khác lại cho rằng, dùng Gióng mới đúng. Đơn vị xây dựng hồ sơ lễ hội Dóng là Viện VHNT VN (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có nhiều buổi thảo luận với các nhà nghiên cứu văn hóa và thống nhất dùng từ Thánh Dóng, trước khi xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.

Công văn 5299 của VP Chính phủ

Mặc dù vậy, trong Công văn 5299 ban hành ngày 4/8/2009 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, lại dùng chữ Thánh Gióng.

Đ.T.T

Nguồn: http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=168707&ChannelID=7

Các kì liên quan đã đi trên blog này:

Kì 3: Quan điểm của chính phủ http://vn.myblog.yahoo.com/dzjao/article?mid=2791

Kì 2: Quan điểm của bác Nguyễn Xuân Kính http://vn.myblog.yahoo.com/dzjao/article?mid=2782

Kì 1: Quan điểm của bác Nguyễn Chí Bền http://vn.myblog.yahoo.com/dzjao/article?mid=2773

Thánh Gióng hay Thánh Dóng, tức "Gióng" hay "Dóng" ? (2)

Kì 2Quan điểm của bác Nguyễn Xuân Kính  

(để biết quan điểm của nhóm bác Nguyễn Chí Bền, ở thời điểm tháng 8 năm 2009, về cùng vấn đề, hãy xem lại Kì 1, ở đây: http://vn.myblog.yahoo.com/dzjao/article?mid=2773)

 

Tôi copy nguyên từ báo Tiền Phong online vào, một số lỗi đánh máy hay lỗi khác, cũng giữ nguyên xi; chỉ cắt cái ảnh của bác Nguyễn Xuân Kính từ giữa bài lên đầu, để dễ xem hơn. Thời điểm của bài phỏng vấn này, theo ngày tháng lên trang, cũng là tháng 8 năm 2009.

Từ đây trở xuống là trích dẫn.

Thứ Năm, 13/08/2009, 08:17

Dóng hay Gióng, chưa ngã ngũ

 

GS – TS Nguyễn Xuân Kính – Viện trưởng viện nghiên cứu Văn hóa

TP – Dóng hay Gióng là vấn đề khi Bộ Văn hóa Thể thao &Du lịch đề nghị và được Chính phủ chuẩn y trình lên UNESCO đưa Lễ hội Thánh Dóng (Gióng) vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Tiền Phong trao đổi với GS-TS Nguyễn Xuân Kính – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, về vấn đề này.

Minh họa Thánh Gióng bay về trời

Theo giáo sư thì Dóng hay Gióng?

Dóng hay Gióng không phải là vấn đề chính tả, mà là chuyện quan niệm. Hiện có hai quan niệm tồn tại song song.

Trước kia mọi người vẫn viết Gióng vì cho rằng cậu bé này nằm trên gióng- như cái nôi, sau lớn lên lại nhổ tre đánh giặc. Nhiều người trong đó có nhà nghiên cứu Bùi Văn Nguyên viết như thế.

GS Cao Huy Đỉnh (nổi tiếng với các công trình về người anh hùng làng Phù Đổng, đến nỗi có giai thoại khi ông xuất hiện ở đâu đó, có người gọi: “Thánh Dóng đến!”- PV) cho rằng Dóng là con ông Đổng (ông Đùng bà Đà), nên GS viết là Dóng. GS Đỉnh cho rằng đó là một phát hiện (với công trình Người anh hùng làng Dóng – 1969).

Trong giới khoa học, những người cẩn thận khi viết đều chú thích rõ: Có quan điểm viết Dóng, có quan điểm Gióng – theo Cao Huy Đỉnh hay Bùi Văn Nguyên…

Các nhà nghiên cứu như GS Trần Ngọc Ninh,  GS Ngô Đức Thịnh nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa cũng dùng Dóng. Vấn đề Dóng hay Gióng có từng được đặt ra một cách thấu đáo thưa giáo sư?

Nhiều rồi chứ. Nhưng nhiều vấn đề đặt ra không giải quyết được, vì nó khó.

Có những vấn đề nhà khoa học đã nghiên cứu và thống nhất nhưng người ta vẫn không sửa. Ví dụ bài thơ Nam quốc sơn hà trước vẫn đinh ninh của Lý Thường Kiệt nhưng gần đây qua các công trình nghiên cứu, người ta cho rằng không phải.

Sách giáo khoa cho học sinh phổ thông cách đây hai năm đã đề bài thơ Thần này khuyết danh. Nhưng rất  nhiều cuốn sách lịch sử văn hóa mới đây vẫn không cập nhật, vẫn ghi của Lý Thường Kiệt.

Chẳng hạn có người viết người dân tộc M’nông, có người viết Mơ nông. Riêng tôi mỗi khi viết, đều chú giải là có 4 – 5 cách viết: M’nông, M’Nông, Mnông, Mơ nông. Báo Nhân Dân, Từ điển tiếng Việt hay Tổng cục Thống kê cứ mỗi ông một phách.

Vậy ông chọn cách viết nào khi đề cập người anh hùng làng Phù Đổng?

Tôi luôn chú thích là có hai cách viết.

Nhưng ông vẫn phải chọn một để dùng, nếu phải dùng nhiều lần trong bài?

Khi phải trích dẫn nguyên văn thì tôi để nguyên cách viết của người đó, và chú thích là có cách viết khác.

Ví dụ khi trích dẫn công trình nghiên cứu Người anh hùng làng Dóng của Cao Huy Đỉnh thì tôi nói là có quan điểm viết Gióng. Trích dẫn Bùi Văn Nguyên thì tôi để nguyên cách ông Nguyên gọi Thánh Gióng, và chú thích là có cách viết Dóng.

Khi không trích dẫn thì tôi quen viết Dóng. Vì quan điểm của Cao Huy Đỉnh theo chúng tôi có sức thuyết phục. Dù vẫn có những người không đồng ý.

Về giải thích của từ điển rằng Dóng là tên nước nhỏ thời xưa ở Trung Quốc; Dóng na ná Dũng, Dóng còn là từ chỉ cây đa (14 nét), một biểu tượng của sức mạnh- khiến có bạn đọc cho rằng giả thiết Thánh Dóng có phần hợp lý, ông nghĩ sao?

Từ dũng chỉ có từ khi ta tiếp xúc với văn hóa Hán, ngày xưa làm gì có. Dóng theo tôi cũng không phải là cây đa.

Lại có ý kiến nghi ngờ, những người xây dựng hồ sơ trình UNESCO viết Dóng cho đơn giản hóa, dễ cho người nước ngoài đọc và cảm thụ hơn?

Tôi nghĩ không phải như vậy. Tên Trung Quốc hay Mông Cổ còn khó hơn nhiều.

Theo ông nếu chưa đạt được sự nhất trí ngay trong cách viết tên của người anh hùng huyền thoại  thì có nên vội vàng đệ trình hồ sơ lễ hội?

Tôi không dám bình luận. Viện (Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam- đơn vị xây dựng hồ sơ- PV) có thể tổ chức hội thảo về đề tài này để đi đến sự nhất trí tạm thời. Đã là vấn đề khoa học thì phải biểu quyết. Nhưng chờ nhất trí hoàn toàn thì sợ làm nhỡ việc.

Nhân tiện xin hỏi, ông nghĩ lễ hội Dóng (Gióng) đưa vào đề cử Danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại thì có đáng?

Nó đáng nếu được dựng với qui mô như ngày xưa- những năm 1937, 1938 như ông Nguyễn Văn Huyên ghi lại. Như học giả Đuymuchie (Dumoutier) đã phải viết: “Ở châu Âu cổ kính của chúng ta, thử hỏi dân tộc nào lại hãnh diện là còn được tiến hành kỷ niệm một sự kiện anh hùng trong lịch sử xảy ra từ 2.300 năm trước. Những người An Nam bình thường có vẻ rụt rè thế  mà khi vào lễ hội, họ trở thành những con người khác hẳn”.

Ngày xưa người ta làm lễ hội lớn và có niềm tin, còn ngày nay nhiều yếu tố thực dụng len vào, nào dự án; địa phương thì có hòm công đức, bãi gửi xe… Mất cả sự linh thiêng.

Việc đề cử cũng được, và nếu được thì cũng tốt. Riêng đề cử hầu bóng thì chưa nên. Hát xoan thì không bằng hội Dóng.

Cảm ơn ông.

Vi Khanh

Ý kiến bạn đọc

Một độc giả, Email: …nv@cb.sgu.edu.vn

Không ngờ đây lại là chuyện của các nhà làm khoa học

Mệt thật! Tôi sống ở TP.HCM, may mắn có quê ngoại là làng Gióng. Xin cứ về làng Gióng, xem cách gọi tên vị Thánh thân thuộc này của người làng mà theo là đúng nhất.

Người làng ít học, nhưng sống với lễ hội, làm đồng về ngồi dưới bóng cây đa trước cổng đền, xem rối nước ở Thủy đình từ thời chưa có… các Hội Thảo Khoa học.

Phải tôn trọng tên gọi dân gian! Hồ sơ nộp cho UNESCO, tên gì đối với qúy vị ngoại quốc cũng vậy thôi, quan trọng là giá trị văn hoá dân tộc Việt của hồ sơ đó.

Bạch Liên, Email: …2008@rocketmail.com

Ngày xưa làm gì có chữ quốc ngữ mà biết D hay Gi ?

Tôi thấy các bạn cứ bàn là Gióng hay Dóng mà không hiểu rằng các cụ ngày xưa có phân biệt D hay Gi đâu vì ngày xưa làm gì có chữ Quốc ngữ. Thật nực cười cho các vị PGS.TS cứ bàn về D hay Gi, chữ nào "cổ" hơn!!!! Thật kỳ quặc. Ngày xưa ông cha ta dùng chữ của người Hán, sau đó là chữ Nôm. Trong chữ có nghĩa. Giờ không phân tích chữ ấy, lại đi hỏi "D" hay là "Gi"???

Theo tôi, Gi, hay D thì đều như nhau cả thôi! không quan trọng!!! Quan trọng là trong bộ hồ sơ tự thống nhất cách gọi nào để không bị rơi vào trường hợp (mở bài là "Dóng", thân bài là "Gióng", kết luận là "Dóng") thôi.

Phạm Mạnh Hùng, Email: …thuc@yahoo.com.vn

"Dóng" thật nực cười

Không ngờ các nhà khoa học lại đưa chuyện chẻ chữ ra đây để bàn. Nếu là Dóng thì từ truớc đến nay mọi sách giáo khoa và các tài liệu đã công bố phải hiểu thế nào đây hỡi các nhà khoa học.

Theo tôi chữ Gióng bắt nguồn từ chữ Hán xưa, vậy cứ phiên âm chính xác ra chữ quốc ngữ sẽ đúng. Khi có loạt bài báo này tôi mới được biết tới nuớc ta còn có một ông "Thánh Dóng" còn từ truớc tới nay tôi chỉ đuợc học, đuợc nghe về một ông thánh Gióng mà thôi.

Đừng nghĩ là ta đưa thế nào UNESCO chấp nhận như thế mà được. Khoa học thì phải chính xác cứ không thể lập lờ được.

Lê Văn Thảnh, Email: …1810@yahoo.com

Thánh Gióng mới là đúng

Về 2 từ Thánh Gióng và Thánh Dóng. Theo tôi cách viết thứ nhất mới là đúng. Vì chữ "gióng" này nghĩa là 1 gióng tre. Còn trong từ điển không có chữ "dóng". Các nhà khoa học nói là chữ "dóng" cổ hơn chữ "gióng" nhưng thực ra không phải, mà đó phải là chữ "dọng", vì chữ "dọng" có nghĩa là phần ruột bên trong của một "gióng" tre.

Mà trước kia không nhẽ Thánh Gióng lại vác ruột tre đi đánh giặc? Như vậy Thánh Gióng mới là đúng. Chữ "Gióng" được sử dụng phổ biến nhất trên các văn bản giấy tờ.

Nguyễn Văn, Email: …vn@yahoo.com

Kính gửi Tòa soạn báo Tiền Phong online Từ trước tới giờ khi nói đến Phù Đổng Thiên Vương chúng ta sử dụng cụm từ "Thánh Gióng". Vậy mà tôi thầy trên mặt báo của quý tòa soạn ghi là Thánh Dóng 'bay' sang Unesco nên gửi mail phản hồi này. Quý tòa soạn hãy giải thích giúp tôi ta nên sử dụng cụm từ nào Thánh Gióng hay Thánh Dóng.

Thu- Hanoi, Email: …09@yahoo.com

 "Gióng" hHay "Dóng" ?

Theo ông Nguyễn Chí Bền phải gọi là Thánh "Dóng" chứ không phải Thánh Gióng, theo bài viết này chúng tôi không thấy lý giải tại sao thế là đúng, trong khi hàng triệu triệu người thế hệ chúng tôi và cả hiện nay được học từ sách giáo khoa là Thánh Gióng.

Đọc cả bài viết thấy chữ "Dóng" đập vào mắt rất khó chịu vì không hiểu vì sao lại dùng chữ đó, thiết nghĩ toà soạn khi đã chú giải theo ông Nguyễn Chí Bền nói như vậy thì cũng cần lý giải đến cùng cho sáng tỏ để bạn đọc chúng tôi không cảm thấy khó chịu. Xin cảm ơn.

DO HONG MINH, Email: dohongminh…@yahoo.com

Tôi nhớ từ khi học lớp vở lòng là tôi đã biết về Thánh Gióng, và sách vở cũng ghi rõ ràng là Thánh Gióng mà hôm nay đọc bài báo này tôi bất ngờ khi Thánh Gióng đã trở thành Thánh Dóng.  

Nguyễn Tuấn Sơn

Trước tiên, người viết xin tự giới thiệu là đã học phổ thông trung học (còn gọi là cấp III) từ những năm 70 của thế kỷ 20. Người viết hoàn toàn không có ý định phân biệt đúng sai giữa "Dóng" và "Gióng" mà chỉ đưa ra một số nhận sét như sau:

– Câu chuyện về cậu Gióng (như có người gọi là Dóng) là chuyện truyền thuyết, được xuất hiện từ rất xa xưa và được tồn tại cho tới hôm nay là qua đường truyền khẩu. – Trong khi đó Tiếng Việt của ta hôm nay (Nhất là chữ viết) được hình thành rất muộn trên cơ sở ký tự Lating ghi lại âm tiết của chữ Nôm.

– Khi chúng tôi còn đi học, tất cả các sách, báo, tài liệu đều ghi là "Gióng" chứ không như bây giờ

 – Khi còn nhỏ, chúng tôi đều được học theo ngôn ngữ tiếng việt mới đúng như tinh thần của Bác Hồ là làm trong sáng tiếng Việt. Khi đó không tồn tại từ "Kạn" trong "Bắc kạn" như bây giờ, lúc đó chúng tôi được học là Bắc Cạn – Hiện tại không ai phân biệt được chữ i (chữ i ngắn) và chữ y (chữ y dài) nằm ở vị trí nào, trong ngữ cảnh nào thì hợp hoặc là không hợp. tóm lại là không có nguyên tắc nào cả.

– Tiếng Việt cũng như mọi ngôn ngữ khác đang ngày càng phát triển theo thời gian nhưng theo tôi chúng ta cần phải làm trong sáng tiếng Việt bằng cách thống nhất các quy tắc chính tả trước rồi hãy bàn tới chữ nào là đúng chữ nào là sai. Trong một số trường hợp đặc biệt chúng ta phải chấp nhận ngoài quy tắc nếu như thuộc về lịch sử hoặc có nguồn gốc nước ngoài. Đừng làm phức tạp thêm tiếng Việt nữa

– Đa số các ngôn ngữ khác cũng đều tồn tại những quy tắc và bất quy tắc song song(còn có thể gọi là quy tắc bất thành văn và mặc định), đồng thời họ cũng tồn tại những từ có nguồn gốc nước ngoài như là một bộ phận không thể thiếu của ngôn ngữ hiện đại nhưng không thấy ở đâu lại chấp nhận muốn viết thế nào cũng đúng như trong tiếng Việt hôm nay.

Vài ý kiến tản mạn chia sẻ cùng mọi người, mong đón góp để tôi hoàn thiện tiếng Việt của tôi.

nguoi gop y

Đọc loạt bài đăng trên báo Tiền Phong, tôi liên tưởng đến một câu chuyện tương tự của nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Azit Nesin nói về các nhà khoa học tranh luận về năm sinh của một ông nào đó và cuối cùng chẳng đi đến đâu.

Nguồn: http://tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=168803&ChannelID=15

Thánh Gióng hay Thánh Dóng, tức "Gióng" hay "Dóng" ? (1)

Lời dẫn: Viết sau, đi tư liệu trước !

 

Ảnh: Tượng Thánh Gióng tại ngã 6 Phù Đổng, Thành phố Hồ Chí Minh
 

Kì 1Quan điểm của bác Nguyễn Chí Bền

 

Chú ý khi đọc Kì 1: Ở giai đoạn này, tháng 8 năm 2009, bác Nguyễn Chí Bền đưa quan điểm phải đọc là "Dóng", vì nó cổ hơn "Gióng". Sau nay, bác này lại "chuyển đổi tư duy", khẳng định là "Gióng" ! Và lí do đưa ra, lại là: chỉ thấy có "Gióng", không thấy có "Dóng" !?

Mọi việc làm từ từ, và bản thân Giao sẽ viết một bài riêng, sau khi cho chạy hết tư liệu. Đại ý, tớ sẽ nói rõ rằng: tư liệu quốc ngữ (không phải chữ Nôm, mà là chữ quốc ngữ cổ) sớm nhất, vào thế kỉ XVIII, lại ghi là DÓNG, chứ không phải GIÓNG (tư liệu này, không hiểu sao nhóm bác Nguyễn Chí Bền không biết ? )

Thứ Ba, 11/08/2009, 08:04

Thánh Dóng 'bay' sang Unesco

TP – Văn phòng Chính phủ vừa thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, đồng ý cho xây dựng hồ sơ Lễ hội Thánh Dóng trình UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tiền Phong phỏng vấn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Bền – Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, cơ quan được Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch giao trách nhiệm xây dựng bộ hồ sơ.

Hội Dóng qua bức tranh do họa sỹ Trịnh Quang Vũ phóng tác

Theo ông, giá trị tiêu biểu của hội Dóng là gì?

Nước ta có hàng ngàn lễ hội, mỗi lễ hội có một dáng vẻ và giá trị khác nhau. Lâu nay, người ta hay nhắc tới hội Thánh Dóng ở xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) mà chưa chú ý đến hội Thánh Dóng ở các nơi khác, chẳng hạn hội Dóng ở Sóc Sơn, Hà Nội.

Thánh Dóng là một trong tứ bất tử, Tản Viên Sơn Thánh, Thánh Dóng, Thánh Chử Đồng Tử và Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Các lễ hội thờ Thánh Dóng phát triển qua hàng ngàn năm, nên lắng đọng khá nhiều lớp phù sa lịch sử -văn hóa.

Hội Dóng ở làng Phù Đổng là một hội độc nhất vô nhị ở nước ta. Có thể thấy ở đây tầng văn hóa tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp: thờ phụng các hiện tượng tự nhiên, tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng thờ tổ nghề v.v…

Nhưng trên lát cắt đồng đại, hội Dóng ở làng Phù Đổng tái hiện chiến công của người anh hùng chống giặc ngoại xâm, người anh hùng mới ba tuổi đã đi đánh giặc mà hiềm vẫn muộn như ý đôi câu đối của nhà thơ Cao Bá Quát.

Hội Thánh Dóng xã Phù Đổng là một hội trận. Trong tâm thức người Việt Bắc bộ, hội Thánh Dóng ở làng Phù Đổng là một lễ hội thiêng liêng, không thể không đi.

Hà Nội kỳ vọng được UNESCO đưa  hội Thánh Dóng vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại  năm 2010. Thời gian như vậy liệu có quá gấp?

Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, Hà Nội chuẩn bị ba hồ sơ để đệ trình UNESCO, gồm hồ sơ Hoàng thành Thăng Long đề cử Danh sách Di sản Thế giới, hồ sơ Văn Miếu – Quốc Tử Giám đề cử Danh sách Chương trình Ký ức Thế giới, và hồ sơ Hội Thánh Dóng đề cử Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện của Nhân loại.

Xây dựng một bộ hồ sơ quả là không đơn giản, cần có thời gian, nhưng quan trọng hơn cả là di sản văn hóa phi vật thể ấy đã được nghiên cứu nhiều hay chưa, sự đồng thuận về giá trị của di sản thế nào, là sự quan tâm của cộng đồng với việc bảo tồn và phát huy di sản này ở mức nào. Với hội Thánh Dóng, những việc này đều đáp ứng được.

Làm hồ sơ cho hội Dóng sẽ phải căn cứ vào tài liệu nghiên cứu của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên và học giả người Pháp G. Dumoutier – hai nhà khoa học nghiên cứu hội Dóng rất sớm. Từ hai công trình nghiên cứu này đến nay đã hơn nửa thế kỷ, chúng ta còn tài liệu nào tiếp tục nghiên cứu hội Dóng, thưa ông?

 Chính tôi là người có ý tưởng lập hồ sơ lễ hội Thánh Dóng, bởi tôi nghĩ nếu làm kịp và được UNESCO công nhận trong năm 2010 thì rất ý nghĩa, và tôi gợi ý cho UBND TP Hà Nội. 

Sau đó, Hà Nội phối hợp Bộ VHTT &DL lập hồ sơ. Dù hồ sơ Hoàng thành Thăng Long đang được đánh giá cao nhưng Hà Nội cũng nên dự phòng phương án hai chứ. Nếu UNESCO nói không với Hoàng thành Thăng Long, mà Hà Nội không còn di sản nào được công nhận nữa trong năm 2010 thì hơi buồn

 – GS.TSKH Lưu Trần Tiêu  –  Chủ tịch Hội đồng Di sản Quốc gia

Việc sưu tầm nghiên cứu Lễ hội Thánh Dóng có từ rất sớm. Những ghi chép về thần tích, những văn bia tại các di tích chính là những công trình sớm nhất. Tư liệu xưa nhất là An Nam chí lược của Lê Tắc thế kỷ XIV. Công trình của G.Dumoutier công bố năm 1893.

Những năm đầu thế kỷ XX, lễ hội Thánh Dóng được ghi chép tương đối tỷ mỷ trong cuốn sách Bắc Ninh tỉnh khảo dị của Phạm Xuân Lộc. Đáng tiếc, cuốn sách chữ Hán này gần đây mới được đưa về Việt Nam nên ít người biết.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên có hai công trình về Lễ hội Thánh Dóng ở làng Phù Đổng công bố năm 1938 và năm 1941. Sau năm 1954, nhiều công trình có giá trị về lễ hội Thánh Dóng xuất hiện như Cao Huy Đỉnh với Người anh hùng làng Dóng – tác phẩm được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh; của Giáo sư Trần Quốc Vượng, tác giả Trần Bá Chí, Toan Ánh, của hai học giả Việt kiều Tạ Chí Đại Trường, Như  Hạnh (Nguyễn Tự Cường), của nhà Việt Nam học N.I.Niculin v.v…

Tuy nhiên, công trình của G.Dumoutier và hai công trình của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên vẫn có giá trị đặc biệt trong tiến trình sưu tầm, nghiên cứu Lễ hội Thánh Dóng.

Ông có thể nói rõ hơn, hội Thánh Dóng mang tính đại diện nhân loại thế nào?

Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO qui định hai danh sách mà các quốc gia thành viên đệ trình đăng ký. Tiêu chí của mỗi danh sách cũng khác nhau.

Tiêu chí hai của danh sách khẩn cấp nhấn mạnh, di sản này cần được bảo vệ khẩn cấp vì khả năng tồn tại của nó đang bị đe dọa, nếu không được bảo vệ ngay lập tức thì sẽ không còn sống sót.

Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì phải đáp ứng tiêu chí 2: việc đăng ký di sản này phản ánh tính đa dạng của văn hóa trên thế giới và chứng minh được sự sáng tạo của nhân loại.

Nhiều người quen gọi Thánh Gióng, lễ hội Thánh Gióng, nhưng theo ông Nguyễn Chí Bền, phải viết là "Dóng" mới đúng.

Lễ hội Thánh Dóng là một di sản văn hóa phi vật thể từng tồn tại qua hàng ngàn năm lịch sử, thể hiện sự sáng tạo của người Việt, chứng minh được sự sáng tạo của nhân loại.

Chưa bao giờ, một lễ hội của Việt Nam được xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO. Cái khó nhất khi làm hồ sơ này là gì, thưa ông?

Xây dựng các hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản thế giới hay nhân loại, cả vật thể lẫn phi vật thể đều là một công việc không đơn giản. Xây dựng hồ sơ cho một lễ hội, quả tình có những khó riêng của nó.

Vấn đề đặt ra là làm sao cộng đồng nâng cao ý thức bảo vệ di sản, bảo vệ lễ hội. Bởi lễ hội là sáng tạo văn hóa của cộng đồng, nhưng cộng đồng cũng là người hưởng thụ sáng tạo văn hóa ấy. Cái khác giữa lễ hội và các di sản văn hóa phi vật thể khác là tính thiêng của nó.

Tính thiêng và tính thế tục hòa quyện khá chặt chẽ, mật thiết. Làm sao bảo tồn được tính thiêng và tính thế tục của lễ hội, ấy là một công việc khó khăn.

Trần Thanh

Nguồn: http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=168605&ChannelID=7

Lại về KIÊU DÂN : Quá khích cực độ !

Đang bận quá, trước hết, vớt tư liệu vào đây đã (từ blog bác Đông A), viết tiếp sau:

Bao giờ người Công giáo hết dối trá?

Tôi đọc thấy thông tin về việc chính quyền cho dỡ bỏ cây thánh giá trên đỉnh núi Chế mà giáo dân Công giáo đã tự ý dựng lên trái phép trên các trang web của người Công giáo. Các trang web đưa những thông tin kiểu như: "Những ngày giáo dân dựng thánh giá, chính quyền huyện Mỹ Đức đã tới chứng kiến việc dựng thánh giá và không hề có ý kiến gì." Trong khi đó ngay từ những ngày đầu tiên dựng thánh giá trái phép (tháng 3 năm 2009), chính quyền đã yêu cầu giáo dân phải dỡ bỏ, nhưng giáo dân đã nại rằng: "không giáo dân nào dám lên đỉnh núi để di dời cây thánh giá", mặc dù đã thừa nhận rằng việc dựng thánh giá trên đỉnh núi Chẽ là trái pháp luật. Việc dựng thánh giá trên đỉnh núi Chẽ là một bằng chứng cho thấy người Công giáo đích thị là một thứ kiêu dân đang hoành hoành trong xã hội Việt Nam. Không những là kiêu dân, người Công giáo luôn bày những trò dối trá và bội tín. Tôi cảm thấy dường như dối trá là một song hành với Công giáo và điểm này thật ra cũng không phải là khó hiểu bởi vì trong mười điều răn của Chúa không có điều răn nào cấm dối trá. Việc dỡ bỏ cây thánh giá trên đỉnh núi Chẽ là việc làm đúng đắn để lập lại kỷ cương pháp luật của đất nước. Trong một quốc gia văn minh không một tôn giáo nào có quyền tự ý xây dựng những biểu tượng tôn giáo ở những nơi công cộng mà không được sự cho phép của chính quyền. Một tôn giáo văn minh phải là một tôn giáo có những giáo dân biết tôn trọng pháp luật.

 

Nguồn:

KIÊU DÂN : Điếc không sợ súng, hay là trò cười đáng phê phán

1- Về từ kiêu dân (tranh luận trên talawas blog), bác Đông A viết như sau (tôi tô đậm những chỗ muốn nhấn mạnh):

"Kiêu dân" là một khái niệm đã xuất hiện ít nhất từ thời nhà Tống. Chu Mật trong tác phẩm Vũ lâm cựu sự đã dành hẳn một mục nói về kiêu dân. Mục "kiêu dân" viết: "Đô dân tố kiêu,phi duy phong tục sở trí,cái sinh trưởng liễn hạ,thế sử chi nhiên", có nghĩa là dân ở kinh đô vốn thường kiêu, không chỉ do phong tục, mà còn do ở dưới chân thiên tử nên có cái mạnh về thế lực sai khiến. Chu Mật còn đưa ra ví dụ như thuế hàng năm chẳng thu được xu nào, triều đình cũng đành bằng lòng. Khái niệm "kiêu dân" trong Vũ lâm cựu sự như vậy là chỉ nhóm người ở kinh đô, được ưu ái của triều đình mà tạo thành thế kiêu, bất chấp luật pháp cho mọi người. Tìm hiểu về ngôn ngữ mà chỉ biết đến Thiều Chửu, Đào Duy Anh hay vài cuốn từ điển tiếng Việt thì quả thật cũng là một ca đặc sắc. 

Trong bài Nạn kiêu dân tôi đã đưa ra khái niệm "kiêu dân" rất rõ ràng: "Kiêu dân tồn tại dưới hai hình thức: một là một nhóm dân chúng được chính quyền ưu ái đặc biệt, và hai là một nhóm dân chúng cậy đông lấn lướt và bất chấp luật pháp." Vấn đề không phải hai chữ "kiêu dân" có thể bị lạm dụng, bởi vì ngữ nghĩa của nó rõ ràng và không thể tạo ra nhầm lẫn hay hiểu nhầm, mà vấn đề nằm ở chỗ sử dụng khái niệm nào để diễn đạt chính xác về nhóm dân chúng cậy đông lấn lướt, bất chấp pháp luật. Không có từ nào diễn đạt tốt hơn từ "kiêu dân", ít nhất là trong cảm nhận ngôn ngữ của tôi. Ai không đồng ý xin mời đưa ra các từ khác để thay thế."

2 – Nay, sau khi viết xong entry 4 trong loạt bài này, tôi xin trả lời bác Đông A, qua bốn điểm như sau:

(1) – Từ kiêu dân trong văn bản Trung Quốc thế kỉ 10 và thế kỉ 13 (tranh của Đổng Nguyên, và Vũ Lâm cựu sự của Chu Mật), chỉ có nghĩa rộng là Dân sống ở kinh thành (họ được hưởng một số ưu đãi của nhà vua và triều đình, nên cuộc sống được dễ chịu/thoải mái hơn so với dân không sống ở kinh thành).

Nghĩa hẹp của kiêu dân là: dân sống ở kinh thành thời Tống (chỉ thời Tống mới có ưu đãi đặc biệt với dân sống ở kinh thành như vậy).

(2) – Kiêu dân, trong ngữ cảnh như trên (thế kỉ 10, và 13), không hề có nghĩa là: một nhóm người được đặc quyền đặc lợi mà đi đến chỗ ngang nhiên làm càn, làm bậy, vi phạm pháp luật.

Quá lắm, cũng chỉ có thể nói: kiêu dân người kinh thành có tính kiêu/tự mãn.

(3) – Kiêu dân trong tiếng Việt nếu có nghĩa là "một đám đặc quyền đặc lợi mà đi đến chỗ ngang nhiên làm càn, làm bậy, vi phạm pháp luật", tức là có tính cách tương tự như kiêu binh thời Lê Trịnh, thì đó là kết quả biến đổi của ngôn ngữ.

Nhiều từ có vỏ ngữ âm Hán Việt khi đi vào tiếng Việt đã biến đổi nghĩa, chẳng hạn như từ cứu cánh. Nếu kiêu dân cũng biến nghĩa như vậy, thì cần một khảo sát khác, ở đây, tôi chưa có điều kiện bàn đến.

(4) – Nói từ kiêu dân trong tiếng Việt (có nghĩa như ở mục 2 và 3 trên đây) có nguồn gốc trực tiếp từ Vũ Lâm cựu sự của Chu Mật, như bác Đông A đã viết (trích nguyên văn: "Khái niệm "kiêu dân" trong Vũ lâm cựu sự như vậy là chỉ nhóm người ở kinh đô, được ưu ái của triều đình mà tạo thành thế kiêu, bất chấp luật pháp cho mọi người"),  là một TRÒ CƯỜI đáng phê phán. 

Đọc Hán văn với trình độ yếu kém như Đông A mà lại đẩy đến kết luận như vậy (xem trích dẫn ở trên), theo tôi là ĐIẾC KHÔNG SỢ SÚNG !

Xin nhắn lại một lần nữa: khi trình độ còn non thì chớ nên phán xằng bậy !

PHỤ LỤC

(1) Nguyên văn mục kiêu dân trong Vũ Lâm cựu sự (thế kỉ 13, thời Nguyên chứ không phải thời Tống; bản đã chấm câu lại theo cách hiểu của tôi):

卷六·骄民   都民素骄,非惟风俗所致,盖生长辇下,势使之然。若住屋则动蠲公私房赁,或终岁不偿一鐶。诸务税息,亦多蠲放, 有连年不收一孔者。皆朝廷自行抱认诸项窠名,恩赏则有黄榜钱,雪降则有雪寒钱,久雨久晴则又有赈恤钱米,大家富室则又随时有所资给,大官拜命则有所谓抢节钱,病者则有施药局,童幼不能自育者则有慈幼局,贫而无依者则有养济院,死而无殓者则有漏泽园。民生何其幸欤

(2) Bản tạm dịch của tôi (khi trích dẫn xin ghi rõ nguồn):

"Quyển 6, [mục] Kiêu dân,

Dân kinh đô vốn kiêu, [tính cách đó] không phải chỉ là do phong tục mang đến, phàm sinh ra và lớn lên tại kinh đô, ắt sẽ thành ra như vậy.

Giả như về chỗ ở thì, được miễn luôn tiền thuê mướn, dù là phòng công hay phòng tư, hoặc [nói] cả năm không tốn xu nào.

Thuế hay tiền hoa lợi các khoản, đa phần là được miễn cho, có người hàng mấy năm cũng không [bị] thu một đồng.

Những khoản sau đây được triều đình nhận bao cấp toàn bộ: vua ban thưởng thì có tiền bảng vàng (hoàng bảng tiền), tuyết rơi thì có tiền tuyết lạnh (tuyết hàn tiền), nếu nắng hay mưa dài ngày thì có phát chẩn gạo tiền, nhà giàu đại gia thì thỉnh thoảng được cấp thưởng, khi đại quan vâng lệnh của vua thì có tiền nhận ấn tín (thương tiết tiền),  người bị bệnh thì có Thí Dược cục [cục ban thuốc], trẻ nhỏ không có người nuôi dưỡng thì có Từ Ấu cục [cục thương trẻ], nghèo mà không có nơi nương tựa thì có Dưỡng Tế viện [viện dưỡng lão], chết mà không có người mai táng thì có Lậu Trạch viên [vườn tưới tắm].

Cuộc sống của dân như vậy còn gì hạnh phúc hơn !" 

Bài liên quan đã đi trên blog này:

Kì 4 – Kiêu dân chỉ có nghĩa sơ khởi là dân sống ở kinh thành (thời  Tống): http://vn.myblog.yahoo.com/dzjao/article?mid=1669

Kì 3 –  Kiêu dânkiêu binh (tư liệu nước ngoài thế kỉ 18): http://vn.myblog.yahoo.com/dzjao/article?mid=1563

Kì 2KIÊU DÂN trong ống tay nhà vua: http://vn.myblog.yahoo.com/dzjao/article?mid=1524

Kì 1 Hoàng đế Quang Trung và câu "binh kiêu/dân oán" (lên án chúa Trịnh và binh lính hung hãn của họ uy hiếp vua Lê): http://vn.myblog.yahoo.com/dzjao/article?mid=1520

 

KIÊU DÂN : Chỉ có nghĩa sơ khởi là "dân sống ở kinh thành" !

1Kiêu binhkiêu dân

Ở kì trước, đã nói đến kiêu dân trong quan hệ với kiêu binh, dẫn cả Hoàng Lê nhất thống chí và tư liệu nước ngoài tường thuật trực tiếp vào thế kỉ XVIII rồi nhé ! Đại khái, theo suy nghĩ loại suy kiểu thông thường, thì chắc kiêu dân sẽ đẻ ra kiêu binh. Thế nhưng, qua cái tư liệu ấy thì, chẳng biết kiêu binh có phải do kiêu dân đẻ ra hay không nữa !

Kiêu binh thời Lê Trịnh thì vang danh thiên hạ như vậy, có tới mấy chục ngàn người, vũ khí nhăm nhăm, sát khí đằng đằng.

Mà cái thời đó, người ta cũng chỉ dùng chữ kiêu binh thôi, chứ không dùng kiêu dân.

Khi kéo đại quân ra Bắc Hà, Nguyễn Huệ (hay Nguyễn Hữu Chỉnh được lệnh) thảo hịch mà "chửi Trịnh" (có thế mới có cớ chính nghĩa để tiêu diệt Trịnh), rằng "binh lính của chúng mày kiêu căng, làm cho tất thảyh nhân dân oán hận" (nguyên văn là binh kiêu dân oán) !

Mà thôi, tạm gác phần "kiêu dân" trong tiếng Việt ở đây, sẽ bàn tiếp sau, bây giờ thử nói về chữ "kiêu dân" trong tiếng Hán xem sao ?

2 Long tụ kiêu dân = Dân sống ở kinh thành (kinh thành Nam Đường ?; thế kỉ 10) 

Hôm trước, ở Kì 2 ( http://vn.myblog.yahoo.com/dzjao/article?mid=1524), tôi đã đưa lên bức tranh "Long tụ kiêu dân đồ 龙袖骄民图" được xem là của Đổng Nguyên.

Họa sĩ Đổng Nguyên là người Nam Đường (sống vào khoảng thế kỉ 10 SCN; chưa rõ năm sinh, chỉ biết mất vào năm 962).  

Hôm trước, tạm thời đưa lời dịch cho cái tiêu đề "Long tụ kiêu dân" là: "Kiêu dân ở trong tay áo của nhà vua".

Tuy nhiên, cần phải hiểu kĩ thêm về chữ "Long tụ" (đã nói đến nghĩa "ống tay áo nhà vua"), thì mới hiểu được "kiêu dân" nghĩa là gì.

Từ điển Trung Quốc giải thích rằng:

"龙袖(龍袖)指京城。 元 张国宾 《合汗衫》第一折:“俺本是凤城中黎庶,端的做龙袖里骄民。” 顾肇仓 注:“凤城、龙袖都是指京城。 宋 代,住在京都的人享受许多特殊待遇,被称为‘龙袖骄民’。” 元 关汉卿 《蝴蝶梦》第四折:“你本是龙袖娇民,堪可为报国贤臣。” 明 顾起元 《客座赘语·民利》:“留都地在輦轂,有昔人龙袖骄民之风,浮情者多,劬勩者少,怀土者多,出疆者少。”

À, cứ theo giải thích này, Long tụ chính là Kinh thành hay Kinh đô. Vào thời nhà Tống, dân sống ở kinh đô được hưởng rất nhiều ưu đãi nên được gọi là "long tụ kiêu dân".

Vẫn theo giải thích trên, biết được rằng: trong tác phẩm "Hồ điệp mộng (Mộng bươm bướm)" của Quan Hán Khanh thời Nguyên, có câu "Ngài vốn là long tụ kiêu dân (người dân nơi kinh thành), thực đáng là hiền thần giúp nước".

3Kiêu dân = Dân sống ở kinh thành Nam Tống (thế kỉ 13; dân được sống tự do/thoải mái/dễ chịu, có được nhà vua Nam Tống và triều đình đặc cách ưu đãi, nhưng không có dấu hiệu làm càn/làm bậy)

"Kiêu" trong "kiêu dân" có nghĩa gốc là "kiêu ngạo", "ngạo mạn". Còn "dân" thì vẫn là dân rồi.

Vậy, cứ ghép theo nghĩa gốc thì "kiêu dân" là "dân kiêu ngạo/dân ngạo mạn" rồi còn gì.

Thế nhưng, từ điển khi giải thích chữ "kiêu dân" lại thường không giải thích nghĩa thẳng tưng như vậy, cứ phải lòng vòng nói đến chuyện dân chúng sống ở kinh đô thời Tống được sống thoải mái nhờ nhận được nhiều ân sủng của triều đình/nhà vua. Người ta tựa như bằng lòng với cách giải thích chung rằng :  骄民(京城的居民) — kiêu dândân sống ở kinh thành. Tức là, chữ "kiêu" ở đây phải hiểu theo một nét nghĩa khác, không hẳn là "kiêu ngạo/ngạo mạn".

Đảo đi đảo lại, sẽ thấy cái nghĩa của "kiêu dân" là: người dân kinh thành (được sống thoải mái/tự do, được chiều chuộng/thả lỏng).

Không hề thấy cái ý "dân kiêu ngạo mà làm càn, làm bậy" ờ đây.

Cụ thể hơn, phải vào đọc mục Kiêu dân 骄民 và một số mục liên quan khác trong cuốn Vũ Lâm cựu sự 武林旧事 (Chuyện cũ ở Vũ Lâm — viết xong vào khoảng năm 1290) của Chu Mật 周密 (1232-1298); bản điện tử cả cuốn ấy nằm ở đây: http://www.6jc.cn/guji/Article/17248.html, http://www.6jc.cn/guji/Article/17248_17297.html

Vũ Lâm thời Nam Tống ở đây chính là Hàng Châu ngày nay.

Ảnh: Hàng Châu một buổi sớm tháng 9 năm 2008 (chúng tôi lấy thuyền đi xuôi theo con sông này; Giao chụp)

Ở Hàng Châu ngày nay, có một con đường lớn mang tên Wulin-lu/Vũ Lâm lộ (đường Vũ Lâm). Con đường ấy chạy theo hướng Bắc Nam, phía Nam bắt đầu bằng Tiểu Xa kiều (chỗ có di tích Phong Ba đình, nơi mà Nhạc Phi đã bị hãm hại thửở trước), cứ thế mà đi, đến đầu phía Bắc sẽ gặp Vũ Lâm môn (cửa Vũ Lâm). Người Hàng Châu gọi con đường Vũ Lâm ấy bằng cái tên khá vui, là Phố đàn bà (nữ nhân nhai), vì hình như là phố chuyên doanh đồ chị em !

Ảnh: Vũ Lâm môn ở Hàng Châu (ảnh cũ, mượn từ trang http://www.chzzz.com/hcym/lcm/wlm.htm)

4Trích dẫn Vũ Lâm cựu sự (sẽ dịch và phân tích ở mục 5, mục 6)

(a) — (Trích dẫn 1)  Nguyên cả mục Kiêu dân trong Vũ Lâm cựu sự như sau: "卷六·骄民   都民素骄,非惟风俗所致,盖生长辇下,势使之然。若住屋则动蠲公私房赁,或终岁不偿一鐶。诸务税息,亦多蠲放,有连年不收一孔者,皆朝廷自行抱认。诸项窠名,恩赏则有黄榜钱,雪降则有雪寒钱,久雨久晴则又有赈恤钱米,大家富室则又随时有所资给,大官拜命则有所谓抢节钱,病者则有施药局,童幼不能自育者则有慈幼局,贫而无依者则有养济院,死而无殓者则有漏泽园。民生何其幸欤"

(b) — Ngoài ra, lác đác trong Vũ Lâm cựu sự, còn thấy từ "kiêu dân" hay "kiêu" ở những mục khác, ví dụ:

– (Trích dẫn 2)  卷三 ·祭扫 清明前三日为寒食节,都城人家,皆插柳满檐,虽小坊幽曲,亦青青可爱,大家则加枣锢于柳上,然多取之湖堤。有诗云:“莫把青青都折尽,明朝更有出城人。”朝廷遣台臣、中使、宫人,车马朝飨诸陵,原庙荐献,用麦糕稠饧。而人家上冢者,多用枣锢姜豉。南北两山之间,车马纷然,而野祭者尤多,如大昭庆九曲等处,妇人泪妆素衣,提携儿女,酒壶肴罍。村店山家,分馂游息。至暮则花柳土宜,随车而归。若玉津富景御园,包家山之桃,关东青门之菜市,东西马塍,尼庵道院,寻芳讨胜,极意纵游,随处各有买卖赶趁等人,野果山花,别有幽趣。盖辇下骄民,无日不在春风鼓舞中,而游手末技为尤盛也。

– (Trích dẫn 3) 卷六·作坊

熟药圆散 生药饮片 麸面 团子 馒头 爊炕鹅鸭 炕猪羊 糖蜜枣儿 诸般糖 金橘团 灌肺 馓子 萁豆 印马 蚊烟  都民骄惰,凡买卖之物,多与宋刻“於”作坊行贩已成之物,转求什一之利。或有贫而愿者,凡货物盘架之类,一切取办于作坊,至晚始以所直偿之。虽无分文之储,亦可糊口。此亦风俗之美也。
 

5 – Tạm dịch những đoạn trích trong Vũ Lâm cựu sự (VLCS)

(a) — Trước khi vào dịch những đoạn trích trong VLCS, thiết nghĩ cũng cần biết qua về tác giả Chu Mật cũng như tâm sự của ông muốn gửi vào trong đó.

Đại khái, Chu Mật vốn xuất thân từ danh gia vọng tộc, nhưng gặp buổi đổi triều (nhà Tống bị tiêu diệt, nhà Nguyên vừa lên ngôi), bác không ra tham chính, sống một đời ẩn dật trong dân gian, vui với cầm kì thi họa và đồ cổ. Trong tâm trạng ấy, bác viết VLCS như một dạng hồi tưởng cộng với ghi chép thực tế xung quanh mình (với bao nhiêu đối tượng, từ hoàng tộc, quan lại, tao nhân mặc khách, đến cô hàng xén, anh thợ rèn, chốn lầu xanh, vân vân). Bác luyến nhớ về thời dĩ vàng của gia đình, về những chuyện cũ trong kinh thành triều trước, về lối sống xa hoa của lớp quan lại nhà Tống. Phải chăng đó là một liều thuốc an thần để quên đi cảnh tượng trước mắt — kinh thành này, lầu quán kía, tất cả đều đã thuộc về nhà Nguyên mất rồi !

(b) — Phải chấm câu lại đoạn văn trong VLCS trước khi dịch nó ra tiếng Việt.

Trích dẫn 1, trong bản điện tử phổ biến trên mạng, đều chấm câu như vậy (xem trên). Tuy nhiên, tôi thấy cần phải chấm câu lại.

Tôi chấm lại thành thế này:

卷六·骄民   都民素骄,非惟风俗所致,盖生长辇下,势使之然。若住屋则动蠲公私房赁,或终岁不偿一鐶。诸务税息,亦多蠲放, 有连年不收一孔者皆朝廷自行抱认诸项窠名,恩赏则有黄榜钱,雪降则有雪寒钱,久雨久晴则又有赈恤钱米,大家富室则又随时有所资给,大官拜命则有所谓抢节钱,病者则有施药局,童幼不能自育者则有慈幼局,贫而无依者则有养济院,死而无殓者则有漏泽园。民生何其幸欤

(c) — Tạm dịch đoạn Trích dẫn 1 sang tiếng Việt

"Quyển 6, [mục] Kiêu dân,

Dân kinh đô vốn kiêu, [tính cách đó] không phải chỉ là do phong tục mang đến, phàm sinh ra và lớn lên tại kinh đô, ắt sẽ thành ra như vậy.

Giả như về chỗ ở thì, được miễn luôn tiền thuê mướn, dù là phòng công hay phòng tư, hoặc [nói] cả năm không tốn xu nào.

Thuế hay tiền hoa lợi các khoản, đa phần là được miễn cho, có người hàng mấy năm cũng không [bị] thu một đồng.

Những khoản sau đây được triều đình nhận bao cấp toàn bộ: vua ban thưởng thì có tiền bảng vàng (hoàng bảng tiền), tuyết rơi thì có tiền tuyết lạnh (tuyết hàn tiền), nếu nắng hay mưa dài ngày thì có phát chẩn gạo tiền, nhà giàu đại gia thì thỉnh thoảng được cấp thưởng, khi đại quan vâng lệnh của vua thì có tiền nhận ấn tín (thương tiết tiền),  người bị bệnh thì có Thí Dược cục [cục ban thuốc], trẻ nhỏ không có người nuôi dưỡng thì có Từ Ấu cục [cục thương trẻ], nghèo mà không có nơi nương tựa thì có Dưỡng Tế viện [viện dưỡng lão], chết mà không có người mai táng thì có Lậu Trạch viên [vườn tưới tắm].

Cuộc sống của dân như vậy còn gì hạnh phúc hơn !" 

Những đoạn trích dẫn khác tạm lưu, chưa chuyển dịch sang tiếng Việt, bác nào rành Hán văn thì có thể tự hiểu được ý nghĩa của những trích dẫn ấy trong liên quan với Trích dẫn 1.

6 – Kết luận tạm thời (mai, ngày 4/12/209, tôi đi công tác nên viết vội):

(1) – Từ kiêu dân trong văn bản Trung Quốc thế kỉ 10 và thế kỉ 13, chỉ có nghĩa rộng là Dân sống ở kinh thành (được hưởng một số ưu đãi của nhà vua và triều đình, nên cuộc sống được dễ chịu/thoải mái hơn dân không sống ở kinh thành).

Nghĩa hẹp của kiêu dân là: dân sống ở kinh thành thời Tống.

(2) – Kiêu dân, trong ngữ cảnh như trên, không hề có nghĩa là: một nhóm người được đặc quyền đặc lợi mà làm càn, làm bậy, vi phạm pháp luật.

Quá lắm, cũng chỉ có thể nói: kiêu dân người kinh thành có tính kiêu/tự mãn.

(3) – Kiêu dân trong tiếng Việt nếu có nghĩa là "một đám đặc quyền đặc lợi mà làm càn, làm bậy, vi phạm pháp luật", tức là có tính cách tương tự như kiêu binh thời Lê Trịnh, thì đó là kết quả biến đổi của ngôn ngữ.

Nhiều từ có vỏ ngữ âm Hán Việt khi đi vào tiếng Việt đã biến đổi nghĩa, tựa như từ cứu cánh. Nếu kiêu dân cũng biến nghĩa như vậy, thì cần một khảo sát khác, ở đây, tôi chưa hề bàn đến.

(4) – Nói từ kiêu dân trong tiếng Việt có nghĩa như nói mục 2 và 3 trên đây có nguồn gốc từ Vũ Lâm cựu sự của Chu Mật, như bác Đông A đã viết,  là một sự NỰC CƯỜI. 

Đọc Hán văn với trình độ yếu kém như Đông A để đi đến kết luận như vậy (theo sự đọc yếu kém của Đông A, từ kiêu dân trong Vũ Lâm cựu sự đã có nghĩa là bọn làm loạn, vi phạm pháp luật), theo tôi là ĐIẾC KHÔNG SỢ SÚNG ! Xin nhắn lại một lần nữa: khi trình độ còn non thì chớ nên phán xằng bậy !

(Entry này được viết chầm chậm mỗi khi rảnh, từ ngày 30/11 đến 4/12/2009) 

Bài liên quan đã đi trên blog này:

Kì 3 –  Kiêu dânkiêu binh (tư liệu nước ngoài thế kỉ 18): http://vn.myblog.yahoo.com/dzjao/article?mid=1563

Kì 2KIÊU DÂN trong ống tay nhà vua: http://vn.myblog.yahoo.com/dzjao/article?mid=1524

Kì 1 Hoàng đế Quang Trung và câu "binh kiêu/dân oán" (lên án chúa Trịnh và binh lính hung hãn của họ uy hiếp vua Lê): http://vn.myblog.yahoo.com/dzjao/article?mid=1520

KIÊU DÂN và KIÊU BINH có khác nhau không : Tư liệu nước ngoài thế kỉ 18

Lời dẫn: Lính hay binh lính rõ ràng là có gốc từ dân rồi. Không có dân, thì không có lính. Dân không năng sản, thì hẳn lính sẽ không đông. Dân mình có câu: "Lính với dân như cá với nước"; rồi, cũng lại dân mình, có thêm câu: "Bạc như dân, bất nhân như lính".

Binh do dân sản ra. Vậy, kiêu binh được sinh ra từ kiêu dân chăng ? Kiêu binhkiêu dân có khác nhau không ?

Hướng đến những suy nghĩ (có vẻ rất vẩn vơ và vô bổ) ấy, hôm nay đưa lên đây một tư liệu nước ngoài (của một người phương Tây đã đến Thăng Long – Kẻ Chợ vào thế kỉ 18) tường thuật "trực tiếp" về nạn kiêu binh lúc đó.

Từ đây trở xuống là trích dẫn. 

Lời người dịch: Về loạn kiêu binh, các sách sử của ta, đặc biệt là cuốn Hoàng Lê nhất thống chí đã viết rất rõ. Tuy nhiên, mỗi tư liệu có thêm được giúp ích cho việc nghiên cứu để tiếp cận sự thật lịch sử. Với ý nghĩa đó, xin giới thiệu ở đây lá thư đề ngày 29-5-1784 của giáo sỹ Khâm mạng Toà Thánh ở miền tây của Đàng Ngoài gửi về Pháp, cho Giám đốc Chủng viện Hội Truyền giáo nước ngoài, với nội dung hầu như chỉ nói về kiêu binh. Lá thư này cùng với nhiều lá thư khác của giáo sỹ đương thời đã dược xuất bản thành tập riêng vào năm 1821, tại Paris . Dưới đây là bản dịch lá thư đó.           

"Ngày 29 tháng năm 1784,

Thưa đồng nghiệp rất thân mến !

Từ khi đến xứ Đàng Ngoài, chúng tôi thấy những cảnh loạn lạc lớn do sự hỗn hào và sự bất phục tùng của đội quân chuyên bảo vệ cung Vua và Kinh thành gây nên. Đội quân này khoảng 25 đến 30 nghìn người, khác biệt với các đội quân khác trong nước. Chính nhờ đội quân này mà vị Chúa trẻ tuổi hiện đang trị vì Đàng Ngoài đã được giải thoát khỏi nhà ngục và được đưa lên ngôi cách đây khoảng một năm rưỡi. Sau khi được Chúa thưởng công rất nhiều bổng lộc, đội quân này lại hình như nổi lên chống lại Chúa.

Đầu tháng Ba vừa qua, một số toán bọn họ dám vào thẳng cung Vua – về danh nghĩa là người đứng đầu đất nước, để đòi hiếp đáp Chúa. Chúa, người thật sự nắm toàn quyền xứ này, khi được báo về hành động đó, ngay lập tức tìm cách dẹp yên và trừng phạt. Số đông kiêu binh bỏ chạy, bảy tên bị bắt, bị buộc tội, và lập tức bị chém đầu.

Sự trừng phạt đích đáng đó không những không đem lại trật tự, sự yên ổn, mà ngược lại làm tăng thêm hỗn loạn và nỗi lo sợ trong kinh thành, đồng thời làm lan tràn sự lộn xộn trong nước. Mức xử phạt đúng đắn đối với bảy tên lính nói trên làm bọn kiêu binh tức giận. Dựa vào thế lực mà xưa nay Chúa đã ban cho, họ đi vào thẳng phủ Chúa, đòi phải giao cho họ bốn vị quan đã xét xử và ra án tử hình bảy tên lính, để họ tùng xẻo thành từng mảnh. Nhà Chúa muốn cho yên chuyện đã nộp cho kiêu binh một nghìn nén bạc (khoảng 14 nghìn đồng bạc) gọi là tiền thưởng và 700 nén để đền bù cho bay tên lính bị giết. Bọn kiêu binh thẳng thừng từ chối các khoản tiền nói trên. Họ bảo rằng, họ đã được hưởng nhiều bổng lộc của Chúa, họ không cần nhờ vả tiền của Chúa nữa; điều độc nhất mà họ muốn là lấy đầu mấy ông quan đó.

Cuối cùng, thấy Chúa cứ im lặng mãi, theo một tiếng vỗ tay làm hiệu, họ lao vào sự trả thù. Họ điên cuồng chạy tới, cướp bóc, phá phách, san phẳng nhà của các vị quan chủ chốt và những người hầu cận, đến mức chỉ trong một ngày có khoảng 20 ngôi nhà của các vị quan và 30 ngôi nhà của những kẻ hầu bị triệt phá hoàn toàn. Họ cũng giết chết một trong 4 vị quan mà họ truy lùng. Các vị quan khác, rất nhiều người bỏ chức vụ, bỏ việc và hầu như tất cả đều chạy trốn thật nhanh để mong thoát nạn. Đến nỗi trong phủ chỉ còn lại Chúa, bà nội và mẹ của Chúa, ở vào tình trạng nguy hiểm chết người. Lại có tin rằng kiêu binh bàn bạc, đã nghĩ đến việc phế truất Chúa, thậm chí có thể giết hại Chúa theo cách họ từng làm trước đây với vị Chúa bé con – em của Chúa (ý nói Trịnh Cán – Giao chú thích).

Thế nhưng, Chúa vẫn không chịu bó tay trước hoàn cảnh. Chúa đã bí mật lệnh cho các tổng trấn ở bốn trấn Đông, Đoài, Nam, Bắc, lập ngay đội quân tình nguyện chống lại bọn kiêu binh, và giao cho đội quân tình nguyện đó việc bảo vệ Chúa, phủ liêu và Kinh thành.

Bọn kiêu binh khi nghe phong phanh tin đó đoán được ý Chúa, vội vàng tìm cách xoa dịu tình thế cam kết trung thành với Chúa và trở lại nhiệm vụ của mình. Mặc dù không thể tin vào lời nói, vào sự phục tùng của kiêu binh, Chúa cũng đành giấu kín và từ bỏ ý định điều binh ở các trấn, sợ rằng nếu làm thì tình hình có thể nguy hiểm hơn.

 Do vậy, ý định lập lại trật tự và an ninh ở đây không những không đạt hiệu quả mong muốn, mà ngược lại, mang lại sự thảm khốc cho đất nước này. Bởi vì những quân tình nguyện, không có lương ăn, không có đối tượng, không có mục đích chiến đấu, đã chuyển sang trộm cắp, cướp bóc khắp nơi, đến nỗi số trộn cướp ở trong xứ này vốn có nhiều, nay tăng lên đến mức không kể xiết. Triều đình phải phái quân đội chính quy và chiến thuyền đi đánh dẹp các toán cướp đó trên bộ và trên biển.

Ngày thứ hai của tuần lễ Thánh, tức ngày 5 tháng Tư vừa qua, tôi tận mắt thấy một cuộc hành quân tiễu phỉ đó. ở vùng Kẻ Trình (nơi tôi sống mấy tháng qua), bọn "quân tình nguyện" xuất hiện rất đông, gây ra hàng loạt sự hỗn độn, quan Tổng trấn phái 300 binh lính đầy đủ vũ khí, quân trang, ngựa chiến, v.v… đi dẹp. Cuộc đánh diễn ra gần chỗ chúng tôi đến mức chẳng những nghe được tiếng súng mà cả tiếng hò hét của những người vây hãm và tiếng kêu của người bị vây hãm…".

(Tư liệu do bạn HL cung cấp, trang 81-83, bạn đề nghị chưa dẫn nguồn, vì sách của bạn vẫn đang ở dạng bản thảo chưa đưa đến nhà in)

Bài liên quan đã đi trên blog này:

Kì 2KIÊU DÂN trong ống tay nhà vua: http://vn.myblog.yahoo.com/dzjao/article?mid=1524

Kì 1 Hoàng đế Quang Trung và câu "binh kiêu/dân oán" (lên án chúa Trịnh và binh lính hung hãn của họ uy hiếp vua Lê): http://vn.myblog.yahoo.com/dzjao/article?mid=1520

Cùng vấn đề Kiêu dân, đang được thiên hạ bàn ở đây:

1 – talawas blog:  http://www.talawas.org/?p=13743

2 – blog bác Đông A:  http://donga01.blogspot.com/2009/11/dan-o-au-ra.html#comments

"KIÊU DÂN trong ống tay áo của nhà vua" : Một bức tranh thủy mặc

Vẫn liên quan đến cái từ KIÊU DÂN ở entry trước (http://vn.myblog.yahoo.com/dzjao/article?mid=1520), bây giờ, xin giới thiệu bức tranh cổ rất nổi tiếng mang tên "Kiêu dân ở trong tay áo của nhà vua" (hiện đang được bảo quản tại Bảo tàng Cố cung Đài Bắc, Đài Loan 台北故宫博物院).  

Bức này đã quá nổi tiếng, nên sẽ thấy nó nhan nhản trên các website.

Nguyên văn chữ Hán của bức này là 龙袖骄民图. Đọc theo âm Hán Việt là "Long tụ kiêu dân đồ". "Long" nghĩa đen là rồng, nghĩa bóng là "vua". "Tụ" là "tay áo" hay "ống tay áo".

Tác giả của bức tranh này là Đổng Nguyên 董源, một họa sĩ thủy mặc lừng danh thời Nam Đường.

Tại sao một bức thủy mặc chỉ thấy núi đồi và cây cỏ như vậy mà lại được đặt cho cái tên "Kiêu dân trong ống tay nhà vua" ? Dân ở đâu, và vua ở đâu nhỉ ?

Kiêu dân ở đâu nhỉ ? Ờ, ở trong ống tay áo của vua ! Vậy, kiêu dân là gỉ ?

Mời các bác thoải mái suy tưởng !

Câu chuyện về kiêu dân mới chỉ là bắt đầu !

Đường link liên quan:

1- http://zhidao.baidu.com/question/54282907.html

2 – http://www.cangdian.com/InfoCenter/HuiHuaDetail.asp?ID=HH01-1-0017

对于画中描绘内容,历代颇多不同解释。此图为四幅绢拼成之大幅,  以重著色画江南郊野风光,  山峦圆浑峻厚,  江水宽广纤回,  山麓人家彩灯高悬,水边有彩舟排列,人群作歌舞情状,船头岸上亦有奋臂擂鼓者,人物皆以重彩绘染,在山水画中穿插了风俗情节。画中山形水貌与南京极肖似,  显系图写南唐首都建康郊野节日娱戏之景象,亦有粉饰升平成分。此图画山峦用披麻皴,  青绿著色,  虽无款识,历代相传为董源笔,必由来有自。

Bài liên quan đã đi trên blog này:

Kì 2KIÊU DÂN trong ống tay nhà vua: http://vn.myblog.yahoo.com/dzjao/article?mid=1524

Kì 1 Hoàng đế Quang Trung và câu "binh kiêu/dân oan" (lên án chúa Trịnh và binh lính hung hãn của họ uy hiếp vua Lê): http://vn.myblog.yahoo.com/dzjao/article?mid=1520

Bổ sung 1 (25/11/2009): Bây giờ mới đọc thêm mấy cái comment mới trên talawas blog liên quan đến kiêu dân (http://www.talawas.org/?p=13743), mới thấy entry mới của bác Đông A. Bác lên tiếng là phải rồi, vì các bác trên talawas lâu nay hay đề cập đến từ kiêu dân xuất phát từ bác ĐA mà. Bác trưng dẫn tư liệu (không dẫn nguồn/đường link), và có lời dịch khá vui (cái này phải để sau này bàn thêm) ! Mời xem ở Phụ lục của Bổ sung 1, và đường link ở đó (chỉ dẫn đến blog bác ĐA).

Quang Trung và câu "binh kiêu dân oán" : Không phải KIÊU DÂN !

Lời dẫn: Thấy các bác nhà ta đang bình loạn về hai cái chữ "kiêu dân" (ở đây: http://www.talawas.org/?p=13743), mình ngứa tay, muốn góp vui vào bằng vài mảnh tư liệu.

Trước hết, ở entry này, dán vào đây bài Hịch đánh Trịnh viết bằng chữ Nôm của ngài Quang Trung (hiện thì người ta bảo tác giả bài này là Nguyễn Hữu Chỉnh, mình thì cứ tạm cho là của Nguyễn Huệ).

Trong bài hịch, có một chỗ là "binh kiêu dân oán" (兵 驕 民 怨). Đọc kĩ thì không sao; nếu đọc vội, thấy có chữ "kiêu dân", có khi có người sẽ hét toáng lên rằng "Quang Trung cũng nói đến kiêu dân" !

Xin nhớ cho một chút: hoàng đế nhà tôi chỉ viết là "binh kiêu dân oán" thôi nhé !

Cái "binh kiêu dân oán" của Quang Trung làm nhớ đến cái (兵骄民困/binh kiêu dân khốn) trong một vài tư liệu khác

Bản phiên âm trích đoạn từ Nôm ra quốc ngữ (chưa rõ bản phiên âm của ai, chưa đọc soát):

HỊCH ĐÁNH TRỊNH

Từng nghe rằng:

 
Sinh dân phải nuôi dân làm trước, vậy hoàng thiên dựng đất quân sư

Gặp loạn đành dẹp loạn mới xong, ấy vương giả có phen binh cách

Hội thuận ứng thế đừng được chửa

Việc chinh tru lòng há muốn ru

Ta đây:

Bẩm khí trời Nam

Vốn dòng họ Nguyễn

Nhờ lộc nước phải lo việc nước, đòi phen Trương tử giả ơn Hàn

Ăn cơm vua nên nhớ nghĩa vua, chi để Tào man nhòm vạc Hán

Giận quốc phó ra lòng bội thượng

Nên tây Sơn xướng nghĩa cần vương

Trước là ngăn cột đá giữa dòng, kẻo đảng nghịch đặt mưu ngấp ghé

Sau là tưới mưa dầm khi hạn, kẻo cùng nhân sa chốn lầm than

Ví lòng trời còn nền nếp Phú Xuân

Ắt đấu cũ lại cơ đồ Hoa Hạ

Nào biết ngôi trời có bảy, giặc họ Trương toan biến phiếm mười phần

Bỗng xui thế nước tranh ba, tôi nhà Hạ phải thu hồi hai nước

Thế bạng duật đương còn đối mặt

Thói kình lang sao khéo lắng tai

Ngoài mượn lời cứu viện làm danh, dân kinh loạn cử binh điếu phạt

Trong mấy chữ thừa nguy để dạ, chốn thừa bình nên nỗi lưu ly

Cung đền thành quách phá lâng lâng

Súng ống thuyền bè thu thảy thảy

Cơn gấp khúc chẳng thương dòng ngoại tộc, đã cùng đường đuổi thú thời thôi

Dấu cưỡi rồng còn nhớ đấng tiên quân, lại khoét lỗ bừa sâu sao nỡ

So chữ bạo lửa nồng quá Hạng

Dò lòng người nước chảy về Lưu

Chúng cùng đường cờ nghĩa đem về đầu, nên quân số mỗi ngày một thịnh

Dân cơ cận cảm lòng nhân ngóng cổ, khiến binh uy càng thấm càng thêm

Quảng Nam đà quét sạch bụi trần

Thuận Hóa lại đem về bờ cõi

Nam một dải tăm kình phẳng lặng, cơ thái bình đứng đợi đã gần

Bắc mấy thành tin nhạn chưa yên, bề cứu viện ngồi trông sao tiện

Cảm công đức vua Lê dám phụ

Lộng quyền hành họ Trịnh khó nghe

Ngôi hoàng đế đặt không, há nước thấp lao lung thấy đặng

Tội Hoàng Sào chẳng có, lòng trinh thêu dệt vào bình

Hiệu Đoan Vương càng tỏ dạ vô quân

Mưu soán đoạt nên lòng bội phụ

Trưởng cung vốn xưa nay là đích, quyền cha trót bội bạc sao đành

Điện Đô tuy bé nhỏ nhưng anh, mệnh cha rắp tranh khi sao phải

Tai chẳng đoái đến lời cố mệnh

Mặt nào trông vào chốn tử cung

Khiến một đàn con trẻ đàn bà, đem chữ hiếu nỡ gieo xuống đất

Để những kẻ tôi ngay người thẳng, tiếng kêu oan đã động đến trời

Chí tôn phù ví chẳng mưu mình, thì sắc lệnh ngân tiền nào đợi nó

Gươm ngược cán còn đem xuống dưới, nghĩa lý nào trời đất còn dong

Lưới đứt giềng quân đuổi được quan, ấy sự ấy xưa nay cũng lạ

Vì phế lập muốn mình cho ích

Để khuynh nguy làm nước phải lo

Vả bấy nay thần nịnh chúa hôn, mở bình trị lòng trời hẳn muốn

Lại gặp hội binh kiêu dân oán (兵 驕 民 怨), sửa mối giềng tài cả phải ra

Chước vạn toàn đã tạc đá Hoành Sơn

Binh tức khắc giương buồm Bắc Hải

Qua sông Mạnh phất cờ Chu Võ, ra tay sử chính dẹp tà

Vào đất Quan thét ngựa Hán Hoàng, quyết chí lấy nhân đổi bạo

Sắp sửa vốn nguyên lòng thật

Giữ gìn phải ngỏ lời ngay

Chữ hướng minh phải mượn ai suy, thương sĩ nữ huyền hoàng là thế

Máy trợ thuận hẳn nhiều kẻ biết, …. nữa ta

Ai biết suy lẽ phải, quyết một lòng hạ chúng hề tô

Ta chẳng phụ dân lành, ắt hai chữ thu hào vô phạm

Thói bội phản chớ quen như trước

Chút thái bình còn để dài lâu

Nước triều đông ví chẳng thuận dòng, lại cự cưỡng rắp giơ tay chắn

Lửa cháy đá lỡ hòa lầm ngọc, dù hiền ngu khôn lọt lưới trời

Ân với uy ngỏ cáo lời hằng

Thuận hay nghịch mặc lòng ai quyết.

 

Nguyên bản chữ Nôm: Lấy từ Hoàng Lê Nhất Thống Chí do CHAN Hing-Ho (Trần Khánh Hạo 陳 慶 浩 ) soạn, EFEO Paris Taipei 1986, trang 135-136.

Nguồn:

1- http://www.viethoc.org/phorum/read.php?11,35091

2 – http://vip.book.sina.com.cn/book/chapter_41046_27039.html

3 – http://www.gz.xinhuanet.com/zfpd/2009-01/09/content_15411913.htm (sủng dân kiêu dân)

(có cái đoạn phân tích rất hiện đại:  五是反对宠民骄民。“以人为本”,不是无序管理,也不是放任自流,它是自主管理、法制管理,它要求凡是群众的合法权益都要依法保护,凡是不法行为都要依法制止。要亲民,爱民,但决不能宠民骄民。宠民骄民的恶果,必然导致社会的混乱和倒退。在社会发展中,凭借虚幻的理想和空洞的热情不仅不能成正果,且酿成苦果的教训比比皆是。这一点,我们务必切记。)

4 – "Kiêu dân chính sách": http://www.rfa.org/mandarin/pinglun/huping-07272009094742.html

(在《太子党纲领》中,作者提出:“我们党面临的一个重要问题,是从革命党向执政党的转变。苏联事变后,这一转变更加紧迫。”作者批评共产党“用群众中的民粹主义情绪来束缚党的手脚”,“几十年来形成的骄民政策,对群众只敢讲廉政和勤政,不敢讲严政”;作者认为,“苏联、东欧和中国的‘六四’事件的经验表明,政治反对派用以攻击共产党的武器,有时恰恰就是共产党尚未进行有效转变的一些革命理论”,“自由化分子最爱用的口号就是反腐败、反官倒,群众运动天然合理等……”。)